Chị Têrêsa lắng nghe tiếng Chúa

0

Một trăm mười ba năm trước, lúc 19 giờ 20 phút ngày 30.9.1897, nữ tu Têrêsa thành Lisieur qua đời. Người nữ tu qua đời ở tuổi 24 này đã mau chóng chiếm lĩnh triệu triệu con tim trên thế giới. Têrêsa đã trở thành người nổi tiếng ngay sau cái chết của mình. Bắt đầu từ việc người ta phổ biến những trang viết tay tự thuật (đã bị sửa đổi nhiều) của Chị như lá thư luân lưu tại các dòng Kín ở Pháp. Đó cũng chính là cuốn sách mà Chị đã sáng tác vừa để vẽ nên cuộc đời của Chị, vừa là Đóa Hoa Hồng tuyệt đẹp, lại vừa là bảo vật cuối cùng Chị đã để lại hậu thế. Người ta quý mến Chị đến mức, cuốn Truyện Một Tâm Hồn, thuộc loại “best-seller”. Dù chỉ là một cuốn sách kể về chính cuộc đời Chị, do chính Chị đã vâng lời Bề Trên viết trong 18 tháng cuối đời đầy suy sụp và đau đớn, nó đã trở thành con đường hoàn thiện mà nhiều người chọn để noi gương Chị, bước theo Chị tiến vào Tình Yêu hoàn bị của Thiên Chúa.

Càng ngày càng có nhiều người đến viếng mộ Chị. Người ta hâm mộ. Người ta ca ngợi. Người ta kêu cầu Chị bàu cử cho chính họ. Những bức ảnh do chị Céline của Chị vẽ được in ấn và phổ biến khắp Lisieux. Tiếng đồn về nhiều tâm hồn được ơn ăn năn trở lại và những phép lạ do sự chuyển cầu của Chị, cũng vang xa không ngừng.

Rồi đến lúc, không phải chỉ là tiếng đồn của dân chúng mà thôi, nhưng Giáo quyền đã vào cuộc bằng việc chính thức mở hồ sơ điều tra để tiến hành phong Chị lên hàng hiển thánh. Năm 1914, hồ sơ đã hoàn tất và được đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô X. Ngài chấp nhận vụ án phong á thánh cho người nữ tu này.

Sau vài năm, khi thế chiến lần I kết thúc, người ta còn ghi nhận rất nhiều lời đồn đại từ lính tráng hoặc các cựu chiến binh thuộc một số quốc gia: Pháp, Anh, Đức đã từng chiến đấu trong thế chiến rằng, họ đã được người nữ tu dòng Kín này cứu sống nhờ họ đem lòng yêu mến Chị, cầu nguyện cùng Chị, và một ít lần, họ nhìn thấy Chị…

Tháng 4.1923, dù chưa được tuyên phong trên bàn thờ Hội Thánh, vẫn có đến 50.000 người tham dự thánh lễ cải táng phần mộ của Chị để đưa hài cốt Chị từ nghĩa trang Lisieux về nhà dòng. Tháng 4.1923, Têrêsa được phong lên bậc á thánh. Chỉ hai năm sau, năm 1925, Đức Piô XI đã tôn phong người nữ tu bé nhỏ của Thiên Chúa lên hàng hiển thánh và gọi Chị là “ngôi sao của triều đại tôi”.

Giáo quyền càng ngày càng đi xa hơn trong việc vinh danh thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Năm 1927, thánh nữ được tôn xưng là bổn mạng của các nhà truyền giáo (ngang hàng với thánh Phanxicô Saviê). Năm 1934, thánh nữ Têrêsa được tôn xưng là bổn mạng chính của nước Phap (ngang hàng với thánh Jeanne d`Arc). Cho đấn cuối thế kỷ XX, thánh nữ Têrêsa lại được Đức Gioan Phaolô II phong tặng là nữ tiến sĩ Hội Thánh (ngang hàng với Mẹ thánh Terêsa Avila).

Ngày nay, trên khắp thế giới có khoảng 1.800 ngôi thánh đường được dâng kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Theo nhà văn Jean Chalon, tác giả cuốn tiểu thuyết về thánh nữ xuất bản năm 1995, thì thánh nữ còn được sùng bái ngay trong ngôi đền Ấn giáo ở Madural, Ấn Độ.

Người ta tự hỏi, bởi đâu người nữ Đan sĩ nhỏ bé, không tiếng tăm, không quyền hạn, thậm chí không có ảnh hưởng, không có tiếng nói…, chưa bao giờ lãnh đạo ai, chưa bao giờ xây dựng một công trình trần thế nào dù to hay nhỏ, chưa bao giờ lặn lội rày đây mai đó để xả thân cho lịch sử hay nền văn hóa nào…, lại có thể có một tầm mức quan trọng, lại có thể sống lâu và hiện diện bền bỉ trong lòng người đến vậy?

Để trả lời, chúng ta thường nghĩ ngay đến ơn Chúa đã làm cho tác phẩm kỳ diệu của Người hoàn hảo đến mức huy hoàng. Đúng là như thế. Nhưng đó chỉ là cái nhìn một phía: phía Thiên Chúa. Tôi thích ghi nhận đời sống của Chị Thánh qua cái nhìn từ phía con người hơn: Đó là sự cộng tác, không chỉ là một sự cộng tác mà thôi, mà còn là một sự cộng tác nhiệt thành, kiên trung của Chị với ơn Chúa. Và hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các chị em về KHẢ NĂNG LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA CỦA THÁNH NỮ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU. Đó chính là khả năng mà Chị Thánh đã cộng tác miệt mài với ơn Chúa suốt 24 năm làm người của Chị. Chị đã:

I. LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA TRONG THAO THỨC TRUYỀN GIÁO.

Dù sống trong bốn bức tường của đan viện, Chị Têrêsa không ngừng hướng tới công tác truyền giáo của Hội Thánh, một công tác đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều chấp nhận. Mơ ước truyền giáo cháy bỏng tâm hồn Chị đến nỗi, có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, Chị trở thành một chuyên viên truyền giáo dũng mãnh, một nhà thừa sai tích cực, một con người trải nghiệm trong việc gieo rắc danh Chúa Kitô. Chị đã lướt trên cánh đồng truyền giáo đầy gian khó của Hội Thánh bằng tất cả con tim yêu mến của mình. Chị đã mạnh mẽ loan báo Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người bằng tất cả năm tháng ngày giờ, bằng mọi hành có thể có được của ơn gọi cầu nguyện và chiêm niệm. Phương châm đời truyền giáo của Chị là hoạt động trong chiêm niệm. Càng chiêm niệm bao nhiêu, hoạt động càng phong phú bấy nhiêu. Bởi Chị biết rõ, cần phải có những con người chiêm niệm, hy sinh liên lỷ cho công tác truyền giáo, hoạt động truyền giáo của Hội Thánh mới có thể đạt hiệu quả cao, mới có thể càng ngày càng mở rộng biên giới của Hội Thánh.

Truyền giáo trước tiên và chủ yếu không phải là chuyển giao một mớ giáo lý, nhưng là chia sẻ một sự sống, một năng lực sống, hơn thế, một sức sống thiêng liêng cho một đối tượng, cho một cộng đoàn, cho một khúc quanh lịch sử, cho cả một dân tộc, một quốc gia, thậm chí cho cả một nền văn hóa, một tập thể nhân loại… Bởi điều mà người ta cần không phải là lý thuyết cho bằng một thế giới nội tâm đã được thánh hóa bởi ơn Chúa trong trầm mặc, trong chiều sâu tận cùng của sự liên lỷ cầu nguyện. Chị Thánh đã hiểu. Và vì hiểu, Chị đã sống. Chị đã làm dồi dào sức sống thiêng liêng và nội tâm ấy, trước hết là cho công tác truyền giáo của Hội Thánh. Qua đó, nhờ ơn Chúa mà Chị hằng ấp ủ bằng cả một đời cầu nguyện, cũng sẽ tự thánh hóa chính mình, giúp Chị tự thánh hiến mình cho cánh đồng truyền giáo của Hội Thánh, không bao giờ ngơi nghỉ, không bao giờ mỏi mệt. Quả thật, Chị đã là một dụng cụ ngoan ngoãn của tình yêu Thiên Chúa. Chị đã công bố Tin Mừng của Chúa bằng chính con người và cuộc sống của Chị.

Tắt một lời: Chị Têrêsa đã lắng nghe tiếng Chúa từng giờ phút, suốt đời mình trong thao thức truyền giáo mà Chị hằng ôm ấp. Tiếng Chúa đã đòi Chị hiến dâng cho Người một con tim truyền giáo. Tiếng Chúa đã thúc giục Chị lên đường truyền giáo bằng cả một đời tận tụy cầu nguyện và chiêm niệm. Tiếng Chúa đã đòi Chị trải hồn mình trên cánh đồng truyền giáo mênh mông mà Hội Thánh đang đối mặt. Và càng trải hồn rộng thênh thang bao nhiêu, giữa thực tế của môi trường đan viện, chị càng lắng sâu và tắm mình trong cầu nguyện bấy nhiêu. Tiếng Chúa đã đòi Chị, không chỉ cầu nguyện mà còn hiến dâng tất cả mọi hoạt động của một đời đan tu cho ơn gọi truyền giáo.

Chị đã lắng nghe tiếng Chúa mời gọi. Chị đã thực hành tiếng Chúa chỉ bảo. Vì thế, trong ơn gọi truyền giáo, Chị đã nên cao trọng. Hội Thánh biết ơn Chị. Hội Thánh đề cao linh đạo chiêm niệm truyền mà Chị đã tiên phong mở đường. Hội Thánh muốn tất cả mọi người, hãy noi gương Chị hãy đi truyền giáo bằng cả một đời cầu nguyện, và cầu nguyện phải thấm từng chân tơ kẽ tóc của hoạt động truyền giáo. Đặc biệt, Hội Thánh dạy tất cả những ai đang làm công tác truyền giáo như đặc thù của ơn gọi mình, hãy cầu nguyện cho chính công cuộc của mình, hãy cầu nguyện cho cho mưa ơn gọi truyền giáo trong Hội Thánh. Hội Thánh đã đặt Chị làm Bổn mạng của ơn gọi truyền giáo của mình. Chị đã đứng đầu ngành truyền giáo của Hội Thánh.

II. LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA TRONG LỜI MẠC KHẢI.

Kinh Thánh là đường dẫn Têrêsa đi, là lối đưa Têrêsa về quê hương tình yêu và hạnh phúc (dù hạnh phúc ấy phải khám phá, phải phấn đấu nhiều mới đạt được) mà Chúa đã dạy Chị trong linh đạo “thơ ấu” để nên thánh và để chìm sâu trong lửa tình yêu của Người. Têrêsa đã nhận thánh ý Chúa qua Lời Mạc khải, để rồi chính Lời Mạc khải thể hiện Thánh ý ấy đã đào tạo Têrêsa thành người trọn lành như bông hồng thiêng e ấp tình yêu của Chúa.

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống” (Tv 41, 2-3). Lời Thánh vịnh như diễn tả tất cả niềm thao thức, tất cả lòng đắm say, tất cả nỗi thèm thuồng ngụp lặn trong tình yêu của Chúa. Đọc lại cuộc đời và nhân đức của Têrêsa, cho ta thấy niềm đam mê được gần Chúa, niềm đam mê khao khát Chúa của Chị y như ý nghĩa Thánh vịnh. Chị tìm về Chúa, hồn Chị đón nhận Chúa như nai đang chết khát tìm thấy nguồn nước. Lòng Chị thỏa thuê trong Chúa như nai rừng chết khát thỏa thuê trong dòng nước nguồn. Tắm mình trong Lời Chúa mạc khải sâu, đậm, nặng, mạnh mẽ, thiết tha… như thế, nên Chị lắng nghe tiếng Người cách đầy đủ, trọn vẹn, lắng sâu. Bởi lắng nghe tiếng Chúa dữ dội, Chị Thánh đã: quyết chọn Chúa là gia nghiệp đời mình; Chị nhận thấy mình hèn mọn và nhận ra yêu mến là ơn gọi của chính cuộc đời Chị.

1. Chị chọn Chúa là gia nghiệp đời mình.

Ngay từ nhỏ, Chị đã uống lấy niềm khao khát Chúa. Chị khám phá rằng chỉ có Chúa mới là gia sản quý giá mà cả một đời Chị sẽ theo đuổi qua những lần Chị được cha mẹ và các chị đọc cho nghe những chuyện thánh rút ra từ các trang Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước.

Rồi những năm tháng sống tại Nhà Kín Lisieux, Chị càng được đào sâu Kinh Thánh. Tại nhà nguyện, ban ngày Chị tham dự nhiều giờ cầu nguyện bằng Thánh Vịnh và các bài Phúc Âm. Ban tối, Chị cùng các chị em chuẩn bị cho phụng vụ ngày mai bằng những nguyện ngắm rút ra từ Phúc Âm và sách các giáo phụ. Tại nhà cơm, Chị cùng các nữ tu nghe nhắc lại các bài đọc.

Thánh Kinh giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Từ đó, Thánh Kinh ngày càng chiếm lấy tâm hồn Chị Thánh. Thánh Kinh tiếp tục nhàu nặn Chị dần dà trở thành thụ tạo tốt đẹp của Chúa. Thánh Kinh ban tặng Chị một thói quen lắng nghe tiếng Chúa trong lời mạc khải của Chúa. Nhờ lắng nghe tiếng Chúa qua Thánh Kinh, Chị biết rằng, mình thuộc về Chúa. Còn Chúa, Người đã trở thành gia nghiệp riêng của Chị. Chúa và Chị là của nhau. Tương quan tình yêu tha thiết mà Chúa ban cho Chị, và Chị dành cho Chúa hết sức có thể, đã biến Chị tràn ngập trong Chúa và đưa Chúa đến cùng Chị. Người trở thành của cải, thành gia tài, thành sản nghiệp của chị, riêng Chị mà thôi.

Lắng nghe tiếng Chúa từ Thánh Kinh, Chị ngày cành hiểu sâu xa rằng: “Thánh ý Chúa là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con” (Tv 119, 111).

Têrêsa tìm nhận được thánh ý Chúa từ Thánh Kinh. Thánh Kinh đà tạo Chị thành người chỉ biết Chúa làm gia nghiệp đời mình.

2. Chị nhận thấy mình hèn mọn.

Trước mặt Chúa, Chị không khoa trương, khoe khoang công đức của mình. Ngược lại, nhiều lần Chị thú nhận những giới hạn của mình. Chẳng hạn:

– Khi kể về tuổi ấu thơ ở tại gia đình:“Thưa Mẹ, Mẹ thấy rồi đó, con không không phải là đứa bé không có tật xấu! Câu ‘khi ngủ thì ngoan’ cũng không áp dụng cho con được, vì ban đêm con còn hiếu động hơn ban ngày: con tung hết cả chăn đi rồi đập đầu vào thanh giường (tuy vẫn ngủ); vì đau nên tỉnh giấc, con kêu: ‘Má, con bị đụng đầu!…’… Con còn một nết xấu nữa mà Má không nói trong thư, đó là lòng tự ái…”.

– Khi kể về cuộc cấm phòng ngày thứ sáu 29.8.1890: “Con chưa phải là một vị thánh đâu, chỉ bấy nhiêu đó cũng đã là một bằng chứng: thay vì vui mừng bởi sự khô khan nguội lạnh, đáng lã con phải coi đó là thiếu nhiệt thành và thiếu trung tín mà ra, đáng lẽ con phải buồn khổ vì các tính hay ngủ (suốt bảy năm nay) trong giờ nguyện ngắm và cám ơn; thế mà, con lại chẳng buồn khổ…”.

– Khi kể về việc “người hai lần làm mẹ” (cách gọi của Chị Têrêsa để gọi người chị ruột của mình. Người mẹ thứ hai này, sau này sẽ là Bề Trên Nhà Kín Lisieux: Mẹ Agnès de Jésus, người mà Chị nhận làm mẹ của mình sau khi thân mẫu của Chị qua đời) của Chị Thánh có thể rời khỏi nhà Lisieux: “Con sẽ không bao giờ quên ngày 2.8.1896, ngày các vị thừa sai lên đường, cũng là ngày bàn thật sự về vấn đề Mẹ Agnès de Jésus sẽ đi xứ truyền giáo. A! Con đã không muốn có một hoạt động nào để ngăn cản người ra đi, tuy nhiên con cảm thấy cõi lòng buồn vô hạn…”.

Dù sao, chính khi nhận thấy mình hèn mọn, nhỏ bé, Chị dễ mặc lấy tâm hồn trẻ thơ hơn, Chị dễ gần Chúa hơn, Chị lắng nghe tiếng Chúa thấm thía hơn, như có lần Chúa dạy: “Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18, 3). Lắng nghe tiếng Chúa càng rõ, Chị càng dễ khám phá những mọn hèn của mình. Nhờ đó, Chị cũng sẽ dễ sống khiêm nhường, nghèo khó, đơn sơ, phó thác, chôn vùi…

Có thể nói, Chị đã hóa thân bé nhỏ tuyệt vời để càng lúc càng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi: “Nếu ai hết sức bé nhỏ, hãy đến cùng Ta” (Cn 9,4).

3. Chị nhận ra yêu mến là ơn gọi của chính cuộc đời Chị.

Kể lại đời mình, có lần Chị Thánh cho biết: Chị đã từng đi tìm ơn gọi nào giúp mình phục vụ Chúa tốt nhất, và Chị đã phát hiện rằng: “Ơn gọi của tôi là yêu mến”. Chị yêu mến Chúa và yêu mến con người. Chị yêu mến Chúa trong những con người. Chị yêu mến những con người để bày tỏ lòng Chị yêu mến Chúa. Chị yêu mến Chúa để tự hiến mình cho Chúa. Chị yêu mến con người vì Chúa để chấp nhận hy sinh cho những con người. Chị dâng lên Chúa hoa hồng tình yêu của mình. Chị trao đóa hồng tình yêu sau khi đã tiến dâng lên Chúa về phía những thân phận con người đang cùng Chị song hành trong trần thế. Tắt một lời: ơn tình yêu là ơn gọi căn bản trong cuộc đời Chị Thánh Têrêsa.

Một vài bằng chứng cho thấy Chị sống ơn gọi lòng yêu mến ngay từ còn nhỏ tuổi:

a. Franzini là một tên sát nhân. Trong đêm 16 rạng ngày 17.3.1877, y đã giết hai người đàn bà và một em gái nhỏ 11 tuổi. sau phiên tòa ngày 13.7.1877, y bị kết án tử hình. Nghe tuyên án xong, y không hề sợ hãi hay tỏ dấu ăn năn hồi hận. Biết thế, Chị Thánh rất xúc động. Chị so sánh hình ảnh Chúa Giêsu đã đổ máu trên thánh giá để cứu chuộc loài người với thái độ khước từ của Frazini không muốn Chúa cứu độ mình. Chị đã quyết tìm cách cứu linh hồn người đàn ông tội lỗi này. Vì nhỏ tuổi, Chị không dám gặp linh mục. Chị Thánh nhờ chị Céline xin cho mình một ý lễ như ý (chứ không nói rõ lý do xin lễ) để cầu nguyện cho Frazini ăn năn trở lại. Người đàn ông lưu manh và lỳ lợm vẫn tỏ ra cứng cỏi đến tận lúc đưa đầu vào máy chém, đột nhiên y quay đầu lại, cầm lấy thánh giá từ tay vị linh mục đang đứng gần đó và hôn các dấu thánh giá của Chúa ba lần. Từ đó, Têrêsa càng tỏ ra yêu mến các linh hồn, càng khao klha1t muốn đưa nhiều linh hồn về với Chúa hơn (nhiều tác giả, Đóa Hồng Tươi Nở trang 190-191, xuất bản 1997).

b. Lần khác, Chị viết: “Trong nhà có một chị thường lúc nào cũng làm con phật ý, từ cách cư xử, lời ăn tiếng nói cho tới tính khí của chị cái gì xem ra cũng khó chịu cả. Tuy nhiên, chị là một nữ tu đạo đức và có lẽ rất đẹp lòng Chúa, con không muốn chiều theo tính ác cảm tự nhiên đối với chị ấy, nên con nhủ thầm: bác ái không hệ tại ở cảm tình nhưng ở việc làm. Chừng ấy con ra sức đối xử với chị này như đối với một người thân yêu nhất. Mỗi khi gặp chị, con lại cầu nguyện cho chị, con dâng cho Chúa nhân lành mọi nhân đức và công nghiệp của chị ấy…” (Hương-Việt phiên dịch, Thủ Bản Tự Thuật Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trang 229).

Chị đã chọn cho mình ơn gọi tình yêu. Chị dâng mình cho tình yêu Chúa. Từ đó, Chị yêu mến Hội Thánh, yêu mến mọi con người, và yêu mến tất cả mọi tác phẩm của Chúa. Chị tha thiết ước mong được đến với Chúa và Chị cũng tha thiết ước mong cứu rỡi các linh hồn.

Với những suy nghĩ, dù chưa đầy đủ bên trên, ta thấy được tiếng Chúa gọi trong Chị Têrêsa đẹp tuyệt vời. Chị lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa gọi quá sức trọn vẹn.

III. BÀI HỌC NÀO CHO TÔI.

Khi được chiêm ngắm về khả năng lắng nghe của Chị Thánh, tôi rút ra cho mình nhiều bài học. xin được chia những gì mà tôi đã học nơi Chị, tuy rất thiếu sót:

– Tôi tin Thiên Chúa là tình yêu. Chúa yêu thương tôi. Chúa cho tôi có dịp may là tiếp cận với dòng Kín để hôm nay tôi mới có dịp học tập nhiều về Chị Thánh của chúng ta như thế này. Chúa yêu tôi. Người tặng cho tôi mẫu gương của Hoa Hồng tình yêu bất diệt là Chị Thánh của chúng ta, để tôi sung sướng hiểu thêm rất nhiều về cuộc đời, về ơn gọi, về thao thức sống, và khả năng sống dồi dào tình yêu Chúa của Chị.

– Tôi nhận ra, chính lúc này, hơn bất cứ lúc nào hết, người đương thời cần đến gương sáng của Chị Thánh để lắng nghe thiếng Chúa giữa vô vàng những bộn bề của đời sống. Bao nhiêu vất vả, bao nhiêu lo toan, bao nhiêu cực nhọc, lầm than, đau khổ và thử thách, chỉ có thể tìm ra ý nghĩa khi đã biết dừng chân để lắng nghe tiếng Chúa. Tiếng Chúa giúp ta nghị lực. Tiếng Chúa cho ta sức mạnh vạn năng của tình yêu. Tiếng Chúa nâng đỡ ủi an trên đường đời chông gai gian khó. Vì thế, càng tất bậc, càng vội vả, càng rát buốt, càng thấm thía sự giằng co, càng đối diện với một xã hội đã quá thiếu vắng tình người… càng tìm sức mạnh và cậy trông ơn Chúa, khi biết lắng nghe tiếng Chúa giữa đời, lắng nghe tiếng Chúa trong trách nhiệm đầy hối hả của mình.

– Tôi nhận ra, mình có thể sống ơn gọi truyền giáo bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. Ơn gọi truyền giáo đòi người truyền giáo, trước hết, hãy cầu nguyện, hãy thinh lặng chìm đắm trong nguyện ngắm và chiêm niệm, hãy dâng hiến chính mình, hãy hy sính bằng tất cả mọi nỗ có thể có được, sau đó mới là hoạt động truyền giáo. Vì truyền giáo là đem Chúa đến với con người. vì thế, phải làm cho nội tâm mình có Chúa, để khi có Chúa, mình sẽ thực hành công tác truyền giáo như Chúa định liệu theo hoàn cảnh, theo ân sủng riêng của bản thân.

– Tôi nhận ra, muốn nên nghĩa thiết với Chúa, phải tắm mình trong Lời Mạc khải của Chúa. Chỉ có lời mạc khải mới thánh hóa tôi, mới làm cho tôi càng ngày càng trở nên mới, trở nên thánh thiện như Chúa muốn. Lời Mạc khải của Chúa sẽ giúp tôi đứng vững trong đau khổ, trung thành trong thử thách, vượt thắng trong cám dỗ, bền chí trong thất bại, khiêm nhường trong thành công, mạnh mẽ trong hạnh phúc, yêu nhiều hơn trong giây phút an bình…

Nhưng đó chỉ mới là bài học. Xin cho tôi được can đảm sống và thực hành. Xin cho tôi khôn ngoan chọn Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Tôi còn nhiều yếu đuối, còn nhiều mọn hèn. Xin các Chị ngày ngày hãy thêm lời cầu nguyện cho tôi với.

Xin cám ơn các Chị đã lắng nghe những tư tưởng quá vá víu mà tôi vừa trình bày. Cùng cám ơn các Chị vì đã và sẽ tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Xin Chúa chúc lành tất cả chúng ta.

Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Comments are closed.

phone-icon