Độc thân ngày nay (tt)

0

PHẦN 3: ĐỘC THÂN NGÀY NAY

21. Một ánh sáng cho thời đại chúng ta

Khi giới thiệu mình và các môn đệ như những người yếm hoạn, chắc chắn Đức Kitô cũng muốn gây chấn động với các thính giả khi Người tuyên bố : “Phúc cho những người nghèo”. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ta thấy nghèo là cái thu hút chú ý thực sự. Lịch sử cũng muốn như vậy nữa. Trong một thế giới đầy dẫy đau khổ và cơ cực như thế giới hôm nay, phải công nhận đây là giờ phút lý tưởng để làm chứng về sự nghèo nàn. Nếu ngày nay người ta nói nhiều về Giáo hội của người nghèo, đó chính là vì họ muốn đưa ra ánh sáng một điểm then chốt trong giáo lý của Đức Kitô cho thời đại chúng ta.

Còn độc thân có phải là một lời chứng mà thời đại này cần thấy không? Tình bằng hữu, sự hiến thân, kết quả của đời sống độc thân, như tôi vừa trình bày trước đây, không phải là một ánh sáng mà thế giới này đang cần sao?

Mới đây người ta có mở cuộc điều tra ở các xứ truyền giáo để xem dân chúng đánh giá thế nào về sự độc thân. Tại một số nơi sự độc thân rất được đề cao, như ở Thái Lan, nơi có hàng ngàn nhà sư. Nhưng sự kính trọng trong tâm thức của dân chúng ấy có thể đi song song với một sự khinh bỉ nào đó, vì họ coi độc thân như những kẻ làm biếng, những người ăn bám của xã hội. Ở nhiều vùng văn hoá, hầu như người ta không biết đến chuyện độc thân vì lí do tôn giáo. Từ đó có người kết luận rằng độc thân không có ý nghĩa lý gì ở các nơi ấy, và Giáo Hội hãy mau mau truyền chức cho những người đã kết hôn. Kết luận như thế hơi vội vàng, vì Đức Kitô đã không mở cuộc điều tra xã hội trước khi trình bày lý tưởng của người môn đệ hoàn hảo. Người đã làm một cuộc cách mạng thật sự trong chức “tư tế”. Chính Người cũng không phải là tư tế theo cơ chế, và ta có thể tự hỏi không biết Người nghĩ gì về một chức tư tế chỉ có giá trị thuần tuý như một chức vụ.

Ngày nay người ta không hiểu mấy về sự độc thân, nhưng ngay thời Đức Kitô người ta cũng không hiểu nhiều hơn. Tuy vậy Đức Kitô vẫn đề ra sự độc thân như một lý tưởng và Người ý thức rằng chỉ những ai được Chúa Cha giúp họ hiểu mới lĩnh hội được điều đó. Xét theo khía cạnh này phải nói rằng độc thân làm chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa hơn là hôn nhân. Khi giới thiệu sự độc thân, Đức Kitô đã mở ra một lối quan hệ mới đối với Thiên Chúa; Mối quan hệ này làm chứng về sự tuyệt đối của Thiên Chúa một cách triệt để hơn đời sống hôn nhân. Con đường mới này không làm cho những ai đang đáp lại tiếng gọi của Chúa trở nên hoàn hảo hơn những người đã kết hôn. Nhưng Thiên Chúa cần có những người minh chứng rằng Ngài là nguồn cội của mọi tình yêu và mọi khả năng yêu đương đều được thực hiện nơi Ngài.

Tôi cũng nghĩ rằng nếu sống độc thân thật sự, thì đó cũng là một lời chứng tuyệt diệu gởi tới cho một thời đại, trong đó mọi áp chế đã bị gạt bỏ, khoái lạc nằm trong tay của mọi người và con người cho rằng mình được phép làm mọi sự. Người ta cho rằng làm như thế là để giải thoát tình yêu khỏi mọi áp chế giả tạo. Nhưng có thật là họ sẽ tìm được tình yêu nhiều hơn khi cho phép mình làm mọi sự theo ý mình không? Sự thật thường trái lại. Càng đùa giỡn với tình yêu, càng ít tìm thấy tình yêu.

Một trong những đặc điểm của văn minh hiện đại là sự hời hợt bên ngoài. Những nghiên cứu tinh vi về tâm lí không giúp thay đổi điều đó được chút nào hết. Người ta cứ sống ngoài mặt, nhưng vẫn khao khát được sống cho sâu xa thâm trầm hơn, một sự khao khát trong tuyệt vọng. Không ai có thể phủ nhận rằng chính nhờ trong Kitô giáo có hàng ngàn và hàng ngàn người sống độc thân mà tình yêu vợ chồng mới được đào sâu lại. Quả thế, tình yêu con người có thể ù lì, đứng khựng lại nếu nó không luôn luôn được đẩy tới những chiều kích sâu xa hơn.

Sự độc thân là một lời nói và là một sự nhắc lại tình yêu đích thực luôn luôn nằm ở bên kia cái mà thiên hạ quen gọi là tình yêu. Tình yêu của người trinh khiết sánh bước với tình yêu của vợ chồng để mạc khải cho con người chiều kích sâu xa của tình yêu đích thực. Độc thân và hôn nhân là hai con đường mở ra cho đại đa số một trong những người đã được Chúa ra dấu mời gọi. Có nhìn những người nam lẫn nữ đang tìm kiếm Chúa trong đời sống hôn nhân và đời sống độc thân, ta mới thấy được phải có hai hạng người đó thì mới thấy hết được mầu nhiệm ấy của con người, mầu nhiệm quan hệ giữa người với người, giữa người với Thiên Chúa.

Đời độc thân đang lấy lại ý nghĩa trong một thời đại mà Thánh Thần đang chỗi dậy nơi mà Giáo hội như thời đại của chúng ta hôm nay. Đời độc thân phải trở thành ‘môi trường’ hoạt động đặc biệt của Chúa Thánh Thần.
Quả thế, thế giới này cần điều gì nhất, nếu không phải là những con người hoàn toàn tự do, không phải chỉ để giúp đỡ người khác bằng cách đem những gì mình có ra cho họ, nhưng là để hoàn toàn sẵn sàng trước những gợi ý của Thánh Thần.

22. Một đời sống độc thân không rào che

Chính vì muốn cho lời chứng của mình thêm hùng hồn, ngày nay người ta đã gỡ bỏ mọi chướng ngại xưa kia cùng để bảo vệ sự độc thân. Tuy nhiên kết quả là có nhiều người đã quyết định theo hôn nhân, không dừng lại ở đời độc thân để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa “ở bên kia” thân phận thông thường của con người . Nhiều người khác vẫn cho mình là chứng nhân của sự độc thân tận hiến, nhưng lại chấp nhận bội phản ở điểm này điểm nọ, tới mức người ta không còn biết họ đang làm chứng cho cái gì nữa. Thế mà, những tình trạng đó không hề giúp người trung thành thật sự được dễ dàng hơn trong việc làm chứng. Khi không thấy trong đời sống họ có gì đáng chê trách, người ta đâm ra nghi ngờ và cho họ là giả hình… và trước tình thế đó, nhiều người đã thật sự nản lòng. Nhưng chính Chúa đã nói rằng thế giới không thể hiểu những hành vi điên rồ do Người gọi ra.

Ngày xưa người ta giam giữ các nữ đan sĩ sau những cửa sắt, bởi họ nghĩ người đàn bà nào cũng cần phải được chồng bảo vệ hay các bức tường của tu viện che chở. Sau đó phải tranh đấu nhiều lắm mới xin cho các nữ đan sĩ được ra ngoài để xả thân làm các việc bác ái. Ngày nay các rào cản ấy đã được phá bỏ… Các tu viện mở rộng cửa, nhiều nữ tu không còn mặc y phục riêng nữa. Nhưng thường thường họ vẫn thích mang một dấu hiệu gì đó để chứng minh họ là tu sĩ. Đàng khác như vậy cũng giản dị hơn.

Các linh mục cũng vậy, hay phải nói các linh mục được tự do nhiều hơn các nữ tu về điểm này. ở một số nơi, họ thích mặc y phục thường dân hơn, đến nỗi không phải sợ các linh mục sợ bị lầm lẫn là giáo dân, mà ngược lại các giáo dân sợ bị gọi lộn là ‘ông cha’. Như một nhà khôi hài có nói ‘Trong hai người đàn ông đó, cha cố không phải luôn luôn là người mà ta nghĩ!’ Nhiều linh mục còn mang một thánh giá nhỏ nhưng khuynh hướng này cũng đang biến mất dần vì… các giáo dân không mang dấu thánh giá mà!

Chúng ta đã ở xa thời kỳ mà người ta mang áo dòng với mục tiêu rõ rệt là để bảo vệ sự khiết tịnh. Ở một số nơi truyền giáo các linh mục thừa sai còn để râu với ý hướng đó. Tuy vậy, đừng vội chê cười các bậc cha anh chúng ta vì rồi các thế hệ tương lai cũng sẽ chê cười chúng ta. Họ càng coi trọng những sự ngây ngô của họ thì càng chê cười những sự ngây ngô của chúng ta hôm nay!

Thật khó biết được cuộc sống và những sự lui tới tự do đã ảnh hưởng thế nào tới việc bỏ ‘ơn gọi’. Ngay trong thế cũ bề ngoài có vẻ không có vấn đề gì to tát, nhưng bên trong là biết bao khổ cực cay đắng. Nhưng có điều mọi người đều cố gắng hết sức để tránh gây xì-căng-đan. Người ta thu xếp mọi việc trong chỗ kín đáo riêng tư, rồi sau đó các linh mục lại trở về với tác vụ của mình như trước. Như vậy người ta đã lật qua trang để che kín lỗi lầm. Còn ngày nay Giáo hội tháo gỡ những lời cam kết dễ dàng hơn, nên có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ đã vội chấp nhận giả thuyết ràng buộc mà sau này cho phép người ta bỏ sống độc thân, và vì thế họ ung dung bước sang lằn ranh của vùng – đất – không – được – quay – về – lại ấy.

Nếu một linh mục hay một tu sĩ thấy đời độc thân của mình quá nặng nề, họ sẽ dễ dàng để cho mình bị cám dỗ hay thậm chí còn rước cám dỗ về nữa. Mọi rào che bảo vệ sự trinh khiết đều sụp đổ ngay khi người ta chấp nhận để cho các ham muốn giác quan chỗi dậy. Tuy nhiên, tiến trình cám dỗ thường rất tinh vi. Một tâm hồn đạo đức không bị cám dỗ bởi những hấp lực bình thường đâu. Chính những phụ nữ đức hạnh và ‘trinh khiết’ lại cám dỗ các linh mục nhiều hơn bất cứ một phụ nữ nào.

Đối với một linh mục hay tu sĩ đã cho phép mình tự do muốn gặp ai tuỳ ý, gặp khi nào hay ở đâu tuỳ ý, thì không còn hàng rào nào giá trị nữa ngoại trừ những hàng rào do chính họ dựng lên. Nếu thật sự yêu mến Chúa, Giáo hội và cộng đồng Kitô hữu, hẳn họ sẽ biết phải làm gì để khỏi đẩy ơn gọi của mình vào chỗ nguy hiểm. Trước hết họ phải tuyệt đối cương quyết không tìm cớ ngoắt ngoéo để tránh né lời cam kết đã hứa với Chúa. Đó là một lời cam kết danh dự, một thỏa ước giữa bạn bè thân thiết, một lời thề trung thành với nhau giữa hai vợ chồng. Sự cam kết ấy liên hệ đến chính con người của họ ở chỗ sâu xa nhất, bởi vì đó là sự trao thân giữa người này với người kia. Chỉ có Thiên Chúa biết: Kể từ khi Đức Kitô đến đã có bao nhiêu lần những người nam người nữ tận hiến cho Ngài đã từ khước thú vui chỉ vì ngay dưới đáy lòng họ đã có một ai đó vô hình nhắc đi nhắc lại vỏn vẹn một câu: Ta đã kết hôn với ngươi trong đức tin’.

Ngày nay việc phát triển nhân bản trong đời sống độc thân trở nên dễ dàng hơn, bởi vì nam nữ được tiếp xúc tự do hơn. Dù không bao giờ được có những quan hệ dục tính, nhưng họ vẫn còn nhiều khả năng gặp gỡ và trao đổi để hiểu biết nhau. Nếu đã nắm chắc về sự gắn bó vô điều kiện của mình với Chúa, thì không cần giữ một rào che nào nữa ngoài hàng rào do tình yêu gợi ra. Lúc đó ta có thể phát triển những quan hệ nhân bản sâu xa và phong phú tới mức không còn gì để ghen tị với những người có gia đình. Vì ta đã biết thế nào là yêu và được yêu rồi.

Muội Muội sưu tầm

(Còn nữa)

Comments are closed.

phone-icon