Còn đó Tam Hiệp ngày xưa ấy!

0

Một buổi chiều nắng đổ, con đường đất đỏ dẫn lối tôi vào cổng Đa Minh Tam Hiệp.

Ngồi chờ trong phòng khách, tôi thoáng nhìn: 1 chiếc bàn vuông, 4 ghế dựa, phía sát tường kê 2 ghế dài. Tất cả đều bằng gỗ, đơn sơ, gọn nhẹ. Mái nhà tôn thấp đã rỉ sét, tường quét vôi xi măng trắng đã ngả màu, cũ kỹ… không có gì hấp dẫn.

Tôi đang chán nản vì nhớ nhà, bỗng Mẹ Emilia Nguyễn Thị Sê xuất hiện. Người nghiêm nghị, nhưng rất dịu hiền. Sau ít lời thăm hỏi, Mẹ dẫn tôi vào nhà Đệ tử trao cho Bà Giáo Antonina Nguyễn Thị Phượng. Từ đây, tôi bắt đầu một cuộc sống mới, nơi môi trường mới lạ hoàn toàn.

Photo

Nhà Đệ tử xưa

Nhà Đệ tử ở phía trái cổng vào Tu viện (Nhà khách hiện nay) là một dãy nhà tôn thấp, tường xây, nền láng xi măng – gồm 2 phòng ngủ chung cho Đệ tử; 1 phòng chị Giáo – Phía sau là khu vực vệ sinh.

Dãy nhà dài bên phải cổng phải tu viện – Đầu tiên là phòng khách – còn bao nhiêu là nhà dệt vải, máy dệt kêu điếc tai suốt ngày. Sau này, nghề dệt không phát triển, nếp nhà đó được sửa sang lại cho Đệ tử ở. Nối dài lên phía trên đến hết phần đất nhà tập là 4 phòng học – 1 phòng hội chung lớn – còn 3 lớp học; lớp 6, lớp 7 và lớp 8. Khi nhà Dòng mở trường cấp II ở Ký Túc Thánh Giuse Tân Mai, các phòng học này bị phá đi để trồng đủ loại rau.

Photo

Nhà Nguyện xưa

Nhà nguyện ở chính trung tâm Tu viện – đầu hướng về phía nhà tập – Gác chuông thấp – nhưng có 3 quả chuông tây vĩ đại. Ngày 3 lần vang lên inh ỏi khắp vùng.

Hai bên nguyện đường trồng hai dãy thông dài – được chị Bertha Nguyễn Thị Tròn (Hòa) chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận trông rất mỹ thuật. Mỗi mùa Giáng Sinh, những cây thông biến thành những cây Noel trắng tuyết, rực rỡ – do Đệ tử trang trí.

Cạnh 2 dãy  thông, xây 2 hồ sen dài. Nước ra vào trong vắt. Hoa sen đua nhau khoe sắc, ngày đêm ca tụng Thiên Chúa – Các chú cá bơi lội thảnh thơi dưới hồ rất vui mắt.

Hồ sen, rặng thông là thắng cảnh cho chúng tôi dạo chơi, cầu nguyện, suy tư, học bài và mơ mộng nữa…

Photo

Nhà Khấn xưa

Dãy nhà khấn lớn song song phía trái nguyện đường. Có hàng me rũ quả. Chúng tôi đã từng leo cây me, hái trái ăn ngon lành – và “kết nghĩa vườn me” nữa. Me đã khởi hứng cho chúng tôi đua nhau viết bài cho Ánh Sáng.

Vườn chanh phía sau nhà khấn chi chít trái. Những lần mưa đổ, trái rụng đầy gốc cây, chúng tôi lượm về, tha hồ uống nước chanh và gội đầu.

Khu nhà nguyện bây giờ chạy ngang ra sát, tường là vườn rau và ruộng muống xanh tốt – Chung quanh là 1 hàng dừa cao vút, ngày nào chúng tôi cũng dành một giờ lao công làm cỏ vườn, hay cắt rau muống khi đến phiên làm bếp…Vườn trồng đủ loại: đậu, khoai vùi, mía,v.v… do ông cố Hồng chủ vườn. Có lần mưa to gió lớn – Chúng tôi lẻn ra vườn mía, đạp đổ mía, xin cố Hồng cho chặt về ăn; vui vẻ cả làng… Rồi những chiều mây trắng ngang trời, chúng tôi mỗi đứa một gốc dừa nháp luận văn hay bay hồn vào cõi trời mơ mộng vô tận!

Photo

Nhà Tập xưa

Tập viện toạ lạc phía đầu nhà nguyện – có cổng kín tường cao – Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức và cảnh Núi Sọ. Mỗi tối thứ Sáu, các tập sinh và cả nhà viếng cảnh Núi Sọ. Tôi còn nhớ lời đọc trước Thánh Giá:

“Này là Chúa rất khoan thay
Treo trên Thánh Giá thế này vì con
Xin vì công nghiệp trọng này
Khi sống khi chết nhớ tôi tá Người”.


Và tối thứ 7 mọi người trong tu viện đến hang đá viếng Đức Mẹ Lộ Đức thật sốt sắng.

Hồi đó, có bạn Yểng được thả vào lồng son. Các tập sinh cho Yểng ăn ớt – và Yểng luôn miệng lên cung Sí:

– Kính mừng Maria đầy ơn phúc

– Con chào Cha

–  Ăn to nói lớn

Bạn Yểng nhiều lần phá vỡ bầu khí Tập viện – nhưng giúp vui cho Tập viện và giúp cho khách bàng quang đọc kinh Mân Côi kính Mẹ đấy…

Một con mương dài ngăn cách Tu viện và khu vực Thỉnh sinh đang ở bây giờ. Dưới cặp mắt bé tí của tôi lúc đó, nó là một vùng đất hoang mênh mông màu xanh cỏ lá – Ít ai lui tới, trừ người đi cắt cỏ cho thỏ ăn – nó không có một căn  nhà nào.

Bây giờ, tôi dẫn bạn trở ra cổng tu viện – băng qua con đường đất đỏ- Một vùng đất khá rộng – Một ngôi nhà dành cho Cha Tuyên Úy, tương đối đủ tiện nghi theo thời đó. Bên cạnh là dãy nhà nhỏ, dành cho Cố Hồng, ông Bạ và mấy người làm cho Nhà Dòng. Đằng sau dãy  nhà đó; có một ao rau muống lớn. Rau tốt ầm ầm.

Mỗi lần cắt rau, chúng tôi phải ngồi trên chiếc thuyền tôn nhỏ – và rất ý tứ – vì nếu lật thuyền, sẽ bị các chú đỉa thăm viếng da diết – dễ sợ lắm. Vậy mà đứa nào cũng muốn vào thuyền cắt rau và thú vị cười đùa ha hả …”. Hiện nay, toàn khu đất đó là trường Mẫu Giáo Măng Non.

Các bạn ơi, Tam Hiệp ngày đó chỉ có thế thôi – nhưng êm đềm ấm áp vô cùng.

Tuổi thơ của tôi ở Tam Hiệp đẹp biết mấy.

Tuổi ngọc của tôi ở Tam Hiệp hạnh phúc biết bao.

Tuổi thanh xuân của tôi ở Tam Hiệp sung sướng chừng nào.

Tôi không thể diễn tả hết được.

Tôi thương vùng đất lòng chảo này lắm. Sau này, khi lớn lên, đi học ở Sài Gòn – hàng tháng xe nhà đưa về tĩnh tâm – vừa xuống xe là tôi hớn hở chạy chung quanh  nhà – đếm từng gốc me, gốc dừa – đi vòng quanh các thứ vườn để thưởng thức cái hương vị miền quê thôn dã.

 Ngày nay, Tam Hiệp nguy nga đồ sộ – với nguyện đường trang trọng – với các ngôi nhà lầu sang quý, tiện nghi – với những công viên tuyệt vời – với đài Đức Mẹ dễ thương vv… Không còn gì của Tam Hiệp ngày xưa. Nhưng trong lòng tôi vẫn còn đó Tam Hiệp của thuở ban đầu, của đất cát vườn rau – vẫn còn đó dãy thông reo, hồ sen thắm, sân sỏi đỏ – vẫn còn đó tiếng hát ca của con Yểng nhỏ: “Lạy mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ đồng trinh”- Vẫn còn đó dáng dấp của những bậc tiền bối… Vì chính Tam Hiệp thủa ban đầu này đã là cái nôi lý tưởng, cái nôi vô cùng êm ái cho tôi, và cho bao nhiêu con người khác nữa đã và đang lớn lên, trưởng thành, để làm nhân chứng cho ơn gọi Đa Minh.

Xin tặng các bạn vài vần thơ con cóc con nhái từ trong trái tim của tôi:

Một thương Tam Hiệp hiền hoà,

Hai thương Tam Hiệp đậm đà quê hương.

Ba thương mái ấm tình thương,

Bốn thương phong cảnh vấn vương hữu tình.

Năm thương tiếng hát lời kinh,

Sáu thương núi Mẹ đồng trinh ngọt ngào.

Bảy thương Đền Thánh vút cao,

Tám thương chuông đổ dạt dào thiết tha.

Chín thương thuở ấy bao xa,

Mười thương thương mãi bao la ngập trời.

Sr. Maria Phạm Thị Sang, OP

 

Comments are closed.

phone-icon