Ý thức “thuộc về” Giáo hội và Giáo xứ

0

Sr. Maria Nguyễn Thị Hùy

Dẫn nhập:

Là tuyệt tác của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tình yêu luôn chia sẻ và cho đi cách hoàn hảo và tuyệt diệu, con người ngay từ khi được Thiên Chúa tạo dựng đã mang trong mình tính xã hội. Không những họ cần có nhau mà còn cần hiện diện bên nhau để cùng nhau chung tay chu toàn sứ vụ được trao là vui sống hạnh phúc và làm chủ trái đất …. Tại vườn địa đàng, do sự xếp đặt của Chúa, Adam đã thuộc về Eva; Eva thuộc về Adam và cả vũ trụ này thuộc về hai ông bà.

Trong văn hoá Việt Nam, từ xa xưa, cha ông chúng ta từ những chiêm nghiệm nơi thế giới tự nhiên đến cách sống cảm thức “thuộc về”, đã để lại cho con cháu một triết lý sống đáng trân trọng. Đó là:

          “Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn,
            Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”

Như thế, để sống còn, sống vui, sống hạnh phúc, sống triển nở và thăng hoa, người ta cần có gốc, có nguồn cội, hay nói đúng hơn có nơi để “thuộc về”.

I/ Khái niệm về thuật ngữ “THUỘC VỀ”

1. Định nghĩa : Thuộc về là gì?

“Thuộc về” là thuật ngữ chỉ sự tương quan hai chiều giữa hai hay nhiều chủ thể với nhau, liên đới mật thiết như chim liền cánh, như cây liền cành; là dấn thân hết mình cho nhau, không tính toán, không nề hà. Chính nhờ sự tương quan hữu cơ và thiết thân này, con người mới có thể sống, sống vui, sống hết mình, sống hạnh phúc, triển nở và thăng hoa….

2. Một vài hình ảnh: Cây nho, thân thể con người, gia đình….

Để hiểu được, thế nào là thuộc về trong cụ thể, chúng ta có thể quan sát một số hình ảnh trong đời thường. Chẳng hạn như :

Cây nho – như mọi cây khác, cây nho gồm có rễ, thân, cành ,lá….Để cây nho tươi tốt, lớn mạnh và cho nhiều trái thơm ngon. Ngoài việc trồng nho trên mảnh đất mầu mỡ, chăm sóc kỹ lưỡng đúng kỹ thuật, khí hậu thích hợp; điều quan trọng nhất vẫn là các bộ phận của cây nho phải thuộc về nhau, gắn liền với nhau, là của nhau…bộ phận nào tách rời khỏi cây là bộ phận đó sẽ chết; các bộ phận không chu toàn trách vụ mình sẽ làm cây suy yếu, không sinh trái và không phát triển.

Thân thể con người cũng vậy. Dù nhiều bộ phận nhưng chỉ có một thân thể. Mỗi bộ phận trong thân thể đảm trách một công việc riêng nhưng chung một mục đích giúp con người sống khoẻ, sống vui, sống hạnh phúc. Sống cảm thức “thuộc về” là như thế.

Một mái ấm gia đình

Một ngày nào đó, trên đường đi, chúng ta gặp một tai nạn giao thông. Rẽ đám đông, chúng ta vào quan sát người bị nạn… và trời ơi, nếu chẳng may, người ấy là cha mẹ, là anh chị em ta thì chắc chắn, không một chút chậm trễ, chúng ta lập tức tìm mọi cách cứu nạn nhân càng sớm càng tốt.  Ứng xử theo cảm thức “Thuộc về” là như vậy.

 *Giáo hội sơ khai

Chúng ta có một hình ảnh khác sống động, có thực và nêu bật ý thức “thuộc về”. Đó là cộng đồng Giáo Hội Sơ Khai đã được Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả là một cộng đồng của sự hiệp thông, người người tâm đầu ý hiệp, siêng năng nghe các tông đồ giảng dạy, chuyên chăm tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng. Họ để mọi sự làm của chung và sống theo mẫu thức: làm việc theo khả năng, hưởng dùng theo nhu cầu (x. Cv 2, 42-46). Một gương sống “thuộc về” chúng ta cần chiêm ngắm và noi theo.

3. Ý thức “thuộc về” – Cảm thức “thuộc về”

Chúng ta vừa chia sẻ về ý nghĩa và vai trò của thuật ngữ “thuộc về” giúp chúng ta ý thức vấn đề và đem ra ánh sáng. Điều này tốt và đúng. Nhưng nếu chúng ta chỉ ý thức nghĩa là chỉ biết và hiểu “thuộc về” với cái đầu thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần chuyển ý thức sang cảm thức và tâm thức “thuộc về” nữa để lối sống “thuộc về” của chúng ta không chỉ là suy tư  lý thuyết nhưng được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng cả con người và cuộc sống của chúng ta nữa.

5. Thuộc về ai? Thuộc về đâu?

Ý thức được thế nào là “thuộc về”, cảm nhận được “thuộc về” ra sao trong cuộc sống vẫn chưa  đủ. Chúng ta cần tiến thêm một bước nữa. Đó là chúng ta thuộc về ai? Thuộc về đâu?

Trong phạm vi bài chia sẻ này, xin trình bày hai đối tượng, hai nơi chúng ta cần phải thuộc về nếu chúng ta muốn có một cuộc sống vui và có ý nghĩa. Vâng, đó là Giáo hội và Giáo xứ.

II/ Ý thức “ thuộc về” Giáo hội

1. Giáo hội là gì?

Giáo Hội, trong tiếng Hy Lạp là Ecclesia: vừa là lệnh triệu tập vừa là nhóm người được triệu tập. Với động từ Ec nghĩa là “ra khỏi”, từ ngữ Ecclesia khi được chỉ về Giáo hội, đã được mặc thêm một ý nghĩa mới; đó là lời mời gọi ra khỏi chính mình để cùng với Đấng mời gọi mình dấn thân cho một mục đích cao đẹp là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo để mọi người được hưởng nhờ ơn cứu độ. Bởi vì theo Hc. Ánh Sáng Muôn Dân, Giáo hội là khuôn mặt được ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu hầu Tin Mừng được loan báo cho mọi loài (x. Mc 16,15)

2. Những biểu tượng về Giáo hội và sống cảm thức “thuộc về”

Giáo hội tuy là một tổ chức hữu hình như bao tổ chức xã hội khác, trong đó có phẩm trật, có những bước thăng trầm, có lịch sử… nhưng mặt khác, Giáo hội còn là một thực tại thánh thiêng mầu nhiệm được chính Chúa Kitô thiết lập, nuôi sống, gìn giữ và bảo trì, nên muốn hiểu Giáo hội, chúng ta cần dựa vào những hình ảnh Giáo hội nói về chính mình để chúng ta hình dung và nhận ra một Giáo hội chính thống như Chúa và Giáo hội mong muốn.

a. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng Vaticano II

Đọc Hc. Ánh Sáng Muôn Dân của CĐ. Vat. II ngay từ những chương đầu, chúng ta  thấy Giáo Hội đã trao cho chúng ta rất nhiều hình ảnh vẽ nên chân dung của Giáo Hội với thật nhiều khía cạnh, vừa sinh động, dễ hiểu vừa giúp chúng ta cảm nhận thế nào là sống cảm thức “thuộc về” Giáo hội, người mẹ thiêng liêng của mỗi chúng ta.

Chuồng chiên – đàn chiên

      Sống đời du mục nên nghề chính của người Do Thái là chăn nuôi chiên.  Nhiều khi vì nhu cầu cỏ non, suối mát cho chiên, họ đã phải đi chăn xa, không thể về lều trại của mình mỗi ngày. Do vậy, họ thường có những chuồng chiên gần nơi chăn để chiên trú chân khi mưa bão hay nghỉ ngơi lúc đêm về… Chuồng chiên nào cũng có cửa và  để vào chuồng, chiên phải qua cửa đó. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã từng ví mình là cửa chuồng chiên. Ngài còn tuyên bố ai không vào chuồng theo lối cửa, người ấy là kẻ trộm cắp…( x. Ga 10, 1-5.7-10) Để biết lối về chuồng, để không lạc mất, cũng như để được an toàn, được bảo vệ, chiên cần biết lắng nghe tiếng chủ chăn để biết mình phải đi đâu và làm gì. Không gắn bó với mục tử, không thiết tha với chuồng chiên, chiên sẽ có nguy cơ lạc bầy, không biết đường về chuồng và dễ bị sói bắt.

Là thành viên của Giáo hội, chúng ta như những con chiên trong đàn, cần biết mình thuộc về Giáo hội và thể hiện ý thức thuộc về bằng sự lắng nghe, phân biệt tiếng chủ chăn với những tiếng “lạ” khác để trong sự gắn bó, chúng ta không những không đi lạc mà còn giúp những chiên khác cùng chúng ta về đúng chuồng của mình, nhận ra đúng mục tử của mình nữa.

Vườn nho

     Giáo Hội còn là vườn nho của Thiên Chúa, trong đó Đức Kitô là cây nho đích thực, Đấng ban sức sống và hoa trái cho các cành nho là tín hữu chúng ta. Là con của Giáo hội, chúng ta có bổn phận phải gắn liền với cây và hoàn trọn phận vụ mình, nhất là chúng ta phải chịu cho Chủ vườn là Thiên Chúa cắt tỉa bằng những thập giá của phận người….Có thế, người Kitô hữu chúng ta mới điểm trang cho Giáo hội, Mẹ chúng ta nên tinh tấn xinh đẹp, mới trổ sinh cho đời những hoa trái xum xuê, ngon ngọt. Ngày nào chúng ta lìa cây, chúng ta không những thành những cành nho không trái mà còn là những cành vô dụng, bị vứt bỏ và phải chết.

Chúng ta còn một minh hoạ khác thấm đẫm tinh thần “thuộc về”, đó là áng văn chương đẹp nhất chính Chúa Giêsu đã kể và được Thánh sử Gioan viết lại trong Tin Mừng của người. (Ga 15, 1-8.16-17)

Cánh đồng của Chúa

     Với hình ảnh Giáo hội là cánh đồng của Chúa, Giáo hội mời gọi mỗi chúng ta phải nỗ lực sống hết mình bằng một cuộc sống dấn thân, phục vụ, một cuộc sống cho đi theo gương Đức Kitô để chúng ta trở thành những cây tốt, những cây nhờ biết cậy dựa vào Chúa và sát cánh bên nhau, đỡ nâng nhau khi bão gió, che chở nhau lúc trời đông nắng hạ…từng bước dìu nhau đi lên . Nhờ đó, cánh đồng của Chúa sẽ tốt tươi, kiên vững và cho mùa thu hoạch dồi dào phong phú.

Ngôi nhà – Đền thờ Chúa Thánh Thần

      Giáo Hội được ví như đền thờ, như một Giêrusalem mới, có Đức Kitô là viên đá góc, là nơi Thiên Chúa ngự trị. Tại đền thánh này, mỗi chúng ta, những vật liệu xây dựng nên Giáo hội. Chúng ta tuy khác nhau, với những đóng góp, những công việc khác biệt, nhưng cần gắn kết, chấp nhận nhau để Giáo Hội trở nên toà nhà vững chắc cho muôn dân. Là đền thờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội kêu mời con cái mình phải sống thánh thiện để xứng đáng là nơi muôn dân tuốn về phụng thờ Chúa và làm cho Giáo hội trở nên ánh sáng và men muối cho trần gian.

Gia đình của Chúa

    Khởi đi từ niềm tin chúng ta có chung một người Cha là Thiên Chúa, Giáo hội còn được gọi là Gia Đình của Chúa, trong đó các phần tử sống tình thân hữu với nhau qua những quan tâm, chia sẻ, với những cộng tác thiết thân; cùng vui với những niềm vui của nhau, cùng chia sẻ nỗi buồn đau, mất mát với nhau, sống cho nhau như trong một gia đình; tương quan với nhau như những người con một cha, cùng chung chia với nhau một niềm tin sắt đá vào Chúa, Đấng truyền lại cho những người tin Chúa một giới răn duy nhất là yêu thương.

Là thành viên của gia đình Giáo hội, con cái Giáo hội có bổn phận sống thánh và qua cuộc sống ấy, chúng ta loan rao tình yêu và niềm tín thác cậy trông vào Chúa, không chỉ cho người hôm nay mà còn xây dựng niềm tin ấy, làm chứng về niềm tin ấy cho các thế hệ tiếp nối trong tương lai

Dân Thiên Chúa

   Giáo Hội còn được gọi là dân Thiên Chúa vì Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng lẻ không chút liên đới với nhau nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Trước đây, trải nhiều năm trong quá khứ, Ngài đã chọn dân Israel như là chuẩn bị và hình bóng của dân mới, dân mà Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người. Dân mới này chính là Giáo Hội.

Là thành viên của Dân ưu tuyển, mỗi tín hữu chúng ta có bổn phận sống lời giao ước thánh, thuộc về Chúa và Hội Thánh Người một cách đặc biệt để qua đó, Giáo hội thực sự trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người trên thế giới và trải dài qua mọi thời đại.

b. Theo thánh Phaolô

Thánh Phaolo, trong thư Ephesô cũng đã cho chúng ta những hình ảnh khác khá độc đáo về Giáo hội

Thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô

   Với Thánh Phaolô, Giáo hội được diễn tả như là một thân mình mầu nhiệm của Thiên Chúa, có Chúa Kitô là đầu còn chúng ta là chi thể. Trong huyền thể này, để nên một người hoàn thiện,  mỗi chúng ta hãy sống mật thiết với Đức Kitô, và theo lời khuyên dạy của Thánh Phaolô, mỗi ngày, mỗi lúc chúng ta nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, qua cái chết cũng như sự phục sinh của Người. Khi can đảm cùng Người đi trong đau thương và bách hại,  chúng ta chắc chắn sẽ được hưởng phúc vinh quang với Người (x. Rm 8,17) . Để nhờ quyền năng Người, chúng ta gắn kết với nhau, phục vụ nhau, giúp nhau đạt tới ơn cứu độ.

Hiền thê

    Với hình ảnh Giáo hội là Hiền thê, Thánh Phaolô muốn nêu bật hai đặc nét của người vợ hiền. Đó là để xứng đáng với tình yêu hy hiến cho đến cùng của Đức Kitô, phu quân thánh của mình, Giáo hội luôn trân trọng, gìn giữ và điểm tô nét xinh đẹp tinh tuyền , thánh thiện nơi mình cũng như nơi con cái đồng thời tín trung với Đức Kitô cho đến ngày Người đến.

Chúng ta những người  thuộc về Giáo hội, chúng ta cũng hãy nhờ vào sự đỡ nâng của ân thánh Chúa mà trung thành và gìn giữ tấm áo trắng của Bí tích Rửa tội cho đến ngày chúng ta ra trình diện Chúa và được diễm phúc theo Người vào dự hôn yến Nước Trời. Đó là một cách sống “thuộc về”.    

c. Theo các nguồn khác

    Tàu Noê – nét độc đáo của Giáo hội – con tàu cứu rỗi

    Như tầu Noê ngày xưa đã cứu gia đình ông thoát nạn hồng thuỷ thế nào thì nay Giáo hội, Mẹ chúng ta cũng đón nhận tất cả những ai tin Đức Kitô và Tin mừng  của Người vào tâm lòng của mình, hướng dẫn bằng Lời Chúa, nuôi dưỡng bằng các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể để tất cả cùng với Giáo Hội cập bến cứu độ bình an.

     Là những phần tử đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, chúng ta không những được ở trong Giáo hội như trong tầu Noê thiêng liêng mà chúng ta với tính cách “thuộc về”, với vai trò ngôn sứ, chúng ta sẽ cùng với Giáo hội nhiệt tâm đưa nhiều người đến với Chúa để hồng ân cứu rỗi thực sự trở thành ân ban phổ quát cho muôn người.

Mẹ

    Là người cưu mang và sinh hạ chúng ta trong đức tin, Giáo Hội thực sự là Mẹ của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy gắn bó, kết hợp chặt chẽ với Giáo hội trong mối tương quan mật thiết như mẹ với con để nhờ trung thành sống dưới sự hướng dẫn, bao bọc chở che của Giáo hội, chúng ta lớn lên trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và nồng nàn trong tình mến Chúa và yêu thương phục vụ anh chị em.

   Như những người con trưởng thành, chúng ta thiết thân cùng Mẹ chia sẻ những lo âu, chung tay giúp sức với Mẹ trong công cuộc truyền giáo để Nước Cha trị đến ngang qua những đóng góp tích cực, cụ thể ngay trong từng hoàn cảnh rất riêng của mỗi người.

Thầy

   Với sứ mạng gìn giữ kho tàng Đức Tin và rao giảng lời Chúa – kiên trì hướng dẫn và dạy dỗ người tín hữu chúng ta sống niềm tin và thăng tiến trên đường mến Chúa, phục vụ anh em, Giáo hội đã thực sự trở nên vị Thầy mẫu mực cho chúng ta.

Chúng ta hãy vâng nghe lời Giáo hội, sẵn sàng đứng về phía Giáo hội và  chuyên chăm học hỏi và sống những điều đã học.

Con đường

    Hiệp Hành không chỉ là một từ “hot” trong Giáo hội chúng ta hôm nay mà thực sự Hiệp Hành đã trở nên một phương thế hữu hiệu giúp Giáo hội đổi đời và lột xác. Từ cung cách điều hành hình tháp mọi sự đến từ trên, nay Giáo hội đã thay đổi để khởi đi từ dưới, từ hạ tầng cơ sở, lắng nghe tiếng nói của từng thành viên kể cả những người bé nhỏ nhất, tầm thường nhất với mục đích không một ai trong Giáo Hội bị bỏ rơi; trái lại với con tim rộng mở, Giáo Hội thực sự muốn lắng nghe để hiểu biết, cảm thông và nâng đỡ mọi người, mời gọi mọi người tham gia vào đời sống của Hội thánh cách tích cực và phong phú đa dạng . Nhờ chung bước hiệp hành, Giáo hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đang có những bước chân hy vọng. Chúng ta, những người ‘thuộc về’ Giáo hội, chúng ta có nghe tiếng gọi mời cùng chung bước với Mẹ chúng ta không?

    Trước khi bước sang điểm thứ III về Giáo xứ, có lẽ cũng nên nêu ra ở đây một vấn nạn mà nhiều người thắc mắc : tại sao tất cả những hình ảnh biểu trưng về Giáo hội đều đẹp và bản tính của Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Nhưng trên thực tế, phải nói rằng đâu đó chúng ta vẫn nghe có những chuyện không mấy tích cực về Giáo hội? Vẫn còn chuyện chia rẽ trong nội bộ, thậm chí ly khai, tách mình ra khỏi Giáo hội…Vẫn thấy những sai phạm trầm trọng ngay những nơi không đáng có, nơi những người điều hành, những người đang đứng vai trò lãnh đạo… Xin trả lời ngay, dù là một huyền thể có Chúa Kitô cực thánh là đầu, Giáo Hội tự thân vẫn là một thực tại hiện sinh, mà trong đó những con cái của Giáo Hội vẫn mang thân phận con người yếu đuối mỏng manh lại có tự do để chọn điều xấu hay điều tốt như hai ông bà nguyên tổ xưa kia… do vậy mà trong GH vẫn có những vết đen, những chuyện đau lòng…. như trong lịch sử còn ghi lại. Trong trường hợp này chúng ta phải có thái độ nào trong tư cách chúng ta là người “thuộc về” GH. Thiết nghĩ, điều đầu tiên trong cách ứng xử của chúng ta là chúng ta phải có một trái tim cảm thông của người con trong gia đình. Kế đó là chúng ta cần cầu nguyện và trong chỗ đứng của mình, chúng ta tìm mọi cách giúp đỡ, hàn gắn, xoa dịu hay có những đóng góp tích cực, cụ thể và thích hợp thay cho những phê bình, chỉ trích, chống đối hay bỏ mặc…

Nhưng chúng ta an tâm, mỗi ngày, qua từng thánh lễ, Chúa Kitô tiếp tục hy tế thập giá của Người, trong Máu thánh và ân sủng của Người, cùng với Thánh Thần, Người luôn luôn thanh tẩy Giáo hội và làm cho Giáo Hội nên tân nương xinh đẹp không tỳ vết trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên lời hứa của Chúa Giêsu, khi Người quyết định thiết lập Giáo hội trên đá tảng Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt. 16,18). Quả vậy, dù bị bách hại nhiều cách, nhiều nơi, trải nhiều thế kỷ. Dù trải nhiều đau thương về nhiều mặt, từ nhiều phía, Giáo hội vẫn cứ hiện diện cho đến ngày hôm nay và còn hiện diện mãi cho đến ngày Chúa quang lâm.

Là con cái Giáo hội, là người nhà của Chúa, chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho Giáo hội, Mẹ chúng ta. Chúng ta cần cảm thông và nhất là bằng mọi giá, tuỳ chỗ đứng của mình chúng ta xả thân bảo vệ, dựng xây Giáo hội như gương của Thánh nữ Catarina Siena thế kỷ XIV.

Gương Thánh Catarina

Catarina, người thiếu nữ người Ý, sinh ngày 25/3/1347, là con của một gia đình đông con, nghèo khó và rất đạo đức ngụ tại thành Siena. Lúc cô bé 6 tuổi, khi đang cùng người anh trai trở về nhà cha mẹ, Catarina được thấy Chúa Giêsu hiện ra trên nóc nhà thờ Thánh Đa Minh, mặc phẩm phục Giáo Hoàng với mũ ba tầng rực rỡ và áo choàng viền kim tuyến lấp lánh. Chúa tiến lại gần Catarina, âu yếm nhìn em, mỉm cười và chúc lành cho em. Thị kiến này đã thay đổi cả cuộc đời Catarina khiến em dù tuổi còn nhỏ, đã ao ước được sống đời hiến dâng để  chuyên chăm cầu nguyện cho Giáo Hội.

    Năm 12 tuổi, cha mẹ muốn Catarina trang điểm như những thiếu nữ khác để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân thế gian. Trước thử thách này, Catarina tự hỏi: Làm sao để cha mẹ hiểu mình đây? Làm sao để cha mẹ đồng ý và ủng hộ con đường hiến dâng mình đã chọn lựa?… Sau nhiều suy nghỉ, cầu nguyện và bàn hỏi, Catarina quyết định cắt phăng mái tóc nâu đẹp của mình như một lời khẳng định với mẹ cha và mọi người trong nhà: kể từ đây, tâm hồn mình chỉ dành cho Chúa thôi. Hệ quả là Catarina bị cha phạt phải làm hết việc nhà trong vòng hai năm. Phục vụ cho một gia đình đông đúc như gia đình Catarina, quả là điều quá vất vả với con người mỏng manh, bé bỏng như Catarina… Nhưng đây chính là thời gian Chúa huấn luyện Catarina để chị tập phục vụ người khác và lớn lên trong sự kết hợp với Chúa dù hoàn cảnh thuận lợi hay không.

  Năm 17 tuổi, chị năn nỉ cha mẹ để được gia nhập dòng ba Đa Minh, còn được gọi là Hội các cô “Áo choàng”.

  Năm 20 tuổi, trong một thị kiến, Catarina được thành hôn thiêng liêng với Chúa Giêsu và qua tay mẹ Maria, một chiếc nhẫn thiêng liêng đơn sơ được đeo vào tay chị để từ đây, cùng với Chúa Giêsu, chị dâng hiến đời mình phục vụ Giáo Hội qua việc chăm sóc các bệnh nhân, người già yếu, nghèo khổ và những kẻ tù đầy. Chị còn là sứ giả hoà bình cho nhiều gia đình, nhiều thành phố…qua các bức thư với những lời khuyên nóng bỏng, qua những lần gặp gỡ thân tình, những góp ý ngập tràn tinh thần yêu thương tha thứ của Chúa, của Tin mừng.

Là một thiếu nữ, không biết đến trường lớp, cũng không có sức khoẻ dồi dào nhưng mang trong tim ý thức Giáo Hội là của mình vì Giáo Hội là hiện thân của chính Chúa Kitô, Catarina đã làm những việc phi thường cho Giáo Hội.

Vào năm 1376, với lời cầu nguyện, hãm mình, hy sinh và kiên nhẫn thuyết phục, chị đã thành công trong việc đưa ĐTC Gregôrio XI cùng toàn bộ giáo triều từ Avignon (Pháp) về lại Roma, chấm dứt cuộc lưu đầy 67 năm, gần ¾ thế kỉ, ngôi giáo hoàng phải lưu vong tại Pháp. Quả vậy, vào ngày 17/1/1377, ĐTC Gregôrio đã về đến Roma giữa đoàn dân cuồng nhiệt nhảy mừng như ngày hội lớn.

Được chọn làm cố vấn giáo triều, Chị Catarina nhiều lần thúc giục Đức Urbano VI khẩn cấp cải cách hàng giáo sỹ và tu sỹ…Chị còn để lại cho Giáo Hội một tác phẩm vĩ đại và thời danh là cuốn Đối Thoại và 381 bức thư, Catarina gởi Đức Giáo hoàng, nhiều Hồng y, Giám mục, nhiều nhà cầm quyền, chính trị gia, các cha linh hướng và nhiều môn đệ.

Cuộc sống hết mình cho Giáo hội và vì Giáo hội đã khiến Catarina  hao mòn trong tình yêu. Chị đã qua đời vào tuổi 33, bằng tuổi của Chúa Giêsu khi toàn hiến đời mình trên thập giá. Catarina đã được các Đức Giáo hoàng ghi danh chị và sổ bộ các thánh, đặt chị làm bổn mạng nhiều nơi và nhất là tôn phong Chị lên bậc tiến sỹ Hội thánh , biệt hiệu “tiến sĩ tình yêu” và “người trinh nữ Seraphim”.

 Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta làm những việc vĩ đại như chị Catarina. Nhưng hiển nhiên là Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm điều gì đó cho Giáo Hội, mà cụ thể là Giáo xứ chúng ta những gì trong khả năng và tầm với của chúng ta. Chỉ cần chúng ta thành tâm, thiện chí và nỗ lực hết mình. Phần còn lại Chúa sẽ làm.

III/ Ý thức “thuộc về” Giáo xứ

1. Giáo xứ là gì?

 Là Giáo hội thu nhỏ mang tính địa phương, gần gũi, cụ thể và thiết thân.

a/ Giáo Hội thu nhỏ và mang tính địa phương

     Chúng ta đã biết, ngay sau khi Chúa lên trời, Giáo hội như hạt cải nhỏ đã được các tông đồ và các tín hữu tung gieo khắp nơi. Được Chúa chúc phúc và bảo đảm (x.Mc 16,15-20), Giáo hội đã lan rộng và hình thành nhiều Hội Thánh địa phương . Việt Nam chúng ta từ TK XVI đã được đón nhận Đức tin từ nơi nhiều vị Thừa sai ; được củng cố và lớn lên nhờ dòng máu hào hùng của các bậc tử đạo cha ông …nhờ đó mà chúng ta hiện có như hôm nay. Theo phẩm trật và tính tông truyền, như cây con sinh từ gốc mẹ, mỗi Giáo xứ chúng ta đã được thiết lập và hình thành từ Giáo hội Mẹ và còn tiếp tục liên kết với Giáo hội Roma cũng như với Giáo hội Công Giáo hoàn vũ. Do vậy Giáo xứ có thể được gọi là Giáo hội thu nhỏ và mang tính địa phương với trách nhiệm phục vụ cho các tín hữu tại vùng miền của mình.

b/ Gần gũi, cụ thể và thiết thân

  Giáo xứ, một cộng thể gần gũi, cụ thể, và thiết thân vì có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa có cơ hội sang Roma, yết kiến Đức Thánh Cha, cũng chưa ra nước ngoài tham quan học hỏi nơi các Giáo xứ bạn thậm chí có thể chưa đi hết các giáo xứ thuộc các Giáo phận ngay tại quê nhà….nhưng với Giáo xứ sở tại  thân thương của chúng ta đây, ai cũng thấy rằng đây là mái nhà chung của mình, không chỉ là nơi mình có nhiều người quen biết, nơi gặp gỡ sinh hoạt chung mà còn là chốn qui tụ của những người tín hữu, những người có chung với nhau một niềm tin vào Chúa; là một mái ấm gia đình thiêng liêng, trong đó chúng ta thực sự được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên và được giúp đỡ để sống trọn con người của mình trong tình yêu quan phòng của Chúa và tình tương thân tương trợ của nhau.

2. Làm sao để sống cảm thức “ thuộc về” Giáo xứ:

  • Cật vấn bản thân:

 Để sống cảm thức “thuộc về” Giáo xứ, chúng ta cần khởi đi từ những suy tư tích cực.

+ Chúng ta đừng đòi hỏi Giáo xứ đã làm gì cho tôi mà trái lại, chúng ta cần đặt vấn đề cho lương tâm mình, tôi đã làm gì cho Giáo xứ?

+ Là một giáo dân trưởng thành, tôi có trách nhiệm nào với Giáo xứ của tôi? Là người đang làm việc với Giáo xứ, cho Giáo xứ, tôi đã làm việc với tâm thế nào?

+ Tôi có quan tâm cộng tác với các vị có trách nhiệm, với mọi người để làm cho Giáo xứ tôi tiến triển hơn, tốt hơn, vui hơn, sống niềm tin cụ thể hơn để Giáo xứ trở nên nơi cuốn hút nhiều người, nhất là các bạn trẻ, những anh chị em lương dân tham gia , tìm hiểu và gia nhập?

+ Tôi có nỗ lực canh tân đổi mới con người tôi theo tiêu chuẩn của Tin Mừng để khi tôi được biến đổi Giáo xứ tôi sẽ có những đổi thay tích cực?

  • Tham gia hết mình – Đoàn kết nhất trí – Phục vụ đúng vai trò

Từ những suy tư tích cực, chúng ta bước sang một bước mới của cảm thức “thuộc về”. Đó là mỗi chúng ta, cần tham gia hết mình vào những sinh hoạt của Giáo xứ, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình, để cùng với những người anh chị em khác đưa Giáo xứ đi lên về mọi mặt.

Chúng ta cũng đừng quên:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Hay nói như một ai đó: Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa cần phải học cách cùng đi với người khác.

    Giáo xứ là ngôi nhà chung, người người đóng góp, nhà nhà  tham gia…..cùng nhau trong tình đoàn kết, chúng ta sẽ thấy Giáo xứ chúng ta thay da đổi thịt, có nhiều bước thăng tiến, đi lên. Còn nếu sinh hoạt riêng lẻ, nhất là thiếu sự nhất trí đồng tâm thì nhiều khi những đóng góp của chúng ta thay vì dựng xây Giáo xứ theo ý Chúa lại có nguy cơ dẫn đến chỗ chia rẽ nội bộ, rất nguy hiểm…

  Chúng ta có thể ví Giáo xứ như một dàn nhạc giao hưởng, vừa độc đáo nơi từng cá nhân nhưng lại phải rất hài hoà trong cộng đoàn. Trong dàn nhạc ai cũng cần thiết, không ai bị loại trừ cũng không ai so bì với ai, mỗi người ý thức và hết mình với bổn phận theo sự hướng dẫn của người chỉ huy. Có như thế, Giáo xứ cũng như dàn nhạc, mới thể hiện trọn vẹn cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn của bản tình ca yêu thương .

3. Thể hiện bằng hành động: Cộng tác đắc lực & Sống tinh thần quên mình

Để thăng tiến Giáo xứ, chúng ta không thể ngồi chờ người khác. Trái lại cần đứng lên cộng tác hết mình trong công tác được trao vì như trong một guồng máy, chỉ cần một sơ xuất nhỏ sẽ làm cho bộ máy không thể hoạt động hay không hoạt động tốt được.

Đìều quan trọng cuối cùng đòi hỏi người tông đồ, đó là cần sống tinh thần quên mình “Tất cả vì Chúa, vì Giáo hội và Giáo xứ” không phải vì cá nhân tôi, gia đình tôi hay vì bất cứ một lý do nhân loại nào khác.

Hãy noi gương Thánh Gioan Tiền hô: Người phải nổi bật, còn tôi phải lu mờ đi (Ga 3,30).

Hãy triệt để sống theo lời khuyên dạy của Thánh Phaolô:

– Miễn là Đức Kitô được rao giảng (Pl 1,18)

– Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Đừng tìm lợi ích riêng cho bản thân nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. (Pl 2,3-4)

– Đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau (1Cr 1,10)

– Tôi có gì mà không phải bởi Chúa (1 Cr 15,10) 

IV/ Kết luận

Thiên Chúa là Cha nhân hậu, trong tình yêu Người đã đi bước trước, đã nhận chúng ta làm con, đã trao chúng ta cho Giáo hội, Giáo xứ như bí tích cứu rỗi để chúng ta sống cảm thức thuộc về; để chúng ta có cơ hội, có phương tiện sống vui sống an bình, hạnh phúc trong đời sống hôm nay và mai sau, cùng với anh chị em khác, chúng ta cùng đạt được ơn cứu độ đời đời. Chúng ta đáp trả thế nào?

Một vài gợi ý suy tư :

  1. Tôi có quí trọng, biết ơn và hạnh phúc với hồng ân được làm con của Chúa, của Giáo hội và Giáo xứ không?Tôi đã thể hiện sự quí trọng, lòng biết ơn ấy như thế nào và bằng cách nào?
  2. Hiện nay có những cản trở nào khiến tôi chưa thực sự sống cảm thức thuộc về Giáo hội, Giáo xứ. Tôi giải quyết vấn đề ra sao?
  3. Trên thực tế, tôi đã đón nhận nhiều điều nơi Giáo xứ. Tôi có bổn phận phải đóng góp những gì giúp cộng đồng Giáo xứ phát triển?
  4. Làm việc chung đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng nhất là tinh thần hoà hợp và đón nhận người khác. Tôi cần chuẩn bị những gì giúp tôi thành công khi làm việc chung?

                                                                                            

Comments are closed.

phone-icon