Chia sẻ món quà đức tin

0

Sr. Maria Trần Vân

Với mục đích kiến tạo tương quan cuộc sống, con người trong xã hội ngày nay trao tặng nhau những món quà vật chất như một điều thật bình thường và dễ hiểu, còn chúng ta – những người Kitô hữu, hơn nữa là những người nữ thánh hiến, do lời khấn khó nghèo chúng ta không sở hữu hay có sẵn những món quà vật chất, chúng ta sẽ làm gì để kiến tạo tương quan với anh chị em sống xung quanh chúng ta, cách riêng là những anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa – Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc muôn loài, muôn vật trong đó có mỗi người chúng ta? Chắc hẳn sẽ có rất nhiều đáp án khác nhau cho câu hỏi này như: tôi sẽ sống bác ái, vui tươi, thăm hỏi, động viên, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, thể hiện tình yêu thương…với họ. Trên hết, tôi muốn nói đến món quà vô cùng quý giá có khả năng nối kết người với người đó là đức tin, bởi “nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” (Gl 3, 26.28)

Quả vậy, đức tin là một món quà vô giá, vì chưng tự sức mình chúng ta không thể tự sắm nhờ bất cứ phương thế tự nhiên nào, cũng không thể được lãnh hội trong bất kỳ trường đại học hay bất cứ cơ sở giáo dục nào. Nhưng tiên vàn đó là ơn Chúa ban như Công Đồng Nicea (325) đã định nghĩa: “Đức tin là sự linh cảm, qua sự trợ giúp của Thiên Chúa, để chấp nhận chân lý siêu việt do Thiên Chúa tiết lộ. Chúng ta tiếp nhận lời Chúa không phải vì chúng ta hiểu được nội dung chân lý qua lý luận tự nhiên, nhưng do bởi chấp nhận thẩm quyền của Thiên Chúa, Đấng hằng hữu, Đấng chính là chân lý, Đấng tự biểu lộ, Đấng không lừa dối và không bị lừa dối.” Được diễm phúc đón nhận hồng ân đức tin nhờ mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta phải tìm ra phương thế lan tỏa hồng ân đức tin đến với những anh chị em chưa nhận biết Chúa, vì: “chia sẻ chân lý của Đức Giêsu Kitô với kẻ khác là một bổn phận chính thức của tất cả những ai đã lãnh nhận quà tặng đức tin”.[1]

Với ba đặc tính của hành vi tin: siêu việt vì đức tin là ơn của Thiên Chúa ban cho, có ý thức vì đức tin được tiếp thu qua trí óc con người và ý chí tự do vì cá nhân tự ý tin chứ không bị ép buộc phải tin[2], niềm tin hoàn toàn là ơn Chúa ban cho con người cách nhưng không. Vì lẽ đó, đối với những người chưa nhận biết Chúa thì việc rao truyền lòng tin yêu Chúa sẽ có sức lay động lòng họ hơn là những bài giáo lý suông hay những bài tham luận, giảng giải thật hùng hồn nhưng lại thiếu sức lôi cuốn của tình yêu. Chúng ta chỉ có thể cuốn hút người khác tin nhận Chúa bằng con đường của tình yêu như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn kết thúc tháng truyền giáo ngoại thường với phóng viên Gianni Valente của hãng tin Fides thuộc Bộ Truyền giáo: “Giáo hội phát triển nhờ sự lôi cuốn”, qua việc làm chứng các công trình của Chúa. Đây không phải là “một sự tin chắc, một lý luận, một nhận thức, một áp lực hay một sự ép buộc”; đó không phải là “một quyết định được đưa ra trên bàn làm việc”, hay “một hoạt động của một “bầu sô gánh hát”, nhưng đó là “một sự lôi cuốn của tình yêu”, “một tình yêu” đối với Chúa Kitô. Nếu Chúa Giêsu là người thu hút chúng ta, “những người khác sẽ chú ý đến điều này, chúng ta không cần phải nỗ lực, không cần phải tỏ ra hoặc phô trương”.[3] Khẳng định của Đức Thánh Cha cho chúng ta một lần nữa xác quyết rằng ân ban đức tin đến từ Thiên Chúa, nên chúng ta dù có cố gắng, nỗ lực đến đâu mà không có Ngài thì tất cả đều vô ích. Chúng ta cần thận trọng để không rơi vào lập luận của nhiều người Công giáo đương thời rằng, đức tin là ân ban và sức hút của Thiên Chúa thì chúng ta được quyền sống cách thụ động, thờ ơ, hờ hững, không cần nỗ lực, cố gắng trong sứ vụ sống và loan báo Tin Mừng. Đức tin là món quà vô giá Thiên Chúa trao tặng chúng ta và Người muốn chúng ta chia sẻ nó cho tha nhân, nghĩa là Thiên Chúa mang lại cho chúng ta cơ hội được cộng tác với Người trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại, chúng ta không thể lãng phí ân huệ ấy, trái lại phải biết tận dụng mỗi ngày để đào sâu đức tin, can đảm và trung thực với lý tưởng dâng hiến, hăng say, nhiệt thành trong sứ vụ rao loan Tin Mừng giữa xã hội đa dạng, phức tạp và đầy biến động này.

“Đức Kitô vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nghĩa là không có gì thay đổi nơi Thiên Chúa. Trái lại, nơi người đón nhận Tin Mừng thì có nhiều khác biệt trong nhận thức, trong nếp sống, trong niềm tin, văn hóa địa phương…Những khác biệt này góp phần tạo nên những thách đố không nhỏ và đòi hỏi chúng ta phải có những cách thức thích ứng với con người, với hoàn cảnh… trong việc chia sẻ món quà đức tin của mình. Đứng trước tình thế cấp bách của công cuộc truyền giáo hiện nay, là người môn đệ Đức Kitô, chúng ta không được cho phép mình dừng lại ở việc trình bày giáo lý hay rao giảng một số chân lý về Thiên Chúa, nhưng phải tìm cách để diễn đạt kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của chính mình cho tha nhân như Tông đồ An-rê sau khi tin nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, đã giới thiệu Người cho em mình là Si-mon (x. Ga 1,40-42) hoặc như ông Phi-lip-phê sau khi gặp và tin Đức Giê-su đã dẫn bạn mình là Na-tha-na-en đến gặp Người (x. Ga 1,45-51), để những anh chị em chưa nhận biết Chúa cũng yêu mến, tin thờ Người. Bằng việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được củng cố đức tin vào Đức Giêsu, lòng tin cậy mến được gia tăng hầu đủ sức “đi bước trước” đến với anh chị em chưa nhận biết Chúa để chia sẻ món quà niềm tin theo cách thức Chúa Giêsu đã làm quen với người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp: Người đã mở lời xin chị phụ nữ Samari nước uống để làm quen, sau đó từng bước trình bày cho chị về Nước Hằng Sống Người sẽ ban cho những ai tin vào Người (x. Ga 4,7-10). Và kết quả là sau khi tin nhận Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ, chị đã trở về làng của mình, chia sẻ về Đức Giêsu cho mọi người và dẫn họ đi ra bờ giếng để gặp Đức Giêsu (x. Ga 4,25-30).

Đón nhận niềm tin là đón nhận chính Đức Kitô – món quà lớn lao Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta vì yêu thương, món quà vô giá này cần được chia sẻ vì đó là ý muốn của Thiên Chúa và vì niềm vui được chia sẻ, niềm vui sẽ gia tăng. Đừng quá lo lắng về việc chúng ta sẽ phải sử dụng phương thế nào giúp tha nhân nhận ra giá trị vô giá của món quà này, chỉ cần chúng ta quảng đại bỏ ra một ít “chi phí” bao bọc món quà đức tin bằng những “giấy gói” thật đẹp của đức bác ái huynh đệ, của việc sống chan hòa, yêu thương trong cộng đoàn, vị tha, bao dung, sẵn sàng yêu thương, nâng đỡ những người già yếu, bệnh tật, nghèo khổ bên cạnh ta, lấy tình thương xoa dịu nỗi đau của tha nhân, hết mình với những bổn phận được trao trong tín thác, vui tươi,… và còn rất nhiều những giấy “gói quà” đủ loại với nhiều “màu sắc” khác nhau sẽ góp phần làm cho món quà của ta thêm cuốn hút và đầy sáng tạo khi ta dành hết tâm lực cho việc chia sẻ món quà đức tin này, tình yêu sẽ giúp ta có nhiều sáng kiến.

Đức Kitô chính “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Vậy, còn chần chừ gì nữa, ngay bây giờ chúng ta hãy kiến tạo cho mình một khí thế và sự nhiệt thành mới, để can đảm “ra đi” trao chia niềm tin, kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa cho những ai chưa nhận biết Người trong  niềm xác tín vững vàng: luôn có Chúa đồng hành và tác động để không ai sống trên trần gian này, từ chối đón nhận một món quà mang lại bình an, hạnh phúc, sự đỡ nâng… và hơn hết là đưa đến hạnh phúc viên mãn và sự sống đời đời. Còn lúc nào họ có thể khám phá ra giá trị và đón nhận món quà này với tất cả tâm hồn thì chỉ có Chúa biết. Bổn phận của chúng ta là cứ gieo trồng, cứ vun tưới, phần còn lại thì phó thác cho sự quan phòng và kế hoạch riêng của Thiên Chúa.

______________________

[1] x. GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, số 14 

[2] Nhà thần học Karl Rahner

[3]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-tin-mung-khong-chua-giesu-khong-lam.html

Comments are closed.

phone-icon