Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG: Ga 8, 12-20
12 Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”
13 Người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật! “14 Người trả lời: “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu.15 Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả.16 Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi.17 Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật.18 Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi.”19 Họ liền hỏi Người: “Cha ông ở đâu? ” Đức Giê-su đáp: “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi.”
20 Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
1. “Tôi là ánh sáng thế gian”
Khi nghe Đức Giê-su nói: “Tôi là ánh sáng thế gian”, những người Pha-ri-sêu không tin là thật, vì không có ai làm chứng cho Người. Thật vậy, họ nói: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!” Để trả lời, Đức Giê-su không dựa vào lời chứng của bất cứ ai, nhưng chỉ dựa vào lời nói của chính mình và lời của Chúa Cha:
Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. (c. 14)
Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi. (c. 18)
Cũng như khi nói về căn tính « Người Con » của Ngài, về tương quan duy nhất và đồng nhất của Ngài với Thiên Chúa (x. Ga 5, 17-30), Đức Giê-su không dựa vào bất cứ văn bản Kinh Thánh nào hay lời chứng của bất cứ ai, kể cả ngôn sứ Gioan Tẩy Giả (x. Ga 5, 31-47). Ngài chỉ khẳng định mình « cách không không » như thế thôi. Tại sao vậy ? Đơn giản, vì đó là chân lí liên quan đến ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình. Muốn nghiệm xem có là thật hay không, thì không có cách nào khác, là đến gặp gỡ, đón nhận, là sống với và sống nhờ ; tương tự để biết trái soài thơm ngon hay không, người ta chỉ có thưởng thức trực tiếp mà thôi !
Và bởi vì Người từ Thiên Chúa mà đến, nên Người chỉ có thể được làm chứng bởi chính Thiên Chúa mà thôi, như Người đã nói : « Chúa Cha Đấng đã sai tôi cũng đã làm chứng cho tôi » (Ga 5, 37). Điều này có nghĩa là, Chỉ có Đấng hoàn hảo mới có thể làm chứng và mặc khải Đấng hoàn hảo. Vì thế, chính khi chúng ta ước ao Thiên Chúa Thiên Chúa, chúng ta sẽ được dẫn đến với Đức Kitô ; chính khi chúng ta say mê Tuyệt Đối và những gì cao quí, hướng về Tuyệt Đối, chúng ta sẽ nhận ra sự Tuyệt Đối nơi Đức Ki-tô.
Đức Ki-tô dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và Thiên Chúa dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô ! Như có lần Đức Giê-su nói, chỉ có con cái sự khôn ngoan mới nhận ra Đấng Khôn Ngoan mà thôi. Điều này, có vẻ « luẩn quẩn », nhưng trong những gì liên quan đến Thiên Chúa, chúng ta không có cách nào khác. Như vị hiền sĩ xác tín trong sách Huấn Ca :
Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người. (Hc 17, 8)
2. Lời chứng của Chúa Cha
Sau khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su tuyên bố điều tương tự: “Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6, 35). Và để đón nhận sự thật này, Đức Giê-su mời gọi người nghe để cho mình được Chúa Cha lôi kéo: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44), “ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (c. 45; 65).
Chúa Cha lôi kéo như thế nào, đó là “Công trình của Người”; chúng ta có thể nhìn lại đời mình, từ lúc được hình thành trong bụng mẹ (x. Tv 139) cho đến bây giờ, nhất là làm sao chúng ta có thể đến được với Đức Giêsu với tư cách là tu sĩ, môn đệ của Đức Ki-tô, khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ rất kinh ngạc. Công trình Chúa Cha ở đâu thì giáo huấn của Người ở đó; vấn đề là chúng ta có nghe ra và đón nhận hay không. Nhưng giáo huấn của Thiên Chúa được ban cho con người ở đâu và như thế nào?
Trước hết, giáo huấn của Thiên Chúa nằm ngay trong bản tính của con người, bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; và hình ảnh này được biểu lộ ngang qua bản tính hướng về sự thiện, tình yêu không cùng và sự sống viên mãn. Đó chính lòng ước ao Thiên Chúa, Nguồn Sự Thiện, Tình Yêu và Sự Sống, dù con người ý thức hay không ý thức.
Giáo huấn của Chúa Cha, có thể nói, còn được “ghi âm” ở trong sáng tạo (x. Tv 8; 19; 104; 139), được ghi âm trong ơn huệ sự sống và trong ơn huệ lương thực (x. St 1, 29). Trong thư gởi giáo đoàn Roma, thánh Phao-lo đặc biệt nhấn mạnh đến cách giáo huấn này của Chúa Cha, đến độ người ta không thể tự bào chữa được: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo” (Rm 1, 20-21)
Ngoài ra, giáo huấn của Chúa Cha cũng được “ghi âm” trong lịch sử, bởi vì lịch sử của Israel, lịch sử của nhân loại và lịch sử của từng người chúng ta đều là lịch sử thánh. “Thánh” ở đây, không phải là không tì vết, nhưng ngược lại, là đầy tì vết và những thăng trầm, nhưng vẫn được Thiên Chúa “bao bọc cả sau lẫn trước” (Tv 139, 5) và dẫn dắt. Như ông Giuse nói với các anh: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 20).
3. Đi theo ĐỨC KITÔ-ÁNH SÁNG
Vì thế, chúng ta đừng, như những người Pha-ri-sêu, đòi “biết” Người là ánh sáng, bằng cách chờ đợi Người chứng minh hay người khác chứng minh cho chúng ta, rồi mới đi theo, mới đón nhận Người vào trong cuộc đời của chúng ta. Bởi vì, ngay sau khi nói “Tôi là ánh sáng thế gian”, Đức Giê-su nói về kinh nghiệm đi theo Người:
Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. (c. 12)
Chính khi đi theo Đức Ki-tô, chúng ta sẽ thấy mình ở trong ánh sáng mang lại sự sống, bởi vì Người là hiện thân của ơn huệ, tha thứ, đón nhận, bao dung, thương xót, của tình yêu nhưng không, tình yêu đến cùng. Không đi theo Người, chúng ta sẽ tất yếu bị bóng tối xâm chiếm, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trong bài giảng đầu tiên: “Khi anh em không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, anh em tuyên xưng tính trần tục của ma quỷ, sự trần tục của ma quỷ”, đó là ham muốn, nghi ngờ, ghen tị, gian dối, lên án, loại trừ, bạo lực…
Chính với kinh nghiệm đích thân đi theo Đức Ki-tô, chúng ta mới có thể làm chứng rằng, Người là ánh sáng, nhưng không phải để buộc người khác phải chấp nhận đó là sự thật, nhưng để mời gọi đi theo Đức Ki-tô và cảm nhận đích thân Người là ánh sáng, đi theo Người sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng trong ánh sáng mang lại sự sống.