Bình an trong Chúa – Chúa Nhật 6 Phục Sinh C

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 14, 23-26).
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

*********

Một ngày nọ, người ta hỏi Dante, đại thi hào của nước Ý vào cuối thế kỷ thứ XIII, rằng: “Ðâu là điều mà ông tìm kiếm và mong mỏi nhất trong cuộc sống ?” Bậc vĩ nhân đã trả lời: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng kiếm tìm, đó là sự bình an.”

Bình an, đó là điều mà chúng ta cầu xin Chúa trong mỗi thánh lễ. Sau Kinh Lạy Cha đến lúc rước lễ, từ “bình an” được linh mục chủ tế và cộng đoàn phụng vụ đọc lên 8 lần ! Đó là từ cuối cùng cũng như là lời chúc sau cùng của linh mục hoặc phó tế trong thánh lễ: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!”

Bình an, đó cũng là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố. Trên rất nhiều bia mộ, chúng ta thấy khắc ba chữ R.I.P. Ðó là viết tắt của 3 chữ la-tinh “Requiescat in pace”, có nghĩa là “Hãy nghỉ ngơi trong an bình”. Trong lời cầu nguyện, chúng ta “xin cho họ được an nghỉ nghìn thu.” Theo tài liệu của các sử gia và các nhà khảo cổ học, từ năm 1500 trước Công Nguyên, tức là, từ 3510 năm nay, trái đất chỉ có được 236 năm sống trong hòa bình !

Phải chăng trong cuộc sống hiện tại này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được bình an sao? Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ðức Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” Vậy bình an Ðức Giêsu ban tặng là sự bình an nào?

Từ bình an có nhiều nghĩa: bình an là vắng bóng chiến tranh hoặc không xảy ra xung đột giữa các quốc gia, giữa các nhóm, giữa người này với người kia, bình an là có cuộc sống an nhàn, không hiềm thù, ghen ghét. Theo Kinh Thánh nhất là dưới ngòi bút của thánh Gioan, bình an là chính Chúa Kitô, Ðấng ban hạnh phúc và ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Chính Người là Thiên Chúa, là Cội Nguồn của bình an, và chỉ có Người mới ban được bình an này.

Khi nói: “Thầy để lại bình an cho anh em”, Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh với các môn đệ: “Thầy luôn ở với anh em; sự hiện diện của Thầy sẽ làm anh em thỏa lòng và không có gì làm anh em bối rối, khiếp sợ cả.” Ðó là sự hiện diện trong sự vắng mặt, sự xác tín về sự hiện diện dưới một hình thức khác mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới có thể nhận ra trong đức tin mà thôi. Sự hiện diện của Chúa, tuy huyền nhiệm nhưng làm chúng ta yên tâm và bình an!

Bình an của Ðức Kitô, đó là sự mạo hiểm của các nhà truyền giáo, sự anh dũng của các vị tử đạo, là sức mạnh của những người kiên trì trong đức tin, dù đi ngược lại với các xu hướng tự nhiên của con người. Bình an của Ðức Kitô, đó là sự thanh thản trong tâm hồn của một bệnh nhân dù thân xác đang đau đớn. Bình an của Ðức Kitô, đó là sự an ủi, vỗ về khi đối diện với cái chết và sự chia ly.

Trong thánh lễ, tới phần chúc bình an, chúng ta thường không làm đúng theo lời chúc, mà chỉ làm theo thói quen hoặc chỉ có ý nghĩa chào xã giao. Khi nói với người bên cạnh: “Bình an Chúa Kitô”, chúng ta muốn nói: “Tôi ước mong Ðức Kitô ở trong bạn, ban cho bạn bình an và niềm vui của Người.” Tiếp đón tha nhân, đi đến với người khác một cách nhưng không, đó là đón nhận sự hiện diện của Chúa trong người ấy.

Trong thánh lễ, trong giờ cầu nguyện, chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho Giáo Hội, để dù giữa những phong ba, bão táp, Giáo Hội vẫn tiếp tục làm nảy sinh niềm hy vọng.

Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho các dân tộc đang bị hủy diệt bởi chiến tranh và các cuộc xung đột, để mặt trời công chính và tình huynh đệ chiếu tỏa trên các dân tộc này.

Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho những người – già, trẻ, lớn, bé – đang bị xâu xé bởi nạn đói, sự chết, bệnh tật, các cuộc chia ly… để họ đừng quên rằng Chúa luôn ở với họ.

Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho giáo xứ, cho cộng đoàn chúng ta, cho gia đình và cho chính chúng ta, để chúng ta biết mở rộng vòng tay đón tiếp và chia sẻ.

Xin Chúa Giêsu giúp chúng ta luôn trung thành với Tin Mừng Bình An và dạy chúng ta biết thương yêu như Người đã yêu thương. Amen.

Comments are closed.

phone-icon