Nên CHO hay NHẬN ?

0

Sách Huấn Ca dạy: “Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con” (Hc 4:1-5).

CHO là TRAO TẶNG, TRAO BAN, HIẾN DÂNG,… với cả tấm lòng trân trọng và yêu quý. Một động từ đẹp, không đẹp về cách viết mà đẹp về ý nghĩa đầy tính nhân bản, đầy tình thương xót, đầy lòng thứ tha,… KHÔNG CÓ thì không thể CHO, vì người ta chỉ có thể CHO những gì mình CÓ – dù vật chất hay tinh thần.

Ngoài Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:3-10), một trong những ĐẠI PHÚC khó tin nhất được đề cao trong Kinh thánh là: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:35). Người cho lại hạnh phúc hơn người nhận ư? Có lộn không? Thật là ngược với trực giác và bản năng của chúng ta. Tuy nhiên, đó lại là sự thật với 5 lý do xác định lý do nên CHO hơn NHẬN.

Tuy nhiên, cũng nên nhớ lại câu nói ý vị của người Việt Nam: “Của cho không bằng cách cho”. Một câu nói rất NHẸ nhưng rất ĐAU, nhắc nhở chúng ta đừng vội… “chảnh” khi CHO ai bất kỳ thứ gì!

1. CHO LÀ VÂNG LỜI THIÊN CHÚA

Cựu ước có nhiều mệnh lệnh hơn đối với việc CHO về tài chính – cho ai, cho khi nào, cho bao nhiêu, cho cách nào, Tân ước ít mệnh lệnh này. Có thể các tác giả Tân ước chỉ cho rằng Thiên Chúa đã CHO chúng ta quá nhiều – thậm chí đã CHO chính Đức Kitô làm giá cứu độ muôn dân, nhưng việc CHO của chúng ta nên hợp lý và thoải mái. Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Anh em đã được CHO KHÔNG, thì cũng PHẢI CHO KHÔNG như vậy” (Mt 10:8). Một mệnh lệnh xem chừng quá “nhẹ” nhưng lại khó thực hành!

2. CHO LÀ PHỤC TÙNG THIÊN CHÚA

Vâng lời (vâng phục, tuân phục, thanh tuân) là một nhân đức. Vâng lời liên quan việc “từ bỏ mình”, tức là khi vâng lời thì người ta phải bỏ ý riêng, đề cao ý người khác, vì khi vâng lời là “chết” cho chính mình. Vâng lời cũng là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ. Mỗi động thái vâng lời đều có giá trị cao trong cuộc đời Kitô hữu: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Chúa Giêsu cũng hành động chỉ vì vâng lời: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Đó là vâng phục.

3. CHO LÀ THỂ HIỆN TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

CHO là động thái tốt đẹp và hoàn hảo: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1:17). Quả thật, xét cho cùng thì “tất cả đều là Hồng Ân” (Rm 4:16). Những gì không thuộc về mình, vậy tại sao cứ GIỮ khư khư làm “tư sản” mà lại không muốn CHO? Miệng nói YÊU Thiên Chúa mà lại không muốn CHO thì làm sao có thể gọi là tình yêu đúng nghĩa? Nếu chỉ nói suông thì chúng ta chỉ là “thùng rỗng kêu to” (x. 1 Cr 13). Người ta nói: “Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân”. Vậy chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa khi chúng ta dùng tiền bạc?

4. CHO LÀ RAO TRUYỀN THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ

Thiên Chúa là Đấng-tự-hiến, sẵn sàng trao ban tất cả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Đó là lý do mà Tông đồ Phaolô muốn khuyến khích chúng ta nên CHO, dẫn chứng sống động bằng chính Đức Kitô: “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9). Chúa Giêsu giàu đức tin, giàu yêu thương,… nên Ngài muốn chúng ta cũng phải như thế. Khi chúng ta hy sinh, chịu đau khổ, nhịn nhục,… vì lợi ích của người khác, đó là chúng ta biết CHO vì đức ái, là loan báo Tin Mừng và nên giống Đức Kitô.

5. CHO LÀ TIN TƯỞNG THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

Nỗi sợ là rào cản khiến chúng ta không muốn CHO. Tại sao? Sợ cho quá nhiều, sợ uổng phí, sợ mình bị thiếu hụt,… Khi biết CHO là biết hy sinh, chúng ta bày tỏ đức tin và niềm tín thác vào Thiên Chúa vì chắc chắn Ngài luôn quan phòng và lo liệu đủ cho chúng ta. Đây KHÔNG là ĐIÊN RỒ, mà là ĐỨC TIN. Nhiều Kitô hữu đã tìm được niềm vui trong công việc từ thiện, công việc tông đồ. Đó là cách bẻ tấm-bánh-cuộc-đời-mình và TRAO CHO tha nhân: “Cơm bánh của bạn, hãy đem thả trên mặt nước, về lâu về dài, bạn sẽ tìm lại được” (Gv 11:1). Thiên Chúa quan phòng sẽ lo liệu nếu chúng ta vâng lời Ngài và tin tưởng: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 22:).

Có những điều nghịch lý được Kinh Thánh đề cập: “Có khi lâm nạn lại thành công, gặp may mà hoá thiệt thòi. Có lúc cho đi mà con không được lợi, có lúc cho đi lại được trả gấp đôi. Đôi khi vinh quang đem lại nhục nhã, kẻ thấp hèn lại được ngẩng đầu hiên ngang. Có kẻ sắm nhiều mà tốn ít, nhưng thực ra phải trả gấp bảy lần. Người khôn ngoan nói ít cũng gây được thiện cảm, lời hoa mỹ của kẻ ngu đần chỉ là thứ đổ đi. Ích gì cho con quà biếu của đứa khờ dại: nó biếu một mà trông được mười. Nó cho thì ít, trách mắng thì nhiều, miệng oang oang như thằng mõ, hôm nay cho mượn, ngày mai đã đòi” (Hc 20:9-15). Vậy mà không phải vậy. Trong đó đầy triết lý sống mà chúng ta phải miệt mài học cả đời!

Biết CHO là sống khôn ngoan, bởi vì “khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan” (Cn 3:18). Sự sống đề cập ở đây là sự sống đời đời, sự sống vĩnh hằng.

TRẦM THIÊN THU

Comments are closed.

phone-icon