Chứng tá tuyệt hảo

0

Teresa Phạm Thị Ngọc Bích – Thỉnh Sinh

Trong cuốn sách “Sống tốt – Con là một tuyệt tác” của Đức Thánh Cha Phanxico, ngài trích dẫn một bài thơ với nhan đề “Cây Hạnh Nhân” của nhà thơ vĩ đại người Hy Lạp Nikos Kazantzakis. Bài thơ như sau:

“Cây sồi hỏi cây hạnh nhân:
Hãy nói với tôi về Thiên Chúa,
và cây hạnh nhân đã nở hoa!”

Đức Thánh Cha nhắc đến bài thơ chỉ với ba câu ngắn ngủi này, như một ví dụ sống động, một chứng tá tuyệt hảo về Thiên Chúa. Như cách cây hạnh nhân làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa qua cách sống triển nở nhất sự sống của mình. Việc truyền giáo của mỗi Kitô hữu cũng có thể được thực hiện bằng chính gương sống Đức Tin nơi từng người. Hơn nữa, đây còn là phương thức hiệu quả và có sức lan tỏa nhất. Chính Thầy Giêsu đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên Trời.”  (Mt 5,16)

Truyền giáo không là công việc của riêng một ai, của một nhóm người hay một tổ chức nào, nhưng là sứ mạng chung của mọi Kitô hữu. Vì khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, người tín hữu được tham dự vào chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Kitô. Tất cả đều trở nên người phát ngôn của Chúa. Tất cả đều trở thành chứng nhân cho một Thiên Chúa duy nhất là Cha toàn năng và hay thương xót.

Nhưng nhiều khi, việc truyền giáo chỉ được xem là việc của hàng giáo sĩ, của các tu sĩ, hay của các giáo lý viên. Và những vị hữu trách ấy lại thực hiện việc truyền giáo là đi giảng dạy cho lương dân, là nói năng thế này, là khuyên bảo thế kia nhằm lôi kéo họ theo đạo. Truyền giáo không chỉ là chăm chỉ đầu tư vào các bài giảng, vào các ngôn từ, cách thể hiện nội dung; nhưng quan trọng là cách hành xử, lối sống đượm tình bác ái, đó cũng là một cách thức tuyệt vời để thể hiện niềm tin.

Trong sách “Suy niệm về lý tưởng Dòng Đa Minh” của Linh mục Đa Minh Augustino Turcotte, OP., tác giả cũng đã đúc kết một câu giàu kinh nghiệm rằng:“Chính thầy giảng bao giờ cũng dễ cảm hóa thính giả hơn bài giảng.” Bài giảng có thể hay, có thể chứa đựng nhiều ý tưởng tuyệt vời, với lối trình bày và ngôn từ giàu cảm xúc, dễ chạm đến lòng người. Nhưng nếu bản thân người giảng không cảm được và không sống được những điều mình giảng, thì vô tình, người đó đã trở thành phản chứng cho chính những điều mình loan báo. Ngược lại, bài giảng có thể không quá hay, nhưng qua đời sống của người giảng, mọi người có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ, vì chính niềm tin nơi Đấng ấy đã thôi thúc họ sống tốt, sống hài hòa và bác ái với tha nhân. Nhưng tất nhiên, một thầy giảng gương mẫu, với một bài giảng được chăm chút, sẽ là điều tuyệt vời nhất.

Trong lịch sử của Giáo hội Công giáo, không thiếu những gương chứng nhân của các Thánh. Các thánh đi giảng thuyết với tài hùng biện Chúa ban, nhưng chủ yếu là giảng bằng chính đời sống của mình, biểu lộ một sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, một sự say mê tuyệt đối nơi Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong số đó, phải kể đến đó là gương sáng của Cha thánh Đa Minh, bằng tài giảng thuyết vượt trội, cùng đời sống khó nghèo, khiêm nhường và bác ái, ngài đã mang về cho Chúa biết bao nhiêu là linh hồn lạc giáo. Ngoài ra, còn có thánh Phanxico Xavie, thánh Antôn Padua, thánh Vinh Sơn Ferrier, thánh Vinh Sơn Liêm,… và còn vô số vị khác.

Vậy thì, người tu sĩ Đa Minh cần sống thế nào để nên chứng tá?

Khi sống giữa những người chưa nhận biết Chúa, người tu sĩ Đa Minh làm chứng cho Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng của Chúa bằng chính đời sống công bình, bác ái, vị tha, trong sạch; để đối nghịch với lối sống vô luân, gian tham, xảo trá, gian manh của người đời. Người tu sĩ noi gương Chúa Giêsu, sống theo đường lối của Chúa từ trong gia đình, trong cộng đoàn ra đến ngoài cộng đồng xã hội, không thù hằn, giận ghét; không nói hành nói xấu; không kêu ca, than trách, chỉ trích người khác; không lười biếng trong các việc bổn phận; biết từ chối lối sống hưởng thụ, tự do, ngại khó, ngại khổ, sống an nhàn, hoặc lạm dụng tự do để làm điều không chính đáng, trái với lương tâm và lề luật Chúa. Nghĩa là: khi không hùa theo cách sống của số đông trong xã hội, nhưng có can đảm “lội ngược dòng”, những người xung quanh sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, “lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”. Những hành vi bác ái cụ thể chính là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa.

Để trở nên một người truyền giáo ưu tú, người tu sĩ Đa Minh cần nuôi dưỡng đời sống mật thiết với Chúa, cần chiêm niệm và để cho Lời Chúa lớn lên trong tâm hồn, cùng xây dựng một niềm tin vững chắc, một lòng phó thác hoàn toàn trong tay Chúa quan phòng, và còn phải biết liên lỉ cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn, giúp sức. Vì Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc loan báo Tin Mừng. Hơn nữa, không phải chỉ có những tu sĩ có khả năng, hay nhận sứ vụ truyền giáo mới phải trở nên gương chứng nhân. Nhưng tất cả tu sĩ, không phân biệt chức vụ, tuổi tác, đều lãnh nhận sứ mạng mở mang Nước Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói: “Là người tu sĩ, anh em được kêu gọi để truyền giáo không chỉ ở mức độ cá nhân, như mọi người đã được rửa tội, mà còn dưới hình thức cộng đoàn, với đời sống huynh đệ.”

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho sứ vụ truyền giáo của Hội dòng, qua những cố gắng, những nỗ lực không biết mệt mỏi, qua những hy sinh âm thầm và từng lời cầu nguyện chân thành, thắm thiết của chúng con. Ước chi đời sống của chúng con trở thành một bản tình ca về Tình Yêu Chúa cho muôn người được nhận biết, tin theo và yêu mến Chúa. Amen.

Comments are closed.

phone-icon