Người Cha hâm

0

“Hâm, hâm…” , ngoại đi ra đi vào, ngồi rồi lại đứng.

– “Có ai hâm như bố mày đâu chứ?”

Tôi sợ hãi mở to mắt nhìn ngoại.

– “Thằng bé mới bảy tháng…”.

Tôi hiểu rồi, chuyện của gia đình tôi…

Tang lễ mẹ vừa xong và mọi chuyện đang đảo lộn. Mẹ ra đi đột ngột quá!

***

Bây giờ vợ mất rồi. Một nách bốn đứa con dại, anh nuôi làm sao được. Cảnh “gà trống nuôi conkhổ cực như thế nào anh cũng thấy rồi đấy. Chi bằng anh cứ nghe lời ngoại đưa các con ngoại nuôi giúp”.

Người nói này, người nói kia. Ai cũng nói.

Mấy ông bạn lối xóm tối tối qua nhà chuyện trò giúp vui cũng rỉ rả:

“Bước thêm một bước nữa, con vừa có mẹ mà mình cũng đỡ cực cái thân.”

Ngoại tuy có tuổi nhưng còn rất thính. Ngoại ủng hộ bố ra mặt.

“Đúng đấy. Nếu anh chưa tìm được người thì để mẹ giới thiệu cho.”

Cô hàng xóm tinh ý hơn, kéo riêng tôi ra một nơi, âu yếm vuốt ve rồi đặt tôi lên lòng mà thỏ thẻ:

“Có mẹ, tốt hơn con ạ”

Tôi chết lặng người…

Bấy nhiêu chuyện nhưng bố cứ lặng thinh.

Thời gian ấy lại đúng vào những ngày hè oi bức. Ban ngày trời nắng như lửa thiêu, ban đêm mong được một chút gió cũng hiếm hoi. Những đêm như vậy thường là những đêm bố phải thức trắng. Hết ngồi quạt đứa lớn lại quạt cho đứa nhỏ. Cái quạt giấy chỉ ba đêm là rách tan tành. Khổ nhất là thằng bé không quen hơi bố, nó cứ gào khóc đòi mẹ. Bố bất lực càng thêm bất lực chỉ biết bắt chước mẹ “ầu ơ” suốt cả ngày lẫn đêm.

Được một thời gian thì bố kiệt sức, trong nhà cũng hết cả cái ăn, bố đành phải đem sợi dây chuyền ngày cưới đi đổi gạo.

“Vậy là nguy to rồi, nguy to rồi”. Tay bố bắt đầu run lên khi mớm cho em từng muỗng cháo.

Và cũng bắt đầu từ đó, tôi phát hiện ra những vết nhăn trên vầng trán của bố. Mới ngoài 40, nhưng sao bố xanh xao, vàng vọt, và nhem nhuốc đến thế !

Rồi một ngày hai bên nội ngoại tụ tập ở nhà tôi đông lắm. Không biết nội ngoại bàn chuyện gì, chỉ thấy bố gục đầu xuống bàn mà khóc rấm rức, một lúc sau ngoại cùng với các cậu dì ẵm hai em của tôi đi.

Ở lại với bố chỉ còn có tôi và em trai kế năm đó mới bước vào lớp một. Vắng hai thằng bé nhà trống vắng hẳn, bù lại bố có nhiều thời gian chăm chút cho chúng tôi. Giặt giũ quần áo, cơm nước, thu quén nhà cửa đều một tay bố làm. Thương bố, tôi đi dò dẫm hàng xóm xem họ nhặt rau, vo gạo, làm thức ăn như thế nào. Biết chuyện, bố thương tôi lắm. Được nước, tôi tha hồ nhõng nhẽo.

– “Các con chịu khó ăn nhiều cho mau lớn. Cá nè con nè, rau nè con nè…”. Bao giờ bố cũng chăm chút, dỗ dành chị em tôi. Vậy mà tôi đâu có hiểu.

– “Mẹ chẳng bao giờ mua mấy con cá này. Mẹ cũng chẳng bao giờ nấu dở như bố”. Giọng tôi găn gắt, mặt tôi đuỗn ra.

Bố cười ngượng ngạo, cầm đũa cẩn thận nhặt hết từng cái xương rồi lại dỗ tôi.

– “Ăn cá nhiều thông minh con ạ

Lấy hết thịt cho chúng tôi. Đầu cá bố gắp bỏ bát của bố. Tôi ngạc nhiên:

“Bố thích ăn đầu cá?”

Bố gật gật.

– “À ra thế”. Thế là từ đó, các loại phế phẩm như đầu cá, xương cá hay thịt các loại thịt mỡ đương nhiên phần bố. Nhìn cái đầu cá nằm chỏng chơ trên bát cơm của bố lắm lúc tôi không khỏi nghi ngờ: “Bố có hâm không nhỉ?”

Thời gian sau, tôi đi tu. Lại thêm lời bình phẩm của hàng xóm: “Nhà có mỗi đứa con gái để nhờ chuyện cơm nước thì lại cho nó đi tu. Hâm thế!”. Bố chẳng nói gì. Ngay cả khi tôi nhõng nhẽo gạn hỏi: “Bố có cần con không?”. Bố chỉ trả lời một câu gọn lỏn: “Không!”. Bố làm tôi thất vọng quá. Vậy mà mỗi lần hay tin tôi sắp được về nghỉ phép, bố mong ngóng đến mất cả ăn cả ngủ. Nhưng khổ nỗi, cứ về được vài ngày là bố lại giục con gái bố đi “kẻo bê trễ việc học hành“. Lắm lúc tôi giận bố. Tôi không thể hiểu nổi tình cảm và suy nghĩ của bố. Giận hơn nữa là mỗi lần tôi chuẩn bị ra đi bố lại lăng xăng bầy vẽ đủ mọi chuyện. Tôi thẳng thừng:

“Con ghét bố, sao bố cứ thích bày vẽ ba cái chuyện chẳng đâu vào đâu…?”

Thấy tôi vùng vằng, trách móc nhưng bố vẫn chẳng nói gì chỉ lẳng lặng xách cái xe đạp đi một vòng mời nội ngoại, cô dì chú bác đến ăn bữa chia tay để “động viên cháu

– “Bố bày ra kệ bố”. Tôi giận dỗi và lên giường đánh một giấc ngon lành để mặc bố muốn làm gì thì làm. Sáng hôm sau, không biết bố dậy từ lúc nào hay đêm qua bố đã làm gì mà khi mở mắt ra tôi đã nghe thấy tiếng băm băm chém chém, lại thêm mấy con gà nằm gọn trong nồi với những làn khói đang bốc lên nghi ngút. Một cảm giác hối hận ập đến trong lòng tôi, nó làm tôi rất đỗi nghẹn ngào, cảm động. Nhưng chẳng lẽ tôi lại để thua bố. Tôi ngoan cố vùng vằng cho ra lẽ: “Hâm gì mà hâm thế!”.

 ***

Bố tôi – người cha hâm ấy bây giờ không còn nữa. Bố đã ra đi khỏi cuộc đời tôi đến nay vừa tròn 14 năm nhưng mỗi lần có dịp về quê, đặt chân đến cửa nhà là tôi lại nhớ bố. Tôi ước ao có ánh mắt ngạc nhiên của bố, tôi khát khao có nụ cười của bố, tôi cần biết bao những lời động viên của bố… Nhưng bố không còn nữa. Không bao giờ tôi còn nhìn thấy bố, để nhõng nhẽo hay giận hờn.

Nhưng dù không thấy, bố vẫn luôn với tôi. Bố vẫn dạy bảo, yêu thương tôi. Nhất là những khi phải đương đầu với gian khó, bố nhắc nhớ tôi: “Cố lên con, có khổ mới khôn!”. Tôi không đi tu vì bố nhưng bố là một động lực rất lớn để tôi vượt qua mọi gian khó và kiên trì sống đời dâng hiến. 

Cảm ơn bố vì tình yêu vô bờ bố dành cho con và cám ơn bố vì nhờ có bố con hiểu được tình yêu đích là gì.

Sr. Lan  Đất

 

Comments are closed.

phone-icon