Bài giảng của Cha BTTQ Dòng Đa Minh dịp lễ mừng 800 năm sinh nhật trên trời của Cha Thánh Đa Minh.

0

Thay cho lá thư như thường lệ, cha Bề trên Tổng quyền Gerard Francisco Timoner III, O.P. chia sẻ với Gia đình Đa Minh bài giảng của ngài trong Đại lễ Thánh Phụ Đa Minh được cử hành tại Vương cung Thánh đường Thánh Đa Minh, Bologna, nơi vị Tổ phụ và cũng là người Anh Cả của chúng ta đã sống những ngày cuối cùng trên dương thế. 

Ngày 6 tháng Tám năm 2021
Prot. 50/21/368 Jubliee_2021

Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta quây quần bên bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc của hiệp thông và tạ ơn, để cảm tạ Thiên Chúa vì ân huệ thánh Đa Minh thành Caleruega, vì cuộc đời thánh thiện và sứ vụ độc đáo Chúa đã trao tặng người.

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết rất rõ trong lá thư gửi cho Dòng nhân dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật trên trời của thánh Đa Minh, rằng trong số các danh hiệu dành cho thánh Đa Minh, Praedicator gratiae, “Nhà Giảng thuyết Ân sủng” là danh hiệu nổi bật hơn cả, vì đó là danh hiệu thích hợp với đặc sủng và sứ vụ của Dòng do thánh nhân sáng lập (PG 1).

Đây là món quà của chúng ta cho Giáo hội: “Ân sủng giảng thuyết” và “Giảng thuyết ân sủng”, nghĩa là công bố về Thiên Chúa, Đấng là Ân sủng Tự tại, Đấng ban tặng chính mình cho nhân loại. Vun trồng và chia sẻ các đặc sủng và sứ vụ này, thánh Đa Minh đã trở thành Ánh sáng của Giáo hội (Lumen Ecclesiae) và Thầy dạy Chân lý (Doctor Veritatis). Thánh nhân ở trong số những người được ngôn sứ Isaia ca ngợi: “Đẹp thay, trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an!” (Is 52,7) Thật vậy, người đã dành trọn cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).

Nhiều năm trước, tôi có tham dự một buổi họp mặt các tu sĩ nam nữ đang trong giai đoạn đào tạo sơ khởi đến từ nhiều hội dòng khác nhau. Tôi tự hào giới thiệu mình là một tu sĩ Đa Minh. Một tham dự viên nói đùa rằng: “Tu sĩ Đa Minh ư? Anh thuộc thời trung cổ!” Tôi mỉm cười đáp lại: “Chúng tôi không thuộc thời trung cổ, chúng tôi thì kinh điển!”

“Kinh điển” là một thứ gì đó vừa hợp thời vừa vượt thời gian. Thánh Đa Minh đã ấp ủ một sứ vụ hợp thời, bởi vì người nhận thấy thế giới đang rất cần một cuộc loan báo Tin Mừng mới. Song sứ vụ này cũng thực sự vượt thời gian, bởi vì mỗi thế hệ đều cần một cuộc loan báo Tin Mừng mới, nghĩa là rao giảng về Thiên Chúa, Đấng luôn cổ kính mà cũng rất tân kỳ. Hợp thời bởi vì thánh Đa Minh đưa ra câu trả lời thích hợp cho một hoàn cảnh cụ thể, nhưng vượt thời gian bởi vì việc loan báo Tin Mừng thì vượt lên trên các biến cố đang xảy ra và luôn có ý nghĩa trong mọi thời điểm của lịch sử.

“Chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa”[1], thánh Đa Minh là hiện thân cho sự hiệp lực giữa chiêm niệm và hoạt động, đồng thời là gương mẫu của người môn đệ-thừa sai, được kêu gọi bước theo Đấng là Đường và được sai đi rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, thánh Đa Minh luôn có “điều gì đó để nói” mọi lúc và mọi nơi bởi vì Tin Mừng đã định hình và biến đổi cuộc đời của người vốn là kinh điển. Trung cổ mà đương đại, cổ kính mà tân kỳ – đó là thánh Đa Minh đích thực kinh điển!

Đúng ba trăm năm sau khi thánh Đa Minh qua đời, chàng thanh niên Inhaxiô Loyola đọc hạnh tích thánh Phanxicô và thánh Đa Minh và đã có được kinh nghiệm hoán cải. Nếu thánh Đa Minh đã truyền cảm hứng cho một người đến sau mình hàng trăm năm trở nên một vị thánh, thì người có thể trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta ngay cả và đặc biệt là ngày nay. (Cha Massimo Fussarelli OFM, Tân Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn, đang đồng tế với chúng ta trong Thánh lễ này. Như thế, chúng ta có thể nói rằng hôm nay “Phanxicô” đã viếng thăm “Đa Minh” tại Bologna này.)

Thánh Đa Minh muốn nói gì với chúng ta, với Giáo hội, với thế giới, khi chúng ta phải đương đầu với các vấn nạn về sự thờ ơ, thói giáo sĩ trị, chia rẽ, tin giả, tuyệt vọng?

Trong thời đại ghi đậm dấu ấn của thờ ơ, nhất là thờ ơ trước nỗi khổ đau của người khác, thánh Đa Minh đã rao giảng misericordia veritatis lòng thương xót của chân lý. Chúng ta nhớ lại lúc thánh Đa Minh còn là sinh viên ở Palencia, đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết: Người đã chạnh lòng thương những ai đang đau khổ và cận kề cái chết vì cơn đói kém khốc liệt, vì thế, người đã bán đi những cuốn sách quý của mình và “mở một trung tâm từ thiện để nuôi dưỡng người nghèo khổ”… Lòng nhân ái đáng phục của thánh Đa Minh đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác noi theo[2]. Vì thế, với lòng chạnh thương, thánh Đa Minh đã rao giảng misericordia veritatis[3]lòng thương xót của chân lý, được bày tỏ cách hoàn hảo nơi Đức Kitô, misericordiæ Vultus, “dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”[4]. Lòng thương xót là tình yêu tìm cách xoa dịu đau khổ của tha nhân. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô từng nhắc nhở chúng ta: “Việc bác ái cao cả nhất chính là Phúc âm hóa… Không hoạt động nào sinh ơn ích hơn –do đó bác ái hơn– đối với tha nhân bằng việc bẻ tấm bánh Lời Chúa, chia sẻ cho họ Tin Mừng của Phúc âm, đưa họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa”.[5]

Trong thời mà lối sống giáo sĩ trị dường như đã làm lu mờ ý nghĩa Tin Mừng của sự phục vụ diakonia noi gương Đức Giêsu, Đấng đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”, thánh Đa Minh đã đặt diakonia của việc giảng thuyết trên sự hiệp thông huynh đệ. Đặc sủng giảng thuyết người đã lãnh nhận thôi thúc người nhắc nhớ Giáo hội về sứ vụ phổ quát của mình là rao giảng Tin Mừng, rằng việc giảng thuyết là sứ vụ, không phải của một số người được chọn, nhưng của mọi phần tử trong Giáo hội. Đặc sủng này, tất cả các thành viên của Gia đình Đa Minh cùng chia sẻ: các anh em tu sĩ (tư giáo và tu huynh), các nữ đan sĩ, các nữ tu hoạt động, huynh đoàn linh mục và huynh đoàn giáo dân Đa Minh – tất cả các bậc sống trong Giáo hội. Vì thế, thánh Đa Minh, người rao giảng bằng lời nói và bằng gương sáng verbis et exemplo, đã mở ra khả thể cho đời sống và chứng tá đa dạng của các môn đệ-thừa sai bằng nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như các tác phẩm của thánh Catarina Siêna, các bức họa của chân phước Fra Angêlicô, các việc bác ái của thánh Rôsa Lima, thánh Gioan Maisan, thánh Margarita Castellô, chân phước Pier Giorgio Frassati và nhiều vị khác nữa, đều được nhìn nhận là các hình thức giảng thuyết Tin Mừng quan trọng. Như một anh em tu huynh uyên bác nọ đã nhận xét: Chúng ta không phải là Dòng những người giảng (homilists), nhưng là Dòng anh em giảng thuyết!

Trong thời mà Giáo hội, Thân Mình Đức Kitô, mang thương tích vì chia rẽ và bất hòa, thánh Đa Minh đã hình dung ra hình thức quản trị cộng đoàn khuyến khích sự tham gia của mọi người trong việc phân định và đưa ra quyết định. Các công hội ở các cấp khác nhau tạo ra một không gian để anh em cùng nhau đối thoại và dám đối diện với những thách đố đang gặp phải, để tìm kiếm sự đồng thuận cho những vấn đề gây chia rẽ, để phân định những cách thế khả dĩ tốt đẹp nhất phục vụ sứ vụ của Dòng trong những thời khắc và nơi chốn cụ thể, và quan trọng hơn là để lắng nghe và học hỏi lẫn nhau như những người anh em. Đức Giáo hoàng Phanxicô ghi nhận rằng: “Tiến trình “đồng nghị” này cho phép Dòng thích ứng đời sống và sứ mạng của mình với sự thay đổi của bối cảnh lịch sử mà vẫn duy trì được sự hiệp thông huynh đệ” (PG, 6).

Trong thời mà thông tin sai lạc và giả mạo gieo rắc hoang mang và làm cho nhiều người lầm lạc, thánh Đa Minh đã gửi các anh em của mình đến các đại học nổi tiếng ở Âu châu. Người đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo thần học đúng đắn và vững chắc dựa trên Kinh thánh cũng như quan tâm đến những vấn nạn thời đại đặt ra. Xác tín này đã dẫn đưa các anh em thế hệ sau đó đi đến biên cương nơi mà đức tin gặp gỡ lý trí như những người bạn đồng hành trên đường truy tìm chân lý. Thánh Tôma Aquinô và thánh Alberto Cả của chúng ta đã đứng trên biên cương đó, tìm thấy bí quyết của sự hoà hợp giữa lý trí và đức tin và đã đem lại nhiều thành quả cho di sản triết học và thần học của Giáo hội. Sứ vụ trí thức của Dòng và sứ vụ rao giảng Veritas là phương thuốc giải độc quan trọng cho một cơn đại dịch nguy hại khác, đó là tin giả, tin nửa thật nửa giả.

Trong những thời khắc khó khăn ấy, khi mà mọi người dường như chìm trong tuyệt vọng, thánh Đa Minh đã mang đến cho chúng ta điều mà chúng ta gọi là spem miram, một niềm hy vọng lạ lùng! Bài thánh thi về hy vọng của chúng ta ghi niệm khoảnh khắc tám trăm năm trước ở Bologna đây, khi thánh Đa Minh từ giã thế giới này, lúc các anh em đang lệ ứa tràn mi – O spem miram quam decisti mortis hora te flentibus. Thánh Đa Minh đã khơi dậy niềm hy vọng trong tâm hồn anh em bằng lời hứa rằng người sẽ tiếp tục nâng đỡ anh chị em, người đoan chắc chuyển cầu cho chúng ta, và vì thế, ở lại với chúng ta bằng lời cầu nguyện của người. Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sự hiện diện của các anh em đang cầu nguyện trong giờ lâm tử của thánh Đa Minh hẳn cũng mang lại cho người niềm hy vọng. Vào thời khắc cuối cùng của kiếp nhân sinh hữu hạn, thánh Đa Minh đã không đơn độc. Sự hiện diện của anh em và sự hiện diện thánh Đa Minh đã hứa, ngay cả bên kia cái chết, đã mang lại cho người và cho anh em niềm hy vọng và an ủi. Trên hết, niềm hy vọng ấy dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Niềm hy vọng là bảo chứng Thiên Chúa ở trong “các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, và Sáng” của đời sống chúng ta. Niềm hy vọng chính là Đức Kitô đang ở giữa chúng ta (x. Cl 1,27).

O Spem Miram! Cha Đa Minh đã đoan hứa là người sẽ mưu ích cho chúng ta vì người có niềm hy vọng lớn lao rằng người sẽ ở gần Chúa Kitô hơn, trong sự thông hiệp của bậc phúc nhân.

Cách đây năm năm, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến viếng thánh Đa Minh tại Bologna này. Trong lá thư gửi cho Dòng, ngài viết: Tôi cầu nguyện cách đặc biệt cho Dòng Anh em Giảng thuyết, khẩn xin cho các phần tử của Dòng được ơn bền đỗ trong sự trung thành với đặc sủng nguyên thủy và truyền thống huy hoàng mà họ thừa kế. Để cảm ơn thánh Đa Minh vì tất cả những thiện hảo mà các con cái nam nữ của thánh nhân thực hiện trong Giáo hội, tôi đã cầu xin một ơn đặc biệt là cho Dòng được tăng thêm nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Trong tâm tình ấy, tôi cũng muốn dâng lời cầu nguyện cho Gia đình Đa Minh tại Bologna và trên toàn thế giới:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
là Đấng tạo thành thế giới và là Đấng ban sự sống.
Tám trăm năm trước,
Chúa đã vui nhận thánh Đa Minh vào cuộc sống vĩnh cửu, và thiết lập việc Giảng thuyết Thánh trên toàn thế giới.

O Spem miram! LẠY CHÚA, chính NGÀI là niềm HY VỌNG lạ lùng
mà cha Đa Minh đã hứa, là Bạn đồng hành trung thành của chúng con, trong nỗ lực thánh thiện loan báo và để cho LỜI Chúa vang xa,
khắp cùng cõi đất, đến chân trời góc biển.

Nay chúng con cử hành Năm Thánh
mừng sinh nhật trên trời của thánh Đa Minh,
xin cho chúng con được nuôi dưỡng và no thỏa với hai phần THẦN KHÍ,
để chúng con được cảm nghiệm một lễ Hiện Xuống mới – canh tân việc loan báo “những kỳ công của Thiên Chúa” và khơi lại ngọn lửa dấn thân cho sứ vụ của chúng con
vì “ơn cứu độ các linh hồn”.

Xin chúc phúc cho các anh em, chị em và toàn thể Gia đình Đa Minh
được mạnh khỏe, hạnh phúc và thánh thiện.
Xin hướng dẫn chúng con luôn phục vụ dân Chúa. Xin quy tụ tất cả về với Chúa,
mà ngợi khen và tạ ơn muôn đời. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria; nhân danh Chúa Giêsu. Amen.

Tu sĩ Gerard Francisco Timoner III, O.P.
Bề trên Tổng quyền

——————–

[1] Hiến pháp Nền tảng Dòng Anh em Giảng thuyết, II.
[2] Giorđanô Saxônia, Libellus, 10.
[3] Công vụ Tổng hội Providence (2001) 107.
[4] Phanxicô, Tông sắc thiết lập Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót Misericordiæ Vultus (11/04/2015), 1.
[5] Bênêđictô XVI, Sứ điệp mùa Chay 2013, 3.

 

 

Comments are closed.

phone-icon