Cam kết tận hiến cho Thiên Chúa

0

Phục Vụ Lời là sứ mạng chính yếu và là lý do hiện hữu của người tu sĩ Đa Minh. Để Phục Vụ Lời theo linh đạo Dòng, chúng ta phải là một tu sĩ chính hiệu. Bởi vì, làm sao có thể Dấn Thân Phục Vụ Lời nếu người tu sĩ không tự nguyện cam kết sống trọn vẹn ơn gọi của mình? Cha Thánh Đa Minh đã “nói về Chúa” cách chính xác và đầy sức cuốn hút khi Ngài là một tu sĩ say mê Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể nói về Chúa khi chúng ta không biết nói với Chúa, làm sao chúng ta có thể thanh thoát và nhẹ nhàng lên đường, trong khi tâm hồn còn vương vấn những bận tâm tầm thường, những nhỏ nhặt của cuộc sống, với những hoạch định cho riêng bản thân? Và làm sao chúng ta có thể can đảm ra đi, sẵn sàng đón nhận những thử thách phía trước khi vẫn còn ngập ngừng ngoảnh lại phía sau?

Từ những trăn trở, ưu tư trên, … chúng ta cùng nhau sẻ chia những điều căn bản nhất của một “lời cam kết”. Từ đó, giúp chúng ta xác tín hơn về ơn gọi của mình, tin tưởng phó thác hơn nữa vào lòng thương xót của Chúa và không ngừng tiến bước trên con đường thánh hóa bản thân, thăng hoa đích thực trong hành trinh tu trì.

1. Cam kết tận hiến cho Thiên Chúa

Bước vào đời sống tu trì bằng lời tuyên khấn tự nguyện theo sát Đức Giêsu Kitô, chúng ta cam kết tận hiến cho Thiên Chúa một cách triệt để và toàn diện. Sắc lệnh Perfectae Caritatis đã nhấn mạnh: Tu sĩ của bất cứ Hội dòng nào cũng phải ghi tâm điều này: Chính nhờ tuân giữ các Lời Khuyên Phúc Âm, họ đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Vì thế, chẳng những phải chết đi cho tội lỗi, mà còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa. Thực vậy, họ đã cung hiến toàn thể cuộc đời để làm tôi tớ Thiên Chúa, và sự cung hiến ấy đã thực sự tạo nên một sự thánh hiến đặc biệt, ăn rễ sâu trong sự thánh thiện của phép rửa tội, đồng thời biểu lộ nó một cách trọn hảo hơn (số 5).

Chính Đức Giêsu là mẫu gương toàn hảo nhất cho mọi người tu sĩ noi theo và cuộc sống của Người khích lệ chúng ta tiến bước, dù phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Cam kết tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa trong đời sống dâng hiến, chúng ta được ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn, để dâng lên Thiên Chúa những gì Người đã ban tặng cho chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta trở nên một của lễ, một thụ tạo được hiến thánh để dành riêng phụng sự Thiên Chúa với tất cả tự do và tự nguyện xuyên suốt mỗi giây phút của cuộc sống..

Như vậy, cam kết sống đời tận hiến là một giao ước thánh thiêng và hoàn toàn tự do. Về phía Thiên Chúa – Người gọi và chọn những ai Người muốn; về phía chúng ta – đón nhận và đáp lại lời gọi mời một cách sống động và thành tâm.

Khi tiếp xúc với một số linh mục và tu sĩ người Việt Nam tại Mỹ, chúng ta thực sự cảm kích về lối nhìn, sự nhận định, cách chọn lựa và thể hiện những chiều kích ấy cách rõ ràng, dứt khoát qua lối sống của họ. Sống và hòa nhập trong dòng chảy của một xã hội xa hoa, dư thừa về vật chất, một nền văn hóa hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu thực tiễn, chính họ cảm nhận một sự thiệt thòi rất hiện sinh – nhưng họ vẫn thanh thoát, tự do để tìm kiếm giá trị của sự “từ bỏ”, sống dấn thân trong niềm vui phục vụ và chấp nhận mọi thua thiệt trần gian với tâm hồn thanh thản, bình an. Quả thế, họ có thể là những người đã có chỗ đứng vững chãi trong xã hội, nhưng sức hút cao quý, thánh thiện của đời sống dâng hiến cho Thiên Chúa đã khiến họ bình lặng bỏ lại tất cả. Đời sống tu và phục vụ của họ đã làm sáng lên lời cam kết của họ.

2. Cam kết hiến thân cho đến chết

Lời cam kết của chúng ta với Thiên Chúa – là hiến thân cho đến chết !

Có người ngoại đạo hỏi một nữ tu Công giáo: Tương lai, chị định làm gì? Nữ tu trả lời: Tôi sẽ vẫn là một tu sĩ, vì tôi đã khấn rồi; một lời khấn nhưng cho cả một cuộc đời. Người đó nhún vai, lắc đầu, có vẻ không tin và không hiểu: Nói một lời thì ăn thua gì!

Với xã hội hôm nay, «Nói một lời mà phải giữ cả một đời» thì thật là khó hiểu và khó thực hiện. Trong thực tế, có biết bao gia đình tan vỡ, nhiều linh mục, tu sĩ hồi tục … dù rằng chính bản thân đương sự rất xác tín khi tự mình chấp nhận giao ước và đã công khai, long trọng tuyên bố lời cam kết đó trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn dân Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận rõ và đối diện với một thực trạng đang xảy ra cho một Thiên Chúa tình thương, một Thiên Chúa rất tín trung, nhưng đang bị con người coi thường, khinh rẻ lời cam kết với Người, để từ đó, chúng ta xác tín hơn nữa cho sự đáp lại cách tuyệt đối tình thương của Người, một tình thương mà chúng ta đang cam kết sống.

Khi chúng ta tuyên giữ lời khấn “cho đến chết”, chúng ta cũng nói lên cùng một lời của ông Phêrô: Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy (x. Lc 22,33). Một câu nói có vẻ liều lĩnh, táo bạo, nhưng đó là câu nói khởi đi từ một tình yêu nồng cháy, trong một trái tim chân thật nhất. Tuy nhiên, ngay sau đó, Phêrô đã thất vọng vì ông không giữ được lời hứa nhiệt thành của mình. Nhưng Đức Giêsu đã mở ra cho ông một con đường – con đường của lòng yêu thương – và cho tới cùng, ông đã giữ lại được lời hứa với Thầy mình. Với Thiên Chúa, không có điều gì mà Người không làm được (x. Lc 1,37) và chính Người sẵn sàng ban ơn cho những ai thành tâm với Người. Vì vậy, tuy vẫn còn đó những thách đố, nhưng Thiên Chúa sẽ  hỗ trợ chúng ta đi tới đích cùng. Thực tế, đã có không thiếu những tâm hồn đầy quả cảm, dám cam kết sống ơn gọi này, dám trung thành cho đến chết với một Thiên Chúa tín trung. Vẫn còn đó, nhiều người trẻ đang tiếp bước dấu chân của cha anh, tiếp tục dám tự ràng buộc mình qua các lời khấn với Thiên Chúa mà không cần biết đến tương lai. Họ rất vững vàng trong niềm tin.

Những con người dám cam kết hiến thân cho đến chết, phải chăng đó là những con nguời liều lĩnh và không thực tế ? Lý giải điều này, Cha Timothy Radcliffe, O.P. khẳng định rằng: Vì lời khấn hứa vẫn mãi là cái gì cốt yếu đối với phẩm giá con người. Lý do đầu tiên mà chúng ta dám tuyên khấn là vì Thiên Chúa của chúng ta đã và vẫn làm như thế. Lịch sử Cứu độ không có gì khác hơn là Lịch sử của những lời hứa. Thiên Chúa đã nhiều lần tự đưa ra những lời hứa với dân riêng của Người và trung thành với giao ước song phương nhưng bất bình đẳng đó. Qua việc thực hiện những lời hứa, Thiên Chúa mạc khải cho con người Ngài là ai – TA HẰNG HỮU (x. Xh 3,14). Đó là phẩm tính của Thiên Chúa. Được là hình ảnh và được tiền định là con, chúng ta cũng được trao ban phẩm giá: Có thể đưa ra lời hứa và có khả năng trung thành với giao ước.

Xu hướng của xã hội ngày hôm nay muốn đưa con người tới chỗ phải chấp nhận rằng : Làm sao có thể kiên định trong một lời hứa cho đến dấu chấm hết của cuộc đời mình. Cha Timothy Radcliffe cũng đưa ra kinh nghiệm về vấn đề này, khi nói đến những kiểu lập luận của một số anh chị em đang sống trong tình trạng khủng hoảng ơn gọi : Tôi có còn là tôi như hồi tôi khấn hứa đâu. Hồi đó tôi còn trẻ và ngây thơ. Từ đó đến nay, tôi đã đi đây đi đó rồi, đã khám phá cái đẹp của Mozart, cái hay của Madonna, tôi đã có bằng cấp, v…v… Tôi không còn giống như anh chàng lý tưởng và mơ mộng thuở nào, với đôi mắt sáng ngời, khi mới hai mươi lăm tuổi. Tôi không thể nào để mình bị trói buộc bởi những lời thề hứa do con người hồi ấy đưa ra. Con người thuở ấy đâu còn nữa ! 1 Phần chúng ta, vẫn mạnh mẽ tin tưởng: Thiên Chúa – Đấng chúng ta tuyên khấn là ĐẤNG HẰNG HỮU và chúng ta dám tuyên khấn với Người, vì chính Người sẽ làm cho những phẩm chất trung thành của Người biểu lộ nơi chúng ta, Người khẳng định với những người yếu tin : Không có gì mà không có thể (x. Mc 9, 23). Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước theo Người, Người chọn và lập giao ước với chúng ta từ thuở đời đời «Ngay khi ta chưa được tạo thành» (x. Gr 1,5).

Thiên Chúa trung tín, Người ban cho tôi khả năng đưa ra lời hứa và cũng đòi tôi phải trung tín, vì Người là Đấng hằng tín trung (x.Tv 18,26). Chúng ta tự nguyện tuyên khấn, chúng ta tự chấp nhận bị ràng buộc, sự ràng buộc khởi từ một tình yêu sắt son, kiên định, đầy tính tự nguyện, nên chúng ta hãy hết sức kiên cường bền chí để đi hết chặng đường của một cuộc đời hy tế như Thầy Giêsu. Và khi tuyên khấn, chúng ta xác tín, chúng ta không tuyên bố lời khấn để khẳng định mình, cũng không đặt nền trên sức mạnh ý chí chúng ta, nhưng là lời bày tỏ lòng hy vọng của chúng ta đối với một Tình thương vô biên và đầy tính “nhưng không” của Thiên Chúa. Trong sự tin tưởng ấy, như một người con nhỏ với Cha, chúng ta có thể làm được tất cả và lời cam kết trung thành tận hiến cho Thiên Chúa cho tới giây phút cuối cùng sẽ trở thành hiện thực cho thân phận mỏng giòn của chúng ta.

* Lời kết:

Xã hội loài người hôm nay đang khao khát gặp được những con người có chữ Tín, một thứ quá hiếm hoi, nhưng lại là một nhu cầu căn bản trong tương quan không thể thiếu của xã hội loài người. Và họ càng thiết tha được sống giữa những con người mang tên là môn đệ của Chúa Giêsu, những con người sống hiến thân vì sự sống anh chị em mình, lớp người làm chứng từ sống động cho một cuộc sống mai hậu – trinh khiết, khó nghèo và tuân phục, là những thứ giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ để sống giá trị của sự tự do làm con cái Thiên Chúa; những con người cho họ được tiếp cận với sự thật, sự bình an đích thực và hạnh phúc chân chính, là thứ mà họ đang khao khát kiếm tìm; những con người cho họ thấy được Thiên Chúa, Đấng mà chỉ có Người mới khỏa lấp được khát vọng yêu thương nơi họ.

Chúng ta đang cùng nhau hướng về thời điểm “kinh lý cuối nhiệm kỳ” của Chị Bề trên Tổng quyền, một thời điểm của ân sủng. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần thương đến canh tân Hội Dòng chúng ta, khởi đi từ việc Người đến giúp mỗi người canh tân chính mình để toàn Dòng được thực sự đổi mới.

Đang sống trong tháng 11, trong tâm tình thảo kính tri ân, chúng ta hướng tới các bậc tiền bối của Dòng, là quý Mẹ Bề trên, quý Chị đã qua đời, cầu nguyện cho các ngài, những vị đã quán triệt giá trị đời tu và sứ vụ để các ngài khẩn cầu cùng Chúa ban một lễ Hiện Xuống mới trên mỗi chúng ta, hầu toàn Dòng trở nên Nhà của Thiên Chúa.

Sr. Têrêsa 

Comments are closed.

phone-icon