Sứ Điệp Của ĐTC Gioan Phaolô II Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1997

0

Thần Khí Chúa ngự trên tôi… Người đã sai tôi đi công bố Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).

1. Anh chị em rất thân mến! Ngày Thế Giới Truyền Giáo là một cử hành quan trọng trong đời sống của Giáo Hội. Có thể nói, tầm quan trọng của nó ngày càng nổi bật khi Giáo Hội tiến tới ngưỡng cửa Năm 2000. Giáo Hội luôn ý thức rằng ngoài Chúa Kitô, “không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội mượn lời của Thánh Phaolô tông đồ để nói rằng:   “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).

Trong viễn tượng này, tôi tin rằng đây là dịp thuận tiện để kêu gọi sự quan tâm tới một số điểm căn bản của Tin Mừng mà Giáo Hội được mời gọi để công bố và mang đến cho các dân tộc trong Ngàn Năm mới.

2. Chúa Giêsu Kitô, Đấng được Cha sai đến, nhà truyền giáo đầu tiên, chính là Đấng cứu độ duy nhất của thế giới. Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống: cũng như Ngài đã là như thế hôm qua, và còn như vậy hôm nay, và mãi mãi sẽ là như vậy cho đến tận cùng thời gian, khi tất cả mọi sự được qui về Ngài vĩnh viễn. Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem đến, thấm vào cõi sâu thẳm nhất của con người, vừa giải thoát con người khỏi sự thống trị của Thần dữ, khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Nói một cách tích cực, ơn cứu độ là “sự sống mới” trong Chúa Kitô. Đó là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, Đấng mong đợi sự gắn bó tự do của con người: thật vậy, ơn cứu độ được thủ đắc từ ngày này sang ngày khác với “một giá phải trả là cố gắng hy sinh” (x. EN số 10). Như thế, cần có sự cộng tác liên lỉ của mỗi người chúng ta thông qua sự vâng phục ngoan ngoãn của ý chí đối với dự phóng của Thiên Chúa. Chỉ như thế, chúng ta mới đạt đến đích điểm chắc chắn và vĩnh viễn mà Chúa Kitô đã dành cho chúng ta qua thập giá. Không có sự giải phóng nào khác, nhờ đó chúng ta có thể đạt tới hòa bình chân thật và niềm vui, một niềm vui chỉ có thể nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa – Sự Thật: “Anh em nhận biết Sự thật, và Sự Thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).

Nói tóm lại, đó là một “tin vui” mà Chúa Kitô đã được sai đến để mang tới cho những “người nghèo”, cho người bị giam cầm trong vòng nô lệ của thế gian này, cho những “người sầu khổ” mọi nơi mọi lúc, cho tất cả mọi người, bởi vì ơn cứu độ được trao ban trực tiếp cho mỗi người và mọi người trên mặt đất này đều có quyền nhận biết về số mệnh vĩnh cửu của mình. Thánh Phaolô đã nhắc trong thư Rôma: “Bất cứ ai cầu khẩn danh Ta thì sẽ được cứu rỗi” (Rm 10,13).

3. Tuy nhiên, không ai có thể khẩn cầu Chúa Giêsu và tin vào Người nếu trước đó đã không được nghe nói về Người, nghĩa là nếu danh Chúa đã không được loan báo cho người đó biết (x. Rm 10, 14-15). Vì thế, lệnh truyền tối cao của Thầy đối với các môn đệ trước khi về cùng Chúa Cha là : “Anh em hãy đi… hãy giảng dạy” (Mt 28, 19); “Anh em hãy loan báo… ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Từ đó, phát sinh lệnh truyền của Chúa cho Giáo Hội, một Giáo Hội được sai đi tiếp tục công trình của Chúa theo thời gian, như “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (LG 48) và như là “máng chuyển ân sủng của Chúa” cho toàn thể nhân loại (EN 14).

Từ đó, phát sinh “đặc ân” và đồng thời cũng là “bổn phận hết sức quan trọng” (x. Sứ điệp Truyền giáo năm 1996) của tất cả những ai được gia nhập vào Giáo Hội nhờ đức tin đã được lãnh nhận: đó là “đặc ân, là bổn phận, là ân sủng” để tham dự vào sự “cố gắng” chung của công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Đứng trước sự đông đảo của anh chị em, dù được Thiên Chúa Cha yêu thương (RM số 3), nhưng vẫn chưa được biết Tin Mừng cứu độ, người kitô hữu không thể không cảm thấy trong lương tâm mình một sự rung động đã thôi thúc thánh Phaolô tông đồ thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 9,16). Thật vậy, một cách nào đó, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trực tiếp, trước mặt Thiên Chúa, về sự “thiếu đức tin” của hàng triệu anh chị em của chúng ta.

4. Tầm mức rộng lớn của việc rao giảng và sự nhận thức mình thiếu khả năng đáp ứng đôi khi có thể dẫn đến sự chán nản, nhưng chúng ta đừng để mình rơi vào trong lo sợ: chúng ta không đơn độc một mình. Chính Chúa đã trấn an chúng ta rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi” (Ga 14,18); “Thầy sẽ sai Đấng bảo trợ đến với anh em” (Ga 16,7). Ước gì chúng ta cảm thấy được an ủi, nhất là trong những lúc tối tăm và thử thách, vì biết rằng, dù nỗ lực của con người rất đáng khen và cần thiết, sứ mạng của chúng ta luôn luôn và trước hết, là công trình của Thiên Chúa, và công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi, mà cũng là tác nhân chính của sứ mạng (RM 21). Sứ mạng đó đến trong Thánh Thần, được “sai đi trong Thánh Thần” (RM 22). Thật vậy, chính nhờ tác động của Thánh Thần mà Tin Mừng “được hiện diện trong các lương tâm và trong tâm hồn con người và được lan truyền trong dòng lịch sử” (Thông điệp về Chúa Thánh Thần, số 42).

Mỗi Kitô hữu, nhờ việc “xức dầu” đã được lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội và Thêm Sức, có thể, đúng hơn, phải áp dụng cho chính mình những lời của Chúa, tin chắc rằng chính Thánh Thần cũng xuống trên mình, đấng sai mình đi công bố Tin mừng và cộng tác trong những sáng kiến tông đồ cùng với sự trợ giúp của Ngài. 

5. Sự đáp trả gương mẫu cho lời mời gọi phổ quát đối với trách nhiệm trong công cuộc truyền giáo là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, mà năm nay cũng là năm kỷ niệm 100 năm qua đời của thánh nữ. Cuộc đời và giáo huấn của thánh nữ Têrêsa nhấn mạnh đến mối giây liên kết rất chặt chẽ giữa sứ mạng truyền giáo và chiêm niệm. Thật vậy, không thể thi hành sứ mạng truyền giáo mà không có đời sống cầu nguyện sâu xa và kết hợp chặt chẽ với Chúa và với hy sinh của Ngài trên thập giá. Việc ngồi dưới chân thầy của mình (x. Lc 10,39) chắc chắn là điểm khởi đầu của mọi hoạt động tông đồ đích thực. Nhưng nếu đây là điểm khởi đầu, thì phải biết là còn có một con đường dài đi qua những giai đoạn bắt buộc bằng hy sinh và bằng thập giá. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô “hằng sống” còn là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô “bị hành hạ”, với Chúa Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá, đang kêu gào qua các thời đại về “cơn khát” nồng nàn của Ngài về các linh hồn để cứu rỗi họ (x. Ga 19, 28).

Và để làm dịu cơn khát của Thiên Chúa tình yêu, cũng như cơn khát của chúng ta, không có phương thế nào khác hơn là sống yêu thương và để mình được yêu thương. Sống yêu thương, là đồng hóa sâu xa với ước muốn nồng nhiệt của Chúa Kitô “cho tất cả mọi người được cứu độ” (1Tim 2,4); để mình được yêu thương, bằng cách cho phép Chúa sử dụng chúng ta theo “đường lối của Ngài chứ không theo đường lối của chúng ta” (x. Is 55,8), sao cho tất cả mọi người, dưới gầm trời này, có thể nhận biết Ngài và đạt đến ơn cứu độ.

6. Chắc chắn, không phải tất cả được mời gọi để đi truyền giáo: thật vậy, “người ta trở thành nhà truyền giáo trước hết bởi cái mình là, trước cả khi họ trở nên những nhà truyền giáo bằng lời nói hay việc làm” (RM 23). Sống “ở đâu” không là yếu tố xác định cho bằng việc “làm như thế nào” mới là yếu tố cần quyết định. Người ta có thể là những tông đồ đích thực, và mang lại nhiều hoa trái, ngay cả giữa những bức tường trong nhà, nơi làm việc, nơi giường bệnh, nơi nội vi của một tu viện… Điều quan trọng là con tim bừng cháy ngọn lửa tình yêu đức ái của Thiên Chúa, mà chỉ tình yêu này mới có thể biến đổi thành ánh sáng, lửa và sự sống mới cho toàn thể Thân Mình Mầu Nhiệm, cho đến tận cùng trái đất, chứ không chỉ những đau khổ thể lý và tinh thần, nhưng còn chính công việc mệt mỏi hằng ngày nữa.

7. Anh chị em rất thân mến, tôi chân thành cầu chúc Giáo Hội, trước ngưỡng cửa ngàn năm mới, cảm nghiệm sự hăng say mới để dấn thân truyền giáo. Ước chi mỗi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội đón nhận và tìm cách sống tốt hơn, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, chương trình của thánh bổn mạng các xứ truyền giáo: “Trong trái tim của Giáo Hội – Mẹ của tôi, tôi sẽ là tình yêu…như thế, tôi sẽ là tất cả!”.

Đức Maria, là Mẹ và là Nữ Vương các thánh Tông đồ, Mẹ hiện diện nơi phòng Tiệc Ly với các môn đệ, cầu nguyện và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống; Mẹ đã trải qua cuộc hành trình can đảm của những nhà truyền giáo từ khởi đầu, xin Mẹ thúc đẩy các tín hữu ngày nay biết noi gương Mẹ trong việc chăm sóc ân cần và liên đới để mở rộng lãnh vực hoạt động truyền giáo.

Với những tâm tình trên, và lời khích lệ mọi sáng kiến cộng tác truyền giáo trên thế giới, tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho mọi người.

Vatican, ngày 18 tháng 5 năm 1997, Lễ trọng kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

GIOAN PHAOLÔ II

Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP

Comments are closed.

phone-icon