Một vài suy tư … thời COVID

0

Sr. Maria Nguyễn Thị Huỳ, OP.

Trong lúc virus Corona đang hoành hành khủng khiếp tại nhiều nơi, ngay cả trên địa bàn gần nhà Dòng. Vì thuộc thành phần cao niên, điểm nhắm của nạn dịch nên cùng với một số chị, em được các Bề trên ưu ái cho sang “tá túc” tại Nhà An Dưỡng của Hội dòng để đảm bảo tình hình sức khoẻ, tránh sự tấn công “bất ngờ” của nàng “Cô-Vy”. Với thời gian cách ly này, tôi có một vài suy tư xin trao gởi đến mọi người.

Muốn và Chọn…

Sống ở đời, con người có nhiều khát vọng. Có những khát vọng thiêng liêng cao quí như khao khát nên thánh, ước muốn đi truyền giáo cho lương dân, tự nguyện xung vào tuyến đầu chống dịch …. Nhưng cũng có những ước mơ khác cụ thể, thực tế hơn như muốn sống vui, sống khoẻ, muốn học rộng biết nhiều để phục vụ tốt hơn, muốn du lịch đây đó để mở rộng tầm nhìn…Dù mang trong mình hoài bão nào, con người thường phải nỗ lực hết sức mới có thể biến khát vọng của mình thành hiện thực. Khát vọng vì thế thường đi song đôi với chọn lựa và quyết tâm.

Các bạn sinh viên khao khát ngày vinh qui bái tổ, ao ước có một hành trang vững chắc để thành công trên đường đời nên không ngần ngại ngày đêm miệt mài đèn sách.

Các vận động viên mong đạt huy chương vàng trong buổi hội thao nên đã tự nguyện “bỏ quên” nhiều buổi dã ngoại hấp dẫn, dẹp đi những chuyện chat chít với bạn bè để dành thời gian cho luyện tập, dùi mài, nhiều khi còn phải kiêng khem đủ thứ để không ảnh hửơng xấu cho ngày ra quân.

Để thành ca sĩ nổi tiếng hay MC ăn khách, chuyện trau dồi kỹ năng luyện thanh hay thuật ăn nói là chuyện bắt buộc phải có… Trên cõi đời này chẳng có gì mà không phải trả giá!

Cũng thế, người thanh niên trong Tin Mừng Mattheu 19,16-22 mang trong tim mình nỗi khát khao được sống đời đời nên ngay từ nhỏ anh đã chu toàn các giới răn. Nỗi khát khao cháy bỏng đó còn thúc đẩy anh tìm đến với Thầy Giêsu để xin Thầy hướng dẫn. “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Chúa Giêsu đã chỉ cho anh một con đường đó là phải trung thành tuân giữ các giới răn. Nghe Chúa nói, anh hân hoan thưa với Người: “tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” Trước tâm tình quảng đại của anh Chúa Giêsu đã rất hài lòng. Người nhìn anh trìu mến và để đưa anh tới bờ vĩnh cửu, nơi có sự sống đời đời, Chúa mời anh can đảm bước thêm một bước nữa. “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy về bán hết những gì anh có và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

Câu trả lời rõ ràng đã được gởi đến cho anh. Cánh cửa vương quốc đã sẵn sàng mở ra và chờ đợi. Tiếc thay, anh chỉ có khát vọng theo chiều kích của riêng mình. Anh không đủ can đảm dũ bỏ tất cả cũng như chưa có một trái tim hoà quyện yêu thương với trái tim tự do, thanh thoát của Thầy nên cánh cửa sự sống đã mở ra chào đón anh phải ngậm ngùi khép lại. Trước sự tiếc nuối của Thầy Giêsu, anh cúi mặt bỏ đi để trở về ôm giữ kho tàng mà rồi đây, vào một ngày nào đó, có thể là không xa, anh cũng phải buông bỏ mà không thể bước vào cõi sống.

Quan sát thái độ của người thanh niên…rồi dành chút thời gian ngẫm nghĩ về chính mình. Tôi tự hỏi, tôi đang có khát vọng nào cho đời dâng hiến của tôi? Và tôi đã chọn lựa và quyết tâm sống tận căn những chọn lựa của mình thế nào để chắc chắn tôi được Chúa thương đưa vào cõi sống?

Đuốc sáng hy vọng

Cách đây 800 năm, khi những người con thiêng liêng đầu đời của cha Đa Minh đang sụt sùi bên giường cha trước giờ lâm chung.  Giữa bầu khí sầu thương của cái chết đang cận kề, từ nơi cha, một đuốc sáng hy vọng đã bừng lên như ánh bình minh báo tin một ngày mới; như ngọn đèn được thắp lên soi dọi  và xua tan bóng đêm, một tiếng nói trầm tĩnh và xác tín từ nơi cha Đa Minh đã xoá tan buồn đau và trao ban niềm hy vọng: “Anh em đừng buồn… vì cha ra đi thì có lợi cho anh em hơn.” Vâng, trải dài 800 năm rồi, cha đã không quên lời đã hứa…bằng lời cầu nguyện chuyển cầu, bằng những bước đồng hành thiêng liêng qua linh đạo cha để lại đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ của Dòng hôm nay đang tiếp bước cha.

Cha Đa Minh đã trao cho con cái sứ điệp hy vọng vào lúc mà con người dễ rơi vào tuyệt vọng vì phải đối diện với các chết. Tại sao vậy? Vì với cha, một con người cả đời đã từng học chết từng ngày với Chúa Kitô thập giá. Cha đã chết cho mình, chết cho trần gian để hôm nay khi cái chết đến, cuộc đời cha toả sáng niềm hy vọng. Và có thể nói như cha đương kim Tổng Quyền Gerard Timoner, các anh em hiện diện bên cha lúc ấy chính là niềm hy vọng hay đúng hơn đã bừng sáng tia hy vọng sẽ tiếp bước cha trong ơn gọi giảng thuyết để những hoài bão cha dành cho Chúa, cho Hội thánh, cho nhân loại, cho ơn cứu độ còn tiếp tục thắp sáng mãi tới 800 năm và cho tới thời thế mạt. “Hãy sống đức ái, khiêm nhường và khó nghèo tự nguyện”, di ngôn của cha để lại cho anh em chính là động lực, là lửa cháy giúp cho niềm hy vọng cháy mãi, sáng mãi, không bao giờ lụi tàn.

Tự hào là hậu duệ của một vị thánh suốt đời sống và truyền rao sứ điệp hy vọng, là thành phần của Dòng giảng thuyết, tôi đã sống di ngôn cha thánh trối lại như thế nào, để chính đời sống chứng tá của tôi trao chia cho chị em tôi, cho cộng đoàn của tôi, cho những người xung quanh tôi niềm hy vọng sống vui, sống đẹp ngay trong hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho tôi, cho mọi người một ngày mai được hợp hoan với cha Đa Minh và các Anh Chị thánh Dòng hoan ca bài tạ ơn Cha trên trời.

Những Shipper của Chúa

Để nối kết đôi bờ của một dòng sông, người ta xây dựng một cây cầu. Để chuyển trao thông tin, người ta cần đến những phương tiện truyền thông như internet, điện thoại…Còn với con virus corona quái ác này thì phải ứng xử sao đây? Từ giữa những hoàn cảnh khắc nghiệt, bế tắc của đại dịch, với các chỉ thị phong toả khu vực, cách ly người với người, khu phố với khu phố. Như các thiên thần yêu thương, các shipper đã có mặt đúng lúc để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hoàn cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, “ai ở đâu ở yên đó”. 

Nhiều người trong chúng ta đã nghe, đã thấy, nhu yếu phẩm thì ê hề mà làm sao chuyển đến tay những anh chị em đang chết đói, chết khát vì thiếu lương ăn, thuốc uống… Trên thực tế, đã có những shipper vừa khôn ngoan, tinh tế lại giầu lòng thương người, các anh chị đó bằng mọi giá chuyển cho bằng được những bó rau, những túm gạo, chai nước tương, những thùng mì gói tới tận tay các người tiêu dùng mà không phải trả đồng nào… Không chỉ trong lãnh vực thực phẩm mà còn trong nhiều lãnh vực khác như tại các bệnh viện dã chiến, khi bệnh nhân cô đơn vì người thân không được phép vào chăm sóc, thăm nuôi, ủi an, vỗ về thì đã có những shipper là các bác sĩ, y tá, có khi là linh mục, tu sĩ vừa chữa trị bịnh thể xác, vừa điều trị về tâm lý, tâm linh… nhờ đó mà nhiều người lành bịnh hay được ra đi trong an bình, hạnh phúc… Đẹp thay hình ảnh đáng yêu của các shipper!

Từ hình ảnh các shipper của thời đại dịch, tôi nghĩ nhiều đến vai trò shipper của chính mình. Có thể, tôi không có cơ hội thực hiện vai trò của các shipper trong thực tế, nhưng ngay trong ơn gọi của tôi, tôi được mời gọi làm những shipper thiêng liêng, làm người “trung gian”, người chuyển cầu cho biết bao người đang rất cần đến lời cầu nguyện của tôi.

Nếu trong hành trình về Đất Hứa, vai trò của Moisê là rất cần thiết; nếu cuộc vượt sông Giodan của dân Israel để chiếm hữu Hứa địa, không thể thiếu sự hiện diện của Josuê thì lời cầu xin của các nữ tu chúng ta cũng đóng góp phần quan trọng trong cuộc sống của Hội Thánh, của các linh hồn. Noi gương Cha Đa Minh, ban ngày đi thăm viếng, an ủi, sẻ chia hay giảng dạy nhủ khuyên những người đau khổ, khốn cùng cha gặp trên đường , còn ban đêm, cha dành thời gian đến với Chúa để van nài Chúa dủ thương đến những nỗi khó của họ. Cha xin Chúa cho họ ơn tha thứ, ơn chữa lành, ơn hoán cải… nhờ thế mà nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cha cầu nguyện.

Lạy Chúa, xin cho con gần Chúa. Xin cho con gần anh em để con biết trở thành những shipper thiêng liêng mang Chúa đến cho những ai đang đói khát Chúa và mang những người đang khốn khổ đến được với Đấng Chữa Lành.

Comments are closed.

phone-icon