Cuộc Trò Chuyện Có Ý Nghĩa – SN Chúa nhật III Mùa Chay năm A

0

Suy Niệm: Xh 17:3-7, Rm 5: 1-2,5-8; Ga 4: 5-42

Chúng ta có rất nhiều cuộc trò chuyện mỗi ngày. Một số chỉ là những chuyện tầm thường như chúng ta trò chuyện với người ngồi bên cạnh trên máy bay; chúng ta chia sẻ những vấn đề nổi bật từ tin tức cuối tuần xung quanh máy làm mát nước tại nơi làm việc; hay chúng ta nói chuyện với người trước mặt chúng ta tại quầy thanh toán.

Một số cuộc trò chuyện lại là trao đổi thông tin như: “Ai sẽ mua sắm?” “Chúng ta có cần sữa không?” “Trò chơi khúc côn cầu kết thúc lúc mấy giờ?” “Bạn sẽ đi lễ nào vào Chúa nhật?” “Chào mẹ, hôm nay mẹ cảm thấy thế nào?”

Có những cuộc trò chuyện khác lại là một phần quan trọng thiết yếu của cuộc sống; những cái mà chúng ta cam kết với người khác; bắt đầu một tình bạn mới; giúp hàn gắn một mối tương quan, chữa lành những tổn thương. Đây là những cuộc trò chuyện làm tăng thêm chất lượng cho cuộc sống của chúng ta, chúng ta cần có chúng và chúng đang định hình cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể gọi đây là “những cuộc trò chuyện có ý nghĩa” (hoặc “cuộc trò chuyện có giá trị”). và chúng ta cần có chúng nếu chúng ta muốn cuộc sống chúng ta có ý nghĩa sâu sắc hơn, nếu chúng ta muốn cuộc sống của mình không chỉ là bề mặt.

Đó chính là cuộc trò chuyện mà người phụ nữ Samari đã nói với Chúa Giêsu bên bờ giếng – một cuộc trò chuyện có ý nghĩa. Nó bắt đầu thật tình cờ, nhưng vì chính con người cô, cô đang khát và có lẽ đang tìm kiếm điều gì đó quan trọng hơn trong cuộc sống của cô, và vì cô đang trò chuyện cùng Chúa Giêsu nên cuộc trò chuyện của họ nhanh chóng đi vào trọng tâm của vấn đề.

Nó giải quyết các vấn đề quan trọng như: “Tôi là ai?” “Tôi đang đi đâu?” “Tôi đang làm gì vậy?” “Tôi cần thay đổi gì trong cuộc sống?” “Tôi có hài lòng với những thứ như chúng là không?”

Những câu hỏi như thế này liên quan đến các vấn đề quan trọng, không phải là những thứ giao tiếp hàng ngày – nhưng chúng ta cần đặt lại những câu hỏi này một cách thường xuyên. Chúng ta cần phải dừng lối sống vội vã của mình,  để ngồi lại bên “bờ  giếng của sự tĩnh dưỡng”, như người phụ nữ đã làm; hít một hơi và dừng lại để phản tỉnh về những câu hỏi quan trọng, những câu hỏi có giá trị.

Gần đây tôi đã mở lá thư từ một người bạn, anh ta là một doanh nhân đi du lịch rất nhiều. Anh ấy đã gửi cho tôi một bài báo từ một trong những “tạp chí chăm sóc sức khỏe”. Tiêu đề của bài viết là “Cách quản lý căng thẳng”. Tôi chắc chắn điều này không áp dụng cho bất cứ ai trong nhà thờ ngày nay (!), nhưng đối với một hoặc hai người đang gặp căng thẳng, đây là những khuyến nghị.

Một gợi ý là: “Tìm những thứ khiến tinh thần bạn thăng hoa”. Ví dụ: âm nhạc, đọc sách, thiên nhiên, tập thể dục, và mặc dù đây không phải là một bài báo tôn giáo, nó đã có gợi ý này, “Hãy dành thời gian cho việc theo đuổi tâm linh một cách thường xuyên.” Và thậm chí nó còn tiếp tục đề nghị suy niệm và cầu nguyện.

Phúc âm nói về một người có cuộc sống căng thẳng; người này đã dừng lại để làm những gì “khiến cho tinh thần của cô ấy thăng hoa.” Cô ấy đã khát một điều gì đó hơn là khát nước – chúng ta cũng vậy, phải không? Cô ấy sẵn sàng tham gia vào một “cuộc trò chuyện quan trọng” với Chúa Kitô, sẵn sàng lắng nghe những gì Ngài nói với cô. Cô còn sẵn sàng thay đổi. Chúng ta có thể lấy gợi ý và làm những gì người phụ nữ trong câu chuyện phúc âm đã làm. Cô ấy là một ví dụ tuyệt vời cho chúng ta giữa Mùa Chay. Cô ấy sẵn sàng phá vỡ khuôn mẫu của thói quen và điều chỉnh cuộc sống của mình.

Có lẽ chúng ta cảm thấy rằng tôn giáo của chúng ta đã ổn định trong nhiều năm. Hoặc, rằng chúng ta lãnh đạm trước sự nhiệt thành tôn giáo, nói cách khác là thiếu sự nhiệt tình. Hoặc, có lẽ chúng ta cần tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của chúng ta. Xét về câu chuyện phúc âm ngày hôm nay, đức tin của chúng ta có thể giống như nước tù đọng hay nước phẳng lặng hơn là nước Chúa Giêsu hứa với người phụ nữ – nước hằng sống.

Nếu, giống như người phụ nữ Samari, chúng ta thấy mình khô cứng về tinh thần, thì chúng ta hoàn toàn có khả năng lãnh nhận những gì Thiên Chúa trao ban cho chúng ta suốt Mùa Chay này. Câu chuyện phúc âm tiết lộ rằng Chúa đang ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta trải nghiệm – nhiều hơn những gì chúng ta có thể mong đợi hoặc tưởng tượng từ Chúa.

Mùa Chay là thời gian để tham gia vào một “cuộc trò chuyện có ý nghĩa” (“cuộc trò chuyện có giá trị”). Chúng ta sẽ giao tiếp với Thiên Chúa như người phụ nữ đã làm bên bờ giếng? Hay đúng hơn, chúng ta sẽ để Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, như Chúa Giêsu đã làm, khi Người bắt đầu cuộc trò chuyện với cô ấy? Chúng ta sẽ tham gia vào một cuộc trò chuyện có ý nghĩa trong Mùa Chay này chứ? – Một cuộc trò chuyện có giá trị.

Tác giả: Jude Siciliano, O.P.
Nguồn:[preacherexchange] Chuyển ngữ: Sr. Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng

Comments are closed.

phone-icon