Yêu kẻ thù – Suy niệm Chúa Nhật 7 Thường Niên C

0

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. (Lc 6, 27-38)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

***

“Anh em hãy yêu kẻ thù”: lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có lẽ là lời kêu gọi có tính “cách mạng” nhất trong ba năm truyền giáo của Người. Ðây là một quan niệm rất mới lạ đối với người Do Thái thời đó. Theo họ, “yêu tha nhân”, trong Kinh Thánh, có nghĩa là “yêu đồng loại”, chủ yếu là đối với những người cùng đạo Do Thái.

Chúa Giêsu định nghĩa thế nào là yêu kẻ thù: làm ơn cho những kẻ ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.” Ðây là điểm mới lạ và độc đáo của Tin Mừng mà Chúa Giêsu truyền cho những ai tin theo Ngài. Ðặc điểm của luân lý Kitô giáo không phải ở chữ “yêu” trống không, vì mọi luân lý đạo đức trên trái đất này đều đòi hỏi điều đó, nhưng là “yêu kẻ thù”: tình yêu đại đồng, không biên giới!

Nhưng coi chừng! Chúa không bảo chúng ta chấp nhận sự ngược đãi, sự độc ác và không kháng cự! “Yêu kẻ thù” không có nghĩa là đầu hàng, để điều ác tàn phá và hủy diệt, nhưng là muốn tiêu hủy điều ác và nâng cao phẩm giá con người.

Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình” là một hình thức công khai của tình yêu thương và hy vọng vào sự biến đổi của họ, cũng như tin tưởng vào Chúa là Ðấng duy nhất có quyền xét đoán. Như thế luật công bình mới này vượt xa luật tự nhiên “ăn miếng trả miếng.”

Ai vả má anh bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.” Chúng ta thường hay hạn chế thành ngữ này ở nghĩa đen! Ðưa má bên kia không có nghĩa là cho kẻ độc ác có dịp tát thêm một lần nữa, và không ngừng làm việc hung bạo, nhưng để cho họ thấy khuôn mặt tình thương không bạo tàn, không báo oán cũng chẳng báo thù. Chính Chúa Giêsu, khi bị một tên vệ binh của vị thượng tế vả mặt, Ngài không đưa má bên kia, nhưng ôn tồn hỏi: Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó, mà nếu Ta nói phải thì tại sao anh lại đánh Ta?” (Ga 18, 23). Ðó là kim chỉ nam cho những ai muốn chọn Mối Phúc thật và biết rằng “ăn miếng trả miếng” chỉ là bước đầu của một chuỗi phản ứng liên tục của bạo lực (giống như thế “chẻ tre”). Hầu hết các triết gia về bất bạo động đều đồng ý về điểm này. Chúng ta hãy nghĩ đến Gandhi!

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ… Hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Chúa không xét đoán, không kết án một ai. Người tha thứ cho mọi tội nhân. Và Người muốn chúng ta bắt chước Người! Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6, 14). Có nhiều người áy náy vì nhiều khi đã tha thứ rồi, nhưng họ vẫn không quên nổi. Khi tha thứ, không nhất thiết phải quên, vì đó là hai thực trạng khác nhau: nỗi đau khổ và sự tha thứ, và thuộc hai lãnh vực khác nhau: tấm lòng và trí nhớ. Trí nhớ được tạo nên không phải để quên! Trí nhớ duy trì những kỷ niệm đau buồn. Do đó, tha thứkhông quên được có thể đồng hiện hữu với nhau.

Ðể có thể thực hiện những giáo huấn của Chúa, thiết tưởng phải có một nghị lực phi thường và phải có ơn trên. Chúa không ngừng dang tay nâng đỡ chúng ta, khuyến khích và nâng cao những giá trị tốt đẹp nhất trong chúng ta. Chúa không ngừng tin tưởng vào sự thăng tiến của chúng ta, là “hình ảnh của Chúa.” Vì thế, chúng ta đừng sợ và hãy mạnh dạn tiến bước, mặc dù luôn ý thức về sự yếu đuối và khiếm khuyết của chúng ta trước lời kêu gọi của Chúa:“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Chỉ có Chúa Kitô là Ðấng hoàn thiện như Chúa Cha. Nếu Chúa mời gọi chúng ta thì Người sẽ ban ơn trợ sức cho chúng ta, qua Lời Chúa và qua các Bí tích.

Comments are closed.

phone-icon