Tổ ấm Yêu thương – Lễ Thánh Gia, Năm C

0

LỄ THÁNH GIA NĂM C
TỔ ẤM YÊU THƯƠNG

LỜI CHÚA: Lc 2, 41-52

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có cảm nghiệm sâu sắc về tổ ấm yêu thương này, một tổ ấm tràn ngập hạnh phúc và yêu thương. Nơi đó chúng ta được hưởng sự chăm sóc, quan tâm của cha mẹ, anh em và người thân. Chỉ nơi đây chúng ta mới tìm được sự bình an và niềm vui đích thực. Sau những ngày tháng mỏi mệt vì công việc, khổ đau về tinh thần và chán chường với những thất bại, người ta trở về với gia đình để tìm sự nâng đỡ, ủi an. Gia đình là chỗ dựa tinh thần và thể xác cho cha mẹ và con cái. Lý tưởng là thế, nhưng ngày nay nhiều gia đình đã mất đi cái ý nghĩa này và tệ hơn nữa, còn rơi vào khủng hoảng đến nỗi trở thành nơi sát phạt lẫn nhau vì nề nếp gia phong đã bị băng hoại. Hôm nay mừng kính Gia Đình Thánh Gia, một gia đình bao gồm ba nhân vật thánh mời gọi chúng ta nhìn lên mẫu gương tuyệt vời này để xin các Ngài giúp cho mỗi người chúng ta sống vai trò của mình cách ý nghĩa hơn.

Do nhiều yếu tố chi phối mà gia đình ngày nay khác gia đình ngày xưa. Nếu ngày xưa gia đình mang ý nghĩa tổ ấm yêu thương thì ngày nay ý nghĩa này đã phai nhạt dần. Tại sao có sự xuống cấp này? Chúng ta phải khiêm tốn nhận ra sự thật đau lòng là gương sáng của ông bà và cha mẹ không còn. Con cái sống trong gia đình đổ vỡ thì làm sao lớn lên trong sự bình an, trong lòng mến Chúa và yêu người được.

Tác giả MR WHY – Phạm Ngọc Anh đã so sánh gia đình ngày xưa và  ngày nay có bốn điểm khác nhau. Xin mạn phép tác giả sao chép nguyên bản văn rất hay này để thêm tư tưởng cho bài suy niệm về đề tài gia đình hôm nay.

1. Quy mô gia đình Trước đây, trong một gia đình thường có sự xuất hiện của ông bà, bố mẹ, con cái. “Tứ đại đồng đường” là chuyện rất bình thường ở mỗi ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc “thoát ly” ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nề nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết kính trên, nhường dưới.

Xã hội ngày nay, những cặp vợ chồng trẻ tuổi thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi và khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không chấp nhận hy sinh nên khó lòng sống hài hòa với nhà chồng. Lựa chọn sống riêng vì thế ngày càng nhiều.

2. Bữa cơm

Với các gia đình xưa, bữa cơm luôn được chú trọng. Trong giai đoạn đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày làm việc. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày.

Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con rồi đi chợ nấu cơm. Tuy nhiên, bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận làm thêm giờ, lúc thì con phải đi học thêm… Bữa cơm thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau, khoảng thời gian tận hưởng và chia sẻ cùng nhau dường như rất ít.

3. Nề nếp sinh hoạt

Khi sống trong gia đình tứ đại đồng đường, mọi nề nếp, gia phong đều được người già giữ gìn và duy trì. Các cụ luôn dùng những câu răn dạy của người xưa để giúp con cháu giữ được nề nếp như “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “kính trên, nhường dưới”… Chính nhờ có các cụ mà con cháu biết nhìn nhau mà sống. Hơn nữa, cuộc sống xưa đơn giản, chưa có sự can thiệp của các công nghệ hiện đại, con người ít có sự lựa chọn.

Nhịp sống công nghiệp ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ có nhiều sự tự do hơn khi sống riêng. Khi không thích nấu nướng, họ có thể chọn ăn ngoài hàng hoặc gọi đồ ăn về nhà. Với những gia đình chưa có con, chỉ có hai người thì sự thoải mái càng lớn hơn. Đôi khi, căn bếp cả tuần không “đỏ lửa” và các cặp vợ chồng cũng không lấy đó làm lo lắng.

4. Sự khác biệt giữa hai thế hệ

Giữa một phía quyết giữ bằng được mọi giá trị truyền thống và một bên ra sức phá bỏ, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn. Người già luôn đem những câu chuyện ngày xa xưa ra làm chuẩn mực để dạy dỗ thế hệ trẻ, còn người trẻ thì cho đó là lạc hậu, cổ lỗ sĩ, không biết tiếp nhận cái mới. Tiếng nói chung giữa hai thế hệ ngày càng ít đi.

Gia đình, dù ở thế hệ nào, cũng đều hướng tới giá trị hạnh phúc của mỗi con người sống trong đó. Dù hiện đại hay truyền thống, thì bố mẹ cũng luôn hy sinh và làm mọi thứ để con cái được hạnh phúc.”( Http://phamngocanh.com)

Qua nhận xét rất đúng của tác giả Phạm Ngọc Oanh, chúng ta nhận thấy gia đình xưa và nay rất khác nhau theo văn hóa của từng thời. Nhưng nếu ở thời nào chăng nữa gia đình chúng ta là vườn ươm cho con cái đúng nghĩa thì thời đại tân tiến hay công nghiệp sẽ giúp con cháu chúng ta lớn nhanh lớn mạnh hơn nữa. Một vườn ươm được chăm sóc theo phương pháp hiện đại và tiên tiến sẽ giúp cho việc nuôi dưỡng và giáo dục tốt hơn. Ngày nay khoa học tiến bộ là nhờ những nhân tài thời đại. Nhân tài này nảy sinh từ gia đình.

Nếu vườn ươm có đầy đủ chất dinh dưỡng tinh thần và thể chất thì con trẻ sẽ có cơ hội phát triển toàn diện. Chất dinh dưỡng này hút từ cha mẹ, anh chị em, họ hàng. Gia đình thánh là gia đình có dòng nhựa tốt chuyển đến các tế bào giúp con cái sống khỏe và có chất đề kháng rất tốt để chống lại những lây nhiễm của tệ nạn xã hội ngày nay. Các bậc cha mẹ lưu ý giáo dục con cái từ trong trứng nước cho đến ngày khôn lớn bằng chính đời sống và lời dạy dỗ của mình, thì sẽ được đền bù cách cân xứng bằng niềm hạnh phúc là thấy con cái thành nhân, thành công và thành thánh.

Hôm nay lễ Thánh giá là dịp chúng ta chiêm ngắm một gia đình thánh trong đó Thánh Giuse giữ vai trò gia trưởng, người cha cần mẫn lo cho gia đình trong tinh thần thực thi ý Chúa.tình mến Chúa nồng nàn và yêu thương Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Đức Mẹ, đóng vai trò người mẹ và người vợ phục vụ hy sinh trong lòng yêu mến nồng nàn. Chúa Giê-su mẫu gương vâng lời ngoan ngoãn cho những người làm con.

Chúng ta xin Chúa giúp cho mỗi thành viên trong gia đình chúng ta biết sống hết vai trò của mình, quên mình phục vụ nhau, giúp nhau thăng tiến trên đường thiêng liêng, cùng nhau làm tròn bổn phận trong tình thương mến. Nếu giữ được điều này thì mọi người sẽ cảm được niềm hãnh phúc trào tràn trong chính gia đình nhỏ bé của mình. Mọi sờn gợn trong cuộc sống sẽ được giải quyết cách dễ dàng.

Nữ tu Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon