Giáo dục về đạo hiếu

0

Lòng biết ơn trong văn hóa Á Đông đã trở thành Đạo Hiếu trong truyền thống gia đình Việt Nam. Từ nguồn gốc này mà những ngày Tết đã trở thành những ngày Lễ Hội dân tộc. Đó là thời gian mọi người ngưng nghỉ công việc bận rộn lo toan để tâm hồn thảnh thơi tưởng nhớ đến Tổ Tiên và thể hiện lòng hiếu thảo với Ông Bà, Cha Mẹ, thân nhân và ân nhân của mình thông qua việc qui tụ bên nhau, thăm hỏi chúc Tết làm thành Lễ Nghĩa Gia Phong của gia đình và dân tộc. Vì:

Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc bởi đâu
có Cha có Mẹ rồi sau có mình.

Nhưng trong nhiều gia đình hiện đại, ngày Tết đã biến chất thành những ngày vui Xuân với những hưởng thụ cá nhân, chẳng còn một chút thời gian dành cho những người thân yêu, cũng chẳng cần biết gì đến tương quan dòng họ. Kết quả là xã hội đang phải đối diện với thực trạng xuống cấp về đạo đức đến mức báo động và những lời than phiền của các bậc Cha Mẹ về con hư ngày một nhiều hơn. Tôi thiết nghĩ để lành mạnh hóa gia đình và xã hội hiện nay, cần đẩy mạnh giáo dục về Đạo Hiếu như một nghệ thuật sống hạnh phúc đặc biệt trong những ngày Tết Truyền Thống Dân Tộc.

Đạo Hiếu không phải là những nguyên tắc lý thuyết áp đặt con cháu phải có bổn phận phụng dưỡng Cha Mẹ, hay phải vâng theo những quan điểm phong kiến còn tồn tại của thế hệ trước. Nhưng Đạo Hiếu đặt căn bản trên lòng nhân ái phát xuất từ con tim. Đó là tương quan tình yêu, biết ơn và đồng cảm giữa các thế hệ. Đạo Hiếu cần được xây dựng bằng cuộc sống tâm thành của từng con người trong gia tộc và dân tộc. Trong đó, Ông Bà Cha Mẹ thế hệ người lớn thể hiện tình yêu thương qua mối tương quan hằng ngày: hy sinh ân cần chăm sóc con cái, cháu chắt những nhu cầu cá nhân, gần gũi hướng dẫn điều hay lẽ phải và tạo tình thân thương đầm ấm trong những bữa cơm hay những buổi họp mặt gia đình, dòng họ. Nhờ đó, con cái cháu chắt những thế hệ sau có thể giữ được truyền thống tốt đẹp; và từ những cảm xúc chân thành, chúng tự nguyện bày tỏ lòng biết ơn bằng thái độ quan tâm, thăm hỏi và ngoan thảo lắng nghe kinh nghiệm của người đi trước.

Một số gia đình đang chỉnh đốn lại Lễ Nghĩa Gia Phong qua việc tổ chức những buổi họp mặt cuối năm hay đầu năm trước Bàn Thờ Gia Tiên. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, có thể tổ chức trong một gia đình nhỏ: cha mẹ – con cái, hay trong đại gia đình: ông bà – cha mẹ – các con – cháu chắt. Trong đó, người trưởng tộc hay gia trưởng có thể gợi ý kể chuyện về lịch sử gia tộc rồi bái hương tưởng nhớ những bậc tiền bối đã khuất. Tiếp đến nhắc lại những biến cố vui buồn trong năm của gia đình hoặc của từng cá nhân; rồi Ông Bà, Cha Mẹ cám ơn về những điều tốt con cháu đã dành cho mình và có thể xin lỗi về một vài điều sơ xuất đã xảy ra. Sau đó, con cái cháu chắt cũng có thể bộc lộ tâm tình thảo kính tri ân và hối hận về những thiếu xót vô tâm của mình đối với Ông Bà, Cha Mẹ. Một số các bạn của tôi tâm sự: nhờ những lần họp mặt gia đình như thế, anh em trong nhà dù đã có gia thất riêng cũng có thể trao đổi nâng đỡ nhau về đời sống tinh thần, vật chất hoạc chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Nhờ đó, tình gia đình, dòng tộc ấm cúng hơn; con cái cháu chắt ngoan thảo nghe lời Ông Bà, Cha Mẹ và yêu thương giúp đỡ nhau hơn.

Thực ra, tình yêu và hạnh phúc luôn là nhu cầu và khát vọng của mỗi người và nó chỉ có thể có được trong tổ ấm gia đình. Tình cảm gia đình thật cao quí, thiêng liêng, kỳ diệu và có ý nghĩa tuyệt đối cho mỗi người trong tiến trình thành nhân. Nếu ai đó sinh ra đời mà không được hưởng tình thương chăm sóc của Ba Mẹ hay lòng hiếu thảo quan tâm của con cháu thì đó là nỗi bất hạnh khổ đau nhất của cuộc đời họ. Ngược lại, dù ai đó có phải trải qua biết bao vất vả nhọc nhằn nhưng được sống trong một gia đình an vui, trên thuận dưới hòa thì họ vẫn bình an nhắm mắt từ giã cuộc đời với nụ cười thanh thản.

Tóm lại, những ngày đầu Xuân dù đã bị biến chất bởi nhiều hình thức vui chơi nhưng giá trị truyền thống của nó vẫn luôn âm hưởng trong tâm khảm của mỗi nguời khi trở về với mái ấm gia đình, hướng đến Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ – những thế hệ đi trước đã để lại một gia sản phong phú tinh thần và thể chất là tất cả những gì chúng ta đang hưởng dùng trong cuộc sống hôm nay. Carl Jung, Nhà Tâm lý nhân bản đã có cảm nghiệm rất sâu nơi một con người có “gốc mẫu” và vô thức cộng đồng thật mênh mông kỳ diệu! Theo ông, đó là hệ thống gien di truyền, là hồn dân tộc mà mỗi người sinh ra trên đời phải luôn biết ơn tất cả mọi thế hệ đi trước bằng cuộc sống hiếu thảo và yêu thương nâng đỡ nhau. Có thể đây là ước nguyện của mọi người nhưng vì cuộc sống quá nhiều biến động nên mỗi gia đình cần có một dự phóng chung: chọn cho mình một vài ngày họp mặt cụ thể đặc biệt trong những ngày đầu năm; không phải chỉ để ăn uống nhưng làm sống dậy tâm tình hiếu thảo chân thành.

Một điều đáng tiếc là hiện nay Tây Phương rất đề cao giá trị của nếp sống gia đình truyền thống Á Đông, họ đang nỗ lực nghiên cứu để học hỏi, thì nơi một số gia đình Việt Nam lại vì một chút lợi nhuận vật chất mà đánh mất đi ý nghĩa tốt đẹp, cao quí của Đạo Hiếu trong gia đình.

Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh
Trích từ Phạm Thị Oanh, Gia đình – mái trường thân yêu 

Comments are closed.

phone-icon