Huyền nhiệm ân ban

0

 

Trích dịch Bài chia sẻ của Sr. Margarret Mayce O.P. ngày 14 tháng 10 năm 2021 trong chương trình Hội thảo 3 ngày – việc giảng thuyết của Gia đình Đa Minh với chủ đề URBI et ORBI – Thách đố của việc giảng thuyết nơi thành thị và trên thế giới trong thời đại dịch.

Chị đang đảm trách vai trò Điều phối viên Nữ Đa Minh Thế giới, văn phòng tại Rô-ma. (thường được gọi tắt là DSI – Dominican Sisters International; nay gọi là: DSIC)

*****

Được chia sẻ với anh chị em một chút suy tư của tôi trong chương trình Hội thảo chuyên đề giảng thuyết 2021 của gia đình Đa Minh là một vinh dự và đặc ân cho tôi. Chủ đề URBI et ORBI – Thách đố của việc giảng thuyết nơi thành thị và trên thế giới trong thời đại dịch không thể đáng lo ngại hơn nữa. Tuy nhiên, phải thú thật rằng tôi gặp một chút khó khăn khi sắp đặt và nối kết những ý tưởng của tôi lại với nhau. Tôi thực sự không biết phải nói gì, không thể tìm ra những ngôn từ nào để diễn tả trọn vẹn sứ điệp mà thế giới cần nghe từ chúng ta trong thời điểm dịch bệnh này, và hiện giờ tôi đang bị mất tiếng nói, không thể nói như bình thường trước đây được. Nhưng thay vì – thôi đơn giản mà – hãy bỏ qua điều mà tôi đang cảm nhận được, thì tôi lại chọn điều đó một cách cân nhắc cẩn thận và xem đó như một dấu chỉ. Tôi đã chọn để suy xét thâm sâu những cảm nhận đó như một dấu chỉ để xác tín rằng: đây đúng là điều tôi được mời gọi để suy tư. Tôi dám chắc rằng chúng ta sẽ không có gì để chia sẻ, trao ban trong thời đại dịch này nếu chúng ta không để chính mình chạm sâu vào trong thâm sâu cõi lòng mình, cũng như chạm đến nỗi đau của riêng mình. Do vậy, tôi xin được bắt đầu bằng việc giải thich giọng nói của tôi.

Cuối tháng Giêng năm 2019, tôi đã bị một cú ngã mạnh và được đưa đi giải phẫu phần đĩa đệm ở cổ bị thương. Cuộc phẫu thuật thành công, nhưng để lại trong tôi giây thanh quản bị tê liệt. Đến tháng 5 năm 2019, tôi được chọn làm Điều phối viên Liên hiệp Nữ Đa Minh Thế giới. Một năm trải qua – cuộc giải phẫu với hậu quả theo sau, và một vai trò mới trong Liên hiệp Nữ Đa Minh Thế giới – chắc có lẽ  không còn gì tệ hơn nữa, hay có thể đây chỉ là điều muốn nói – một kế hoạch lớn của Thiên Chúa. Tôi đã tìm ra chính mình bằng việc tự hỏi một số câu hỏi rất ý nghĩa.
– Làm sao tôi có thể là một nhà giảng thuyết trong khi chỉ còn lại có phân nửa giọng nói?
– Làm sao tôi có thể đảm trách vai trò Điều phối viên trong khi chỉ còn phân nửa tiếng nói ?
– Phải chăng điều mà tôi có thể chia sẻ, phải làm trong vai trò này là hãy như tôi LÀ. Vậy là đủ rồi?
Thiết tưởng rằng đây là câu hỏi bạn có thể thường xuyên tự hỏi mình: Tôi phải làm gì? Tôi là ai có đủ để trao gửi lời khích lệ động viên hay hy vọng tới những ai đang đau khổ không? Tôi là ai có đủ để trao gửi lời thách đố đến những ai đang nhắm mắt làm ngơ trước đòi hỏi phận người không ?

Giữa lúc đang trầm ngâm suy tư, tôi tình cờ đọc được bài báo mà nó đã khích lệ và gợi nguồn cảm hứng lớn cho tôi. Bài báo này mang tựa đề Không Nói Được do một người phụ nữ trẻ viết. Chị kể, vào một sáng nọ, khi thức dậy chị nhận ra mình bị mất tiếng, chỉ còn được tiếng thì thầm yêú ớt. Sao bây giờ? Trong khi chiều hôm nay, chị có một bài thuyết trình trước một lượng khán giả hàng trăm trăm người tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật lớn ở Manhattan, New York. Sau những giây phút khởi đầu hoang mang, sợ hãi và lo lắng với vấn nan: người ta sẽ nghĩ gì về tôi đây. Chị đã tiếp tục triển khai bài thuyết trình của chị như chương trình hoạch định và đã học được nhiều bài học ý nghĩa trong tiến trình này.

Tôi nhận thấy những bài học này rất có giá trị cho phần suy tư của anh chị em Đa Minh chúng ta khi dám mạo muội đi vào thế giới hậu mã hoá để rao giảng nơi thành thị và cho thế giới (Urbi et Orbi). Chúng ta có lẽ tự hỏi: liệu chúng ta có đủ để chia sẻ không? Tác giả của bài báo Không Nói Được viết : “Khi điều xấu nhất xảy ra, khi những ước mơ và niềm hy vọng vụt tắt, thì chính là lúc sự sống thật tuôn tràn vào. Do đó, quan trọng và quý hoá biết bao khi trải nghiệm điều đang thực sự diễn ra mà ta không cố để kháng cự hay lẩn trốn bỏ chạy. Tác giả tiếp, tôi nhận ra một điều – khi tôi nghĩ về chính mình và nghĩ về điều gì có thể xảy ra, chỉ làm tôi đau khổ. Nhưng khi tôi không nghĩ về mình nữa và lưu tâm đến những người chung quanh tôi thì tôi cảm nhận được nguồn sinh lực và năng lượng sống. Nỗi sợ hãi vẫn còn đó, nhưng tôi nên nhớ là tôi cũng chỉ là một phần của một cuộc sống rộng lớn hơn mà nó chứa đựng những tiềm năng chưa được biết đến. Tác giả kết luận, “Giữa lúc tăm tối, tôi khám phá ra điều này – một chân lý đang chờ đợi, mong được tìm thấy. Khi chúng ta cho đi và chết cho điều được biết thì chúng ta sẽ tìm thấy được điều chưa biết. Một khi chúng ta dám trầm lặng và chạm vào cuộc sống của chúng ta ở trần thế, chúng ta có thể tìm ra được tiếng nói đích thực của mình.” Do đó, tôi muốn chia sẻ 3 điều khôn ngoan bé nhỏ và xem những sự khôn ngoan này có thể ứng dụng như thế nào cho chúng ta khi rao giảng nơi thành thị và cho thế giới trong thời đại dịch này.

Khi anh chị em và tôi bước đi những bước kế tiếp tiến sâu vào trong đời sống Đa Minh giữa thế giới hậu tự tin này, chúng ta nhận ra điều này – chúng ta không tốt hay ngon hơn trước khi mã hoá xuất hiện đâu. Mỗi sáng, khi thức dậy chúng ta có thể nhận thấy: ôi, có điều gì khác khác, hay có điều chi thay đổi, hoặc điều nào đó mất đi. Cũng có thể, sức khoẻ dồi dào của chúng ta, nguồn năng lượng bao la, động lực và quyết tâm của chúng ta không còn như trước nữa. Có lẽ, chúng ta cũng sẽ đặt câu hỏi: liệu chúng ta có thực sự làm thay đổi thế giới không? Những vấn nạn của chúng ta thường nền tảng thậm chí còn hiện sinh hơn nữa. Cớ sao điều này lại xảy ra? Chúa ở đâu ? Đâu là ý nghĩa tất cả những khổ đau và chết chóc chung quanh ta? Đâu là ý nghĩa cuộc đời tôi, và ơn gọi Đa Minh của tôi giữa một thế giới đã quá nhiều thay đổi sau nạn đại dịch? Tôi có điều gì thực sự đáng nói khi đối diện với tấm bi kịch của nhân loại không? Tôi có đang nói bằng tiếng nói chân thật của lòng mình không?

Tuy nhiên, nếu chúng ta dừng lại ở đây và chỉ tập trung vào chính chúng ta thôi, quả thật, chúng ta sẽ đánh mất tầm nhìn của những điều có thể xảy ra nhưng chưa được biết tới – trong một cuộc sống rộng lớn hơn, trong khi chúng ta mới chỉ là một phần của cuộc sống đó thôi. Tác giả bài viết “Không Nói Được” đã khám phá ra được tầm nhìn thâm thuý “khi chúng ta buông bỏ chính mình, dựa vào giây phút hiện tại, chỉ khi đó, chúng ta mới khám phá ra được tiếng nói thực của chúng ta.”

Tiếng nói đích thực của chúng ta được khám phá tốt nhất qua việc nhận ra được điểm tổn thương chung của chúng ta. Nếu cú ngã đau của tôi dạy cho tôi điều gì đó thì phải nói đó là tôi bị tổn thương quá nặng. Và nếu đại dịch Covid-19 dạy chúng ta điều gì đó, tôi hy vọng đó cũng là một tổn thương nặng nào đó. Chúng ta hơn lúc nào hết, giờ đây, bị thách đố để suy tư đến điều khôn ngoan của Thánh Phaolô: “Trong lúc tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” Lời mời gọi đến với buổi chuyên đề này muốn nhắm tới thư của Thánh Phaolo gửi cho anh Ti-mô-thê.

Các bạn thương mến,

Trong thời cao điểm của đại dịch, bạn khoẻ chứ? Tâm trạng tinh thần của bạn thế nào trong suốt những tuần, những tháng cách ly? Bạn vừa trải qua một bước sải dài, khoảnh khắc khó khăn, và có nghĩ rằng: rồi đến một lúc nào đó, nó sẽ đến hồi kết không? Bạn có bị choáng ngợp quá mức, bơ phờ, căng thẳng, thậm chí không tin rằng điều này đang thực sự xảy ra không? Bạn có buồn hay bực tức khi phải huỷ bỏ tất cả những chương trình đi du lịch, họp mặt, kỳ nghỉ, tĩnh tâm, và vui chơi không? Bạn có cảm giác không biết chính xác mình nên làm gì hoặc đi đâu không? Bạn có bị tác động cách nào đó bởi biết có quá nhiều người chết trong cô đơn không? Bạn có cảm giác nhẹ nhõm khi đã có vaccine ngừa chủng không? Bạn có kêu thấu lên khi thấy vaccine được triển khai chậm ở các nước nghèo không?

Tôi hy vọng: tất cả điều này đều đúng với bạn, bởi lẽ đó là điều xảy ra như thế với nhiều tâm hồn và thậm chí với người đang ở bờ thất vọng.  Bạn không kháng cự lại giữa chao đảo, hỗn mang loạn xạ cả bên trong lẫn bên ngoài. Bạn chắc chắn cảm nghiệm thâm sâu sự việc đang xảy ra với chúng ta, với tất cả chúng ta, bởi vì thường khi điều gì tồi tệ nhất diễn ra, thì sự sống thực lại đổ về. Một số người có thể gọi sự sống thực này là ân sủng, ân ban. Nhà văn Annie Lamont nói bà thực sự không hiểu hết được huyền nhiệm của ân sủng, Ân sủng gặp chúng ta nơi chúng ta đang là, đang ở và không bỏ rơi chúng ta cho tới khi ân sủng ấy tìm thấy chúng ta. Vậy ân sủng gặp bạn ở đâu giữa cơn đại dịch này? Bạn có dám lặng yên và chạm đến cuộc sống nơi trần thế này không? Trải nghiệm về bản thân mình có để lại cho bạn một chút gì đó gọi là tiếng nói thực của bạn không? Ân ban có biến đổi bạn chút nào không?

Điều khôn ngoan thứ hai được rút ra từ bài viết “Không Nói Được”. “Khi tôi nghĩ về bản thân mình và nghĩ điều gì có thể xảy ra, tôi chỉ đau khổ thôi. Khi tôi thôi không nghĩ về chính mình nữa, và nghĩ tới những anh chị em quanh tôi, tôi cảm nhận được năng lượng hoá, và tràn đầy nghị lực sống hơn. Nỗi lo âu sợ hãi vẫn còn hiện hữu, nhưng hãy nhớ rằng tôi cũng vẫn chỉ là một phần giữa sự sống rộng lớn mà hàm chứa bao điều tiềm ẩn chưa được biết đến”. Ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng đại dịch, các chị em Đa Minh chúng ta trên toàn thế giới đã sống thấm đượm tình liên đới với những anh chị em đau khổ do hệ quả của virus. Những nỗi đau đó có thể nỗi đau thể lý, tình cảm và tâm linh. Chị em ta đã tham gia vào công việc cứu trợ những anh chị em trong nhu cầu thực phẩm và thuốc thang, chăm sóc các bệnh nhân và người hấp hối. Những chị em khác còn tham gia vào những giờ  cầu nguyện, canh thức liên đới tại nhà mình.

Hãy tin rằng thời điểm đại dịch này cũng mang đến cho chúng ta một nguồn ân sủng ngoài mong đợi. Ban điều hành DSI đã mời gọi các chị em viết những câu chuyện nói về trải nghiệm sống của họ trong giai đoạn khác thường này và đã đăng trên trang web của DSI. Hy vọng chị em đã đọc và được gợi nguồn cảm hứng. Đây là một cách chúng ta có thể liên đới với nhau, chia sẻ với nhau việc giảng thuyết thánh thiêng khi chúng ta đang trăn trở tìm ra nhưng tiếng nói đích thực của chúng ta giữa bối cảnh đau khổ mà đã làm quá nhiều đổi thay. Giờ đây, điều mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em là một chút trải nghiệm của chị em Đa Minh thế giới trong việc đáp trả một thực tại bi kịch không mong đợi này. Họ cũng như nhiều người khác đã lăn lội vào một cuộc sống rộng lớn hơn, trong lúc họ chỉ là một phần của cuộc sống này và đã hé mở cho người ta thấy những tiềm năng ân ban chưa được bộc bạch. Một số hình ảnh được đi kèm theo với những tâm tình suy tư của họ. Chúng ta được nghe trải nghiệm của họ bằng những ngôn từ riêng của họ mà họ đã khám phá ra được tiếng nói đích thực của họ khi họ giảng thuyết nơi thành thị và trên thế giới trong thời đại dịch.

Một nữ tu Ireland đã viết: “Đâu là thành Galile trong thế giới hôm nay để chúng ta có thể tìm thấy một Đức Giê-su? Đối với nhiều người, Galilee là những khu phố đông người, nơi chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện. Thiên Chúa là những công nhân nơi tiền tuyến, họ liều mạng sống của minh, ngõ hầu, người khác có cơ may để tiếp tục sống. Những người công nhân then chốt này là một phần của “dòng chảy tình yêu thương bao la rộng lớn và hiếm hoi đã và đang xoay quanh hành tinh quả đất đang bị tổn thương.”
Gia đình Đa Minh ở Venezuela phân phối thực phẩm và thuốc men đã được quyên góp. Ngay từ những ngày đầu của thời kỳ khủng hoảng vì dịch bệnh, các nữ tu và nhiều thành viên khác thuộc gia đình Đa Minh đã ở ngoài tiền tuyến để hỗ trợ và an ủi các nạn nhân. Các nữ tu thuộc nhiều nơi trên thế giới đã hỗ trợ mặt tài chánh để nối dài cánh tay cứu trợ tới các nạn nhân Covid-19. Tình hình ở Venezuela có nạn tham nhũng, nên tiền không phải là một giải pháp hay để giúp đỡ. Họ đã chọn giải pháp mua thực phẩm và trang cụ y tế để gửi trực tiếp đến cho các sơ và anh chị em gia đình Đa Minh ở Venezuela để họ phân phát thực phẩm và thuốc thang đến những anh chị em khó khăn nhất.
Một sơ ở Tây Ban Nha đã nói về thời đại dịch bằng những ngôn từ sau: Tìm kiếm Lời Chúa giữa tiếng nói của thế giới là thời khắc để đưa ra tầm nhìn của chúng ta dựa trên những mảnh vụn mới trong gia đình nhân loại và đưa ra phương cách làm sao để chúng ta cùng nhau tiến về phía trước. Chị đề nghị đây có lẽ là thời điểm để hình dung ra một nhân loại được đổi mới, một thời điểm để chúng ta cùng nhau khởi tìm những hướng đi mới.
Tại Việt Nam, một nữ tu đã viết: virus đã làm thay đổi mọi sự – không chỉ cách chúng tôi nhìn lại mình mà còn cách chúng tôi sống với người khác. Bề trên, chị em và các ân nhân hy sinh và làm việc với nhau vì lợi ích của người nghèo và những người đang gặp khó khăn. Chị em cũng lo sợ bị lây nhiễm, nhưng giữa nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho người khốn cùng, chị em tiếp tục đến thăm các gia đình theo từng nhóm từng nhóm một. Các chị em đã đến với nhiều gia đình tại các kênh và chia sẻ tình thương với họ.
Ở Nam Phi, các chị em đã phối hợp với các nhóm dân sự và tổ chức láng giềng để nối dài cánh tay giúp đỡ các nạn nhân Covid.
Tại Campuchia, các chị em truyền giáo đã giúp phân phát thực phẩm. Các chị vui tươi sống động trong sứ vụ của các chị vì xác tín Chúa là nguồn sức mạnh của họ.
Trên khắp thế giới, các chị em đã làm và phân phát những trang thiết bị y tế cá nhân, những mặt nạ kiếng, khẩu trang để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tại các bệnh viện cũng như cho bà con.
Một nữ tu tại Canada chia sẻ: thời điểm này là giây phút ân sủng của một lễ Ngũ tuần mới. Cảm nghiệm của đại dịch khởi đầu cho cuộc hồi tâm nghiêm túc nơi tôi, giúp tôi nhìn lại những điều tốt đẹp nhất và cả những điều tồi tệ nhất đang diễn ra và đan quyện trong cuộc đời tôi theo ngày tháng dần trôi. Một niềm xác tín rõ ràng và mạnh mẽ: cứ như là Thần khí bay là là trên thế giới hỗn độn ở thời kỳ sáng tạo thế nào thì cũng bay là là trên cuộc sống hoang mang của tôi, cộng đoàn tôi, Giáo hội và toàn vũ trụ như thế. Làm sao tôi lại không khẩn xin Thần Linh giúp tôi nhận ra ân sủng trong giây phút hiện tại này đây? Bời vì thực tại hiện thời đặt để chúng ta lãnh nhận ân sủng của một Hiện xuống mới hơn bao giờ hết, nên cần phải có niềm hy vọng.
Điều khôn ngoan thứ ba được rút ra từ tác giả bài viết Không Nói Được. “Giữa lúc tăm tối, tôi khám phá ra điều này – một chân lý đang chờ đợi, mong được tìm thấy. Khi chúng ta cho đi và chết cho điều được biết thì chúng ta sẽ tìm thấy được điều chưa biết. Một khi chúng ta dám trầm lắng, rồi chạm vào cuộc sống của chúng ta ở mặt đất này, chúng ta có thể tìm ra được tiếng nói đích thực của mình.”

Các chị em cùng với nhiều thành viên khác nữa trong gia đình Đa Minh thế giới đã rao giảng cách hùng hồn không chỉ bằng lời mà còn bằng hành động giữa lúc tăm tối. Cho dẫu còn đó những nỗi sợ hãi, lo âu, họ vẫn luôn nhớ rằng họ chỉ là một phần của một sự sống lớn hơn nữa mà nó hàm chứa những điều chưa được biết đến. Cho dẫu có sợ hãi, họ đã tự mở rộng lòng trước sự sống lớn lao hơn mà họ có thể chạm đến những cuộc sống trên mặt đất và được biến đổi trên hành trình này. Chắc ta không ngại và can đảm dám làm điều đó! Tôi thiết tưởng sự rộng mở của họ trước cuộc khủng hoảng giúp họ khám phá ra tiếng nói đích thực của họ.

Cách đây nhiều năm, tôi có đọc được bài viết của sơ Mary O’Driscoll mang tựa đề “Nữ Đa Minh trong thế giới hôm nay”. Trong bài viết, sơ nhắc đến bài nói chuyện được cha cựu Bề trên Tổng quyền Vincent de Kuzner chia sẻ với các chị em Đa Minh. Cha giải thích: nhiệm vụ của  người Đa Minh là rao giảng lòng thương xót cho thế giới. Sứ điệp này muốn nói với tất cả chúng ta và có lẽ thấm thía hơn trong thời điểm dịch bệnh này. Cha Vincent đã đặt vấn nạn: lòng thương xót có thực sự là động lực sống giữa chúng ta không? … một sự trăn trở thâm sâu không? Đó có là điều: bắt nguồn từ nỗi thống khổ của con người và sự mỏng giòn của chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi những thói quen bình thường, lối sống quen thuộc, thúc đẩy chúng ta thay đổi cách sống và giữ chúng ta tỉnh thức không? Đó có là nỗi đau trắc ẩn thường xuyên nơi tâm hồn bạn không?

Thánh Đa Minh luôn vui tươi, khuôn mặt rạng rỡ, nhưng sẽ thay đổi khi gặp đau khổ dưới bất kỳ hình thức nào. Khuôn mặt thánh nhân trở nên đượm buồn và nước mắt cứ tuôn tràn. Chúng ta có cảm nhận một lòng trắc ẩn sâu thẳm không ngơi nghỉ trong mình không? Dẫu có được đan dệt nên hay không, cuộc sống đã thay đổi một cách không thể thay đổi được nữa. Năm ngoái, trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Di dân và Tị nạn, ngài đã chọn để nhấn mạnh vào những người di dân nội địa. Ngài đề cập đến những hoàn cảnh di dời như một nỗi lo sợ bất an và mất mát. Tôi liên tưởng sự kiện này như cách mà mỗi người trong chúng ta đang cảm nghiệm – ý nghĩa của việc di dời do hậu quả Covid và việc cách ly. Chúng ta nhận ra ý nghĩa của những mô hình quen thuộc đã bị mất phương hướng và hoảng loạn. Chúng ta sống trong sợ hãi và bận tâm lo lắng khi các biến thể của loại virus này tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng sơ Mary O’Driscoll nhắc nhớ chúng ta “Đó là dấu ấn của những ai bước theo Đức Giê-su Ki-tô, một dấu ấn được nhân cách hoá trong đời sống Đa Minh, chúng ta sẵn sàng để cho bị quấy rầy.” Không ai trong chúng ta được xem là thừa thãi. Tất cả chúng ta đều có tầm ảnh hưởng đến nhau theo một cách thức riêng biệt. Chúng ta được thách đố để chấp nhận và thích ứng với một lối hiện diện mới. Hy vọng chúng ta gặt hái được sự khôn ngoan, tầm nhìn và khiêm nhu trên hành trình này.

Trong Thông điệp Fratelli Tutti – Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Đức Thánh Cha Phanxico đã đưa ra một khung sườn giúp chúng ta vượt qua cơn đại dịch. Ngài nhắc nhớ: chúng ta không mất tất cả nếu chúng ta biết điều gì cần thay đổi và đề ra những phương án thích hợp. Theo nghĩa rộng, Đức Thánh Cha Phanxico muốn nói hãy yêu thương những người lân cận như chính mình. Dường như điều này đáng để chúng ta suy ngẫm cách thấu đáo và tìm cho biết điều này muốn nói gì và làm sao để chuyển trao nội dung giảng thuyết của chúng ta trong thời đại dịch. Yêu người lân cận muốn nói gì? Sự bất bình đẳng được nhấn mạnh trong suốt nạn dịch. Sự khác biệt và chênh lệch trong việc cung cấp và chất lượng chăm sóc y tế. Sự chênh lệch trong việc cung cấp và tiêm vaccine để cứu sinh mệnh. Lòng tham và ham muốn, ham lợi nhuận và phần nữa là một số cơ quan quản trị che giấu nỗi đau thâm sâu của con người. Điều đó ở ngay bên chúng ta đây. Thương yêu người lân cận muốn nói gì trong một thế giới mà mọi sự đều liên kết với nhau. Nạn đại dịch không đơn giản chỉ là vấn đề ở trong và của chính nó mà còn tiếp tục gây ra những mất quân bình nguy hiểm trên bình diện: mức độ tài sản toàn cầu, điều kiện sinh sống của anh chị em di dân và tị nạn toàn cầu, kinh tế toàn cầu, điều kiện sống của phụ nữ, sức khoẻ tâm trí, bạo lực gia đình, giáo dục, môi sinh.

Hệ quả của con virus này tiếp tục được cảm nghiệm trong tương lai. Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ chúng ta: “Tấm bi kịch toàn cầu như nạn COVID-19 hiện nay làm sống lại ý nghĩa: chúng ta là một cộng đoàn toàn cầu, tất cả cùng chung một mái nhà, nơi đâu vấn đề của một người cũng chính là vấn đề của tất cả. Một lần nữa, chúng ta ý thức: không ai được cứu thoát một mình. Chúng ta cùng nhau được cứu thoát.” Đức Phanxico hoàn toàn đúng. Tôi xin mạo muội đề nghị một thách đố đối với việc giảng thuyết của chúng ta trong thời gian tới là làm sao để truyền tải được sứ điệp – chúng ta là thành phần của một cộng đoàn toàn cầu chứ không chỉ là ý tưởng làm hồi sinh tạm thời trong thời điểm khủng hoảng.

Một tia hy vọng đằng sau cơn khủng hoảng này là cơ hội để nhắc nhớ: chúng ta nên cùng với nhau hơn là đơn phương. Để đáp lại cơ hội này, chúng ta sẽ minh chứng nạn dịch này sẽ là thời điểm để thay đổi tốt hơn như thế nào đây hay cũng chỉ là một tấm bi kịch khác trong lịch sử mà chúng ta chẳng học được gì.

Cha Bruno Cadore O.P., người anh em của chúng ta và cũng là nguyên Bề trên Tổng quyền đề xướng “Hãy ở lại trong Lời nghĩa là hãy thân mật hơn trong cuộc đàm đạo với Thiên Chúa và con người – Đức Giê-su đã tỏ ra trước mắt mọi người”. Thân mật gần gũi hơn với cuộc đàm đạo đòi chúng ta khiêm nhu và vét rỗng phần của chúng ta. Nhưng có lẽ đây chính là điều mà chúng ta được mời gọi với tư cách là gia đình Đa Minh trong thời điểm này.

Các anh chị em thương mến,

Các anh chị em nghe được gì khi sống thân mật trong cuộc đàm đạo của Thiên Chúa với con người?
Làm thế nào để điều mà anh chị em nghe được sẽ truyền trao lại qua lời giảng thuyết của mình tại đô thành cũng như trên thế giới?
Trước những bất bình đẳng mà nạn dịch COVID-19 đã đề cập và hậu quả là nỗi đau khổ quá lớn của con người. Những người Đa Minh cần để cho tiếng nói của mình được nghe ở đâu? Và làm sao để chúng ta thực hiện được điều đó?
Quay trở lại với tác giả bài báo Không Nói Được, hãy lưu tâm điều cô ấy giải thích về tiếng nói của cô. Ai đã gợi ý cho cô “Phải chăng vũ trụ đang muốn nói với cô điều gì? Không lên tiếng trong một thế giới đầy ngôn từ có thể là bất công. Nhưng không nói cũng có thể giúp ta lắng nghe sâu hơn để quan sát, để nhìn nhận.

Điều cuối cùng mà thế giới trong cơn đại dịch thời chúng ta cần là những tiếng nói đơn giản chỉ thêm cho những tiếng nói chung quanh ta. Có lẽ, Chúa đang muốn nói với chúng ta điều gì đây. Rất có thể, Ngài mời gọi chúng ta hãy lắng nghe thâm sâu từ trải nghiệm của riêng mình về nạn dịch này, lắng nghe những trải nghiệm của những người ở gần, ở xa. Có lẽ, Chúa đang mời gọi chúng ta lắng nghe những lời bào chữa không thuyết phục của những người có trách nhiệm trên thế giới khi họ không cung cấp sự trợ giúp có sẵn cho những người khốn cùng nhất. Và có lẽ Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy lưu tâm, để ý đến ân ban và tiềm năng đang bao quanh ta đây, đến huyền nhiệm của ân ban. Ân ban gặp gỡ chúng ta nơi chúng ta đang là, đang ở và không rời bỏ chúng ta ở nơi nó tìm thấy chúng ta.

Tóm lại, có lẽ tất cả chúng ta đều thân quen với thành ngữ một sợi dây chuỗi có thể mạnh bằng mắt xích yếu nhất của nó. Do đó, chúng ta, những nhà giảng thuyết có thể trở nên mạnh mẽ, thuyết phuc, chân thực như những đường nối yếu nhất của chúng ta, những nỗi đau thẳm sâu nhất, nỗi thất vọng, sợ hãi và ngờ vực. Và đây là niềm hy vọng của tôi: hãy phơi bày cách rõ ràng nỗi niềm thất vọng cho mỗi người chúng ta bởi vì có như thế, chúng ta mới sẵn sàng dựa trên những khoảnh khắc bi kịch và đầy ân ban này, nơi chúng ta đang ở trong điểm yếu nhất của chúng ta, chúng ta sẽ giúp nhau nhận biết và ấp ủ những tiếng nói đích thực của chúng ta vì lợi ích cho thế giới.

Chúng ta cùng cầu nguyện:  Lạy Chúa là Đấng Sáng tạo, xin chúc lành cho chúng con. Chúa là Đấng Cứu độ, xin chữa lành chúng con. Chúa Là Chúa Thánh Thần, xin đổ đầy ánh sáng Chúa trên chúng con. Và nguyện xin việc giảng thuyết vẫn được tiếp diễn trong thời đại dịch bằng chính cuộc sống của chúng ta. Amen.

(Báo LÊN ĐƯỜNG số 14)

Comments are closed.

phone-icon