Bài Suy Niệm của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi ngày 20.09.2016

0

Bài Suy Niệm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi ngày 20.09.2016

18

Anh chị em thân mến!

Trước Chúa Giê-su chịu đóng đinh, những Lời sau đây của Ngài cũng vang lên cho chúng ta: Ta khát”(Ga 19,28). Cơn khát chính là một nhu cầu tột cùng của con người, còn hơn cả cơn đói, nhưng cũng diễn tả nỗi khổ đau lớn lao nhất của con người. Vì thế, chúng ta hãy chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa tối cao, Đấng, vì Lòng Thương Xót, đã trở nên nghèo nàn giữa con người.

Thiên Chúa khát khao điều gì? Tất nhiên là khát nước, một yếu tố căn bản đối với sự sống. Nhưng trước hết là khát Tình Yêu, một yếu tố cũng không kém phần căn bản đối với sự sống. Ngài khát khao ban tặng cho chúng ta nước hằng sống phát xuất từ Tình Yêu của Ngài, và Ngài cũng khát khao nhận được Tình Yêu của chúng ta. Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a đã diễn tả về niềm hân hoan của Thiên Chúa trước Tình Yêu của chúng ta như sau: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, Tình Yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn”(Gr 2,2). Nhưng vị Ngôn Sứ cũng diễn tả về nỗi khổ đau của Thiên Chúa khi con người khước từ Tình Yêu vì hoàn toàn vô ơn, khi con người – có vẻ như Thiên Chúa cũng sẽ nói trong thời đại hôm nay – “từ bỏ Ta, là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”(Gr 2,13). Đó là thảm kịch của “con tim chai đá“, của Tình Yêu không được đáp trả. Thảm kịch này được lập lại trong Tin Mừng, khi con người đáp trả trả lại cơn khát của Chúa Giê-su với mật đắng, giấm chua, và với rượu đã bị hư thối. Vì thế, Vịnh Gia đã phàn nàn theo một cách thức có tính Ngôn Sứ như sau: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua”(Tv 69,22).

Tình Yêu không được yêu”: Theo một số thuật truyện, đó là thực tế mà nó đã khuấy động Thánh Phan-xi-cô Assisi. Vì Tình Yêu đối với Thiên Chúa khổ đau, Ngài đã không lấy làm xấu hổ khi nhỏ lệ cũng như khi khóc than trước nỗi đớn đau với tiếng khóc nức nở (xc. Franziskus-Quellen, trang. 620, Nr. 14). Thực tế tương tự phải nằm trong con tim chúng ta, khi chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa bị đóng đinh trên Thập Giá, Đấng khát khao Tình Yêu. Mẹ Tê-rê-sa mong muốn rằng, trong những nguyện đường của mỗi cộng đoàn, dòng chữ sau đây sẽ được viết lên bên cạnh bức tượng Chúa Bị Đóng Đinh: “Ta khát!“. Lời đáp trả của Mẹ hệ tại ở chỗ thỏa mãn cơn khát Tình Yêu của Chúa Giê-su trên Thập Giá bằng cách phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Thực ra, cơn khát của Chúa Giê-su chỉ được thỏa mãn nhờ vào Tình Yêu cảm thông của chúng ta; Ngài sẽ được ủi an, khi chúng ta nhân danh Ngài để cúi xuống trước sự khốn cùng của những người khác. Trong cuộc phán xét, Ngài sẽ gọi tên tất cả những kẻ “được chúc phúc“, tức những kẻ đã cho những người khát được uống, những kẻ đã chứng tỏ một Tình Yêu cụ thể đối với họ trong cơn cùng khốn: “Điều gì anh em đã làm cho một trong những người anh em nhỏ bé nhất của Ta đây thì có nghĩa là anh em đã làm điều đó cho chính Ta vậy”(Mt 25,40).

Những Lời của Chúa Giê-su đặt ra cho chúng ta một vấn nạn, những Lời ấy đòi phải được đón nhận trong con tim cũng như phải được đáp lại trong cuộc sống. Trong Lời “Ta khát”của Ngài, chúng ta có thể nghe thấy tiếng thét gào của những người khổ đau, tiếng kêu thầm kín của những con người bé nhỏ nhưng vô tội mà ánh sáng của thế giới này bị cự tuyệt đối với họ, những nỗi đắng cay trong lòng của những người nghèo và của những người đang cần tới hòa bình nhất. Các nạn nhân của những cuộc chiến tranh mà chúng làm dơ bẩn các dân tộc với sự hận thù cũng như làm dơ bẩn trái đất với những vũ khí, đang cầu khẩn ơn hòa bình; những người anh chị em của chúng ta đang phải sống trong sự đe dọa của những cuộc đánh bom và pháo kích, hay đang bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình để đi đến một nơi không hề quen biết, trong khi tất cả mọi đồ đạc vật dụng đều bị cướp hết, cũng đang cầu khẩn ơn hòa bình. Tất cả họ đều là những người anh chị em của Đấng Chịu Đóng Đinh, những người bé nhỏ trong Vương Quốc của Ngài, những chi thể bị tổn thương và bị bại liệt của thân thể Ngài. Họ đang khát. Nhưng, mật đắng và giấm chua của sự khước từ lại thường được mang đến cho họ giống như nó đã được mang đến cho Chúa Giê-su. Ai lắng nghe họ? Ai quan tâm tới chuyện trả lời cho họ? Rất thường khi họ phải đối diện với sự thinh lặng có khả năng gây tê tái của thái độ thờ ơ lãnh đạm, hay phải chạm trán với sự ích kỷ của những kẻ đang cảm thấy mình bị quấy rầy, chạm trán với sự lạnh lùng của những kẻ muốn dập tắt tiếng kêu cầu cứu của họ bằng một cách thức hết sức dễ dàng là đổi kênh truyền hình.

Trước Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”(1Cor 1,24), các Ki-tô hữu chúng ta được kêu gọi hãy quan sát mầu nhiệm Tình Yêu không được yêu lại, và hãy tưới gội Lòng Thương Xót trên thế giới. Nơi Thập Giá, cây sự sống, sự ác sẽ được biến thành sự thiện; ngay cả chúng ta, những môn đệ của Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng được kêu gọi để trở nên “những cây sự sống“, mà những cây này sẽ hấp thụ sự dơ bẩn của sự thờ ơ lãnh đạm, và trao lại cho thế giới men Tình Yêu. Từ cạnh sườn của Chúa Ki-tô trên Thập Giá, nước đã tuôn ra, biểu tượng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (xc. Ga. 19,34). Và như thế, từ chúng ta, các tín hữu của Ngài, sự cảm thông đối với tất cả những người đang khát của thời đại hôm nay, cũng nên tuôn chảy.

Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết hiệp thông với Ngài cũng như ơn biết trở nên gần gũi với Đấng Chịu Khổ Đau, giống như Đức Maria dưới chân Thập Giá. Nếu chúng ta gần gũi với những người đang sống với tư cách là những người bị đóng đinh của thời đại hôm nay, và đón nhận sức mạnh từ Đấng Chịu Đóng Đinh nhưng đã phục sinh, thì rồi sự đồng tâm nhất trí cũng như sự hiệp thông giữa chúng ta cũng sẽ còn tiếp tục lớn lên. “Vì Ngài là sự bình an của chúng ta”(Ep 2,14), Ngài đã đến để công bố ơn bình an cho cả những kẻ ở gần lẫn những kẻ ở xa (xc. Ep 2,17). Xin Ngài bảo vệ tất cả chúng ta trong Tình Yêu, cũng như dẫn chúng ta đi vào trong sự hiệp nhất, để chúng ta trở nên điều mà Ngài muốn: “hiệp nhất nên một”(Ga 17,21).

Nhà Thờ Hầm phía dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phan-xi-cô Assisi, chiều ngày 20 tháng 09 năm 2016

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon