Thảm họa CoVid-19 – Lửa luyện vàng

0

Thảm họa Covid-19 – một điểm nóng, một sự kiện, một chấn động mang tính chất toàn cầu khiến cho nhân loại phải sống trong cảnh thấp thỏm, hoang mang, lo ngại. Bắt đầu  từ ngày công bố cơn đại dịch cho đến nay mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức đều lo lắng và cập nhật thông tin về diễn biến cơn đại dịch mỗi ngày. Đi đâu tôi cũng thấy người ta kháo nhau: con số người nhiễm bệnh và chết ngày càng gia tăng. Nền kinh tế, văn hóa, chính trị…đều bị trì trệ nhường chỗ cho các phương án nhằm đẩy lui, dập tắt cơn đại dịch. Một số người vì ích kỷ nên lợi dụng cơ hội này để trục lợi cho cá nhân. Sự bất mãn, không hợp tác của một vài bệnh nhân…..Bên cạnh những thông tin tuy gây tò mò nhưng chẳng muốn nghe đó tôi cũng được đón nhận những thông tin, những hình ảnh thật đẹp như: các y bác sĩ đã quên mình lao vào ổ dịch để chăm sóc bệnh nhân. Những cá nhân, tổ chức từ thiện mọc ra khắp nơi. Những ngôi nhà sẵn sàng mở cửa đón chào những người từ bệnh viện trở về không biết đi đâu về đâu. Các Giáo xứ, Hội Dòng, Giáo phận…tổ chức những buổi ăn chay, cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể lâu giờ để nài xin Ngài ra tay uy quyền dập tắt cơn đại dịch….

Họa lại những hình ảnh đẹp này, trong thinh lặng tôi chợt cảm nhận một niềm vui sâu xa và liên tưởng đến hình ảnh thảm họa Covid – 19  tựa như ngọn lửa đang bừng bừng sức nóng để tinh luyện vàng chính là lương tâm tinh tuyền, là lòng trắc ẩn bấy lâu nay ngủ quên trong đêm dài của giấc mơ “thống trị địa cầu”.

Quả vậy, trước thảm họa Covid – 19 ta thấy mọi người khắp nơi trên thế giới đều lao đao chạy theo guồng máy phát triển không ngừng của thời đại. Khắp nơi thông tin đại chúng nhan nhản những bài viết về nạn phá thai, buôn người, trộm cướp, giết người….nhiều người chỉ vì tiền mà sẵn sàng kề dao vào cổ người thân. Con cái sẵn lòng đuổi cha mẹ già ra đường để tìm món lời từ mảnh đất tổ tiên. Rồi khi bước ra đường ta còn phải cảm nhận cảnh dửng dưng, vô tâm đến lạnh người khi một anh chị em đồng loại không may gặp nạn đang thoi thóp chờ bàn tay giúp đỡ như người Samaritano nhân hậu xưa, nhưng chỉ vì sợ “liên lụy” mà nhiều người trong chúng ta đành lẳng lặng bỏ đi. Nhìn thực tại chung của xã hội như vậy cả bạn, tôi và tất cả mọi người… đều sẽ phải sống trong sự phập phồng lo sợ khi bước ra đường như chúng ta đang sợ Covid – 19 vậy. Chúng ta ngao ngán, bức bối, mệt mỏi…sự đổ vỡ trong các mối tương quan ngày càng gia tăng. Gia đình là tổ ấm thiêng liêng với bữa cơm đạm bạc, với lời kinh ê a vào mỗi tối dường như đã trở nên quá xa lạ với thời đại. Nó xa lạ và khó đến nỗi thà bảo người ta đi mua một viên kim cương còn dễ hơn là bảo làm những việc từ thời “âm lịch”ấy.

Vậy mà qua thảm họa Covid – 19 người ta đã bớt “chạy” hơn, mọi thành viên trong gia đình có thời gian dành cho nhau nhiều hơn. Mặc dù nhiều “bà mẹ hiện đại” không mong muốn lắm nhưng vẫn lăn vào bếp để làm bữa cơm ấm cúng cho cả gia đình. Tôi cũng thấy cảnh những y – bác sĩ tại Vũ Hán làm việc quần quật cả ngày đêm bên bệnh nhân đến nỗi ai nhìn thấy cảnh những bước chân loạng choạng đi ra nghỉ ngơi của họ cũng phải rơi nước mắt. Tôi cũng thấy nhiều người sẵn sàng bỏ công, bỏ của…để chung tay hầu mong chặn đứng Virus…tôi thấy…tôi thấy….tôi thấy thế giới lặng lẽ hơn, bình an hơn trong cái ngược xuôi vất vả đối chọi với Covid – 19. Nó bình an lặng lẽ giống tựa bức tranh trong câu chuyện cổ nói về sự bình yên: Bức tranh vẽ về cảnh một ngọn núi lởm chởm đá, phía trên là bầu trời sấm chớp giận dữ đổ mưa như trút, bên vách núi là một dòng thác tuôn đổ dữ dội tung bọt trắng xóa, và phía sau dòng thác ấy có một tổ chim làm trong bụi cỏ mọc từ khe đá nứt, nơi đó những chú chim non đang an bình dưới đôi cánh ấm áp của mẹ.

Thảm họa Covid – 19 là một điều không ai trong chúng ta mong muốn, nhưng qua đó mỗi chúng ta có nhận ra dấu chỉ mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta không? hay đó chỉ là một vấn nạn đến rồi lại đi như bao vấn nạn khác?

Bình lặng bên Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện cách riêng cho thảm họa mau kết thúc, tôi chợt nhớ tới lời khuyên của Thánh Phaolo: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”(1Tx5,18). Trong hoàn cảnh hiện tại chúng ta không thể ngồi đó để cay cú, để trách móc…nhưng tốt hơn chúng ta hãy dâng lời tạ ơn và gẫm suy về thời khắc này – thời khắc để nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa đang dẫn bước ta đi, bàn tay ấy sẽ chỉ cho chúng ta thấy rõ nét cái lương tâm tinh tuyền và tấm lòng trắc ẩn bấy lâu nay “bị ngủ quên”. Bàn tay ấy sẽ chỉ cho chúng ta thấy nơi “ngọn lửa đang tinh luyện vàng” để hầu mong qua biến cố này mỗi chúng ta sẽ có được cái nhìn mới và cách sống mới trong cái tương quan rất đỗi gần và cần thiết “Sống với, sống cho, và sống vì”.

Sr. Maria Bùi An (HVTVK)

Comments are closed.

phone-icon