Tác Giả: FR. JUDE WINKLER
Nguồn: WAU, Personal Spirituality Resources
Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương chuyển ngữ
Chiêm Ngắm các Chặng Đàng Thánh Giá
Khi chúng ta cầu nguyện các chặng đàng thánh giá, chúng ta tôn vinh tình yêu.
Chúng ta không chỉ đang tưởng niệm các biến cố đã xảy ra cách đây hai ngàn năm. Chúng ta còn đang bước vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô để cảm nghiệm Người đã hiến dâng mạng sống và tình yêu của Người để mang lại ơn tha thứ tội lỗi cho chúng ta như thế nào.
Nguồn Gốc của Các Chặng Đàng Thánh Giá. Các chặng đàng thánh giá dường như có nguồn gốc từ việc thực hành đạo đức của những người hành hương đến Đất Thánh khi họ đến thăm các nơi Chúa Giêsu đã sống, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Trong số các nơi khác, những người hành hương còn viếng thăm đồi Golgotha và mộ phần (của Chúa Giêsu), cả hai đã sớm được đưa vào Nhà Thờ Mộ Thánh. Những người hành hương nhận ra rằng thực sự có một sức mạnh nào đó khi chạm đến nơi Chúa Giêsu đã chết và sống lại.
Thực tế, chúng ta có một trình thuật của một nữ tu người Tây Ban Nha tên là Egeria, sơ đã đến thăm Đất Thánh vào thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Sơ đã mô tả phụng vụ được cử hành tại các nơi thánh. Chẳng hạn, vào ngày Chúa Nhật, vị chủ tế đọc câu chuyện thánh kinh về sự phục sinh của Chúa. Sơ viết: “Khi bài đọc bắt đầu được xướng lên, có một tiếng than rất lớn và tất cả cùng rên rỉ, nước mắt đầm đìa, đến nỗi trái tim nào khô cứng nhất cũng phải bật khóc vì những gì Chúa đã chịu vì chúng ta”. Cũng vậy, sơ mô tả ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau: “Sự xúc động được thể hiện và sự than khóc của tất cả mọi người ở mỗi bài đọc và lời cầu nguyện thì thật là tuyệt vời; bởi lẽ không ai trong số họ, dù lớn hay nhỏ, những người mà vào ngày hôm đó trong suốt ba giờ đó, lại không than khóc nhiều hơn có thể hình dung ra được rằng Chúa đã chịu những điều đó vì chúng ta”.
Việc thực hành sự tưởng niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu đã được quá yêu chuộng đến nỗi các giáo đoàn và các đan viện ở Châu Âu đã bắt đầu xây dựng mô phỏng lại các nơi thánh. Vì thế, những người không có khả năng chi trả cho chuyến hành hương dài và gian khổ đến Đất Thánh vẫn có thể trải nghiệm một cuộc viếng thăm thiêng liêng ở đó.
Còn hai sự kiện nữa cổ xúy lòng đạo đức này. Trước hết là các cuộc Thập Tự Chinh. Nhiều người đã đến Đất Thánh và nhiều người khác đã nghe về các chuyến đi ấy và ao ước được trải nghiệm những gì họ đã mô tả, dù chỉ là cách biểu tượng.
Sự kiện thứ hai khích lệ (lòng sùng kính đó) xảy ra vào năm 1342, khi các đền thờ (nơi lưu giữ thánh tích) ở khắp Đất Thánh được trao phó cho các tu sĩ dòng Phanxicô coi sóc. Họ đã chuẩn bị những nơi ở thích hợp và xin ơn toàn xá đặc biệt cho khách hành hương để cuộc viếng thăm của họ đạt được mục đích thiêng liêng bao nhiêu có thể. Họ cũng truyền bá lòng sùng kính về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trên khắp thế giới Kitô giáo.
Tu sĩ Dòng Phanxicô và Ảnh Hưởng của các Ngài. Các tu sĩ Dòng Phanxicô luôn có một lòng yêu mến lớn lao đối với bất cứ điều gì liên quan tới cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu. Thánh Phanxicô đã giúp truyền bá hang đá Giáng Sinh khi ngài thiết lập một khung cảnh máng cỏ sống động ở Greccio, nước Ý vào năm 1223. Người cũng yêu thích suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, thậm chí viết Kinh Cầu riêng về Cuộc Khổ Nạn để tưởng nhớ. Thánh Phanxicô đã nhìn thấy trong sự giáng sinh và cái chết của Chúa Giêsu hai khoảnh khắc quan trọng khi nhân tính và sự khiêm nhường của Chúa Giêsu được thể hiện một cách rõ ràng nhất. Ngài đã nhìn thấy nơi chúng sự phó thác tột đỉnh của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa, một sự phó thác của một tình yêu tuyệt đối.
Thánh Phanxicô đã quá xúc động vì tình yêu này (của Chúa Giêsu) đến nỗi nó đã trở nên hữu hình. Khi ở Greccio, ngài tràn ngập lòng biết ơn đến nỗi những người xung quanh đã nhìn thấy ngài ôm Hài Nhi Giêsu trong vòng tay, mặc dù không có đứa trẻ nào hiện diện ở đó. Cũng vậy, khi ở trên Núi Alvernia một vài tháng sau đó, Thánh Phanxicô đã lãnh nhận dấu thánh, chính là những vết thương của Chúa Giêsu trên da thịt ngài, vì thế làm cho thân thể ngài trở nên một ký ức sống động về Cuộc Khổ Nạn. Thánh Phanxicô, người yêu, đã trở nên giống với Người Yêu Dấu.
Do vậy, ngay từ đầu, các tu sĩ Dòng Phanxicô đã nhận thức nhiệm vụ của họ là cổ xúy lòng sùng kính đối với các Chặng Đàng Thánh Giá và hang đá Giáng Sinh. Thoạt đầu, các chặng đàng mà họ xây được đặt ở bên ngoài các nhà thờ, nhưng vào giữa thế kỷ mười bảy, chúng đã được đặt bên trong. Thực tế, các tu sĩ Dòng Phanxicô rất sùng kính các chặng đàng Thánh Giá đến nỗi cho đến gần đây họ là những người duy nhất được ban đặc ân chúc lành cho các chặng mới được dựng lên.
Làm Cách Nào để Cầu Nguyện với Các Chặng Đàng Thánh Giá. Có nhiều cách khác nhau để cầu nguyện với các Chặng Đàng Thánh Giá. Nhiều giáo xứ cử hành việc đi đàng thánh giá với tính cách cộng đoàn, đặc biệt trong suốt Mùa Chay. Trong khi gặp đau khổ, chúng ta thường có khuynh hướng tự tách biệt và cô lập, thì việc tưởng nhớ sự đau khổ của Chúa Giêsu trong tính cách một cộng đoàn sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau. Điều đó làm cho chúng ta hoàn toàn nên một với Chúa Giêsu và với nhau.
Dĩ nhiên, cũng có những lần khi chúng ta tự cầu nguyện/cầu nguyện một mình với các Chặng Đàng Thánh Giá như một cuộc suy nhiệm trong thinh lặng. Cầu nguyện với Chặng Đàng Thánh Giá theo cách này có thể là một kinh nghiệm thân mật sâu sắc xa, cho chúng ta cảm thức/cảm nhận được rằng chúng ta đang bước đi bên cạnh Chúa Giêsu trên đường thánh giá.
Việc đi bộ viếng các Chặng Đàng Thánh Giá tự nó cũng là một hình thức cầu nguyện. Trong một ý nghĩa nào đó chúng ta đang cầu nguyện bằng đôi chân. Tất cả chúng ta đều thường chỉ cầu nguyện bằng tâm trí của mình. Nhưng việc bước đi đến các Chặng Đàng Thánh Giá giúp cho việc cầu nguyện của chúng ta trọn vẹn hơn khi chúng ta để cho thân thể của mình được hiệp nhất với tâm trí chúng ta, tương tự như cách Chúa Giêsu đã làm trên đường lên Golgotha và cách mà Thánh Phanxicô đã học để thực hiện khi ngài lãnh nhận các dấu thánh.
Hồi Tưởng và Sống Lại. Thật quan trọng để biết rằng khi chúng ta cầu nguyện bằng các Chặng Đàng Thánh Giá, chúng ta không chỉ đang hồi tưởng lại lịch sử ngày xưa. Những người Do Thái tin rằng bằng việc kể lại biến cố quá khứ, chúng ta có thể tham dự cách nào đó vào biến cố đó. Điều này được gọi là sự hồi tưởng, và đó là điều căn bản cho sự hiểu biết của chúng ta về Thánh Lễ. Trước Thánh Thể, chúng ta hiện diện trong nhà thờ của chính chúng ta, nhưng chúng ta cũng hiện diện cách nào đó tại Bữa Tiệc Ly, trước thập giá và tại ngôi mộ trống. Chúng ta vượt ra khỏi thời gian hiện tại của chúng ta và trải nghiệm một cách mầu nhiệm đôi chút về sự vĩnh cửu.
Đây cũng là những gì chúng ta làm khi chúng ta cầu nguyện với các Chặng Đàng Thánh Giá. Chúng ta không chỉ đang kể chuyện, chúng ta còn đang hòa mình vào trong câu chuyện đó. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chúng ta như được diễn tả trong các Chặng Đàng Thánh Giá và tình yêu của chúng ta dành cho Người là nhịp cầu nối kết giữa những gì đã xảy ra khi ấy với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Chúng ta thấy Chúa Giêsu gục ngã dưới sức nặng của thập giá và chúng ta khiếp sợ trước cơn đau đớn của Người. Chúng ta trở thành bà Veronica và xin được lau mặt cho Người. Chúng ta đứng với Đức Maria khi Mẹ chứng kiến Con Yêu dấu của Mẹ trút hơi thở cuối cùng. Không còn là những người đứng bên ngoài bàng quan, (nhưng) giống như Thánh Phanxicô, chúng ta hợp nên một với Chúa Kitô.
Cuộc Khổ Nạn của Chúng Ta. Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người hãy vác lấy thập giá của họ mà đi theo Người, và các Chặng Đàng Thánh Giá cho chúng ta cơ hội để làm điều đó. Chúng ta chết cho chính mình khi chúng ta suy niệm về tội lỗi của mình và nhớ rằng Chúa Giêsu đã chết để chúng ta được ơn tha thứ. Khi chúng ta nhớ đến những đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể nhớ lại chúng ta đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau như thế nào.
Khi chúng ta nhớ đến việc Chúa Giêsu bị xét xử như thế nào, chúng ta có thể tự vấn xem chúng ta có đoán xét sai những người khác không. Khi chúng ta tưởng nhớ ba lần Chúa Giêsu té ngã, chúng ta có thể nhớ lại những lần chúng ta đã sa ngã phạm tội cũng như những lần chúng ta nhìn thấy những người khác ngã mà đã không giúp đỡ họ.
Chúng ta cũng có thể vác thập giá của chúng ta nơi các Chặng Đàng Thánh Giá bằng cách kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau đớn của Chúa Giêsu. Đau khổ thường làm cho chúng ta cảm thấy như thể chúng ta đang vác thập giá mà không có ai giúp đỡ chúng ta. Nhưng nơi các Chặng Đàng Thánh Giá, chúng ta được nhắc nhớ rằng người đang vác phần bên kia của cây thập giá là Chúa Giêsu, Đấng luôn ở cùng chúng ta.
Các Chặng Đàng Thánh Giá cũng khuyến khích chúng ta vác thập giá của việc thách đố sống niềm tin của chúng ta cách triệt để hơn. Chúng giúp chúng ta có được sự can đảm loại bỏ những thứ chia cách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa, để được đóng đinh cho thế gian hầu chúng ta có thể hy sinh chính mình cho Thiên Chúa và cho người khác cách trọn vẹn hơn.
Cuối cùng, các Chặng Đàng Thánh Giá cho chúng ta cơ hội để liên kết với đau khổ của thế giới. Khi chúng ta cầu nguyện với các Chặng Đàng Thánh Giá, chúng ta có thể thực thi lòng thương xót – một từ được gọi là “chịu đau khổ với”. Chúng ta có thể mang lấy đau khổ của những người khác vào chúng ta để họ không còn phải mang gánh nặng của họ một mình.
Đừng Bao Giờ Lặp Lại Điều Gì. Chắc chắc có những biến cố trong cuộc sống đã làm chúng ta thay đổi mãi mãi. Cái chết của một người thân yêu, một chiến thắng kỳ diệu, một sự nhận thức mới – tất cả những điều này để lại một dấu ấn khó phai trong chúng ta. Các Chặng Đàng Thánh Giá cũng là một biến cố như thế. Làm sao cuộc sống có thể vẫn như vậy sau khi chúng ta đã cảm nghiệm được quá nhiều tình yêu (của Chúa)? Làm sao chúng ta có thể nhìn vào chính bản thân mình hoặc thế giới xung quanh với cùng đôi mắt ấy sau khi đã chiêm ngắm Đấng đã chịu đâm thâu vì tội lỗi chúng ta? Chúa Giêsu thực sự yêu chúng ta cho đến chết. Làm sao chúng ta lại không thể sẵn lòng sống trong tình yêu đó với lòng biết ơn tràn đầy!
Cha Winkler viết từ Thành Phố Ellicott, Maryland.