Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (10,1-10)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì.
Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
***
Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành: đó là chủ đề Tin Mừng Chúa nhật IV Phục Sinh. Nhưng trong văn hóa ngày nay, những hình ảnh “cừu” và “chiên” không có nghĩa tích cực; nó thường gợi lên sự ngoan ngoãn và phục tùng. Đối với nhiều người, “bầy chiên”, “đàn chiên” mang ý nghĩa một khối vô danh những cá nhân kém thông minh và không có ý chí.
Trái lại, đối với dân du mục vùng Palestine, những con vật này rất quý giá. Chúng cung cấp sữa, thịt làm thức ăn và len dệt thành quần áo. Trong một quốc gia chuyên sống bằng nghề chăn nuôi, một đàn cừu, đàn chiên là cả gia tài và là sự giàu có của một gia đình. Vì ban đêm nguy hiểm, các đàn chiên trở về nơi được vây quanh và được các mục tử canh giữ cẩn thận. Mỗi sáng, mục tử gọi đàn chiên của mình ra ngoài, và có thể gọi tên từng con chiên một. Mục tử đi trước dẫn đầu và đàn chiên theo anh ta vì chúng nhận biết tiếng của mục tử, tiếng kêu đặc biệt của anh ta, như các nông dân hiện nay vẫn dùng với những thú vật của họ.
Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn nhỏ kế tiếp nhau: dụ ngôn người mục tử và dụ ngôn cửa. Thánh Gioan xác định rằng Chúa Giêsu kể hai dụ ngôn này cho những người Pha-ri-sêu (x. Ga 9,40; 10,6). Chúa Giêsu kể cho họ dụ ngôn thứ nhất, “nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.” Tại sao họ không hiểu? Những người Pha-ri-sêu này là những người Do Thái rất sùng đạo, có ý thức đặc biệt nhạy bén về sự vĩ đại của Thiên Chúa là Đấng-Toàn-Năng, nên họ không thể hiểu được Thiên Chúa lại gần gũi với con người như vậy.
Thật vậy, dụ ngôn đầu tiên đi ngược lại với quan niệm của họ: nó nói mối quan hệ gắn bó giữa mục tử và chiên: “Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra… Anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” Mỗi người chúng ta đều được Chúa Kitô biết và yêu mến. Người không phân loại chúng ta như các tập tin trên máy tính của Người! Thiên Chúa là Thánh, là Đấng-Toàn-Năng, là Đấng-Không-Thể-Tiếp-Cận. Con người không thể đến với Người bằng sức mạnh của chính mình; nhưng chính Chúa mở cửa cho chúng ta đến gặp Người; và cửa đó là Chúa Giêsu. Đây là ý nghĩa của dụ ngôn thứ hai.
Chúa Giêsu nói: “Tôi là cửa”. Ngoài Người ra, không ai có thể mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Chúa Giêsu là cửa bởi vì, qua sự trung gian của Người, con người đạt đến sự cứu rỗi và sự sống.
“Tôi là cửa”, “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Để cụ thể hóa lời tuyên bố này, các nhà thờ chính tòa và nhà thờ xưa thường tạc tượng Chúa Kitô uy nghi trên các cổng và cửa vào chính: Người là Đấng trung gian của chúng ta, là mục tử dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Đó là nền tảng của đời sống Kitô hữu của chúng ta, là nền tảng của phụng vụ Kitô giáo của chúng ta. Chính trong đức tin này, chúng ta cầu nguyện, đặc biệt là trong thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người, và trong Người…”
Khi còn ở trần gian, làm người giữa muôn người, Chúa Kitô tiếp tục sứ mạng hiệp nhất và hiến mạng sống của mình để quy tụ con cái Chúa đang tản mác khắp nơi. Sau khi phục sinh, Người giao nhiệm vụ cho các tông đồ tiếp tục công trình của Người. Bài đọc I thuật lại việc ông Phêrô và Nhóm Mười Một đã vâng lời và đi rao giảng tên của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, để kêu gọi sám hối và rửa tội, để loan báo ơn cứu rỗi. Sau họ, sứ mạng truyền giáo không bị gián đoạn, biết bao lớp người đã tiếp nối và, ngay cả hôm nay, Chúa vẫn cần và kêu gọi cho dân của Người những mục tử. Đây là lý do chúng ta được mời cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi linh mục và tu sĩ vào Chúa nhật này.
Mỗi người được rửa tội đều có một ơn gọi, nghĩa là có một vị trí và một vai trò không thể thay thế trong thế giới và trong Giáo Hội. Mỗi tín hữu sống trong thế giới và được kêu gọi để làm cho thế giới tốt đẹp hơn và nhân văn hơn. Mỗi tín hữu là một viên đá sống động mà Chúa Kitô sử dụng để xây dựng Giáo Hội của Người. Các ơn gọi rất đa dạng nhưng có cùng một mục đích, đó là phục vụ Thiên Chúa và phục vụ anh chị em của mình.
Cầu nguyện cho ơn gọi là cầu nguyện cho mỗi người trung thành với ơn gọi của mình và hạnh phúc trong ơn gọi đó. Hôm nay chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục và tu sĩ. Giáo Hội và thế giới cần đặc sủng của họ, sự phục vụ và chứng từ của họ cũng như lời cầu nguyện của họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, và nhất là cho những bạn trẻ đang cần sự hỗ trợ của gia đình và cộng đoàn để họ có thể nghe tiếng gọi của Chúa là lời kêu mời họ sống hạnh phúc.
Chúa Giêsu phán: “Phần tôi, tôi đến để con chiên được sống, và sống dồi dào.”