Người nữ tu Đa Minh – Chân dung của một ngôn sứ

0

Trong thinh lặng nội tâm, khi nhìn lại hành trình đời tu của mình chúng ta có thể tự hỏi: tại sao tôi đang ở đây, trong tu viện này và làm công tác như hiện nay? Phải chăng chính những việc tôi đang làm đã hình thành nên chân dung người nữ tu của tôi?

Như vậy phải chăng chân dung của tôi là người nữ tu với nếp sống cầu nguyện, dạy học, dạy giáo lý, chăm sóc bệnh nhân, thăm viếng người nghèo, nuôi dưỡng người già neo đơn và các em cô nhi? Hay phải chăng hình ảnh mà tôi hằng ước mơ là người nữ tu đang miệt mài học tập trong các trường đại học, những trung tâm ngoại ngữ hay du học về giảng dạy trong những lớp Thần học Thánh Kinh? Nếu thế thì những lúc tôi nằm trên giường bệnh hay khi đau yếu chỉ làm được những việc  lặt vặt hoặc trong vai trò phụ trách cộng đòan tôi chỉ âm thầm phục vụ chị em thì sao?

Vậy, đâu là chân dung đích thực của người nữ tu Đa Minh?

Thực ra, những gì chúng ta đã làm đều là những công việc của người nữ tu Việt Nam hôm nay; và nhiều người khác trong xã hội cũng có thể làm còn tốt hơn chúng ta. Vì thế chúng ta cần có một định hướng rất rõ cho đời thánh hiến của mình trong ơn gọi Đa Minh. Chúng ta cần xác tín rằng: cũng như Ab-ra-ham, Mo-sê, E-li-a, Đức Maria, thánh Giuse và các thánh, mỗi chị em chúng ta đều đã được gọi và tuyển chọn cho một sứ mạng. Cụ thể hơn là nữ tu Đa Minh với linh đạo thuyết giáo, chúng ta cần thể hiện chân dung của người ngôn sứ, truyền thông Lời Thiên Chúa, loan báo sứ điệp niềm hy vọng Nước Trời  bằng chính cuộc đời yêu thương phục vụ của mình, dù chúng ta chỉ là một bệnh nhân hay một tội nhân; đặc biệt trong dịp “Lễ Tạ Ơn Hồng Ân 60 Năm Hội Dòng Hình Thành Và Phát Triển”. Vì tất cả chúng ta làm nên Hội dòng và Hội dòng chỉ thực sự phát triển khi mỗi chị em đều ý thức sống ơn gọi ngôn sứ Đa Minh, dám cùng chết với Đức Kitô để có thể làm chứng nhân Tin Mừng Phục sinh của Người giữa lòng xã hội vật chất vô thần hiện nay.

I. ƠN GỌI ĐA MINH MANG TÍNH NGÔN SỨ

Hình ảnh các vị ngôn sứ  trong Thánh kinh cho thấy họ là những người bình thường được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ khác thường để làm chứng ngay giữa đời thường. Vì thế, phản ứng tự nhiên của các ngài là trình bày lại, thưa với Chúa sự thật bất xứng, bất lực của mình trước sứ vụ được trao. Khi đó, các ngài đã được Thiên Chúa trấn an bằng chính sự hiện diện của Người với quyền năng của Thánh Thần.

1. Ngôn sứ người được gọi giữa đời thường cho một sứ vụ khác thường

Thánh kinh đã ghi lại câu chuyện Thiên Chúa gọi Mô-sê khi ông đang chăn chiên (Xh 3,1-2 ) và truyền dạy: “Giờ đây tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập…Ta sẽ ở với ngươi.”(Xh 3,9-10.12).  Với ngôn sứ  A-mốt, Thiên Chúa đã bắt lấy ông khi ông đang theo sau đàn vật (Am 7,15) và sai ông đi rong ruổi khắp các thành thị ở Ít-ra-en, lên tiếng tố cáo những sự bất công trong xã hội, cũng như  cách sống đạo  chỉ bằng lòng với những thực hành bên ngoài, không phát xuất từ con tim, không có sự sống. (Am DN). Đức Maria và thánh Giuse được gọi trong khung cảnh gia đình và các môn đệ cũng được gọi ngay trong công việc thường ngày của họ : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”(Mc 1,17).

Dù mỗi vị được gọi trong những tình huống khác nhau nhưng tất cả đều được trao sứ mạng tham dự vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, giáo dục đức tin cho dân và giúp dân hoán cải tâm hồn để trở về sống trong niềm tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Khi được gọi, tất cả các vị đều sửng sốt, ngạc nhiên trong kinh nghiệm riêng của mình; cụ thể như Đức Maria: “Việc đó xẩy ra thế nào được vì…” Nhưng sau cùng tất cả đều tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa nên đã thưa “Xin vâng” hay “…..,Vâng lời Thầy con thả lưới.

2. Ngôn sứ người đi tìm tôn nhan và lắng nghe Lời Thiên Chúa.

Ê-li-a là tổ phụ của các ngôn sứ, thuộc dòng dõi những kẻ tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa. (x.SGLHTCG 2582). Trong những lúc “riêngmột mình với Thiên Chúa”, các ngôn sứ múc được ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Việc cầu nguỵên của các vị không phải là chạy trốn thế giới bất trung, nhưng là lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa, luôn luôn chuyển cầu cho dân để chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử.(x.SGLHTCG 2584)

Như vậy, để nhận ra sứ mạng của mình mỗi chị em chúng ta thực sự rất cần những giây phút tâm giao với Chúa, hiện diện trước tôn nhan Chúa, sống trong tương quan thân tình với Chúa để có thể lắng nghe được sứ điệp Chúa muốn trao cho mình ngay trong công việc bổn phận hằng ngày. Hy vọng, từ những nẻo đường sứ vụ, tiếp cận, chứng kiến, lắng nghe muôn cảnh khổ đau của anh chị em mình; đồng thời với kinh nghiệm ngày một rõ hơn về những giới hạn của chính mình đứng trước tội ác, bóng tối sâu thẳm của lòng người và cơn đói khát rất mãnh liệt của nhân loại, hướng về chân lý và tình yêu. Đó là động lực thúc đẩy chúng ta “xin vâng” đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và hướng dẫn chúng ta yêu mến cầu nguyện tìm về với nguồn hy vọng đang hiện diện giữa chúng ta – Đức Giêsu Kitô phục sinh, Tin Mừng hy vọng nguồn nội lực cho những thao thức dấn thân của chúng ta; và cũng là nguồn nương tựa cho chúng ta trong sứ vụ loan báo niềm hy vọng của người nữ tu Đa Minh hôm nay.

II. GƯƠNG VÂNG LỜI CỦA CÁC NGÔN SỨ

Ơn gọi của người nữ tu Đa Minh luôn mang tính ngôn sứ vì thế tất cả chúng ta đều được mời gọi thể hiện thái độ vâng lời như các ngôn sứ; đặc biệt đối với  những chị em được tuyển chọn trong ơn gọi lãnh đạo cộng đòan vì lãnh đạo là một ơn gọi trong một ơn gọi, là điều được trao ban, uỷ nhiệm nên cần đến sự đáp trả bằng đức vâng lời. Đời sống của ngôn sứ Giê-rê-mi-a là một minh họa cụ thể. Ông đã trở nên người tôi tớ đau khổ của Gia-vê khi vâng theo những lệnh truyền của Ngài. Nhờ đó ông chính là hình bóng của Đức Giêsu, vị ngôn sứ đã tự hủy mình ra không để hòan tòan vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết trên thập giá.

1. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a

“Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: ‘Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng trong dạ mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” Nhưng tôi thưa: ‘Ôi! Lạy Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” Đức Chúa phán với tôi: ‘Đừng nói ngươi còn trẻ ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi”, sấm ngôn của Đức Chúa. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,4-10). “Ngươi hãy thắt lưng. Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.”(Gr 1.17).

Đứng trước lệnh truyền của Chúa, Giê-rê-mi-a đã nghiêm túc thi hành và khi bị ngược đãi, ngôn sứ  đã thưa với Chúa: “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, lọai nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!” Nhưng lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.”(Gr11,19-20)

Rồi sau bao nỗi gian truân thử thách, chính ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tâm sự với Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến dũ con, và con đã để cho Ngài quyến dũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: “Bạo tàn ! Phá hủy!” Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được! Con nghe biết bao người vu cáo: “Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!’ Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: ‘Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rối chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!’ Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế, những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.” (Gr 20,7-11)

2. Đức Giêsu Kitô

Đối với Đức Giêsu, vâng lời là nghe lời của Thiên Chúa Cha, tin và hành động theo ý Ngài. Mặc dầu Người vốn dĩ  là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.(x.Pl 2,6-8)

Nhưng trong phận người, đời sống của Đức Giêsu cũng phải trải qua một hành trình tìm kiếm, nhận biết và chọn sống trung thành với Thiên Chúa tình yêu, ý muốn của Ngài là sự sống tràn đầy cho tất cả. Vì thế, khi đối diện với mầu nhiệm khổ giá, Đức Giêsu đã cầu nguyện: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”(Mc 14,36). Như vậy, “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục và khi chính bản thân đã tới mức thập tòan, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”(Dt 5,8-9)

Vì thế, Đức Giêsu đã trở nên gương mẫu cho tất cả những ai được gọi trong vai trò lãnh đạo: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mc10,45). Người đã dạy các môn đệ: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân,… Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22,25-27).

III. VỊ NGÔN SỨ PHỤC VỤ VỚI TRÁI TIM THIÊN CHÚA

Tới đây, sau khi chiêm ngắm ơn gọi và sứ vụ của các ngôn sứ và cao điểm nhất là chính đời sống của Đức Giêsu, vị ngôn sứ đã truyền thông ý muốn cứu độ của Cha cho chúng ta bằng chính đời sống hiến tế của Người, hy vọng mỗi chị em chúng ta cũng nhận ra sứ mạng ngôn sứ của mình giữa lòng xã hội đang bị tục hóa hiện nay. Đồng thời, cùng với Cha Thánh Đa Minh và các thánh Dòng, chúng ta sẽ ý thức hơn và nhiệt tình hơn chu toàn việc bổn phận của mình hướng tới mục đích loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu giữa cộng đòan và cho những người chưa một lần nghe biết hay chưa cảm nghiệm được sức mạnh của Danh Đức Giêsu. Đặc biệt trong vai trò lãnh đạo dân Chúa như một ngôn sứ, chúng ta cần cầu  nguyện và tự huấn luyện để có thể phục vụ anh chị em mình với trái tim của Thiên Chúa qua một vài gợi ý dưới đây:

1.Lãnh đạo – một ơn gọi để yêu.

Nếu bản chất ơn gọi của người tu sĩ là yêu thì tình yêu phải là động lực duy nhất để chúng ta đón nhận vai

trò lãnh đạo. Nói cách khác lãnh đạo là một phương tiện cụ thể để yêu Chúa và yêu người khác. Tình yêu là giá trị trước nhất của lãnh đạo vì  người lãnh đạo ảnh hưởng tới các thành viên  khác nhằm đạt tới mục đích chung.

Đỉnh cao bài học về lãnh đạo của Đức Giêsu là tình yêu phục vụ trong cộng đòan những người bạn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.”(Ga 15,12-14)

2. Lãnh đạo phải hướng tới sứ vụ

Trong ơn gọi Đa Minh, người lãnh đạo cần có một tầm nhìn gây ảnh hưởng đến tất cả mọi thành viên trong Hội dòng về mục tiêu làm chứng nhân của Lời bằng chính cuộc đời của mình. Tầm nhìn của sứ vụ Hội dòng cần được định hướng từ kế họach cứu độ của tình yêu Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài muốn tất cả nhân lọai được cứu độ trong Đức Giêsu. Vì thế, làm sao để trong đời sống tu sĩ, chị em luôn ý thức tham dự vào sự sống và sứ vụ của Đức Giêsu khi cầu nguyện cũng như lúc học hành; khi nghỉ ngơi cũng như  lúc lao động, khi phục vụ cộng đòan cũng như lúc gặp gỡ tha nhân; tất cả đều vì sứ vụ loan báo niềm hy vọng Nước Trời cho mọi người mọi nơi.

Đối với đời tu Đa Minh, vị lãnh đạo phải là người say mê với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và mang trong mình nhiệt tâm như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9,16). Cha Thánh Đa Minh vẫn thường nhắc lại với con cái mình rằng: Hạt giống nếu tích trữ sẽ khô héo, chỉ khi được gieo vãi nó mới sinh nhiều hoa trái.  Tuy nhiên, sứ vụ Đa Minh không bao giờ họat động đơn lẻ từng người nhưng là sứ vụ chung của cộng đòan với tâm niệm: “Cùng nhau thi hành sứ vụ”. Điều này rất cần đến nghệ thuật lãnh đạo của Bề trên, làm sao để chị em cùng mang một thao thức, cùng vui vẻ chia sẻ sáng kiến và kết nối khả năng để đạt được mục tiêu chung? Vì thế, Đức Kitô luôn  phải là điểm qui chiếu để tất cả đều được hiệp thông với Ngài thi hành ý muốn cứu độ của Cha. Hay nói cách khác, vị lãnh đạo luôn cần ý thức sống khiêm tốn để Đức Kitô luôn là trung tâm của cộng đòan sứ vụ.

3. Lắng nghe và phục vụ những người bé nhỏ.

Một trong những bổn phận chính yếu của lãnh đạo là tạo được bầu khí truyền thông và hiệp nhất trong cộng đòan. Điều này chỉ có được khi vị lãnh đạo biết lắng nghe chị em trong tình yêu. Thái độ lắng nghe chân tình của vị lãnh đạo có sức thu hút chị em mở rộng tâm trí của mình để chia sẻ niềm vui nỗi buồn hoặc góp ý xây dựng cộng đòan thăng tiến hơn. Nhờ lắng nghe, vị lãnh đạo hiểu được nhu cầu của chị em để phục vụ hiệu quả hơn; đồng thời cũng nhìn ra được những sai xót của mình để khắc phục sớm hơn. Nhưng không có tình yêu chúng ta không thể lắng nghe. Nói cách khác nếu chúng ta thiếu lắng nghe chị em thì phải chăng nơi chúng ta thực sự đang thiếu sự tôn trọng và yêu thương chị em.

Khi chiêm ngắm Đức Giêsu, vị lãnh đạo sẽ học được nơi Người tình yêu của người mục tử quan tâm săn sóc những thành phần bé nhỏ trong cộng đòan. Đó là những chị em dễ bị coi thường như những người ở hàng cuối cùng. Tin Mừng đã ghi lại lời Chúa Giêsu: “Con Người đến để tìm và cứu vớt những gì đã hư  mất.” và “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”(Lc15,7). Hơn nữa, nếu chúng ta tiếp cận với những người nhỏ bé như  với Đức Kitô, chúng ta sẽ học được nơi họ rất nhiều những đức tính của Tin Mừng như : khiêm tốn và hiền lành, đơn sơ và lòng biết ơn của trẻ thơ.

 Để kết:

Để tô đẹp hơn cho chân dung của người ngôn sứ Đa Minh, chúng ta cùng hiệp thông trong tình yêu để chia sẻ niềm hy vọng là lời loan báo Tin Mừng hiệu quả nhất cho những anh em đang đau khổ và tuyệt vọng trong xã hội hôm nay. Chính trong thái độ khiêm tốn hiện diện, phục vụ, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông của chúng ta, anh chị em chúng ta sẽ được khơi dậy và thắp sáng niềm hy vọng của họ vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ đến để giải phóng họ khỏi mọi hình thức nô lệ cho chính mình theo các bậc thang giá trị xã hội để được lành mạnh, tự do sống trọn vẹn cho mục đích mà Thiên Chúa muốn mỗi người hiện hữu để được yêu thương và hạnh phúc.

Trong vai trò lãnh đạo cộng đòan, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh phụ Đaminh, trước những bế tắc khi phải đối đầu với bè rối Albizensê hay khi gặp phải chống đối từ phía những người lạc giáo. Cha luôn qui tụ anh em, chị em tìm về với nguồn hy vọng bên Thánh Thể Chúa để đọc Cuốn Sách Hy Vọng là Lời Chúa và chiêm ngắm Gương Mặt Hy Vọng của Chúa Giêsu trước Giờ Tử Nạn Vinh Quang của Người. Nhờ những lời chuyển cầu hy vọng của cộng đòan sứ vụ, Cha đã nhận được thêm Ánh Sáng Hy Vọng để tiếp tục bước đi trên Con Đường Hy Vọng của người lữ hành đức tin. Đó là lời giải thích lý do Cha đã thành lập Dòng với linh đạo vừa chiêm niệm vừa hoạt động để khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ, là Tin Mừng Hy Vọng mà người tu sĩ Đa Minh phải tìm về với Đức Giêsu Kitô để niềm hy vọng của chúng ta luôn được thắp sáng, nhờ đó lời rao giảng của chúng ta mới có thể nở hoa hy vọng.

Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP.

Tham khảo tài liệu của Sr. Barbara, OP và Cha Quirico, OP trong “the Asia Dominican Leadership  Course at Caleruega in Philippine, Jan, 2011”

Comments are closed.

phone-icon