Tết – Ngày hội ngộ

0

Khi muôn hoa đua nở khoe sắc, cảnh bình minh cũng rực rỡ chiếu ánh quang trên muôn nhà, với những chú chim vui đùa hót ca thì mùa xuân đang dần trở về trên quê hương đất nước. Tết Nguyên Đán, ngày đầu xuân, ngày của lễ hội truyền thống, ngày hạnh phúc đã đến. Ngày ấy phải gọi là NGÀY CỦA HỘI NGỘ!

TẾT – NGÀY HỘI NGỘ CỦA SỰ SỐNG

 Khi mùa xuân thay áo mới, muôn cây cỏ đâm chồi, nảy lộc. Chẳng ai thúc bách, muôn hoa chen nhau nở và khoe hương, khoe sắc cho đời. Những chú chim vui hót dưới ánh mặt trời tỏa rạng, những cơn gió thổi bồng tóc mây, thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật khó quên. Bên cạnh đó, những cô bé nhí nhảnh khoe áo mới tung tăng trên đường với khuôn mặt của thiên thần. Người người thi nhau sắm sửa, trang hoàng từ ngoài ngõ đến trong nhà. Sức sống trào tràn trên toàn đất nước làm hăng hái và phấn khởi tinh thần hơn lên. Hơn bao giờ hết, những ước mơ trở thành hiện thực như: hạnh phúc, thư thái, trường thọ. Nhất là ngày Tết, con cháu quây quần bên tổ tiên, ông bà, cha mẹ, để thấy rõ sự sống được tiếp nối và triển nở mạnh mẽ hơn.

TẾT – NGÀY HỘI NGỘ CỦA DÂN TỘC

Tết đánh dấu một năm mới, năm cũ đã qua đi, những buồn vui của năm cũ cũng qua đi. Năm mới người người cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, dành cho nhau những gì mình yêu thích nhất. Những bôn ba ngày thường được nhường cho thư thái, nghỉ ngơi để có nhiều giờ cho nhau hàn huyên với chén rượu nồng, bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ. Thường tình mái ấm chỉ vỏn vẹn trong căn nhà chừng hai, ba người hay nhiều lắm là bốn thế hệ của một gia tộc. Nhưng Tết, gia tộc không dừng lại ở đôi mái nhà nhưng được mở ra với xóm làng, với anh em họ hàng gần xa. Tương quan người với người xích lại gần nhau. Không chỉ người sống mới nối kết tình người nhưng cả người đã ra đi qua thế giới bên kia cũng được nối kết trong nén hương, lời kinh nguyện đầu năm nơi bàn thờ tổ tiên. Thật ý vị biết bao người Công giáo chọn ngày Mồng Hai Tết là ngày kính nhớ tổ tiên; còn anh em Phật giáo lại rước ông bà về ăn Tết. Chính vì thế, người người nô nức chờ đón giờ phút linh thiêng của một năm mới. Đêm giao thừa, phút linh thiêng ấy không chỉ dành riêng cho một ai, nhưng cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo đều hưởng phút hạnh phúc ấy. Vì thời gian không là vật sở hữu của riêng ai. Giây phút linh thiêng ấy không chỉ đến rồi đi nhưng để lại cho mỗi người một tuổi mới và những điều hứa hẹn mới.

TẾT – NGÀY HỘI NGỘ CỦA TÌNH YÊU

Con người không chỉ sống bằng khối óc nhưng còn bằng con tim. Những con tim luôn có những nhịp đập riêng tư. Vì thế, có khi cung nhịp chỉ nổi lên với người này mà không ở với người kia. Nhịp điệu dâng cao và vang vọng nhất vẫn là tình yêu đến. Nhưng Tết là bản cao trào cho tình yêu. Mọi con tim đều rộn rã, mọi con tin đều hướng về, cho và vì người khác. Ai ai cũng sống vì tình yêu thật, không vị kỷ. Vì thế, Tết đến ta trang hoàng nhà cửa, đường phố để làm cho cái đẹp thể hiện, nhờ đó người khác được vui mắt, vui lòng. Ta mặc áo đẹp không chỉ tôn thêm vẻ đẹp thân thể nhưng vì tôn trọng người xung quanh. Ta trao nhau những lời chúc tốt đẹp, những món quà tinh thần cũng như vật chất ta yêu quý nhất. Vì anh em đồng lọai và văn hoá dân tộc, ta giữ gìn lễ nghĩa gia phong cách cẩn mật trong tinh thần tự giác. Trong tình yêu không còn sự phân biệt. Tết là của mọi người, người nghèo cũng như của người giàu. Hơn nữa, tình yêu đẹp hơn khi tương quan giữa người với người được mở rộng và có chiều sâu tâm linh. Điều này làm cho người người luôn đẹp. Con người trở nên đẹp và qúi giá vì con người biết yêu! Tết, ngày lễ hội dân tộc, ngày làm sống dậy sức sống dường như ẩn tàng, làm nhân lên sự sống tưởng như nhỏ bé nhưng thật hùng hậu và kiên vững! Tết, ngày bắt đầu năm mới, ngày bắt đầu cho những điều may lành trong tương quan bằng hữu người với người được mở ra mà ngày thường dường như bị lãng quên vì bôn ba trăm sự! Tết, ngày hạnh phúc, ngày ý nghĩa nhất trong năm, và của hết mọi người vì người người đều đáng yêu! Đó phải chăng là những chuyển giao những thông tin bé nhỏ và gắn kết người với người? Vậy đây không còn là lễ hội nhưng là cuộc HỘI NGỘ giao duyên.

Comments are closed.

phone-icon