SÂN CHƠI CUỘC ĐỜI
Nấc thang cuộc đời không đơn thuần ở “điều tôi muốn” nhưng phải là “cái tôi là” tức cái nhân vị của tôi được bộc lộ ngang qua việc nhận thức về chính cuộc đời mà tôi đang hiện thực .Vậy đời là gì ? Và sống ở đời để làm gì ? Có chăng là để làm việc, để chu toàn trách nhiệm hay để phục vụ, thực ra sống ở đời có một thứ khiến ta lý thú hơn là “để chơi”. Sao lại gọi sống là để chơi ? Bến đỗ của miền vui, hạnh phúc, tự do chính là khi tôi dám chơi với nó? Cuộc chơi đó luôn được luân chuyển giống như các cầu thủ miệt mài trên sân chơi. Sân chơi cuộc đời cũng thế nó không hệ tại ở sự vui vẻ ngắn hạn nhưng cũng không quá sầm uất cho một đời người. Sở dĩ như thế là vì cái tôi cần thể hiện hơn là cái tôi muốn. Sự luân chuyển trên sân đời có khi đưa tôi đến sự vỡ òa vì chiến thắng bất ngờ hay ngạc nhiên vì vượt quá mong muốn nhưng cũng có thể khiến tôi chán ngán khi phải đối diện với thách đố. Dẫu biết rằng trên sân đời sẽ có những lối chơi không bằng phẳng nhưng với nhân vị của một con người có niềm tin tôi nên chọn cho mình một lối chơi đúng nghĩa.
1. Ý niệm về sống là cuộc chơi
Trước khi đi tìm hiểu khái niệm sống là cuộc chơi tôi xin lược qua vài ý niệm về cuộc đời thuộc nhiều cấp độ khác nhau. Đối với người buôn bán họ ví “đời là món hàng mua bán làng nhàng những món phù du” Với các tay đua thì đời “là một trường đua, nào hay được mất thắng thua thế nào” Riêng tác giả Helen Keller cho rằng “Đời là một chuyến phiêu lưu mạo hiểm hoặc chẳng có gì cả”. Dù ở cấp độ nào chăng nữa thì cái cần cho một cuộc đời là tôi biết bước ra khỏi mình để hòa với sân đời cùng chơi với nó: “Bạn không thể có một chỗ phơi nắng cho mình nếu như bạn cứ đứng dưới bóng mát vườn nhà, hãy bước ra ngoài khởi hành đi”[1]
Trong cuộc sống lắm lúc người ta cứ nghĩ sống là để làm việc, để chu toàn trách nhiệm hay để phục vụ…mà quên rằng yếu tố có thể làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và lý thú hơn đó chính là để chơi. Vậy, chơi ở đây được hiểu như thế nào trong khi cũng có quan điểm cho rằng “đời là bể khổ ”. Cuộc đời ta hạnh phúc hay đau khổ, đầy ý nghĩa hay vô nghĩa, đầy hữu lý hay toàn là phi lý… tùy thuộc rất nhiều vào triết lý sống của tôi.
Sự tồn tại của con người không phải như con Robot, Computer được lập trình sẵn chờ nhấn nút là hoạt động. Giả như con người sống như một Robot hay Computer thì định nghĩa “đời là bể khổ ”chẳng có gì là ngỡ ngàng. Quả thực, cái chất làm con người nổi bật chính là tính linh hoạt của lý trí trong thần trí nhờ đó con người toát lên cái cá vị độc đáo của mình. Tính linh hoạt này được hình thành là bởi sự đụng chạm giữa con người với đời – một cuộc phiêu lưu có đáp số. Như vậy, trong cuộc phiêu lưu của sân đời luôn cần tới đối tượng để chơi. Chơi là yếu tố không thể thiếu trong đời sống con người và có thể khi chơi tôi tìm ra đáp số cho mình, hơn nữa con người cần có niềm vui. Niềm vui lớn đi vào cuộc chơi như một cuộc phiêu lưu, chẳng hạn như “đánh bạc” đây là một trong những cuộc chơi đầy tính phiêu lưu. Cuộc chơi có thể được diễn ra không phải vì ham tiền, dù biết đánh là mất nhưng vẫn chơi, khi đã sa bước vào lối chơi này con người khó dứt ra bởi sức hút của sự phiêu lưu và có thể họ xem đó như là nhu cầu thỏa mãn của mình nó diễn ra trong hồi hộp và chờ đợi biết đâu tôi sẽ thắng trong lần sắp tới và cứ từ chặng này tới chặng khác. Sự phiêu lưu của cuộc chơi trước nhu cầu của cuộc sống vẫn chưa phải là đáp số đúng bởi chưng vì sự thỏa mãn trong chốc lát. Một trong những yếu tố có thể giúp ta tìm ra đáp số là khi ta “chơi với nhau”. Phẩm chất tương quan giữa con người với nhau là yếu tố không thể thiếu cho cuộc chơi. Ở trên sân chơi không thể xem tôi là người chiến thắng nếu chỉ mình tôi thi đấu hay nói cách khác cuộc chơi đó thực vô bổ vì không có niềm vui của tương quan. Cùng là chơi nhưng tương quan cho cuộc chơi giữa trẻ con với nhau khác hẳn người lớn. Đối với trẻ con khi chơi có thể xảy ra sự đố kị với bạn chơi, dầu vậy nhưng nơi chúng không có tính mưu lợi cho cá nhân đổi lại chúng chỉ mong sao có được niềm vui nơi cuộc chơi và thỏa thích sau mỗi lần chơi. Còn người lớn họ có thể chơi với nhau nhưng dường như tương quan của họ khó mà được như các em bé, phần lớn sân chơi của người lớn bao giờ cũng phức tạp hơn. Sự phức tạp cũng là nguyên lý diễn ra trong cuộc chơi và phía sau cái nguyên lý đó có khi là một sự phiêu đãng vô trách nhiệm. Người ta thường nói sống ở trên đời khó mà tìm được sự công bằng đích thực bởi chưng trong sân chơi cuộc đời diễn ra quá nhiều cách chơi mà trong tương quan có khi chính ta cũng không ngờ được. Nói thế, không có nghĩa là con người tự biện minh hay cố tình bóp méo pháp lý nhưng chủ trương của con người thời nay cho ta thấy dường như chỉ là tương quan cung cầu và trong cuộc chơi cách đáp trả cho nhau là yếu tố không thể thiếu hay còn gọi là luật đương nhiên : “Bánh ít ném đi, bánh quy ném lại” hoặc “Ăn miếng trả miếng”. Cách đây hai mươi năm về trước nền kinh tế, khoa học kỹ thuật chưa phát triển nhưng tương quan cộng đồng thân thiện hơn đổi lại mười năm sau khi nền kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật nâng cao thì tương quan cộng đồng lại đi xuống. Từ đó cho thấy một hệ luận cho cuộc đời hiện tại có sự chênh lệch và có thể từ nguyên do đó mà dẫn tới những lối chơi không bằng phẳng. Vòng xoáy cuộc đời là một chuỗi biến đổi, dẫu biết rằng nó chẳng mấy bằng phẳng nhưng cái cần là tôi phải bước ra khỏi mình để hiện thực, đối diện, chấp nhận nghịch cảnh của cuộc chơi liều mình để chơi với nó.
2. Đời – một sân chơi không bằng phẳng
Và dẫu biết rằng để có được chiến thắng giữa sân đời cái giá ta phải trả cho mỗi cuộc chơi sẽ không đơn giản, tuy nhiên để cuộc chơi thêm hấp dẫn và có ý nghĩa thiết thực thì biết chấp nhận không phải trong sự bù nhìn mà là sánh bước cùng nó hay nói cách khác chấp nhận liều với nó, sân chơi cuộc đời không có chỗ cho những cậu thủ bị động . Ông Morris West cho biết: “Trở nên một con người toàn diện thật quá đắt giá, đến nỗi rất ít người có đủ can đảm để trả cái giá đó. Người ta phải từ bỏ cái tìm kiếm an toàn và tiến đến cái liều của cuộc sống và hai tay mở rộng, người ta phải ôm lấy cuộc sống như ôm lấy người yêu”. Quả thực trong cuộc sống mỗi người luôn phải đối đầu với biết bao vấn đề, bao nhiêu là thử thách, những nghịch cảnh đó có khi khiến ta chán ngán, mệt mỏi. Chẳng hạn như trong tương quan với tha nhân là những cầu thủ cùng chơi với ta trên sân đời. Điều mà ta không thể phủ nhận là nơi con người không ai thập toàn hơn nữa mỗi người là một nhân vị độc đáo đồng nghĩa với cái độc đáo này thì mỗi người sẽ có những khác biệt. Trên sân đời ta không thể chơi một mình nhưng là chơi cùng, đã chung là đụng. Vậy liệu khi đó ta có sẵn sàng chấp nhận nghịch lý – “cái là” của nhau chưa?
Ngoài ra tôi cũng phải đối diện với sân chơi không mấy bằng phẳng là thái độ khi chơi với nhau. Cũng trong tương quan với tha nhân bên cạnh những sẻ chia mà họ sẵn sàng trao cho nhau cũng phải công nhận rằng có những lúc tha nhân là chướng ngại cản trở ta thăng tiến. Triết gia xưa có câu “người đối với người thật chó sói” tư tưởng đó còn được diễn tả tồi tệ hơn nơi một triết gia hiện đại đã khẳng định “Địa ngục chính là kẻ khác” Nghe có vẻ quá đáng và hơi bi quan nhưng đó là sự thực vì nơi con người căn tính “con” vẫn còn tồn tại.
Mặt khác, trên sân đời cũng có những lối chơi không đẹp tức chịu chơi nhưng không chịu trách nhiệm để rồi bỏ lại hậu quả đáng thương cho thân phận làm người. Cụ thể như cuộc sống của các em bụi đời, thử hỏi có mấy em vui vẻ chấp nhận thân phận của mình. Cũng vì muốn thỏa mãn cho những thú vui của thể xác mà chính người cha, người mẹ chủ động vứt bỏ chính đứa con của mình, mặc cho đời. Nỗi sầu đó không dứt khỏi đời sống của các em để rồi có những em đã xăm lên mình những câu nói thật chua cay cho thân phận “Hận đấng sinh thành, chơi đéo đẹp” hay “ Đời đen như mõn chó” ….. Tương tự lối chơi thiếu trách nhiệm còn bị tục hóa còn tồn chứa trong não trạng lợi lộc cá nhân, yếu tố khiến nhiều người không giữ được lập trường của mình như một cách chối bỏ trách nhiệm. Chỉ vì vinh quang, lợi lộc cá nhân họ bất chấp tất cả thậm chỉ bán đi nhân phẩm của mình hoặc chối bỏ tình bằng hữu, để đạt được mục đích. Thực vậy, sống trong xã hội cho ta thấy điều này khá rõ chẳng hạn vì muốn trở thành giám đốc của một công ty mà người em có thể sẵn sàng giết chết anh mình để thế vị hay để thỏa mãn cho những canh bạc mà người vợ không ngần ngại giết chồng mình lấy tài sản nướng vào những trò vui chóng qua . Một lối sống hời hợt với tương quan chắp vá thiếu liên vị chẳng khác nào đường đi có nhiều ổ gà. Phải chăng hệ lụy đã kéo theo ngày này giới trẻ chủ trương “ thời thế thế thời, thời phải thế ” phải chăng cuộc đời này đã bị mã hóa cho những não trạng ỉ lại. Quyền lớn nhất mà Chúa ban cho con người là sự tự do, với ý thức ta có thể phân định được cái tốt – xấu; đúng – sai trong sân đời. Thật vậy, với Kierkegaard: “Chân lý là chủ thể tính, chỉ có chân lý trong hiện sinh, tức là trong cảm nhận, trong bày tỏ, trong tự do quyết định của mỗi cá nhân xét như một chủ thể độc đáo” Bởi thế để có một sân chơi ý nghĩa thì tôi cũng như bạn cần phải có một lối chơi đẹp.
3. Sân chơi cuộc đời – cần lắm một lối chơi đẹp
Nhà thơ Văn Hào đã từng nói “ con người là một huyền nhiệm” vậy thế nào là huyền nhiệm. Theo G. Marcel “ huyền nhiệm là cái mà con người phải dấn thân vào, con người không thể có thái độ thờ ơ trước một huyền nhiệm như trước một vấn đề”, G. Marcel giải thích thêm: “Huyền nhiệm là lãnh giới mà sự phân biệt giữa cái trong tôi và cái đứng trước tôi”. Cảm thức bên trong và hành động bên ngoài của con người là hai nguyên lý được bộc lộ khá rõ nhưng chưa chắc nó có thể song song với nhau được. Tuy nhiên trong cái huyền nhiệm thì con người không có quyền thờ ơ trước một vấn đề tức không được chối bỏ cảm thức của mình khi mình có thể hiện thực được. Trong sân chơi cuộc đời tôi cũng phải đối diện với những lối chơi không bằng phẳng (không đẹp) lúc này cảm thức (lương tâm) của tôi phải phân định để chọn cho mình một lối chơi đúng với tiếng mách bảo của lương tâm. Một lối chơi đẹp cho tôi một sân chơi bằng phẳng. Tôi không chỉ chơi đẹp với đời, với người nhưng tiên vàn phải hiện thực cách chơi này với mình trước đã. Bởi khi tôi biết cách chơi đẹp với mình thì mới có khả năng chơi đẹp với người khác.
- Chơi đẹp với mình
Nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào tình trạng thần tượng một ai đó, chúng ta thường uổng phí rất nhiều thời gian để bắt chước người khác trong khi nhiều điều mà lẽ ra chúng ta phải làm là trở lại với con người thực của mình, ý thức mình trong cái thực tại của mình. Tôi không thể là ai khác vì Chúa dựng nên tôi cách riêng với khả năng rất riêng Chúa dành cho tôi. Ý thức con người thật nơi mình ta đón nhận ý Chúa bằng cách cộng tác với Ngài để được hướng dẫn, biến đổi. Thiên Chúa làm chủ sự sống để “hoàn bị” Ngài muốn ta cộng tác với Ngài, như lời Thánh Auguttino đã nói: “Đấng đã tạo dựng không cần có bạn, không công chính hóa nếu không có bạn”[2]
Chơi đẹp với mình nhưng không vá víu vào mình ngược lại phải biết khẳng định mình. Nietzsche luôn nhắc nhở : “Con người phải thể hiện mình như một sức mạnh cao cả nhất, phải dùng chính sức mạnh của vũ trụ để biến thành khả năng đi lên, thành cách thức để tự giải thoát mình, để tự nguyện trở về không ngừng và tiến tới không ngừng, muốn những cái đã có và những cái sẽ có”[3] mỗi người là một cá vị độc đáo, ta có quyền chơi và chơi với cái độc đáo đó. Thực vậy, khi con người dám chơi với mình, thể hiện mình trên chính cái độc đáo của mình thì con người mới có cơ may chiến thắng chính mình.
Một sự thật hết sức đơn giản và điều căn bản nhất phải biết là tôi không thể thay đổi thực tại cách phong phú nếu không bắt đầu từ việc chấp nhận chính mình, chấp nhận những giới hạn của mình, chấp nhận “phanh trần” cái thực của mình, chơi với nó, xem nó là “cái cớ” giúp ta lớn lên trong sân đời. Trong thực tại đây quả là điều không dễ nhưng cái khó luôn là cái cần, tôi muốn được thay đổi thì chính tôi là người chủ động cho tiến trình đổi thay bằng cách này hay cách khác nhưng điều cần vẫn là nơi tôi có dám mở lòng ra và đối diện hiện trạng của mình không? Qua kinh nghiệm sống BillSchock cho biết: “chấp nhận là một quyết định chứ không phải là một cảm xúc”[4]. Sự quyết định cũng là điểm khởi xướng cho một lộ trình mới của cuộc sống.
Cũng vậy, chấp nhận mình – sống thật với mình trước sự hiện diện của Chúa rất quan trọng, con người không ai thập toàn điều đó cho thấy nơi con người cũng có những “bản ngã”- “giới hạn” riêng, người khác có thể không nhìn thấy và không biết những giới hạn trong tôi nhưng với Chúa làm sao che giấu Ngài. Có thể sân chơi cuộc đời của tôi không mấy bằng phẳng – bị khập khiễng vì những giới hạn của bản thân nhưng Thiên Chúa không cố ý và muốn điều xấu xẩy ra nơi những giới hạn, Thiên Chúa chấp nhận và cho phép xảy ra vì trong sự khôn ngoan Ngài có thể rút ra điều tốt từ những giới hạn của mình. Chỉ có thể thực sự chấp nhận mình cách trọn vẹn nhờ sống dưới cái nhìn của Chúa song để “hoàn bị” đời mình tôi cần mở lòng ra cộng tác cùng Ngài trong giá trị thực tại của mình. Nhà Tâm lý học Powel cho biết thêm: “Người chấp nhận chính mình là người quả quyết, tự tin”. Khi tự tin đủ vào chính mình với những giới hạn của mình sẽ giúp tôi bứt ra khỏi con người mặc cảm đi vào trong chính những huyền nhiệm của bản thân, với G. Marcel: “Kinh nghiệm mang trọng lượng hữu thể này chính là sự dấn thân và lòng trung thành”. Một sự dấn thân bất chấp gian nguy, vượt ra khỏi những đánh giá, những cái nhìn của người khác, dám bỏ lại những chiếc mặt nạ giả dối trên sân đời. Sự dấn thân luôn cho con người những kinh nghiệm cho riêng mình là những chiếc chìa khóa để mở dần những cánh cửa huyền nhiệm về chính cuộc đời. Sự dấn thân ở đây không có nghĩa là đi tìm về chính mình trong chính mình, khép kín bản thân trong một ốc đảo, bắt mọi người phải phục dịch mình mà là sự dấn thân của lòng biết ơn, ẩn chứa một sự gặp gỡ, một sự gặp gỡ làm thay đổi con người, thay đổi cả một nếp nghĩ. Một sự gặp gỡ khởi đi từ sự khao khát khẳng định mình, xa hơn nữa là đi vào cuộc gặp gỡ và giải đáp những thắc mắc về chính cuộc đời mình, về một huyền nhiệm con người.
Quả thực chơi đẹp với mình để đạt tới chiến thắng cho mình cũng là một lối chơi, thế nhưng cuộc chơi đó dường như còn bị cô lập vì thiếu bạn chơi. Nói thế không có nghĩa là tôi không cần chơi với mình mà thực ra khi tôi biết chơi đẹp với mình thì mới có khả năng chơi đẹp với người khác
- Chơi đẹp với người
Bước vào sân đời như một cuộc chơi không phải là điều dễ vì nơi sân chơi có nhiều lối chơi, nhiều bạn chơi và ai là người bạn thực sự của mình trên sân đời này. Ngày này người ta thường chủ trương “ai đối xử tốt với tôi thì tôi sẽ tốt lại, tương tự ai chơi đẹp với tôi thì tôi cũng sẽ chơi đẹp với người đó”. Như thế, là rất rõ ràng và công bằng nhưng nó thực sự chưa được đẹp. Nếu cuộc sống chỉ dừng lại ở sự công bằng thôi thì quả là một thế giới tẻ nhạt. Vậy, chơi đẹp với người được hiểu như thế nào? Dân gian xưa có câu: Đời không phải là đợi vì đời có bao nhiêu lâu đâu mà phải chờ. Phải sống sao để ngày mai khi ta nhìn lại, ngày hôm nay sẽ phải là một ngày để ta tự hào không luyến tiếc. Yêu đi khi con tim muốn yêu, yêu chỉ vì yêu chứ đừng vì vật chất, đừng vì toan tính và yêu đi để ta biết ta vẫn còn cảm xúc với tình yêu. Đừng để thời gian của ta giết chết ta.
Quả thực,tình yêu con người trao cho nhau không cần mặc định thời gian nhưng nó luôn là cổ máy được chuyển động liên tục. Hơn nữa con người chỉ thực sự có thể chơi đẹp khi mỗi người cảm hóa được tình yêu của nhau và khi yêu con người không còn toan tính hơn kém nữa. Con người Đức Giêsu đã là nhân chứng sống động cho lối chơi này, trước sự khốn cùng Đức Giêsu – Con Thiên Chúa có quyền chọn cho mình một ưu thế mà đó cũng là điều lẽ phải vì Ngài đâu có tội tình gì nhưng thay vì đòi lại sự công bằng cho bản thân thì Ngài đã chọn yêu thương và tha thứ, không ai khác đó chính là những người đã vu khống và làm hại Ngài. Có thể nói đây là một lối chơi rất vĩ đại và đẹp đẽ. Chính nhờ lối chơi đầy lòng xót thương của Con Thiên Chúa mà Giáo Hội ngày càng triển nở trên sân đời tiếp nối gương Thầy Chí Thánh, các thánh tử đạo, các thánh và một số nhân chứng…các ngài dám hy sinh để chọn yêu thương như chính Đức ki tô đã hiện thực.
Thực vậy con người hơn kém nhau không hệ tại ở tiền tài, địa vị nhưng là biết yêu thương và đời chỉ đẹp khi con người sẵn sàng trao ban tình yêu cho nhau và đây cũng chính là lối chơi mà Thiên Chúa mong muốn nơi con ngươi trên sân đời trần gian này.
Dẫu biết rằng sân đời gian nan, cuộc đời hài lắm, nhưng hãy để con người tự do chọn cho mình một lối chơi và chính khi con người càng tự do để chọn cho mình một lối chơi đúng nghĩa thì con người càng hạnh phúc và tự do. Cha đẻ của triết học hiện sinh là Kierkegaard đã khơi dậy tương quan cá vị với Thiên Chúa bằng sự chấp nhận bản ngã để mong sự tha thứ nhờ sự hóa giải đó con người được gần Chúa hơn. Thực vậy, con người chỉ có thể chơi đẹp được với nhau khi mỗi người cảm hóa được tình yêu và sẵn sàng trao cho nhau.
Maria Nguyễn Thị Lan
………………………………………………………………………
[1] JOHN MASON, Sinh Ra Là Một Bản Thể, Đừng Chết Như Một Bản Sao, Trang 208
[2]AUGUSTINO, semo, 169, 11, 13:38.923
[3] LÊ THÀNH TRI, Sđd , Trang 72
[4] BILLSCHOK,S.J. Cầu Nguyện và Trưởng Thành Cá Nhân