Từ “vâng phục” bắt nguồn ở động từ Latinh “audire” nghĩa là nghe. Như vậy phải chăng khởi điểm của Đức vâng phục chính là lắng nghe1. Có điều trong cái thế giới bao la những âm thanh, ngập tràn những tiếng gọi, và luôn phát khởi những mệnh lệnh này thì chúng ta cần phải xác định rõ lãnh vực, chúng ta phải nghe ai và nghe như thế nào?
Thực ra, nếu đứng trên quan điểm: “Bình đẳng phẩm giá” cũng như; “Bình đẳng nhân vị” mà xét, thì không ai có quyền bắt người khác phải nghe theo mình. Tuy nhiên, chúng ta nghe là nghe Lời chân lý hiện diện trong cuộc sống thể hiện qua các mẫu thức, các qui ước xã hội mà ta gọi là luật lệ. Trong niềm tin, chúng ta mặc cho luật lệ một nghĩa thiêng liêng. Chúng ta tin rằng qua Giáo hôi, các qui ước-lề luật của chúng ta đã được thánh hiến. và cũng thế với việc tuân giữ và thực thi quyền bính. Chúng ta tin nhận quyền bính đến từ Thiên Chúa “ông chẳng có quyền gì đối với tôi nếu từ trên chẳng ban cho ông” (Ga 19, 9).Chúa Giêsu đã xác định như thế trước toà án Philatô.
Chúng ta suy nghĩ gì giữa quyền “từ trên” mà Đức Giêsu nói, với những quyền bính cụ thể mà chúng ta đang phải phục tùng? Có phải chăng khi thưa vâng với lề luật, với những quyền bính hợp pháp, là chúng ta đang thưa vâng với quyền “từ trên cao” trong tâm tình đơn sơ bé nhỏ nhưng cũng vô cùng thảo hiếu: “Lạy Chúa Xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe (1Sm 3,9-10).
1. Nghe để nhận ra chân lý
Theo cái nhìn của nền minh triết Á Đông thì mọi sự vật đều có hình có tướng. Cái tướng diễn tả cái hồn, và cũng vì cái hồn có trong mỗi sự vật mà người ta khó lòng mà biện biệt một điều gì đó cho chính xác, nếu không biết “chiêm nghiệm” – “lắng nghe”. Lắng nghe tiếng nói của vũ trụ vạn vật – Qui luật tự nhiên, lắng nghe tiếng nói của con người – Qui luật xã hội, và trên tất cả: Lắng nghe tiếng nói của “Chân lý trường tồn” hay của “Đấng là chân lý” đang hiện diện nơi sâu thẳm trái tim con người.
Cái chiêm nghiệm – lắng nghe cho thấu đáo, để đi tới chỗ “Vâng”- “thuận” là điều rất quan trọng. Vì Chân lý muôn mặt như hạt ngọc kim cương, sự phải quấy là tuỳ trình độ, tùy thời gian, tùy hoàn cảnh, tùy cái nhìn, do đó chỉ có thể khơi gợi, so sánh, phản ánh nó trong hoàn cảnh thực, chứ không đưa ra một khuôn mẫu của mình hay của ai đó để phê phán và áp đặt.
Gandhi- nhà chính trị tài ba, được người dân Ấn độ coi như một vị thánh, đã nói như sau:“Tất cả những chân lý khác biệt nhau, có khác nào vô số lá cây trên cành, tuy mỗi lá có một vẻ riêng biệt, mà tựu trung đều ở trên một thân cây, cùng một gốc với nhau” . Có lẽ vì quan niệm trên đây mà thường người Đông phương không thích biện bác, nhất là không thích chống lại người đối thoại với mình2. Bởi anh có những suy nghĩ và lập trường riệng, anh cố biện bác, thuyết phục để chứng minh lập trường của mình là đúng, và tôi cũng vậy. Cuối cùng chỉ còn lại hai mảnh của hai khuôn mẫu mà người nọ cố tìm cách áp đặt cho người kia, còn chân lý thì vắng bóng.
Trong tâm hồn “chiêm nghiệm”, ngưòi Đông phương thích sự lặng thinh hơn là ba hoa, thích gợi ý hơn là truyền khiến. Điều này gợi ý cho chúng ta về việc huấn luyện một lương tâm tinh tế, trưởng thành, sẵn sàng mở ra cho những mạc khải của “Thánh ý” vốn vô cùng “sâu nhiệm” và cũng vô cùng “khó hiểu” của Thiên Chúa. Nếu không thì chúng ta đã chẳng nói đến sự băn khoăn trăn trở của Giuse trong cái quyết định quá khó khăn, mà Thiên Chúa thì chỉ gợi ý xa xa qua giấc mơ. Phải có một tâm hồn trầm lắng lắm, phải có một sự chiêm nghiệm, “nghe” như thế nào đó, mà chàng trai trẻ Giuse mới đọc ra được cái quyết định phải thi hành dường như chẳng phải là mệnh lệnh, là sự truyền khiến chính thức ấy.
Như vậy, nếu nói: khởi đầu của Đức vâng phục là lắng nghe, thì khởi đầu của nghe mới chỉ là bước đầu để nhận ra Lời Chân lý trong cuộc sống. Lời Chân lý ấy là chữ “Trung” của người quân tử theo Khổng giáo, là “Bát Chánh Đạo’ của thực hành Phật giáo hay là “Thánh ý Chúa’ trong cuộc đời của người Kitô giáo, thì cũng vẫn là chân trời huyền nhiệm mà con người phải nghe, phải khám phá để nhận ra rằng: kỷ luật và cách thức thực hành không phải là qui ước của những dòng chữ chết, nhưng nó là con đường sống, nó “được viết trên môi miệng chúng ta, trong lòng chúng ta, cốt để chúng ta tuân giữ”
2. Nghe để vâng phục Chân lý
Bình thường nghe là để tiếp nhận một thông tin nào đó, nghe để phân biệt âm thanh này với âm thanh khác, tiếng gọi này với tiếng gọi khác. Vì vậy, nghe thì có thể nghe bằng tai, nhưng lắng nghe thì không phải bằng tai, mà phải nghe bằng lòng. Thánh Biển Đức, tổ phụ của Dòng chiêm niệm, đã nêu khái niệm này ngay ở đầu Tu luật để nhắc nhở các Đan sĩ: “Này con ơi, hãy ghé tai lòng đón nhận lời cha hiền dạy bảo, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời nhủ khuyên và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng con lìa xa vì ươn lười, bất tuân” (TL lời mở 1-2).
Trở về trong sự vâng phục, chính là trở về trong sự thuận theo thánh ý Thiên Chúa thể hiện qua ý Bề trên và các chị em mình, như lời thánh Bênađô: “Vì sao tâm hồn xao xuyến, nếu không phải là chúng ta đã sống theo ý riêng mình (Bậc Tu Trì, tr 41)
Trong thực tế ai dám bảo mình là người đã sống đức vâng phục một cách trưởng thành? Tuy nhiên tất cả chúng ta đều được mời gọi để “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Cha là Đấng vô hình, nhưng qua Đức Giêsu, chúng ta có một mẫu gương sống động, tuyệt vời. Thư Do Thái viết: “Khi bước vào trần gian, Đức Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha rằng: “Của lễ hy sinh, của lễ xá tội, Cha không ưa cũng không cần. thì lạy Cha, này đây con đến để làm theo ý Cha” (Dt10,10).
Thiết tưởng, để làm cho đúng ý Cha, Chúa Giêsu đã phải luôn lắng nghe: Lắng nghe trong cầu nguyện, lắng nghe qua đời sống rao giảng, lắng nghe qua các biến cố cuộc sống. Ngài cũng kêu gọi mỗi người chúng ta phải biết lắng nghe ý Cha: qua luật Dòng, qua bề trên, qua cuộc sống, và cả nơi những anh em bé nhỏ.
Mặt khác, khi vâng phục ta thể hiện sự nhạy cảm với những nhu cầu cấp thiết trong giáo hội, xã hội, cộng đoàn và cả những vấn đề thời đại. Theo nghĩa đó, sự vâng phục đòi hỏi phải luôn lắng nghe lời mời gọi của chúa qua những dấu chỉ thời đại mình đang sống.
Nhưng trên tất cả, sự vâng phục đúng nghĩa phải là sự vâng phục có trách nhiệm, có nghĩa nó vừa bao hàm sự “hiểu biết”, vừa mang tính “tự nguyện” vừa thể hiện được tính “đạo đức, khiêm tốn”, vừa thể hiện được tình yêu với Đấng mình yêu mến qua hành vi vâng phục. Nói chung đó là một lời “vâng” sâu sắc của một tâm hồn chiêm nghiệm- một lời “vâng” rất Á Đông, và cũng rất là bình dị. Vâng ! “Vâng phục thì tốt hơn của lễ, lắng nghe thì tốt hơn mỡ cừu” (1Sm 15,22)
Tóm lại: Cùng với việc lắng nghe để nhận ra chân lý và lắng nghe để vâng phục chân lý, chúng ta đón nhận “lệnh truyền” như một sứ mạng để thi hành ý Chúa: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”(Dt 10,9). Hơn bao giờ hết, xã hội hôm nay đang bị đe doạ bởi thứ tự do hoang dã, thực dụng, thiếu tính người; Sự hiện diện của Đức vâng phục vừa là mời gọi thầm kín trong mỗi bản thể, vừa là chứng từ cho một cuộc sống có kỷ cương và nhân bản trong ý thức trách nhiệm, trong trật tự xã hội, và trong sự triển nở trọn vẹn nhất của con người.
Sr. Lucia Xuân Trang