Tin Sẽ Được Sống- SN Chúa Nhật XIX TN, năm B

0

Dịch bệnh mỗi ngày mỗi gia tăng và cái chết diễn ra trước mắt rất nhanh chóng đến nỗi người không mấy khi nghĩ đến cái chết cũng thảng thốt kêu lên: đời là vô thường. Vô thường vì nay còn mai đã mất. Lúc này chúng ta mới thấm thía cuộc đời như hoa sớm nở chiều tàn. Nhiều người không được chứng kiến người thân của mình từ giã cõi đời. Có những gia đình chết mỗi người mỗi nơi. Thật quá bi thương! Trước sự kinh hoàng và cái chết không có lối thoát đó, Chúa nói với chúng ta: “Ai tin thì được sống đời đời.”

Một vị linh mục kể: Trong dịch bệnh này Ngài đã nhận được rất nhiều cú điện thoại gọi đến tư vấn, đặc biệt cú điện thoại của một gia đình ngoại giáo gọi đến xin Cha cầu nguyện vắn tắt như sau: Ông linh mục ơi, xin ông cầu cùng Chúa của ông cho gia đình tôi với! Một lời van xin trong lúc nguy hiểm và chắc gia đình này đã đi đến đường cùng nên đã cầu cứu với một vị Thần mà họ cho rằng sẽ cứu họ được. Tôi chắc họ sẽ được cứu vì họ tin.

Tôi nghĩ trong đau thương quá khốc liệt này Chúa có chương trình của Ngài. Theo sự thường thì chúng ta bi quan lắm vì nhiều cảnh rơi lệ diễn ra như cơm bữa: Người chết vội vàng đưa đi hỏa táng, người chạy dịch về quê hơn ngàn cây số bằng xe máy. Và mới đây  cả gia đình gồm cha mẹ và ba người con đi về quê trên một chuyến xe ba gác. Nhưng thảm thay, khi đi đến trạm kiểm dịch thì bị một xe tải tông và một người con cả 15 tuổi chết và bốn người bị thương nặng. Sau cùng họ về quê trong một chiếc xe cứu thương với xác con bất động.

Ở vùng tâm dịch, người ta luôn được nghe những tiếng còi cứu thương xé lòng để báo hiệu một người cấp cứu và sự thường là không có ngày về và nếu có sống sót thì cuộc sống của họ không như trước nữa. Đó là lời của một bác sĩ chuyên chữa trị bệnh nhân covid cảnh giác chúng ta. “Một bệnh nhân trút nỗi lòng với bác sĩ trước khi đặt ống thở: (Ông) hãy cho mọi người biết đây là sự thật, phổi của tôi như bị lửa đốt, như bị ong chích, tôi không thở được. Làm ơn hãy nói để mọi người đeo khẩu trang… vì tôi không mong điều này xảy ra thậm chí với kẻ thù lớn nhất của mình“.

 Đại dịch kỳ này đã làm cho y tế nước Việt Nam quá tải. Người trong cuộc kể một bác sĩ và hai nhân viên phải coi 4 lầu bệnh nhân. Máy trợ thở không đủ và người ta phải chọn lựa cứu ai bỏ ai. Trước tình thế dịch bệnh như thế người ta lo sợ và không ít hồi hộp. Thuốc trần gian không có, người ta phải chạy đến thuốc thần linh. Đây là thời điểm người ta cần đến Chúa hơn lúc nào hết. Người ta chạy đến với Chúa để tìm sự bình an và sự đỡ nâng.

Hóa ra thời gian này lôi kéo chúng ta cầu nguyện nhiều hơn, cảm nghiệm sự chết sâu hơn để có thể buông bỏ những gì chúng ta đang bám trụ. Cứ nhìn đoàn xe nối dài đi vào lò hỏa táng chúng ta mới thấy nó kinh khủng như thế nào.

Trước nỗi đau vô tiền khoáng hậu này chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa: “Người tin nơi Ta có sự sống đời đời”.

Trong khi tôi đang nghĩ có lẽ dịch bệnh này sẽ không bao giờ chấm dứt và một bác sĩ chuyên chữa trị loại bệnh này khẳng định là chúng ta phải chấp nhận sống với nó mãi mãi. Bác sĩ xác quyết: chúng ta sẽ không có cuộc sống an toàn như trước đây nữa. Trong tình thế bi quan như thế thì tôi đọc được một bản tin của người em đang truyền giáo ở Phi Châu với cái tít rất hấp dẫn: Tin mừng cho nhân loại. Nội dung của Tin mừng này là các nhà khoa học Đức đã khám phá ra các kháng thể đặc biệt được tìm thấy trên lạc đà Alpaca, có kích thước siêu nhỏ và hứa hẹn mở ra biện pháp mới trong điều trị Covid-19. Các nhà nghiên đã phát triển một loại kháng thể siêu nhỏ (nanobodies), có khả năng ngăn chặn hiệu quả nCoV và những biến chủng nguy hiểm của chúng. Các nanobodies liên kết và vô hiệu hóa virus tốt gấp 1.000 lần những kháng thể mini đã được phát triển trước đó. Các hạt nanobodies có thể sản xuất với chi phí thấp, số lượng lớn. Chúng dễ dàng đáp ứng nhu cầu của thế giới về phương pháp điều trị Covid-19. Các kháng thể siêu nhỏ này chuẩn bị được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Kháng thể siêu nhỏ, hiệu quả vượt trội. Nếu quả thật sự này đã xẩy ra thì đây là một phép lạ và Chúa đã nhận lời tha thiết nài van của chúng ta: “Ai tin sẽ được sống đời đời”.  Sự sống đời đời là sự sống ở trong chính Chúa Giê-su, đó là sự sống ở nơi Cha và Con, đó là sự sống tình yêu mà nó ở trung tâm của Ba Ngôi và Thiên Chúa đã thông truyền cho chúng ta. Chính ở điểm này mà Ngài nói: Bánh Sự Sống. Ngài thông truyền sự sống hoàn toàn nhất, sự sống hấp thụ trọn vẹn chúng ta vì chính sự chết đã bị sự sống đánh bại.

“Người ăn bánh này sẽ không chết”. Bánh xuống từ trời! Bánh nói với chúng ta tất cả màu nhiệm của Thiên Chúa và tất cả ân huệ của Thiên Chúa. Bánh này được ban cho chúng ta trên hành trình dương thế.

Ai trong chúng ta cũng sợ chết dẫu biết trước sau gì mình cũng phải chết. Nhưng chúng ta không dám chờ ngày đó đến nhất là trong đại dịch này. Chúng ta sờ đụng đến sự chết, nắm trong tay tro bụi của phận người. Những người trẻ hôm nay cũng đang bị cái chết ám ảnh. Vậy làm thế nào để chúng ta được bình an đón nhận mọi biến cố có thể xẩy đến. Hãy cầu nguyện! Chỉ có phương pháp này thôi mới giúp chúng ta thêm niềm tin để vượt qua tất cả: “Ai tin thì được sống đời đời”. Dẫu con người luôn luôn nơm nớp lo sợ không biết cái chết sẽ đến với mình lúc nào. Giải pháp và thuốc chữa trị là đến với Chúa, nguồn bình an, hạnh phúc. Đây là cơ hội tốt nhất thúc đẩy chúng ta sống đời cầu nguyện.

Một thanh niên ở Úc chừng 20 tuổi bị dương tính với covid nhẹ, được chữa trị tại nhà và cô y tá luôn gọi điện hỏi: em có ổn không? Câu trả lời luôn là ổn nhưng sau hai ngày em đã tử vong. Có nhiều trương hợp tương tự như thế đã làm cho nhiều ngươi sợ hãi vì con Delta lần này lây lan và gây tử vong cấp số nhân.

Bài Tin Mừng này yên ủi chúng ta trong cơn hãi hùng này: “Ai tin sẽ được sống đời đời”.  Nơi Chúa có nguồn bình an, nguồn hạnh phúc vì chính Ngài là niềm hoan lạc của chúng ta. Hãy ẩn náu nơi Ngài để đánh bại nỗi sợ hãi lo âu đang hoành hành thế giới này. Nếu ma quỉ và sự gian ác của trần gian đe dọa chúng ta thì tình yêu Chúa sẽ hóa giải tất cả. Hãy cảm nếm Chúa ngọt ngào, tốt đẹp dường bao trong những giờ khắc cầu nguyện: “ Ai tin sẽ được sống đời đời”.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu 

 

Comments are closed.

phone-icon