PHẦN II: KINH NGHIỆM SỐNG ĐỘC THÂN
10. Ta sẽ kết hôn với ngươi trong đức tin
Tình yêu với Thiên Chúa và tình yêu với con người, cả hai đều tạo ra trong tâm hồn ta một xúc động giống nhau: các cảm quan của ta sẽ rung động khi được tình yêu Thiên Chúa động đến cũng như khi được tình yêu con người chạm đến tận nơi sâu xa. Hai tình yêu ấy đều được chơi trên cùng một cây đàn. Nhưng trong trường hợp của tình yêu, độ rung của cây đàn ấy có cái gì đặc biệt, khiến ta biết được nó xuất phát từ một nơi rất xa, vì thế nó rung từ xa nên nó cũng sâu sắc thâm trầm hơn.
Đứng trước tình yêu con người mà nghe tiếng Chúa gọi, xác suất để ta đáp lại bên nào nhiều khi tương đương với nhau, nhưng cũng có thể chênh lệch nhau. Người ta nắm chắc về Tình yêu Thiên Chúa đến nỗi không có sự chắc chắn nào của con người mạnh hơn được.
Dù kinh nghiệm khiến ta chọn độc thân thế nào đi nữa. Kinh nghiệm đó luôn luôn là một kinh nghiệm có trong đức tin. Ngay cả khi Thiên Chúa cho ta nếm được tinh yêu của Người khiến tâm hồn ta được bay bổng ra khỏi con người mình, sự kết hợp của ta sau đó vẫn chỉ diễn ra trong đức tin. Tự bản chất sự đáp trả của ta là một hành vi đức tin, ta khám phá, đón nhận và sống tình yêu ấy trong đức tin.
Nhiều người hiến dâng cho Thiên Chúa trong sự độc thân mà không suy nghĩ tới vấn đề tình yêu. Họ hiến dâng như thế chỉ vì họ tin rằng Thiên Chúa đã gọi họ, chỉ vì Giáo hội của Thiên Chúa đang cần các linh mục, các nam nữ tu sĩ, chỉ vì phải có những nhà truyền giáo và vì nhiều lý do khác nữa. Họ tin vào tiếng gọi ấy và đáp trả lại trong đức tin. Vì Nước Trời, họ đã hy sinh niềm vui của người chồng có vợ, của người vợ có chồng, và có con cái để yêu thương. Vì Thiên Chúa và để phục vụ người khác, họ đã chấp nhận những luật lệ do Giáo hội ban hành. Người ta đang tuyển những người làm việc cho đồn điền nho, và thế là họ tới đăng ký, không phải chỉ có riêng mình họ, và còn gì vui sướng hơn là được làm chung với nhau trong vườn nho của Chúa. Người ta đào xới, cắt tỉa, vun tưới. Rồi đến tháng 10 đẹp trời, họ đi hái nho. Chiều về họ ép nho và say lên vì mùi nước nho chảy ra từ máy ép. Tuy nhiên tất cả niềm vui này chỉ có ý nghĩa khi được sống trong đức tin.
Những người nam người nữ như họ đã gặp Đức Kitô. Họ đã gặp Người như một người bạn, như một ngôn sứ, như một bậc thầy. Và vì thế họ đáp lại tiếng gọi của Người. Có những người đáp lại vì sợ hãi trước tội lỗi của họ, trước những cạm bẫy của thế giới, sợ bị ô nhiễm vì tiếp xúc với xác thịt… Họ đang đứng đó, được gọi từ mọi giai cấp và hoàn cảnh khác nhau. Y hệt như thời Đức Giêsu, họ rời bỏ thuyền bè, quầy tiền, cửa tiệm, thậm chí phải bỏ cả hè phố quen thuộc của mình. Họ đã đi theo Đức Giêsu chỉ vì Người, chỉ vì có nhiều việc để làm, và luôn luôn theo Người trong đức tin. Bởi vì họ tin vào Người chứ không thấy Người sờ sờ như một con người. Họ yêu Người dù không gặp Người như khi gặp một người bạn.
Chúng ta cũng biết rằng ngay từ bây giờ chúng ta đã được thưởng công rồi. Một ngày nọ Phêrô thưa với Đức Giêsu: “Này, anh em chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy”. Và Người tuyên bố: “Quả thật, Tôi nói cho anh em biết, không ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng vườn vì tôi và vì Tin mừng, mà không nhận được gấp trăm lần ngay từ bây giờ, ngay trong thời gian hiện tại này, gấp trăm lần về nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái và ruộng vườn, cùng với những sự bách hại, và trong thời gian sẽ đến, còn nhận được sự sống đời đời nữa” (Mc 10,28-30). Bản văn của Máccô và Mátthêu không nhắc tới người vợ vì hiểu người vợ chung trong chữ ‘nhà cửa’. Còn Luca, tuy kể vắn tắt hơn, nhưng lại đề cập đến người vợ một cách rõ ràng. Chúa Giêsu hứa cho họ gấp trăm ngay từ hạ giới này và Người không thiếu ý nhị thêm vào phần thưởng đó ‘những sự bách hại’. Tất cả trong đức tin.
Ở đây chúng ta đã được Đức Giêsu cho thấy ý nghĩa đích thực của việc độc thân vì Đức Kitô và vì Nước Trời. Môn đệ không thể đòi được đối xử khác với Thầy mình. Lời yêu cầu cuối cùng của một người tận hiến cho Chúa sẽ là: “Xin ban cho con Tình yêu của Ngài và thế là đủ rồi’. Đó không phải là câu nói đóng dấu cho tình yêu giữa hai vợ chồng sao? Sau khi hiến dâng là kết hợp. Thế nhưng, ngay cả tình yêu duy nhất mà chúng ta mong muốn ấy, chúng ta cũng chỉ có được trong đức tin. Những người trải qua tình yêu vợ chồng có thể thương tiếc cho chúng ta vì nghĩ rằng chúng ta không biết yêu là gì. Những người đó hãy yên tâm đi. Vì tình yêu Thiên Chúa được nhận ra trong đức tin, dù chỉ là một đức tin tăm tối, cũng chắc chắn, gần gũi, êm dịu, mãnh liệt, làm an tâm và làm say mê chúng ta không kém chi tình yêu nhân loại. Trong đức tin ấy chúng ta đã nghiệm thấy một sự chắc chắn mà không kinh nghiệm nào có thể cống hiến được. Đó chính là ý nghĩa của câu nói trong Thánh Kinh: “Ta đã kết hôn với ngươi trong đức tin”.
11. Biết yêu là gì
Những người trọn đời sống độc thân phải biết thế nào là yêu và được yêu. Đã có dịp cảm nếm tình yêu của cha mẹ và đáp lại, đã yêu thương anh chị em trong gia đình đã yêu thương người nào đó thật sự, tất cả đều đúng là tình yêu. Có những người bạn thân, biết lo sợ cho họ mỗi khi họ phải qua thử thách, đó chính là tình yêu. Nếu đã biết những dạng tình yêu hay tình bạn sâu xa ấy, ta cũng dễ cảm nhận sự tỏ mình của Thiên Chúa dễ dàng hơn. Thiên Chúa có thể giơ tay đụng đến tâm hồn ta như Người đã đưa tay thông ban sự sống cho con người đầu tiên. Những người tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống độc thân không cần phải nếm cảm tình yêu đối với một người khác phái một cách sâu xa, nhưng họ nên biết qua những cảm xúc đầu tiên của thứ tình yêu ấy.
Có những thanh niên thiếu nữ coi Thiên Chúa là người bạn lớn của mình. Đối với một số người thì đó chỉ là mối tình vụn vặt của trẻ con, nhưng nhiều người lại dám cho rằng ngay từ đầu họ đã dâng cho Chúa con tim của mình và không bao giờ lấy lại nữa. Đức Giêsu đã cùng lớn lên với họ như một người bạn thân hay như một vị hôn phu đã hứa hôn. Rồi một ngày nào đó hai bên nhìn vào mắt nhau, như đôi tình nhân và thế là một khế ước được ký kết vĩnh viễn. Đó là những sự thật không được phép quên. Trẻ em thường có cái nhìn sáng tỏ hơn người lớn, và Tin Mừng gần gũi họ ngay trong bản chất nội tại của Tin Mừng. Tình yêu cao cả ấy có thể đã bắt đầu rất sớm như một mầm sống được gieo vào tâm hồn vậy. Sau đó Đức Kitô tự mạc khải về mình theo mức độ của tuổi mới lớn, rồi tuổi thanh niên. Thường thường, chính những người trẻ không được ai yêu thương lại dễ thấy Đức Kitô đúng là người bạn thật của mình. Trong trường hợp này, chỉ có Đức Kitô khơi dậy tình yêu cho đứa trẻ, thúc đẩy nó hướng tới một tình yêu vượt qua mọi tình yêu.
Tình yêu này có thể tan biến mất vào tuổi dậy thì, nghĩa là khi đứa trẻ ý thức những tiềm năng của một tình yêu khác, nhưng cũng có thể sau một thời gian lặn mất đi như vậy tình yêu ấy lại xuất hiện mãnh liệt hơn, đứa trẻ khám phá ra một chiều kích tình cảm mới của tình yêu ấy. Nếu đã có dịp trải qua những nỗi xúc động dạt dào khi yêu và khi được yêu, có thể anh thanh niên hay cô thiếu nữ đó sẽ cảm thấy một sự xâu xé kinh khủng trong tâm hồn mình khi nghe tiếng Chúa gọi.
Quan hệ của ta với Đức Kitô không phải là một cái gì trừu tượng. Tình yêu của ta với Người cũng phát triển như mọi tình yêu khác, một sợi dây thiêng liêng trói buộc ta với Đức Ki tô dần dần thành hình, tới mức ta nghiệm thấy quan hệ ấy chỉ có thể triển nở được trong đời sống độc thân, Đức Kitô tỏ mình trong Tin Mừng, Người nói và sống dưới mắt của những kẻ Người muốn lôi kéo vào để yêu thương. Tình yêu này có khi giống như một sự cảm phục vô hạn. Đôi lúc lại giống như một tiếng sét đánh vào con tim minh. Đấy không phải là chỗ để ta giải thích những kinh nghiệm ấy. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng các ơn gọi để sống yêu thương trong đời sống độc thân thường thường – tôi không nói luôn luôn – bắt nguồn từ những kinh nghiệm đại loại như thế.
Nếu vì lý do này hay lý do khác cuối cùng chàng thanh niên hay cô thiếu nữ đi tới hôn nhân, thì ít ra cuộc hôn nhân của họ cũng được biến đổi, bởi vì không thể đã đụng chạm đến tình yêu Thiên Chúa tới mức độ đó mà tình yêu nhân loại tự nhiên của mình không được rọi sáng lên. Kinh nghiệm yêu thương Thiên Chúa không làm cho họ trở nên quá nghiêm trang đạo mạo hay nhút nhát rụt rè, nhưng trái lại là khác. Chỉ có nhờ kinh nghiệm yêu thương Thiên Chúa ấy mà tất cả những gì tình yêu nhân loại thực hiện trong thân xác được trở nên trong suốt hoàn toàn.
Có một kinh nghiệm không dính liền với khuôn mặt của Đức Giêsu trong Tin Mừng rõ rệt lắm. Đó là kinh nghiệm tình yêu của một Thiên Chúa đã ôm ấp, đi sâu và rót đầy vào con người ta khi thông ban sự sống cho ta. Nếu đi xuống sâu nơi con người mình, ta có thể bắt gặp được chính hành vi trao ban sự sống cũng như chính tình yêu của cha mẹ mình. Nhưng nếu đi xuống sâu hơn nữa, tới cội nguồn hữu thể, ta sẽ gặp Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ta vì yêu thương. Chúng ta sẽ gặp Tình yêu, một tình yêu mà có lẽ ta chỉ có thể đáp lại bằng cách khước từ hôn nhân thôi.
Tình yêu vô biên của Thiên Chúa ấy, ta có thể bắt gặp được trong mọi tạo vật. Khi khám phá ra tình yêu ấy, ta như say sưa và lặn ngụp trong sự sống đang làm cho mọi sự hoạt động và làm ta phải câm Ỉặng sững sờ. Nhưng cũng có khi chính Thiên Chúa đích thân, chứ không phải tạo vật do Ngài tạo ra, làm ta do dự phân vân khi phải đối diện với Người. Những lúc đó, thay vì múc lấy sự sống ở những con sông ngoài đồng, ta múc được ở chính đầu nguồn, như nhà khổ hạnh Ấn Độ đi ngược lên tận nguồn sông Hằng… Chúng ta có thể uống tận nguồn suối thần linh ấy với một người đồng hành nào đó, nhưng thường thường kẻ đã nhận ra tiếng gọi của Cội Nguồn chỉ có thể leo tới nguồn một mình. Ai có thể đi theo người ấy, một khi người ấy đến độ để ngụp lặn trong nguồn tình yêu đã sáng tạo và nuôi sống họ?
Về sau, khi đã được nguồn sống tẩy sạch và làm sống dậy hẳn, người ấy mới chỉ cho người khác thấy con đường ấy. Trong sự cô tịch một mình người ấy mời gọi các bạn hữu hãy cùng ngụp lặn với mình trong Tình yêu Cội Nguồn của mọi tình yêu ‘Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, con không còn lời nào để ca tụng Ngài nữa. Ngài đã làm cho con phải ngậm miệng lặng tiếng, con không còn ai để thổ lộ nữa. Ngài đã kéo con đi quá xa đến nỗi con không dám mời ai theo. Con sẽ đi một mình, một mình và một mình thôi… Nhưng con biết rằng sự cô tịch của con sẽ rất trọn vẹn, con sẽ gặp thấy mọi người nơi con, để cùng uống với con tận nguồn cội của mọi tình yêu.
12. Biết sánh Người với ai đây
Người ta chỉ có thể yêu những gì tốt, chân thật. Các nhà thần học bảo rằng nơi Thiên Chúa hội đủ tất cả những thứ đó, tuy nhiên quý vị ấy trình bày những điều đó bằng những từ uyên bác quá nên không ai có thể theo kịp… Có điều chúng ta biết rằng Thiên Chúa lôi cuốn những ai đã được Người tỏ mình. Gương mặt của những người đã thấy Chúa thật rực rỡ. Nói Thiên Chúa đẹp hơn chưa đủ, mà phải nói rằng Người gợi dậy tình yêu nơi ta. Nếu không, Người chẳng thể lôi cuốn chúng ta và chúng ta không thể yêu mến Người! Sẽ không có ai chọn Người thay cho các tạo vật đâu!
Theo tôi, không ai giải thích tại sao mình yêu Thiên Chúa hay hơn thánh Augustinô, một người say mê cái đẹp. Ngài đã khám phá ra Thiên Chúa sau một chặng đường rất dài mà ngài đã kể lại trong cuốn ‘Tự thú” “Confession” của ngài. Tuy nhiên chính trong cuốn ‘Độc thoại’ “Soliloques” ghi lại những lời ngài nói với chính mình – ta mới biết được ngài yêu cái gì khi yêu Chúa. ‘Con yêu gì khi yêu Chúa? Không phải yêu vẻ đẹp của thân xác, không phải vẻ duyên dáng mau tàn của chúng, không phải ánh sáng rực rỡ trước mắt, những khúc nhạc êm dịu, những bài ca đủ sắc giọng, mùi thơm dịu dàng của các loài hoa, hương thơm của phấn son, cũng không phải bánh ăn hay mật ong, không phải những tay chân để thân xác quấn quít nhau. Không, khi yêu Chúa, con không yêu những thứ đó. Nhưng khi yêu Chúa con yêu chính ánh sáng, giọng nói, hương thơm, lương thực, sự quân quít. Ánh sáng, giọng nói, hương thơm, lương thực, sự quấn quít của con Người nội tâm ấy đang ở trong con, ở ngay nơi rực lên một ánh sáng không có một không gian nào chặn lại được, ở ngay nơi đang vọng lên những khúc nhạc không có thời gian nào đẩy vào dĩ vãng được, ở ngay nơi tỏa ra những hương thơm không bao giờ tan biến trước gió, ở nơi ta đang nếm được một thứ lương thực mà có sẵn nhiều đến đâu cũng không hết và ở nơi có những vòng tay quấn quít không bao giờ thỏa mãn là đã ôm trọn. Khi con yêu Chúa là con yêu như thế đó’ (Soliloques, XXXI, 1.2.3).
Thánh Augustinô ý thức rõ mình không thể yêu gì ngoài vẻ đẹp, một vẻ đẹp có thể động vào chính nơi thâm sâu nhất của ngài. Dù khác chúng ta thế nào đi nữa, Thiên Chúa cũng chỉ có thể lôi cuốn chúng ta bằng cách động đến chúng ta như mọi tình yêu khác, ngay chính đáy lòng ta, một sự đụng chạm khiến ta phải giật mình. Nhưng hơn mọi sự đụng chạm khác, Người động đến ta sâu xa đến nỗi ta cảm thấy đó đúng là sự đụng chạm của Thiên Chúa.
Khi hai người yêu nhau thực sự, họ biết nhau, thấy nhau và cảm thấy người này như ở trong người kia đến nỗi không cần kết hợp trong thân xác nữa. Càng đi sâu vào đáy lòng mình, tôi càng thấy sự hiện diện của người kia, và trong con người đó, đang ở trong tôi, tôi tìm thấy chính mình và trong cái tôi mới mẻ này tôi cũng thấy người kia hiện diện một cách thân thiết hơn. Tình trạng ấy cứ kéo dài như thế bao lâu hai người đó còn có thể tìm thấy nhau khi mỗi người đi sâu vào đáy ý thức của mình… Nhưng có một lúc nào đó cả hai sẽ buông, không tìm nhau nữa mà chỉ ngậm miệng đứng nhìn mầu nhiệm vô biên của hai người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa… đi vào những không gian nội tâm còn bao la và sâu xa nhiều hơn nữa. Biết lấy gì để sánh với tình yêu ấy? Tình yêu Chúa chỉ có thể sánh với chính Thiên Chúa. Tuy vậy trong tình yêu nhân loại cũng có một hình ảnh rất tuyệt diễn tả phần nào tình yêu ấy.
Trước khi biết yêu thương một người khác phái, chàng thanh niên hay cô thiếu nữ có thể đã kinh nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đến mức độ quyết liệt như thế đấy. Và sau này khám phá ra một tình yêu nhân loại nào đó họ vẫn có thể cảm thấy rung động thật sâu xa. Nhưng nếu kinh nghiệm đầu tiên của họ đúng như tôi vừa mô tả, họ sẽ thấy rằng dù tình yêu nhân loại lớn đến đâu chăng nữa nó cũng không thể bắt trọn con người thật của họ một cách sâu xa như tình yêu Thiên Chúa. Dù tình yêu nhân loại gắn liền với vui thú, với hoan lạc thật, nhưng nó cũng có thể làm ta đâm ra nghi ngờ chính kinh nghiệm của ta về tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu trinh khiết của ta đối với Thiên Chúa thậm chí có thể bị một tình yêu nhục dục thế chỗ. Nhưng tình yêu Thiên Chúa rút cuộc vẫn có thể thắng vượt tình yêu kia một cách dứt khoát và vĩnh viễn.
Chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa nằm ở chỗ đó. Tình yêu ấy thường thường đi vào lòng ta qua một ngõ kín đáo đến độ khó lòng mà phát hiện ra. Nó dâng lên từ đáy lòng ta và mang theo sự sống cho ta. Cũng như trong mọi tình yêu, phải mất một thời gian khá lâu ta mới khám phá ra tình yêu đối với Thiên Chúa. Có thể ta phải trải qua những giây phút cực kỳ khó khăn, những lúc nghi ngờ mà có trò chuyện bàn cãi lâu cách mấy cũng không xua tan hết được và cũng có thể ta phải nếm khá nhiều khổ cực đau đớn mà dù được mơn trớn vuốt ve ta vẫn không cảm thấy nguôi ngoai ngay.
Tình yêu chỉ vọt lên cho ta thấy khi con đường tình yêu ấy đã được ta trải lót bằng đức tin và sự tín nhiệm. Có thể con đường đã mở ra lâu lắm rồi, nhưng cánh cửa ở cuối đường vẫn còn đóng. Trong tình yêu nào cũng đều có những lúc chờ đợi thật lâu dài. Không được than vãn điều đó. Rồi cuối cùng khuôn mặt của tình yêu Thiên Chúa sẽ được khám phá … Có biết bao vợ chồng cũng đi tìm sự thân mật đó, sự kết hợp giữa Đức Kitô với những kẻ được Người yêu thương.
Muội Muội sưu tầm
(Còn nữa)