Hỏi đáp về Hiến chế Tín Lý và Hiến chế về Phụng Vụ Thánh

0

23 CÂU HỎI ĐÁP VỀ HIẾN CHẾ TÍN LÝ (LUMEN GENTIUM)

1. H. Thánh Công Ðồng mong ước điều gì?

T. Thánh Công Ðồng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). (LG 1)

2. H. Giáo Hội được tiên báo, hình thành và kết thúc thế nào?

T.  Giáo Hội được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. (LG số 2)

3. H. Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã làm gì?

T. Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. (LG. số 2)

4. H. Sự khai nguyên và phát triển cách mầu nhiệm của Giáo Hội được biểu thị bằng gì?

T. Sự khai nguyên và phát triển cách mầu nhiệm của Giáo Hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x. Gio 19,34) và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên thập giá. (LG số 3)

5. H. Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống để làm gì?

T. Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và cho những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong một Thần Khí duy nhất (x. Eph 2,18). (LG số 4)

6. H. Giáo Hội phổ quát xuất hiện thế nào?

T. Giáo Hội phổ quát xuất hiện như “một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG. 4)

7. H. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự và cách mầu nhiệm với ai?

T. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự và cách mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển  (LG. 7)

8. H. Vì sao Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân?

T. Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân vì Giáo Hội ôm ấp những kẻ có tội trong lòng (LG. số8)

9. H. Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh để làm gì?

T. Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết. (LG. số8)

10. H. Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật khác nhau hay giống nhau?

T.  Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Vì cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. (LG số 10)

11. H. Cha mẹ phải sống trong gia đình thế nào?

T. Trong gia đình, cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục. (LG số 11)

12. H. Những ai được kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội?

T. Những người đã lãnh nhận Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Giáo Hội; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Giáo Hội và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Giáo Hoàng và các Giám Mục. (LG. số 14)

13. H. Nhân đức nào là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ?

T. Nhân đức là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ là Đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người. (LG số 33)

14. H. Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là gì?

T. Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. (LG số 33)

15. H. Nhờ đâu giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa?

T. Giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi (LG số 34).

16. Khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải làm gì?

T. Giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức. (LG số 36)

17. H. Các bậc cha mẹ Kitô giáo phải làm gì đối với con cái?

T.  Các bậc cha mẹ Kitô giáo phải lo cho con cái hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. (LG số 41)

18. H. Mỗi một tín hữu phải sẵn lòng thực hiện điều gì?

T. Mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức. (LG số 42)

19. H. Sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô có bị gián đoạn không ?

T. Sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián đoạn, trái lại, Giáo Hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng  (LG số 49)

20. H. Vì sao Đức Maria là mẹ của chúng ta?

T. Đức Maria là mẹ của chúng ta vì Mẹ đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Mẹ đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. (LG số 61)

21. H. Trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu nào?

T.  Trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian  (LG số 62)

22. H. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện nào?

T. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô (LG số 63)

23. Vì sao Đức Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính?

T. Đức Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô. (LG số 66)

16 CÂU HỎI ĐÁP HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH (Sacrosanctum Concilium)

Chương I: Nền tảng Thần học của Phụng vụ

1. Hỏi: Phụng vụ là gì?

Thưa: Phụng Vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người. (PV số 7).

 2. Hỏi: Bản tính của Phụng vụ là gì?

Thưa: Là công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa, được tiên báo trong Cựu Ước và hoàn tất nhờ mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta cảm nếm trước Phụng Vụ trên trời (PV số 5.8)

 3. Hỏi: Công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô được tiếp nối thế nào?

Thưa: Công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô được tiếp tục thực hiện và tồn tại mãi trong Giáo Hội nhờ phụng vụ. (PV số 6).

 4. Hỏi: Chúa Kitô hiện diện trong phụng vụ thế nào?

Thưa: Chúa Kitô hiện diện thực sự trong Hy Lễ, dưới hình Bánh Rượu, khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh (PV số 7).

 5. Hỏi: Phụng vụ quan trọng thế nào?

Thưa: Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội và ân sủng cho con người (PV số 10).

 6. Hỏi: Ta cần tham dự Phụng Vụ thế nào?

Thưa: Ta cần tham dự Phụng Vụ Thánh cách ý thức, thành kính, linh động và hữu hiệu bằng cách chuẩn bị tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa qua những lời tung hô, đối đáp và những cử chỉ, thái độ của ta. (PV số 11. 30).

 7. Hỏi: Thánh Kinh quan trọng thế nào trong Phụng Vụ.

Thưa: Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng trong Phụng Vụ vì những bài đọc, bài giảng, đáp ca và những lời kinh, lời nguyện đều xuất phát từ Thánh Kinh. (PV số 10).

 Chương II: Mầu Nhiệm Thánh Của Lễ Tạ Ơn

8. Hỏi: Thánh lễ gồm mấy phần?

Thưa: Thánh Lễ gồm hai phần: Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. (PV số 56).

 Chương III: Các Bí Tích Khác Và Các Á Bí Tích

9.  Hỏi: Các Bí Tích có mục đích nào?

Thưa: Các Bí Tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và là thờ phượng Thiên Chúa. (PV số 59).

10. Hỏi: Các Á Bí Tích là gì?

Thưa: Á Bí Tích là những dấu chỉ thánh phỏng theo những Bí Tích, nhờ đó biểu trưng và thông ban những hậu quả thiêng liêng nhờ sự bầu cử của Giáo Hội (PV số 60).

 11. Hỏi: Phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích mang lại những hiệu quả nào?

Thưa: Phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích thánh hóa mọi biến cố trong đời sống nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô (PV số 61).

 Chương IV: Kinh Nhật Tụng

12. Hỏi: Kinh nhật tụng có ý nghĩa nào?

Thưa: Kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, là nguồn đạo đức và của ăn cho kinh nguyện tư (PV số 90).

 Chương V: Năm Phụng Vụ

13. Hỏi: Ý nghĩa của chu kỳ năm phụng vụ là gì?

Thưa: Giáo Hội cử hành qua chu kỳ năm Phụng vụ để tưởng nhớ mầu nhiệm Mầu Nhiệm Cứu Chuộc (PV số 102).

 14. Hỏi: Mùa Chay có những đặc tính nào?

Thưa: Mùa Chay có hai đặc tính:

  • Một là việc sám hối
  • Hai là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. (PV số 109).

15. Hỏi: Việc giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh phải được thực hiện thế nào?

Thưa: Việc giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi đều phải giữ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (PV số 109).

 16. Hỏi: Những ngày lễ kính các Thánh nói lên điều gì?

Thưa: Những lễ kính các Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ Người và phô bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu bắt chước. (PV số 111).

 Sr. Thérèse Nguyễn Thị Phượng, OP và Maria Trần Thị Thê

Soạn theo: Công Đồng Vaticano II

Hiến Chế Phụng Vụ (Sacrosanctum Concilium)

và Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium)

 

 

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon