50 năm – một hành trình

0

Sr. Bích Bích

Những cánh hoa reo vui đón tia nắng lung linh đầu tiên, khai mở một ngày mới đẹp trời nhiều hy vọng và hạnh phúc – một ngày khác mọi ngày, một ngày mà chị vui, em vui, tôi vui và mọi người đều vui. Tôi ngắm chị, nhìn em – những gương mặt thân thương quen thuộc với ánh mắt sóng sánh hạnh phúc. Chị hân hoan mừng kỷ niệm 50 năm khấn Dòng, em nôn nao khi lần đầu tiên bước lên đoan hứa, hồi hộp, đợi chờ như cô dâu trong ngày Thành hôn. Em đứng trước, chị đứng sau, cùng tiến lên cung Thánh như cũng sẽ tiến bước trong cùng một hành trình – hành trình của đời dâng hiến – hành trình của người chọn Đức Giêsu là vị Lang Quân… riêng tôi, tôi chìm vào trong dòng suy nghĩ – nghĩ về chị – về em – và cả về … tôi.

“Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ
Thuở tiến về lều Thánh cao sang,
Đến tận nhà Thiên Chúa
Cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
Giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.” (Tv 42,5)

50 NĂM TRƯỚC …

Chị! Chị nhìn về các em tiên khấn hôm nay, như nhìn thấy quá khứ của mình, như nhìn thấy mình của 50 năm về trước: trẻ trung, sinh động, sôi nổi, nhiệt tình pha một chút lãng mạn, nhiều mơ ước và mộng tưởng của tuổi trẻ thần tiên.

Chị cũng có những hăng nồng, những bồng bột nhưng đầy thiện chí, yêu tha thiết đời tu, yêu Chúa, yêu Hội Dòng và cũng yêu … cuộc đời. Chị trở thành người thợ đi vào cánh đồng truyền giáo bằng trái tim của Chúa, chị mong muốn cải tạo cả thế gian thành thiên đàng hạ giới, muốn cải biến lòng người thành những kho tàng của lòng nhân hậu và yêu thương, muốn thổi bùng ngọn lửa Đức Tin mà Đức Giêsu đã “ném” vào trần đời (Lc 12,49) để thiêu rụi những nghi ngờ, đố kỵ…

Nhưng, chỉ khi đi vào trong từng bối cảnh của cuộc sống, chị mới nghiệm ra giới hạn của chính mình, mới thấy rằng mình không thể làm gì được cho Chúa mà ngược lại là chính Chúa đã làm tất cả cho mình và vì mình. Chị bước vào trong trách nhiệm chung vai với các Bề trên gánh vác Hội dòng, cảm nhận được bất lực trước những thách đố quá lớn lao từ nhiều phía và thành quả cuối cùng không như mình mong muốn. Chị đến với những em bé mồ côi để sưởi ấm tâm hồn non nớt bị ướp lạnh bởi sự vô cảm của những người thân, nhưng cũng hơn một lần chị đã mang tâm trạng mặc cảm vì kém tài, kém sức không thể làm việc gì khác ngoài công tác chăm sóc những em bé bất hạnh. Chị đi vào môi trường tông đồ giáo xứ bằng tinh thần hăng hái đầy nhiệt tâm, nhưng cũng đã có lần phải đương đầu với những giằng co giữa đời sống cộng đoàn và công việc mục vụ mà lắm khi không tìm ra phương cách dung hoà; vì những lúc được lòng vị mục tử thì lại gặp trắc trở với chị em. Quan tâm đến cộng đoàn và luật Dòng đôi khi phải bớt xén chút nhiệt tâm với công việc thì không làm hài lòng cha xứ… Cứ như thế, chị đã phải nhập cuộc bằng cả con người nhiều khả năng và cũng lắm giới hạn, nhưng không vì vậy mà thoát ra khỏi những thách đố của con đường hẹp Tin Mừng (Mt 7,14)

Chị đã chọn con đường hẹp, con đường dẫn đến sự sống như Đức Giêsu quảng bá. Chị đi vào con đường ấy chỉ với túi hành trang duy nhất là tin vào Đức Giêsu. Chị biết con đường ấy chật hẹp, nhưng không biết là hẹp cỡ nào, chị biết có sỏi đá, nhưng chẳng thể biết chúng nằm ở đâu, chị biết có lũng sâu nhưng mắt chị lại không đủ khả năng để nhìn thấy. Do vậy, chị mò mẫm đi và tin rằng Chúa sẽ đồng hành với chị. Tuy nhiên, cho dù được Chúa chở che, chị vẫn không tránh khỏi những cành gai ven đường va quẹt nhiều lần làm tim chị rướm máu, không thể không bước hụt vài lần làm tinh thần rúng động và chênh chao. Chị cũng từng nghêu ngao: “tu là cõi phúc, tình là dây oan” để tự “ta ru ta ngậm ngùi” trong những ngày “trở nắng, trở gió” của đời sống cộng đoàn. Qua nhiều lần va vấp, chị chợt nhận ra một sự thật – rất thật về mình rằng: niềm tin của chị chưa đủ lớn được bằng hạt cải… ( Mt 17,20)

Và cứ như thế, lúc thì hân hoan, khi thì hoang mang nhưng chân vẫn bước, chị biết chắc rằng : nếu không bước thì sẽ thụt lùi, mà lùi mãi sẽ bị đào thải khỏi cuộc lữ hành. Niềm tin không có chỗ dừng chân, hành trình dâng hiến cũng không có giây phút để quay đầu nhìn lại, cũng chẳng có chốn dung thân cho người an phận thủ thường…

Rồi cũng đến một ngày – ngày chị “tấp tểnh” bước lên cung Thánh, nơi mà cách đây 50 năm, chị đã tiến lên đoan hứa hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa bằng đôi chân hăng say của tuổi trẻ nhiều hoài bão, nhưng bây giờ đã được thay thế bằng đôi chân nhiều vết thương của đời thường, bằng đôi vai nghiêng nghiêng vì sức nặng của cuộc sống, bằng một thân xác mỏi mệt vì vừa trải qua hành trình quá dài và gian nan, nhưng với một tinh thần ngời sáng của người chiến thắng vẻ vang vì đã đi được một quãng đường “đáng nể” của đời dâng hiến.

Chị nhìn lại 50 năm về trước mà không hề hối tiếc cho chọn lựa của mình, chị nhìn để lại bước tiếp hành trình tương lai. Có điều, hành trình ngày mai của chị không còn dài nữa, không ngút ngàn vô tận mà đang ở trước mặt, chị hân hoan đi nốt chặng cuối của cuộc hành trình để gặp Đấng đang chờ trao cho chị vòng nguyệt quế vĩnh cửu thay cho vòng hoa hồng đội đầu của ngày hôm nay. Chị ôn lại những vấp váp của mình trong niềm tin như Thánh Phaolô, rằng “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên, chị có quyền tự hào với niềm tự hào của Thánh nhân: “tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.”(2 Cr 12,9)

… 50 NĂM SAU

Em! Em hôm nay thật rạng rỡ xinh tươi trong tuổi trẻ đầy ắp niềm tin và sức sống. Nhưng em không thể không nhìn thấy chị – hình ảnh mình của 50 năm sau. Hình ảnh đó có gợi gì trong em? Có làm em hối tiếc về sự chọn lựa của mình hay không? Có lẽ, em chưa thực sự bước vào hành trình mà chị từng đi nên chưa thể có một ấn tượng gì, hay em vẫn còn đang đắm chìm trong hạnh phúc giữa bao lời chúc mừng của người thân, bè bạn mà tạm quên hành trình tương lai…

Chắc là không! Một khi em bước lên tuyên khấn, em ý thức hoàn toàn về những trách nhiệm của lời Khấn Dòng, em hiểu được mình phải từ bỏ những gì qua từng bài tu đức được học và mai đây em sẽ thực hành những bài học ấy trong đời sống của mình. Em cũng cảm nhận phần nào sự chông chênh và bấp bênh trong hành trình theo Chúa và phục vụ tha nhân. Như Tổ Phụ Abraham, em đi theo lời mời gọi “bỏ nhà cha con mà đi đến đất Ta sẽ chỉ” (St 12,1) sẽ chỉ thôi chứ chưa chỉ, em chưa biết đích xác mảnh đất ấy mầu mỡ hay khô cằn, chưa thấy được hình dáng nó rộng hay hẹp, đẹp hay xấu; em bỏ đi cái mà mình đang sở hữu, đang nắm chặt trong tay như phần gia nghiệp gắn bó cốt tuỷ với mình, để đi tìm một kho tàng còn đang ẩn giấu (Mt 13,44)  Em vẫn chưa được thấy hình dáng của viên ngọc quý làm động lực cho mình bán hết tài sản để mua lại (Mt 13,46) …

Nhưng em vẫn cứ ra đi, đi trong niềm tin vào lời hứa của Thầy Giêsu: “ai từ bỏ cha mẹ, anh chị em vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ được gấp trăm ở đời này cùng với sự bắt bớ” (Mt 19,29). Gấp trăm là những gì em chưa hình dung được, nhưng sự bắt bớ thì cũng đã thấp thoáng đâu đó, đôi khi chúng làm em hụt hẫng và chùn chân trong lo sợ.

Em đến với đời tu bằng muôn vạn nẻo khác nhau, với muôn vàn lực hút khác nhau và cũng với muôn vàn hoài bão rất đẹp ẩn chứa trong khát vọng dâng hiến. Nhưng cho đến ngày em bước lên đoan hứa, những giấc mộng đẹp đã được gọt giũa khá nhiều để đưa em vào tâm điểm đích thực của con đường hẹp Tin Mừng, của người chọn sống độc thân vì Nước Thiên Chúa. Nhưng đó chưa phải là điểm dừng chân, chưa là dấu chấm kết thúc cho một cuộc thanh luyện để em trở thành một tu sĩ hoàn hảo như lòng Chúa mong ước.

Con đường em đi vẫn đang ở trước mặt, em sẽ phải đi cho đến khi nào hơi tàn sức mỏi. Trước mắt là hình ảnh của em trong 50 năm tới, chị của em bây giờ không khác gì một trẻ thơ, chị không hề nhớ bất kỳ điều gì kể cả tên của những người thân, những người đã cùng chia ngọt sẻ bùi trong đời dâng hiến. Chị không thể làm được gì cho mình kể cả những vấn đề tối cần cho bản thân, chị bước những bước khập khiễng và luôn miệng kêu đau vì những vết chai đang ghim vào máu thịt, chị gầy còm, da nhăn nheo, hằn lên những dấu vết của thời gian trải nhiều đau khổ và thử thách… Nhưng hình ảnh chị không làm em khựng lại, em vẫn can đảm tiến lên và sẽ còn tiến mãi vì “đồng lúa chín vàng mà thợ gặt lại ít”, em sẽ xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa về (Lc 10,2) và em cũng xin cho mình trở thành người thợ cho dù đó là người thợ của giờ thứ 11 (Mt 20,7-6). Em sẽ lại tiếp nối chị bước xuống cánh đồng có lúa và cả cỏ lùng (Mt 13,30), em sẽ làm theo chị len tay vào giữa cỏ gai để thu lúa về kho lẫm, em sẽ mang vào mình thương tích của cuộc chiến đấu âm thầm ấy, để một ngày em sẽ lại trở về và được Chúa trao cho em vòng hoa của người chiến thắng… Hy vọng em sẽ làm được và làm thật tốt !!!

VÀ … NHỮNG BƯỚC ĐĂNG TRÌNH

Riêng tôi, tôi đã trải qua những giây phút hạnh phúc như em khi lần đầu tiên bước lên đính ước với Chúa, cũng nhận được những lời chúc mừng của mọi người và ánh mắt khâm phục của bè bạn. Tôi cùng đồng hành với các chị em trong trách vụ học hành và làm việc tông đồ. Tuy chỉ mới đi được hơn kém 1/5 con đường của chị, nhưng tôi cũng đã trải qua những thách đố muôn hình vạn trạng, và tôi biết sẽ còn nữa những thách đố đang chờ phía trước.

Theo bước Thánh Gioan Tẩy Giả, tôi cũng sẵn sàng trở thành một tiếng kêu trong hoang dã cuộc đời, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, san bằng những núi đồi của kiêu căng, thù hận trong lòng người, song lòng tôi lại vẫn còn gập ghềnh sỏi đá vì thiếu cảm thông, con đường đời tôi cũng còn cong queo khiến người khó bước (Mt 3,3)… tôi mơ ước rất nhiều, nhưng trở thành hiện thực thì chẳng bao nhiêu. Tôi đã từng ước mình sẽ là một nữ tu thánh thiện, nhưng khi thực sự sống đời dâng hiến, thì từ thánh thiện lại không giống với ý nghĩa mà tôi có trong đầu. Nhiều lần như thế, đã tôi luyện trí hiểu của tôi về đời sống tu trì, đã vét rỗng những suy nghĩ sẵn có của tôi về những khái niệm trong từ ngữ nhân đức. Tôi ngộ ra rằng: sự thánh thiện không phải là đáp số cuối cùng của một bài toán tổng hợp, đem cộng tất cả những công phúc mình làm và trừ đi những sai lỗi mình phạm; mà là sự trung tín đến cùng của người tôi tớ chờ đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ gõ cửa thì mở ngay cho chủ (Lc 12,36); là sự nhạy bén tỉnh thức của 5 cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn sẵn sàng đón chàng rể dù chàng đến không đúng hẹn (Mt 25, 10) … Những kinh nghiệm khởi đầu khiêm tốn ấy đã trở nên kho tàng quý giá để giữ chân tôi trong ơn gọi tu trì, mặc dù cũng mất đôi lần trong tôi đặt lại vấn đề ơn gọi và cho đến nay, tôi cũng vẫn là một con người bất toàn, cho dẫu tôi có nỗ lực để hoàn thiện mình thì cũng chẳng ăn thua mà ân ban của Chúa mới là yếu tố quyết định.

Tôi vẫn xác tín rằng: “Ai cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Như thế, tôi chỉ có thể đi tới chứ không được phép nhìn lại hay đứng yên tại chỗ. Và tôi biết, hành trình dâng hiến là một hành trình từ bỏ không ngừng. Giá trị của sự từ bỏ không hệ ở việc đong đếm số lượng mình đã từ bỏ là bao nhiêu, mà ở chỗ mình có dám từ bỏ tất cả hay không, dù cái gọi là “tất cả” của tôi chẳng đáng giá gì lắm, chỉ như hai đồng kẽm trị giá 1/4 xu hiếm hoi ít ỏi của bà goá (Mc 12,42) so với “tài sản kếch xù” phong phú của nhiều người được xã hội trọng vọng.

Với tư cách là người đang tiến bước trong hành trình dâng hiến, giờ đây tôi hiểu vì sao sau 50 năm, các chị tôi trở về với một thân xác không còn “nguyên vẹn”, nhưng lại tậu được cho mình một tinh thần khẳng khái hơn và từng trải hơn, cùng với một tâm hồn bình an thư thái vì đã gần hoàn tất cuộc lữ hành đức tin.

Trong ngày đánh dấu cột mốc lịch sử 50 năm của đời chị, tôi nhìn thấy lời tạ ơn đong đầy trong ánh mắt, lời tạ ơn không ngừng của người luôn được Thiên Chúa bồng ẵm khi vượt qua thử thách đau thương. Thật đúng như lời Thánh Vịnh mà chị và tôi thường đọc:

Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
Nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. (Tv 34, 20)

Vâng, chính Chúa chứ không ai khác làm nên việc diệu kỳ nơi chị, vì Danh Ngài là Thánh. Ngài hài lòng về chị, về những gì Ngài đã thực hiện nơi chị, cũng như những gì chị đã cố công để làm cho ơn Chúa trong chị không ra vô ích.

Còn với em và tôi, còn gì hạnh phúc bằng khi mà:

Phần tuyệt hảo may mắn đã về con
Gia nghiệp ấy làm con thoả maơn.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
Được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. (Tv 16,6.8)

Quả vậy, tôi và em đã nhận được ân ban mà không phải ai ai cũng nhận được, một ân ban nhưng không chỉ vì Ngài muốn dành riêng chúng ta cho kế hoạch của Ngài. Nhưng đi kèm với ân ban đó là trách nhiệm phát sinh tự nhiên do tình yêu. Tôi và em sẽ thực hiện những trách nhiệm ấy cách tự nguyện và bằng hết khả năng của mình cho đến hơi thở cuối cùng. Thế thì còn chờ gì nữa mà không vững vàng tiến bước!

 

Comments are closed.

phone-icon