Hành trình tìm về “Nguồn Cội”

0

 “Sinh ký tử qui” nên  “một cõi đi về” bao hàm ý nghĩa cùng đích của kiếp nhân sinh và có thể rút ngắn bằng hai từ “Nguồn Cội”. Đó là cội nguồn của mọi khát vọng chờ mong, là nguồn cội mọi vật khởi phát và qui hồi. Từ đó câu hỏi đặt ra là làm sao con người có thể nắm bắt được Vĩnh Cửu hay bằng cách nào con người có thể gặp được Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày?  Đây là câu hỏi mà câu trả lời luôn là khắc khoải của những ai đang thao thức tìm kiếm Chân Lý. Và đây cũng là câu con hỏi chính mình khi  lên đường kiếm tìm và đáp trả trong hành trình tìm về “Nguồn Cội”.

1. Kinh nghiệm về sự rộng mở hướng về “Đấng Siêu Việt”.

  Câu hỏi “tại sao tôi đi tu?” là câu hỏi con luôn tự vấn trong suốt 12 năm theo ơn gọi tu trì.  Theo thần học gia Karl Rahner: “qua hoạt động tri thức và của tự do, con người tự siêu việt chính mình, tức là con người không dừng lại ở việc nhận biết một đối tượng nào đó hay là chỉ muốn thực hiện một hành động riêng biệt nào đó nhưng chủ thể tính ấy luôn hướng về chiều kích của một sự rộng mở vô biên. Trong đó, chân trời vô hạn của nhu cầu cái biết, muốn biết và muốn biết thêm nữa cùng ý muốn thực hiện hành động ấy trở thành khởi điểm cho việc con người đặt vấn đề và tìm kiếm ý nghĩa của chân trời hiện hữu của mình”. (Rahner, Foundations of Christian Faith, Nguyễn Hữu Quang dịch, tr 23.).

Con được sinh ra nơi mảnh đất B’Lao hương trà thơm ngát, trong một gia đình có hai người con. Gia đình con cũng giống như bao gia đình Công giáo khác: ngày ngày Ba Mẹ của con vất vả với cuộc sống mưu sinh, chiều chiều quây quần bên mâm cơm gia đình, tối tối cả gia đình họp mặt đọc kinh tối. Trong ánh nhìn trẻ thơ, con vẫn thường nghĩ đó là thế giới tuyệt vời của con. Con không cần điều gì khác nữa.

Rồi năm tháng trôi đi, con cảm thấy có gì bất ổn trong thế giới riêng của mình. Con nhận thấy tự sâu thẳm của lòng mình, có một khát vọng nào đó muốn vượt ra khỏi cuộc sống bình dị ấy. Con luôn khao khát tìm kiếm và không lấy làm thỏa mãn cuộc sống hiện tại của mình.  Đời người không lẽ chỉ là những mắt xích cát bụi – cưới vợ lấy chồng, nối tiếp nhau đến tận cùng hay sao.  Mặc dù Ba của con đã nói: lớn lên Ba thích con làm nghề thợ may, Ba dành cho con mảnh đất trước nhà để con tạo dựng sự nghiệp nhé. Rồi lúc con 15 tuổi, qua lớp ơn gọi của các Soeur Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, con hiểu chút xíu về một Thiên Chúa tình yêu, Ngài tự thông ban chính mình cho con người. Thiên Chúa mời gọi con hãy trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong đời sống tu trì. Qua các bài học giáo lý chuyên biệt ấy, con được thắp sáng ước mơ trở thành nữ tu.

Tưởng chừng như ơn gọi của con sẽ là một Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá nhưng lạ lùng thay hành trình đời con lại được dẫn đưa đến một khúc quanh mới. Đó là vào đầu năm lớp 12, con được Soeur Bề trên gọi vào cộng đoàn chung sống với các Dì. Thế nhưng chiều nào cũng vậy, con cứ canh giờ Ba Mẹ của con đi lễ là chạy ra ôm lấy Ba Mẹ khóc nức nở vì nhõng nhẽo và vì nhớ thương Ba Mẹ. Rồi sau khi đã khóc đã đời con lại ngoan ngoãn tạm biệt Ba Mẹ của con để trở lại Nhà Dòng. Cứ như vậy cho đến tháng thứ 3. Hôm ấy con cứ diễn theo “chương trình cũ” và đột nhiên Mẹ của con nói: Này con, con cứ khóc như vậy thì chắc chắn không tu được rồi. Thôi con về nhà với Mẹ đi”. Con chưa từng nghĩ là con sẽ về nhà lại nhưng lời của Mẹ con nói như là lối thoát cho con. Ngay hôm sau, Ba mẹ đón con về nhà và con an vị tại gia đình.

Đến khi con học xong lớp 12, bạn đồng môn của con trong lớp ơn gọi cũ nhắn lời của Soeur phụ trách hỏi con còn muốn đi tu nữa hay không. Lúc ấy con không muốn quay về Dòng cũ nữa nên thưa không muốn. Rồi Bà ngoại của con khuyên: “thôi không chịu đi dòng áo đen thì đi dòng áo trắng dưới Thánh Tâm này xem”. Vậy là con nghe lời Bà, rồi con được các Dì Đa Minh Tam Hiệp dẫn về Nhà Dòng ra mắt Dì Giám đốc Thỉnh viện và nhập khóa tuyển sinh vào ngày 17/7/2000. Ngày con nhận được giấy nhập tu cũng là ngày con nhận giấy trúng tuyển tại Đại học Đà Lạt nhưng con vẫn quyết định “trước hết là tu còn mọi sự khác Chúa sẽ ban cho”.

Đến ngày nhập tu, con được Dì Bề trên ra đón tại nhà khách của Hội Dòng. Ba của con trình bày với Dì về việc học của con thì Dì nói: Nhà Dòng không có cộng đoàn tại Đà Lạt. Nếu em theo học ở đó thì không thích hợp để nhập Thỉnh viện ở đây. Rồi Dì đưa ra 2 phương cách: Nếu em muốn theo học thì hàng tháng em về Nhà Dòng tĩnh tâm hoặc là em cứ nhập tu rồi đợi năm sau thi Đại học tại Sài Gòn cũng chưa muộn, sợ gì mất cơ hội”. Lúc ấy con chưa hiểu gì nhiều về ý nghĩa và giá trị đời tu nhưng vẫn quyết tâm từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu trong ơn gọi tu trì.

Những năm tháng ở Thỉnh viện, dù con không may mắn tiếp tục đường học vấn nhưng với con đó không phải là vấn đề. Con thật lòng đáp trả tình Chúa gọi con bằng tất cả sự tự do và lòng khao khát của chính mình: “Một tình yêu có tên là Giêsu, dẫn bước tôi bước theo Người. Một tình yêu có tên là Giêsu, dẫn bước tôi lên đồi cao. Bài tình ca có tên là Giêsu dẫn bước tôi lên thập tự. Bài tình ca có tên là Giêsu nói với tôi lời yêu thương. Và tôi sẽ mãi hát, hát bài tình ca Giêsu, hát bài tình ca thiên thu. Và tôi sẽ mãi hát, hát cho ngày mai, hát cho cuộc đời, hát về Giêsu.”

 Sau 4 năm Thỉnh sinh, con được Mẹ Hội Dòng gọi lên Tiền Tập. Đây là thời gian Thiên Chúa cho con tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt. Với 15 quân binh, Thiên Chúa như người chỉ huy tài ba xếp đặt cho chúng con từng bước một làm quen với công việc nương rẫy cũng như dần dần thâm nhập môi trường tông đồ tại Giáo xứ Thánh Tâm cũng như vùng truyền giáo K’Ho. Thời gian này cũng là cơ hội để chúng con được cọ sát với nhau để thấu hiểu và yêu nhau hơn để chuẩn bị chuyển giao sang binh đoàn mới.

Năm Nhà Tập con được quí Dì Giáo, quí Dì hướng dẫn xây ngôi nhà Ơn gọi với 4 cột trụ là đời sống cầu nguyện, học hành, đời sống cộng đoàn và sứ vụ. Đặc biệt, Dì trao tặng chúng con 3 bông hồng của đời dâng hiến và con ghi niệm trong lòng: Lời khấn khiết tịnh đòi con phải tiết dục hoàn toàn trong nếp sống độc thân vì Nước Trời, dâng cho Thiên Chúa một trái tim không chia sẻ. Lời khấn khó nghèo đòi con chấp nhận sống cuộc sống thiếu thốn, bấp bênh và chịu tổn thương như thân phận của người nghèo. Lời khấn vâng lời đòi con từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa, ý Bề trên và ý của những người khác cho đến khi con nói được như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Từ những điều được học biết, con ngày càng xác tín hơn vào ơn gọi của mình và hân hoan dâng hiến lễ đời mình qua lời tuyên khấn lần đầu. Như Tông huấn Đời sống thánh hiến số 65, mời gọi người tu sĩ đồng hóa dần dà với các thái độ của Đức Kitô đối với Chúa Cha thì con cũng tự đồng hóa giữa nhận thức và hành động của con để thực hiện quyết tâm: từ nay con luôn sống cho Đức Kitô, sống vì Đức Kitô, sống trong Đức Kitô, cùng với Đức Kitô phục vụ thế giới và tin rằng dù đời đổi thay nhưng lòng con không hề thay đổi.

2. Kinh nghiệm về sự hữu hạn của bản thân và ơn phục hồi.

Thế nhưng, cuộc đời luôn có sự bất ngờ của nó. Trong những năm học Thần học, con bay bổng trong khung trời kiến thức của Thần học. Quí Giáo sư cho con cơ hội được cỡi ngựa xem qua các công trình của nền triết và thần học Kinh viện qua nhiều môn : luận lý, siêu hình, thượng đế, nhân học triết học, nhân học thần học…làm quen với các triết gia  và thần học gia hiện sinh nổi tiếng như Jean Paul Sarch, Karl Rahner, Bernard Lonergan…con cảm thấy rất thích thú về những khám phá mới này cùng tự hào về những tri thức mà con thủ đắc được. Thấm nhiễm học thuyết Aristote con say mê lý luận về cuộc đời, về nhân sinh, về cuộc sống sau khi chết, về vĩnh cữu…và vô tình con có thói quen thích lý luận với Thiên Chúa hơn là quì gối cầu nguyện. Dần dà con không chú ý nuôi dưỡng đời sống tương giao với Thiên Chúa một cách sâu đậm và bền chặt nữa. Và một khi tách rời khỏi tương quan với Thiên Chúa thì hệ lụy là vương tội lỗi và bị giáng phạt.

Sau biến cố này, con mới ngộ ra sự yếu đuối mỏng dòn của mình và cả sự mong manh của lời tuyên bố trung thành của con khi tuyên khấn lần đầu. Nhìn lại bản thân khi khấn dòng, trong mắt của nhiều người con đã trưởng thành nhưng chính con không lường trước được mình mang thân phận của một bình sành dễ vỡ tan từng mảnh.  Con đã tưởng con luôn đứng vững và trung thành với giao ước nhưng như kinh nghiệm của Thánh Phêrô: “satan đã sàng con như sàng gạo” kết quả là con đã quị ngã. Con tự hối: mình là một trong hàng tỷ tỷ thụ tạo được mời tham dự vào chương trình huấn luyện để lấy lại hình ảnh thánh thiện của bản thể Thiên Chúa. Ấy thế mà khi Thiên Chúa giao cho con canh tác bản thân mình để con được phát triển toàn diện trong ân sủng thánh hiến thì con đã làm lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa nơi con. Quả là, mỗi khi té ngã ta mới biết mình yếu đuối biết chừng nào.

Tất cả những gì con làm lúc đó là cầu nguyện để xin Thiên Chúa dùng lửa hồng thanh tẩy con. Con xin Chúa vẽ lại đời con bằng con đường thẳng mà con đã tự bẻ gãy. Con nhớ lại lịch sử của dân tộc Do Thái là lịch sử của sự bội ước với Giavê Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn nhân từ tha thứ, vẫn là “Thiên Chúa giàu nhân nghĩa, chậm bất bình và đầy lòng khoan dung”. Tội lỗi của con không là vấn nạn cho Thiên Chúa. Ngài dùng nó để thức tỉnh tâm hồn đã chết của con, giúp con “tìm lại tình yêu thuở ban đầu”. Ngài kiến tạo một vẻ đẹp mới di chuyển từ tình yêu của Ngài vào con.

Nơi vực sâu, con đọc lại Tông huấn Đời sống Thánh hiến, trong đó Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở: “phải biết đặt đời sống thiêng liêng -đời sống gắn bó với Thiên Chúa lên hàng đầu. Và theo mục đích đời tu thì xuyên suốt cuộc đời người tu sĩ phải chuyên biệt kiếm tìm Đức Kitô và trọn tình yêu mến Người, Đấng mà người tu sĩ đã tự nguyện bỏ tất cả những gì thuôc về mình để bước theo, để tôn thờ và phụng sự một mình Người.

Thiên Chúa ở ngay trong vực thẳm của đời con để rồi nơi lịch sử đời con, chính Chúa lại “quặn đau sinh con ra một lần nữa cho đến khi hình ảnh của Chúa thành hình nơi con”. Bằng tình thương, Thiên Chúa qua Mẹ Hội Dòng cho con vào con đường sống, để tiếp tục bao bọc con, huấn luyện con trong nẻo đường sứ vụ. Ba năm giúp xứ là ba năm con cảm sâu hơn tình thương yêu ấp ủ của Chúa trên con. Bản thân người con cảm thấy mình rất yếu đuối và khiếm khuyết nhưng vì là người được sai đi nên con mau mắn lên đường.

Năm đầu tiên con thực tập tại Tu viện Truyền Tin. Một lần nữa, con được trở về với khung trời quen thuộc của Hội Dòng. Trở về để tìm bầu khí linh thánh, nơi bắt đầu ơn gọi của con. Từng bức tường, từng bờ đá, từng bụi cây khóm cỏ vẫn còn lưu dấu tích của một em Thỉnh sinh, một em Nhà tập năm xưa. Tiếng chuông ngân vang mỗi giờ đồng hồ cho hồn con thắm nồng lòng yêu mến Chúa. Rồi những giờ kinh đều đặn nơi Tu viện cho con được chung tiếng tôn thờ Thiên Chúa cùng cộng đoàn những người Chúa chọn trong Hội Thánh Người.

Nơi đây, con được bề trên trao công tác quản lý của trường Măng Non. Công tác này bước đầu cũng có những khó khăn từ việc coi sóc nhà bếp, làm việc với các cô cấp dưỡng, làm quen với việc chợ búa…một việc không phải là sở trường của con. Tuy nhiên con đã nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của quý Dì trong Ban Giám hiệu, và cùng với ơn Chúa giúp, con đã hết sức cố gắng để có thể hoàn thành công tác nhỏ bé của mình một cách tốt nhất.

Năm thứ hai của đời sứ vụ, con được Mẹ Hội Dòng cho đến thực tập tại Tu xá Thánh Giuse Lao Động. Nơi đây con cảm thấy ấm áp tình gia đình với “hai người mẹ lớn” trong nhà.  Trong năm này, công việc của con là được phụ với Dì Bề trên canh tác vườn rau. Qua nhiều ngày học việc, con đã có thể thuộc qui cách của nhà nông. Trông con rất giống người nhà nông thực thụ với áo nâu quần đen kết hợp đôi ủng cùng nón lá truyền thống. Rau trồng trong vườn nhà vừa xanh, vừa sạch cung cấp cho tu xá cùng hai lớp mẫu giáo mà vẫn còn dư … Bên cạnh học nghề trong công ăn việc làm, con còn học được mẫu gương về lòng yêu mến Hội Dòng, hết mình vì Hội Dòng của các Dì cao niên trong cộng đoàn.

Năm thứ ba, Mẹ Hội Dòng sai con đến phục vụ tại Tu xá Mân Côi II. Tại đây con hưởng kiến được mẫu gương khác về một đời sống gắn bó với Đức Kitô và lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, được thể hiện qua đời sống của Bề trên cộng đoàn. Trong các buổi họp cộng đoàn bàn về đời sống tinh thần tu trì, Dì luôn nhắc nhở chị em trong cộng đoàn phải đặt đời sống thiêng liêng lên hàng đầu trong mọi hoạt động sứ vụ. Dì thường nói: “một tu sĩ mà không có đời sống thiêng liêng thì không xứng danh là tu sĩ”.  Bên cạnh điểm nổi bật về đời sống thiêng liêng, Dì Maria còn tỏ ra là người đóng góp tích cực cho việc đào tạo ơn gọi; cụ thể, ba tháng một lần, Dì gặp gỡ các chị em trong giai đoạn đào tạo và cả giai đoạn thường huấn để thăm hỏi và nhất là đồng hành với chị em trong đời sống thiêng liêng cùng sứ vụ. Nếu Cha nguyên Bề trên Tổng quyền Timôthy Radcliffe trong các buổi gặp gỡ anh em trong Dòng luôn hỏi: “đời tu của anh em có hạnh phúc không?” thì câu hỏi của Dì trong định kỳ ba tháng gặp gỡ con luôn là: “điều gì cản trở em hưởng niềm hạnh phúc trong đời tu”.

Nhờ các cuộc đối thoại chân tình này, con thấy mình vững tâm hơn trong ơn gọi và biết bám thật chặt vào đá tảng là Đức Kitô. Cũng từ đây con hết lòng sùng kính lòng thương xót Chúa và làm tuần cửu nhật nối dài với ơn xin cho con bền đỗ trong ơn gọi. Con tạ ơn Chúa đã cho con sống tại Tu xá này để cách gián tiếp Chúa dạy con về một đời sống tu trì đích thực cần luôn gắn kết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa dạy con tái khám phá khuôn mặt của Đấng Tình Quân của mình hàng ngày nơi Thánh Lễ, các Bí tích, các giờ kinh phụng vụ để rồi những khó khăn trong sứ vụ cũng như những xung đột trong đời sống cộng đoàn nếu có cũng để con học tháp nhập đời mình vào thập giá Đức Kitô – đúng theo tiêu chí ơn gọi “Sequela Christi”-theo sát Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Chiêm ngắm Đức Kitô, con khám phá vẻ đẹp ẩn giấu của Thiên Chúa mà theo Thánh Augustinô trong cuốn Trình bày Sách các Thánh vịnh 44,3 diễn tả: “Thiên Chúa, Ngôi Lời của Chúa xinh đẹp, Người xinh đẹp ở trên trời, xinh đẹp ở dưới thế; xinh đẹp trong lòng mẹ; xinh đẹp trong vòng tay cha mẹ, trong các phép lạ, trong các đau khổ của Người; khi mời gọi người ta đến sự sống; xinh đẹp khi không lo lắng về cái chết, khi trao ban sự sống mình và khi lấy lại sự sống ấy; Người xinh đẹp trên Thập giá, trong ngôi mộ, trên thiên đàng. Hãy lắng nghe bài ca với sự hiểu biết, và đừng để cho sự yếu đuối xác thịt làm cho mắt bạn thờ ơ với vẻ đẹp lộng lẫy của Người”.

Quả là mọi biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu đều được thánh hiến và nơi cuộc đời của con người cũng được hiến thánh. Do vậy, đời sống cộng đoàn là nơi hội ngộ của những con người đang vươn đến sự thánh thiện. Mọi thành viên đều sống bằng Lương Thực Thần Thiêng của Lời Chúa và Thánh Thể và mọi người đều được mời gọi “hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Sự thánh thiện trong gia đình Thiên Chúa tuôn trào vào đời sống cộng đoàn tu trì và nơi suối nguồn này, con được mời gọi ra đi loan rao Tin Mừng. Vậy là không phải ngẫu nhiên mà trong những năm thực tập tông đồ của con, con đều được trao công tác phụ trách sứ vụ cộng đoàn. Con có nhiều cơ hội để đến với những người nghèo khổ, già cả, người neo đơn. Đi để thấy, để cảm thông, để yêu thương, để xoa dịu, để cầu nguyện…và để được thúc bách tiếp tục lên đường.

 

Thay lời kết,

Giờ đây sau khi nhìn lại, con dâng lời cám ơn Chúa về chặng đường đã qua như tâm tình của Thánh Phaolô: “tôi quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl3,13). Con cám ơn Chúa đã ban cho con ơn gọi tu trì và từng bước dẫn con khám phá hình ảnh chân thật của Thiên Chúa, cho con nhận biết Đức Kitô – Đấng là Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người và là Đấng lấp đầy mọi khát vọng nhân sinh.  Tìm về Thiên Chúa, con cũng tìm về với chính mình để nhận ra thân phận thụ tạo của mình là đối tượng cần được Chúa cứu độ. Con hiểu rằng Chúa “không phải là Đấng vừa là Có vừa là Không; nhưng nơi Chúa luôn luôn là Có. Vì tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là Có nơi Người”(2Cr 1,19tt). Chúa đã lên tiếng gọi con và dạy con bằng một phương pháp mà theo tác giả Roman William thì đó là “một phương pháp rèn luyện làm cho con không còn ỷ mình là cái rốn cố định của một vũ trụ nhỏ bé, đồng thời cho phép con không ngừng tìm kiếm và đánh mất rồi tìm lại được chính mình trong những hình thái đan quyện vào nhau của một thế giới mà con không làm ra cũng chẳng kiểm soát được” (Roman Williams, Open for Judgement, tr 120).

Con cám ơn Mẹ Hội Dòng đã đón nhận con vào Hội Dòng, cho con tiếp bước với các Mẹ, các chị đi trước trong hành trình làm chứng nhân cho Lời Sự Sống, Lời Tình Yêu, Lời Cứu Độ…Con xin tri ân quí Dì Bề trên Tổng quyền, quí Dì trong Ban Tổng Cố Vấn, quí Dì giáo, quí Dì đã dạy dỗ, khuyên bảo và huấn luyện con trong ơn goi tu trì suốt hành trình 12 năm qua. Con cám ơn các chị, các em đã đồng hành cùng con trong lý tưởng ơn gọi và chung chia niềm vui đời dâng hiến.

Con cám ơn Ông Bà, Cha Mẹ, họ hàng nội ngoại và những người thân quen xa gần đã cầu nguyện và giúp đỡ con trong ơn gọi này. Xin Thiên Chúa trả công cho tất cả mọi người.

Sau cùng, con xin nói lời tạ lỗi với gia đình Hội Dòng vì con đã nhận nhiều tình thương của Hội Dòng nhưng vì lý do này hay lý do khác con chưa báo đáp cho cân xứng và con chưa sống xứng đáng là một nữ tu thánh thiện như Chúa và Hội Dòng chờ mong.

Sr. Têrêsa TNHP

Comments are closed.

phone-icon