Dòng sông cuộc đời

0

Một người lữ hành đi đường xa mệt lả, dừng chân bên bờ sông. Trời mùa đông giá rét, nước sông đông lạnh thành tảng đá cứng. Trên sông lại cũng không có cầu bắc qua. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối và người lữ hành muốn lợi dụng ánh sáng còn lại để lần mò sang qua bờ sông bên kia. Chỉ còn cách duy nhất là bò trên tảng băng đá với hai đầu gối và hai bàn tay, như thế sức nặng của thân xác sẽ được tản đều ra và không sợ bị đè nặng trên hai bàn chân có thể làm bềmặt băng đá và bị chìm dưới nước giá lạnh.

Sau những chậm rãi lần mò tới giữa dòng sông, bỗng dưng, từ phía sau vọng tiếng ai huýt sáo. Ngoảnh mặt nhìn lại, người lữ hành trông thấy một bác nông phu với chiếc xe chở đầy thóc lúa và hai con bò hiên ngang tiến tới cùng trên một dòng sông không chút sợ hãi.

*****

Câu chuyện trên đây diễn tả những thái độ của chúng ta trên dòng sông của cuộc đời. Có người từng bước trong dò dẫm dè dặt, nhút nhát và sợ hãi, có những người khác lại hiên ngang đương đầu với những thách đố của cuộc đời. Trong khi những người khác lại dậm chân tại chỗ bên bờ sông, không dám bước xuống nước, hoặc bơi qua sông.

Các bạn thân mến, có thể nói được rằng, lo lắng, sợ hãi là một trong những chứng bệnh thông thường nhất của tuổi trẻ. Các bạn trẻ thường nhìn về tương lai với cặp mắt đầy băn khoăn lo lắng và sợ hãi, không biết ngày mai sẽ ra sao? tương lai sẽ sẽ đi về đâu? Ngay cả trong giây phút hiện tại các bạn trẻ cũng phải đối phó với nhiều nỗi lo sợ và vì nhiều lý do khác nữa.

Thế nhưng, nhiều cha mẹ lại quá coi thường những lo lắng sợ hãi của của tuổi trẻ. Họ nghĩ rằng, với thời gian sẽ vuợt qua, hoặc chỉ cần một  chút ý chí để lướt thắng những sợ hãi đó. Chính vì lý do đó mà một số phụ huynh tỏ ra lãnh đạm hoặc khó chịu trước những băn khoăn lo lắng của tuổi trẻ, thay vì tỏ ra thông cảm, tìm hiểu và giúp các bạn trẻ bước ra khỏi những lo lắng, nhiều khi hão huyền ấy.

Xét trên khía cạnh tâm lý, kinh nghiệm cho thấy rằng, cao độ của lo lắng sợ hãi là một trong những mối đe doạ lớn cho sự phát triển toàn diện của tuổi trẻ về mặt thể xác, tâm lý, tình cảm, tinh thần và phái tính. Mối lo sợ thường xuyên xâm chiếm tâm trí, làm chi phối nghị lực, khiến cho bạn trẻ khó mà chú ý trong việc học, đưa ra một quyết định, hoặc tìm ra giải pháp cho một vấn đề nào đó. Với thời gian, những thất bại lớn nhỏ này sẽ ngấm ngầm tạo nên mặc cảm tự ty trong tâm hồn người trẻ.

Đâu là những triệu chứng bên ngoài cần được lưu tâm tới ?

Trước hết, người bạn trẻ quá lo sợ cũng thường là người nhút nhát, do dự và không dám quyết định. Họ cũng thiếu lòng tự tin và rất bi quan về chính bản thân cũng như khả năng riêng của mình, những khó khăn nho nhỏ, chẳng hạn như những thay đổi bất thường, điểm thấp kém, một lời quở trách của thầy cô, một lời bình phẩm của  bạn bè, một thất bại không đâu cũng đủ làm cho một người vốn hay sợ hãi sinh nản lòng thối chí và bỏ cuộc luôn.

Dung mạo hay buồn cũng là triệu chứng của sự lo lắng, bất an trong tâm hồn và thường có những phản ứng trái ngược. Chẳng hạn như sự cứng đầu, bướng bỉnh, khi vui, lúc buồn cách thái qúa, lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm, phung phí tiền bạc, ăn uống không điều độ và có khi lại sinh bệnh ăn cắp vặt nữa.

Phản ứng của cha mẹ trước những triệu chứng nói trên là quở trách và trừng phạt, thay vì tìm cách đi vào những nguyên nhân của những triệu chứng ấy. Nhiều khi lại gán cho các triệu chứng ấy với những tính hư tật xấu, chẳng hạn như : Sự cứng đầu, thiếu vâng phục, tính lười biếng, lòng ích kỷ v.v…tất cả những cách nhìn và cách xét đoán nông cạn đó chỉ làm cho bầu khí gia đình càng thêm căng thẳng, những cuộc cãi cọ, bực bội càng thêm thường xuyên, trong khi đó lại không đi tới giải pháp nào cao cả.

Tệ hại hơn nữa là những lời thách đố hoặc chọc tức các bạn trẻ vốn có tính nhút nhát hay sợ hãi.

Vậy phải làm gì để giúp các bạn trẻ thoát  ra khỏi trạng thái nhút nhát sợ hãi ấy và trở nên những người có can đảm và biết tự tin vào những khả năng sẵn có của mình hơn?

Sau đây là những bí quyết trong đường lối giáo dục của Don Bosco :

1. Đối thoại. Xem ra là điều dĩ nhiên, dễ hiểu rồi, thế nhưng những cuộc đối thoại chân thành cởi mở  thường xuyên giữa cha mẹ và con cái lại cả là một sự khắc phục không dễ dàng. Trong khi đó, đối thoại là dụng cụ hữu hiệu nhất trong tay cha mẹ, là chìa khoá có thể rộng mở tâm hồn của con cái để cha mẹ có thể đọc thấy rõ ràng và có thể can thiệp, hướng dẫn con cái cách đúng đắn hơn.

2. Tham gia. Các phụ huynh cần biết chia sẻ tâm tình của những người con nhút nhát một cách hiền hoà, đầy thông cảm. Với những lời khích lệ, cha mẹ cần giúp con cái phân tích và nhìn nhận những sai lỗi, hạn hẹp của mình, thay vì để cho chúng che đậy hoặc làm ngơ một cách đê hèn.

3. Tin tuởng tích cực. Làm thế nào để con cái cảm nghiệm được lòng tin tưởng và tình thương của cha mẹ? Cả những khi chúng thất bại, hoặc sa ngã cũng đừng bao giờ rút lại lòng tin tuởng ban đầu ấy. Nhiều khi chỉ cần một lời khích lệ, một lời khen ngợi chân thành, một nụ cười đầy cảm thông lại có hiệu lực hơn gấp bội lần những hình phạt và những lời nói cứng cỏi nặng nề. Không thiếu chi những bạn trẻ có thái độ bịt tai giả điếc làm ngơ, mỗi lần cha mẹ bắt đầu lên tiếng nói.

4. Lòng kiên nhẫn. Sự mất bình tĩnh, dễ mất kiên nhẫn của cha mẹ là những yếu tố làm tăng cường sự băn khoăn lo lắng của con cái hơn nữa. Trái lại, với thái độ bền tâm, nhẫn nại, cha mẹ vừa khích lệ, vừa giải toả những căng thẳng sợ hãi, vừa là tấm gương can đảm cho con cái noi theo.

5. Khôn ngoan. Cần phải biết khôn ngoan đặt ra trước mắt con cái những điểm chi tiêu có thể nhắm tới và những bước tiến nho nhỏ thực sự có thể thực hiện được. Như thế, tức là vừa giúp con cái thoát ra khỏi vòng sợ hãi, vừa dẫn dắt các em tiến tới từng bước nho nhỏ, thay vì ngồi lỳ trong sự nhút nhát, sợ hãi.

6. Sự bình an. Sau cùng là tạo nên bầu khí bình an vui vẻ trong gia đình. Đây là yếu tố cần thiết để tạo nên tâm tình tự tin, giúp thắng vượt những lo lắng bất an trong tâm hồn bạn trẻ. Bầu khí an bình trong gia đình khác nào không khí hít thở hằng ngày, như cơm ăn, nước uống cho tinh thần vậy. Bầu khí an bình trong gia đình cũng giống như ốc đảo giữa sa mạc cằn cỗi của cuộc đời, là nơi bồi dưỡng sinh lực tinh thần, củng cố và đem lại bình an, lòng tự tin cho tâm hồn.

Ferrero Bruno

Comments are closed.

phone-icon