Hãy quỳ gối – Tâm tình Mùa Chay

0

Có rất nhiều phương tiện, con đường và tư thế giúp con người tiếp cận và gặp gỡ Thiên Chúa: dang tay khẩn nài như Môsê[1], sụp xuống đất mà lạy, mời Chúa ghé nhà thăm như Apraham[2], ngồi chầu và thưa chuyện với Đức Chúa như Đavít[3],  hay là lời mời gọi của Vịnh Gia: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan CHÚA là Ðấng dựng nên ta”[4], hoặc là lời khuyên của Thánh Phao-lô dành cho dân thánh: “Hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc[5]… Và quỳ gối cũng là một trong những tư thế cầu nguyện bình dân được ưa chuộng.

Hình ảnh quỳ xuống, chắp tay, mắt hướng thẳng về Thiên Chúa là hình ảnh thật đẹp và gần gũi. Trong mùa Chay, chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình khiêm tốn, quỳ gối xuống trước Thiên Chúa.

Quỳ xuống để gặp gỡ và tạ ơn

Chúng ta bắt gặp trong Kinh Thánh có rất nhiều hình ảnh con người quỳ gối xuống để tạ ơn, cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa vì họ xác tín rằng: “phải tạ ơn Ngài trước khi mặt trời mọc lên và phải gặp gỡ Ngài trước khi bình minh ló rạng[6]

Đầu tiên đó là Salômôn, một vị vua được mệnh danh là khôn ngoan trước đó và sau này không ai sánh bằng[7]. Vị vua ấy không chỉ đơn giản quỳ trên mặt đất hay sàn cung điện để gặp gỡ và tâm sự với Thiên Chúa của mình nhưng ông đã cất công “làm một cái bục bằng đồng đặt ở giữa sân, bục dài hai thước rưỡi, rộng hai thước rưỡi, cao một thước rưỡi, vua đứng trên đó, rồi quỳ gối xuống, và trước toàn thể cộng đồng Ít-ra-en, vua giơ tay lên trời và thưa chuyện với Thiên Chúa[8].

Thêm một hình ảnh thật đẹp trong Cựu Ước đó là tiên tri Daniel. Khi nhận được hồng ân Thiên Chúa ban thì không những một lần mà mỗi ngày đều đặn ba lần ông đều quỳ gối, quay mặt về Giêrusalem mà cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa[9]. Và chính dân Israel, dân riêng của Thiên Chúa cũng đã quỳ gối xác tín và mở miệng thề rằng: chỉ mình Thiên Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức[10].

Sang Tân Ước, ngay những trang đầu tiên của Tin Mừng Nhất Lãm ta nhận thấy hình ảnh một bệnh nhân quỳ xuống khiêm tốn xin Đức Giêsu chữa lành[11]. Và trong sách Công Vụ Tông Đồ, sau khi đã trút hết tâm sự và căn dặn với anh em ở Êphêsô thì Phaolô cùng tất cả mọi người đều quỳ gối xuống cầu nguyện[12]. Và rồi khi tiễn ông Phaolô lên Giêrusalem thì mọi người cũng đã quỳ gối xuống cầu nguyện tại bãi biển[13].

Vâng, thật đúng với câu nói một tác giả: “Khoảng cách ngắn nhất để con người gặp gỡ Thiên Chúa chính là khoảng cách từ đầu gối tới mặt đất”. Khi quỳ gối, con người chân nhận mình là thụ tạo tội lỗi, và khi ngước nhìn lên Thiên Chúa bằng một tâm hồn khiêm tốn, bé nhỏ cộng với sự khát khao chân thành thì chính sự khát khao đó sẽ đem chúng ta đến trước thánh nhan Người. Lúc ấy không còn khoảng cách nào giữa Thiên Chúa và thụ tạo bé nhỏ của Người nữa, chính nơi ấy có một khoảng không gian rất thánh thiêng dành riêng cho tâm hồn gặp gỡ và tạ ơn Thiên Chúa.

Quỳ xuống để xin trợ giúp.

Có những lúc trong cuộc đời chúng ta cảm thấy thật bế tắc trước nhiều vấn đề, những khó khăn bủa vây và xoay vòng khiến chúng ta chẳng biết cách nào để thoát ra. Cũng như các tông đồ xưa giận lẫy với Chúa: “tại sao chúng con không giải quyết được tên quỷ ấy[14]”, và Chúa đã trả lời thật thuyết phục cho các ông. Vâng, có những khó khăn chúng ta chỉ có thể giải quyết bằng cách quỳ gối khiêm tốn trước Đấng Tối Cao và xin ơn trợ giúp mà thôi.

Điều này cũng là xác tín của vị tông đồ trưởng trong biến cố ông làm cho bà Tabitha sống lại, ông biết rằng không phải tự sức ông có thể làm được điều đó nhưng ông cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chính vì vậy ông khiêm tốn “quỳ gối xuống cầu nguyện, sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: Bà Tabitha, hãy đứng dậy, bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phêrô, bà liền ngồi dậy”[15]. Vâng, khi khiêm tốn quỳ gối xuống trước Thiên Chúa, chắc chắn sẽ có phép lạ xảy ra.

Thánh Augustino cũng đã cảm nghiệm sâu sa trong cuộc đời và nhắn gởi chúng ta rằng: Hãy làm những gì bạn có thể làm, còn những gì không làm được thì hãy khiêm tốn quỳ gối xuống cầu nguyện, Chúa sẽ ban cho bạn khả năng làm những gì không thể làm được[16]

Điều này đã được Mẹ Têrêsa thành Calcutta xác tín trong cuộc đời, “Mẹ luôn luôn giải quyết vấn nạn từ dưới bằng những câu trả lời từ trên”[17]. Hơn nữa Mẹ còn chân thành khuyên: Nếu có những khó khăn thực sự không biết giải quyết thế nào thì hãy hy sinh mỗi ngày một giờ, quỳ thật lâu bên Thánh Thể và khi trở về, thì bấy giờ mọi vấn đề được giải quyết ổn thỏa[18].

Vâng, “con người chỉ vĩ đại khi quỳ xuống cầu nguyện[19]”. Mỗi ngày qua đi, dù bước chân có mệt mỏi sau một chuyến hành trình dài gian khổ, dù thân xác có rã rời do công việc chồng chất, dù tâm thần có bấn loạn vì băn khoăn, lo lắng cứ bủa vây, giằng xé, dù tội lỗi cứ bám riết không tha như tầm gửi thì hãy cứ bước tới, bước tới thật gần trước nhan Ngài, nhưngquỳ xuống và nói với đầu gối: mình không cần phải đi đâu nữa”[20]. Nơi ấy, bình an sẽ chào đón bạn như vị khách quý và rồi Chính Thiên Chúa sẽ khỏa lấp tất cả những trống trải, những khát khao và những ưu tư trong tâm hồn.

Lạy Chúa, Mùa Chay mời gọi chúng con mở lòng ra để dành một cõi thật riêng tư chỉ cho Chúa và con. Chúa ơi, xin gác lại mọi ưu tư và gánh nặng của cuộc đời, con đến quỳ đây, lặng lẽ bên Chúa để gặp gỡ, tạ ơn và xin sự trợ giúp của Chúa. Amen.

Sr Maria Phạm Trang.

[1] Xh 17, 8-12

[2] St 18, 1-3

[3] 2Sm7, 18

[4] Tv 94,6

[5] 1Tm2, 8

[6] Kn 16, 28

[7] 1V3, 12

[8] 2Sbn 6, 13

[9] Dn 6, 11

[10] Is 46, 23-24

[11] Mc1, 40

[12] Cv 20, 36

[13] Cv 21, 1-6

[14] Mc9, 28

[15] Cv 9, 40

[16] BENEDICTO XVI, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Thánh Kinh Cựu Ước, Tr 44

[17] Jacques Gauthier, TA KHÁT, Tr 49

[18] Jacques Gauthier, TA KHÁT, Tr 50

[19] http://tinvuixuanloc.vn/Watch_quy-xuong-cau-nguyen_1897.aspx

[20] BENEDICTO XVI, Cầu Nguyện Trên Nền Tảng Thánh Kinh Cựu Ước, Tr 23

Comments are closed.

phone-icon