Phép lạ chữa lành người mù khẳng định xác quyết của Chúa Giê-su: ‘Thầy là Ánh sáng thế gian’
22 tháng Ba, 2020 15:02
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican ngày 22 tháng Ba năm 2020.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trung tâm Phụng vụ của Chúa nhật thứ Tư Mùa Chay này là chủ điểm về ánh sáng. Tin mừng (x. Ga 9:1-41) kể câu chuyện người thanh niên bị mù từ lúc sinh, người được Chúa Giê-su mở mắt. Dấu chỉ phép lạ này là sự khẳng định cho lời quả quyết của Chúa Giê-su nói về chính Ngài: “Thầy là Ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi bóng đêm của chúng ta. Đó chính là Chúa Giê-su. Ngài trao tặng sự soi sáng ở hai mức độ: một mức độ về thân xác và một mức độ về tinh thần: người thanh niên mù trước hết nhận được sự sáng của đôi mắt và sau đó anh ta được dẫn dắt đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), tức là tin vào Chúa Giê-su. Đó là một hành trình trọn vẹn. Thật tốt nếu hôm nay tất cả anh chị em cầm lấy Tin mừng Gioan, chương chín, và đọc trích đoạn này: nó thật đẹp và nó sẽ vô cùng hữu ích nếu đọc đi đọc lại hai ba lần. Những phép lạ Chúa Giê-su thực hiện chẳng có những hành vi thu hút sự chú ý, nhưng mục đích của chúng là dẫn đưa đến niềm tin qua một hành trình biến đổi nội tâm.
Các Luật sĩ — những người đang ở đó, họ có một nhóm — thì cứng lòng không thừa nhận phép lạ và đặt những câu hỏi gài bẫy người thanh niên được chữa lành. Tuy nhiên, anh ta đã làm họ cứng họng bằng sức mạnh của thực tại: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được” (c. 25). Giữa sự thiếu quả quyết và thái độ thù hằn của những người chung quanh đang cật vấn anh ta, hoài nghi, anh ta đi theo lối đi đã dẫn đưa anh ta dần dần khám phá ra giá trị của Ngài là người đã mở mắt cho anh và tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Trước tiên, anh ta tôn vinh Ngài là một tiên tri (x. c. 17); sau đó anh ta chân nhận Ngài là người đến từ Thiên Chúa (x. c. 33); cuối cùng, anh ta nhận Ngài là Đấng Mê-xi-a và phủ phục trước Ngài (x. cc. 36-38). Anh ta hiểu rằng, qua việc mở mắt cho anh, Chúa Giê-su “tỏ hiện công trình của Thiên Chúa” (x. c. 3).
Ước mong chúng ta cũng có thể có được kinh nghiệm này! Với ánh sáng của đức tin, anh mù đã khám phá ra giá trị mới của mình. Anh ta là một “tạo vật mới,” có thể nhìn thấy cuộc sống của mình và thế giới chung quanh trong một ánh sáng mới vì anh ta đã đi vào sự kết hiệp với Đức Ki-tô; anh ta đi vào một chiều kích mới. Anh không còn là một kẻ ăn xin bị gạt bỏ bên lề bởi cộng đồng; anh không còn là một người nô lệ của sự mù lòa và thành kiến. Hành trình soi sáng của anh ta là một phép ẩn dụ cho con đường giải thoát khỏi tội mà chúng ta được kêu gọi. Tội giống như một tấm mạng đen che phủ mặt chúng ta và ngăn cản chúng ta không nhìn thấy thế giới và bản thân rõ ràng. Sự tha thứ của Chúa ngay lập tức tháo cởi tấm mạng che khuất và bóng mờ này và ban cho chúng ta ánh sáng mới. Ước mong rằng Mùa Chay chúng ta đang sống trở thành một thời gian thích hợp và quý giá để tiến đến với Chúa, cầu xin sự tha thứ của Ngài, bằng những cách khác nhau mà Mẹ Giáo hội đề nghị cho chúng ta.
Người thanh niên mù được chữa lành, người bây giờ nhìn thấy được bằng mắt của thân xác cũng như linh hồn, là hình ảnh của mỗi con người được rửa tội, chìm ngập trong Ân sủng, được xé toang bóng đen và đưa vào ánh sáng đức tin. Tuy nhiên, đón nhận ánh sáng thôi thì chưa đủ, chúng ta phải trở thành ánh sáng. Từng người chúng ta được kêu gọi đón nhận ánh sáng nước trời để tỏ lộ nó bằng đời sống trọn vẹn của chúng ta. Những Ki-tô hữu tiên khởi, các nhà thần học của các thế kỷ đầu, nói rằng cộng đoàn Ki-tô hữu, tức là Giáo hội, là “sự huyền bí của mặt trăng,” vì Giáo hội tỏa ánh sáng nhưng đó không phải là ánh sáng của chính mình, nó là ánh sáng Giáo hội đón nhận từ Đức Ki-tô. Chúng ta cũng phải trở thành “sự huyền bí của mặt trăng”: để trao tặng ánh sáng chúng ta đón nhận từ mặt trời là Đức Ki-tô Đức Chúa. Thánh Phaolo hôm nay nhắc nhở chúng ta điều đó: “Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng (vì hoa trái của ánh sáng được tìm thấy trong tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”) (Eph 5:8-9). Hạt giống của sự sống mới được gieo trong chúng ta qua Phép Rửa giống như tia lửa sáng, trước hết nó thanh tẩy chúng ta, thiêu cháy sự dữ có trong tâm hồn chúng ta, và làm cho chúng ta tỏa sáng và tỏa rạng, với ánh sáng của Chúa Giê-su.
Xin Mẹ Maria rất Thánh giúp chúng ta biết bắt chước người thanh niên mù trong Tin mừng để chúng ta có thể được thấm đẫm ánh sáng của Đức Ki-tô và bước đi với Ngài trên con đường của ơn cứu độ.
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Trong thời gian thử thách này, khi nhân loại lo sợ vì mối đe dọa của đại dịch, cha đề nghị tất cả người Ki-tô hữu hãy hiệp nhất tiếng kêu cầu dâng lên Nước Trời. Tôi mời gọi tất cả những Vị Lãnh đạo các Giáo hội và những Nhà Lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Ki-tô giáo, cùng với tất cả người Ki-tô hữu thuộc các nền tảng Tuyên xưng khác nhau, cùng khẩn xin Đấng Cực Trọng, Thiên Chúa Toàn năng, cùng đồng thanh dâng lên lời kinh cầu mà Chúa Giê-su Chúa chúng ta đã dạy chúng ta. Vì vậy, tôi mời gọi tất cả, hãy thực hiện như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng chúng ta cùng đồng thanh đọc Kinh Lạy Cha vào thứ Tư, ngày 25 tháng Ba, lúc giữa trưa – tất cả cùng đồng thanh. Trong ngày nhiều Ki-tô hữu kính nhớ việc Truyền tin cho Đức Maria Trinh nữ về sự Nhập thể của Ngôi Lời, nguyện xin Thiên Chúa có thể nghe thấy tiếng kêu cầu đồng thanh của tất cả các môn đệ của Người đang chuẩn bị cử hành chiến thắng vinh quang của Đức Ki-tô Sống lại. Cùng với ý này, vào Thứ Sáu lúc 6 giờ tối ngày 27 tháng Ba, cha sẽ chủ sự giờ cầu nguyện ở sân trong của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, với Quảng trường trống vắng. Từ bây giờ trở đi cha mời gọi tất cả cùng thông công qua phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ tôn thờ Bí tích Cực Thánh, và trước khi kết thúc cha sẽ ban Phép Lành Urbi et Orbi, được thêm vào cùng với cơ hội lãnh nhận Ơn Toàn xá.
Chúng ta phản ứng lại với trận đại dịch virus bằng tính phổ quát của việc cầu nguyện, của lòng trắc ẩn và lòng nhân hậu. Chúng ta hãy hiệp nhất. Chúng ta hãy làm cho sự gần gũi của mình được cảm nhận bởi những người cô đơn nhất và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, các nhân viên y tế, các nam nữ y tá y sĩ, những thiện nguyện viên … Sự gần gũi của chúng ta với các nhà hữu trách phải thực hiện những biện pháp cứng rắn, nhưng là vì ích lợi của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với những cảnh sát, những binh sĩ duy trì trật tự trên đường phố, để những điều chính phủ yêu cầu thực hiện được thực hiện vì sự tốt lành cho tất cả chúng ta — gần gũi với tất cả mọi người.
Cha bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, sáng nay bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình đoàn kết để đương đầu với tai ương. Và xin đừng quên: hôm nay hãy lấy Tin mừng Gioan và đọc chăm chú và chậm chậm chương chín. Cha cũng sẽ làm như vậy. Sẽ rất tốt cho tất cả chúng ta.
Và cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/3/2020]