XÚC TIẾN ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC
CHO ĐHY PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN
Theo BollettinoRadio Gionale (Vatican) ngày 20/03/2012, án phong chân phước cho Đức hồng y Việt Nam Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình qua đời vào năm 2002 vì một căn bệnh ung thư, đang đi theo tiến trình như sau:
Một Ủy ban điều tra của giáo phận Rôma sau khi sang Pháp, Đức, Mỹ và Úc, sẽ tiếp tục có mặt tại Việt Nam từ ngày 23/3 đến ngày 9/4 năm 2012 để lắng nghe một số nhân chứng và thu thập thêm tài liệu. Theo hãng tin Eglises d’Asie, cuộc thăm viếng này sẽ được chia thành 4 chặng theo các giáo phận mà vị hồng y đã sống trong nhiều thời gian khác nhau.
Trước hết, từ ngày 24 đến 27 tháng 3 Ủy ban sẽ có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) nơi mà ĐHY vào độ 37 tuổi, được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám mục, một tuần trước khi Sài Gòn bị sụp đổ và chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sự chọn lựa này không làm hài lòng thể chế mới, cho nên họ đã trục xuất ngài ra khỏi Tổng giáo phận, bắt giam, rồi bỏ tù không xét xử trong suốt 13 năm, tức là cho tới năm 1988. Sau đó ngài bị quản thúc tại gia đến năm 1991 thì phải rời bỏ quê hương.
Sau tổng giáo phận Sài Gòn, Ủy ban điều tra sẽ tiếp tục làm việc trong giáo phận Nha Trang từ ngày 28 đến 31 tháng 3. Chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này, giáo phận đã thiết lập một ủy ban đặc biệt gồm nhiều thành viên tham dự. Đây là những người đã đích thân biết Đức Hồng y Thuận, vì ngài đã dẫn dắt giáo phận từ năm 1967 đến 1975, thời gian bi đát nhất của chiến tranh tại Việt Nam.
Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 4, phái đoàn sẽ đến Huế, một thành phố mà ĐHY đã sinh ra vào ngày 17/4/1928 trong một gia đình công giáo, và là nơi ngài đã được thụ phong linh mục năm 1953 trước khi đi du học Rôma. Ủy ban sẽ gặp mười nhân chứng và sẽ xem xét các tài liệu khác nhau về gia đình của ngài, về công việc của ngài khi ngài còn là Tổng Đại diện của Tổng giáo phận Huế. Trong số các nhân chứng đó có Đức TGM đương nhiệm Stêphanô Nguyễn Như Thể, người bạn thân của ngài. Cùng với Đức TGM cũng có 5 linh mục giáo phận được coi là con cái thiêng liêng của ngài, một linh mục già, vài nữ tu và 3 thành viên giáo dân của Tu hội đời “Hy vọng” do ngài thành lập.
Như vậy cuộc viếng thăm sẽ kết thúc tại Hà Nội từ ngày 5 đến 7 tháng 4, phái đoàn sẽ lắng nghe các chứng từ khác nữa của những người đã tiếp xúc với ĐHY Thuận trong những năm bị tù ngục tại thủ đô Việt Nam và 3 năm cuối bị quản thúc tại gia, trước khi ngài phải tha hương sang Rôma. Tại đây, trong năm 1998, chân phúc Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, và vào năm 2001 ngài được cất nhắc lên hàng hồng y.
Án phong chân phước của Đức Hồng y Thuận ở cấp giáo phận đã được khai mạc tại Rôma vào ngày 22 tháng 10 năm 2010.
Nt Maria Đinh Thị Sáng chuyển ngữ