Lặng để hiểu

0

Sr. Maria Thúy Kiều

Giữa tiếng bom đạn của chiến tranh đang xảy ra giữa Nga và Ukraina, giữa tiếng kêu cứu đang gào thét chống lại sự dữ của nhân tai, thiên tai và bệnh tật… Giáo hội Công Giáo chúng ta cử hành Tam Nhật Thánh. Những cử hành này mời gọi chúng ta rút lui vào thinh lặng, không phải để chạy trốn, nhưng để nghe và hiểu Chúa hơn, hiểu tha nhân hơn và để biết mình hơn.

Biến cố khổ nạn của Chúa Giêsu đã khép lại trong lịch sử nhân loại. Xét về mặt chính trị, đó là một vụ án oan do sai lầm của một chế độ. Mà sai lầm và tội lỗi thì người ta thường muốn chôn thật kín vùi thật sâu. Thế nhưng, Giáo hội dường như không muốn thế, biến cố năm ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cách tỉ mỉ, chi tiết với từng nhân vật, từng lời nói, từng ánh mắt… Phải chăng đó là một lỗi lầm mà Giáo hội cứ mãi khơi lên để lên án thế gian?

Chắc chắn không phải thế! Xét về mặt tôn giáo, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là một vụ án đơn thuần, nhưng đó là một mạc khải, mạc khải vĩ đại nhất từ trước đến nay, mạc khải của một tử tù -vai chính- người nói ít lời nhất trong đám những người đang la ó đòi chân lý, đòi trật tự xã hội, đòi tự do, đòi quyền bính…
Quả thực, khi bị chạm đến lòng tự ái và quyền lợi, theo bản năng, ai cũng có những phản ứng tự vệ như những quan chức trước tòa Tổng trấn Philato. Họ phản đối việc Chúa Giêsu vô tội, họ đòi giết Chúa, họ sẵn sàng xách động dân để lấy ý dân làm ý trời. Trong khi đó Chúa Giêsu làm gì? Ngài nói rất ít và thường im lặng quan sát, Ngài nhìn thấu và hiểu nỗi lòng của từng con chiên đang la lối muốn giết chủ chăn.

Phải chăng la lối là một hành vi biểu lộ sự chiến đấu giằng co giữa cái thiện và ác, vì cái thiện không chiến thắng nên sự dữ làm họ đau khổ? Rồi vì khổ không lối thoát nên lại nóng giận chửi rủa… Phải chăng ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta thinh lặng, để nhìn và quan sát, để thấy anh chị em của mình cũng đang có những đau khổ, những bức xúc không giải quyết được. Vì không được giải quyết hoặc không giải quyết được những nỗi niềm riêng nên họ mới nóng giận và miệng dễ phun ra những nọc độc làm tổn thương người khác.

Chúa Giêsu đã đi qua phận người. Ngài thấu hiểu và cảm thông cho sự yếu hèn của con người, nên trên cây Thập giá Ngài cầu xin “ Lạy Cha , xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Tận cùng đỉnh cao của đau khổ, Ngài đón nhận tất cả, tha thứ tất cả sau khi Ngài đã làm hết những gì có thể.

Vì không muốn sự dữ nhấn chìm linh hồn tội nhân trong tuyệt vọng, nên Ngài đã nhiều lần cảnh tỉnh chúng ta. Với từng người, trong từng hoàn cảnh, Ngài cảnh tỉnh theo từng cách riêng biệt:
– Với Phêrô Ngài tiên báo: “Gà chưa gáy, anh đã chối thầy đến ba lần” (Ga13,38)
– Với Giuda: “Thầy chấm bánh cho ai thì người ấy là kẻ nộp Thầy” (Ga 13,26)
– Với Philato: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho Ngài” (Ga18,11)
– Với tên thuộc hạ vả mặt mình, Ngài nói “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai chỗ nào, còn nếu tôi nói phải sao lại đánh tôi?” (Ga 18,23)…

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục cảnh tỉnh chúng ta như thế bằng nhiều cách: qua Lời Chúa, qua tiếng lương tâm, qua Giáo huấn của Giáo hội, qua những lời khuyên bảo của những vị hữu trách… liệu chúng ta có nhạy bén để nhận ra và có thiện chí để thay đổi không?

Một chị hiền mẫu nói với tôi rằng: con thường xuyên đi lễ đọc kinh cầu nguyện, nhưng con không thể im lặng miệng mỗi khi nghe ông chồng càm ràm mắng chửi, nên mỗi lần ổng nói một là con phải nói hai; lúc đầu thì còn xưng hô anh em, cuối trận thế nào cũng gọi nhau tao mày, rồi đập phá, rồi “chiến tranh lạnh”. Tôi hỏi chị: “Có bao giờ chị hỏi anh ấy vì sao lại la mắng vợ con thường xuyên như vậy không? Chị có bao giờ kiên nhẫn tìm hiểu chồng chị đang có những khó khăn gì để chị hiểu và thông cảm không?” Chị ấy im lặng không nói gì…

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào quá khứ  tội lỗi của chúng ta và của người khác, hẳn chúng ta sẽ bị chết chìm trong đau khổ và buồn bực, nhưng Chúa Giêsu không muốn thế. Chúa không muốn niềm hy vọng bị niêm phong dưới tảng đá của xét đoán, bất bao dung và ngờ vực.

Nhìn lên Thánh giá, chúng ta được mời gọi khám phá niềm hy vọng của tình yêu. Khởi đầu sự hy vọng nơi Thiên Chúa thường bắt đầu từ sự kết thúc nỗi thất vọng của chúng ta. Như thế, để được chữa lành, chúng ta cần tĩnh lặng nhìn lên Thánh giá để khởi đầu một niềm hy vọng mới, đó là một nhân đức thầm lặng, khiêm nhường giúp chúng ta đứng vững và tiến bước đến gần Thiên Chúa hơn.

Một lần tôi thưa với vị linh mục rằng: “Con hối hận khi vội vàng kết án người khác trong khi con không có chứng cứ rõ ràng”. Ngài nói với tôi rằng: “Ngay cả khi con nhìn thấy việc họ làm, con cũng phải nhìn nó với ý ngay lành, vì con không biết  hết lý do họ làm việc đó. Một đứa trẻ ăn cắp bánh mì chưa hẳn nó xấu, tại sao con lại để đứa trẻ ấy đói đến nỗi nó phải đi ăn trộm? Thiên Chúa là Đấng biết rõ tâm tư suy nghĩ và hành động của con người, cho dù họ phạm tội, Chúa cũng đã quên hết và tha thứ cho họ rồi, thì hà cớ gì con cứ giữ nó mãi trong lòng?”

Quả thực, chỉ khi thinh lặng đủ dưới chân Thánh giá, chúng ta mới có cơ hội hiểu Chúa của chúng ta nhân lành dường nào, Ngài vẫn cứ thinh lặng để hiểu, để yêu, để cảm thong, để tha thứ và để kiên nhẫn chờ đợi chúng ta cũng biết yêu, cảm thông và tha thứ cho anh chị em mình nhiều hơn.

Comments are closed.

phone-icon