Ts. Trần Mỹ Duyệt
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: ‘Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.
Có ba loại kẻ thù mà chúng ta không thể yêu và cũng không được phép yêu đó là: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Chúng là những kẻ thù thiêng liêng, ẩn hiện qua hình hài, cuộc sống con người, và môi trường con người đang sống. Chính Chúa Giêsu trong Kinh Lạy Cha cũng dạy chúng ta phải xa tránh và cầu nguyện để khỏi bị lôi cuốn, hoặc rơi vào những cám dỗ ấy. Và Ngài gọi chúng là những sự dữ: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ” (Mt 6:13).
Nhưng còn những kẻ thù mà Ngài dạy chúng ta phải yêu thương, và còn hơn thế, phải cầu nguyện cho là ai? Theo ý nghĩa Thánh Kinh, kẻ thù của chúng ta là những người không thích chúng ta, những kẻ muốn làm hại chúng ta. Nhưng không phải là những người mà chúng ta không thích, hoặc những người mà chúng ta muốn làm hại. Đối với vài tác giả, khi dạy chúng ta thương yêu kẻ thù là Chúa Giêsu muốn giới thiệu và làm sáng tỏ giới luật yêu thương của Ngài để hoàn chỉnh lề luật công bằng cũ của Maisen, luật “mắt đền mắt, răng thế răng”. Hay nói theo thông thường là “ăn miếng, trả miếng”. Có lẽ những việc như vậy ai ai cũng làm được, vì thế, Chúa Giêsu muốn những môn đệ của mình phải hơn thế, phải vượt xa những hành động như vậy. Và đó là lý do Ngài muốn chúng ta yêu kẻ thù của mình. Ngài dạy: “Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con” (Mt 5:44). Để chi? “Để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương” (45). Trong thực hành, chính Ngài trên thập giá, đã xin với Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh Ngài (Luca 23:24).
Thánh Augustine suy về những gì Chúa Giêsu đã dạy, ngài viết: “Đâu có công bằng, ở đó không có bác ái”. Bởi vì công bằng là sòng phẳng, còn bác ái là làm hơn những gì mà công bằng đòi hỏi. Bởi thế, khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ Ngài và cả chúng ta nữa là hãy “yêu thương kẻ thù của mình”, Ngài muốn hướng chúng ta đến một thứ tình yêu cao cả, tình yêu đức ái (Agape love). Thứ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, cũng như con người đối với con người vì Thiên Chúa. Một tình yêu khác với tình yêu bạn hữu, tình yêu anh em, tình yêu chính mình, thứ tình yêu được gói trọn và vững vàng qua hy sinh vượt trên mọi tình huống: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 13:15).
Tóm lại, với tình yêu bác ái này, là những người con Chúa, chúng ta phải yêu thương thù địch mình, những người không yêu thích mình, những người có ý định hoặc hành động làm hại mình bằng cách vượt trên sự giận hờn, thù ghét, nhân danh tình yêu Thiên Chúa. Để được vậy, chúng ta phải thâm tín và hiểu rằng:
1. Tình yêu người Kitô hữu dành cho kẻ thù khác với tình yêu mà mình dành cho những người trong gia đình, bạn bè và người quen thân. Vì chúng ta không thể dễ dàng yêu một kẻ thù bằng với cảm xúc và tình cảm như yêu người thân hoặc bạn hữu. Chúa Giêsu biết rõ điều này.
2. Sự hy sinh của chúng ta phải mang ý nghĩa và hành động giúp cho kẻ thù của mình nên tốt. Đây là một hình thức yêu thương dành cho con người cũng như thế giới hướng về ơn cứu độ, và hy vọng cho kẻ thù ghét mình.
3. Tình yêu ấy không chấp nhận sự yếu đuối, nhu nhược, và để bị lợi dụng. Nó không giúp cho kẻ thù đi theo những gì họ muốn. Tình yêu đức ái đặt ưu tiên thắng vượt tội lỗi. Cũng giống như cha mẹ yêu thương và giáo dục con cái biết làm điều tốt cho mình và cho người chúng yêu.
4. Sau cùng, tình yêu agape là tình yêu của Thiên Chúa. Thực hiện điều này có nghĩa là chúng ta yêu kẻ thù mình khi để Chúa yêu những người ấy qua họ. Ước muốn yêu như Chúa yêu, và để sức mạnh của Thiên Chúa làm việc nơi mình.
Khi yêu kẻ thù mình như Chúa yêu ta, chúng ta lúc đó trở nên con cái của Ngài. Và kết quả là chúng ta không thể ghét bỏ anh chị em mình. “Vì nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh chị em mình thì họ là người nói láo” (1 Gioan 4:20). Thánh Gioan Tông Đồ đã viết như vậy.
Để thực hiện được việc này, dĩ nhiên đòi ta phải có lòng khiêm nhường. Vì nếu không khiêm nhường, chúng ta không thể để cho sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Và tự ái con người cũng không cho phép chúng ta hạ mình chịu thua thiệt, nhục nhã để chấp nhận kẻ thù. Một hành động đi ngược với bản tính con người tự nhiên. Thánh Charles de Foucauld đã viết: “Để yêu một ai, ta phải đặt hy vọng nơi người ấy. Vì khi chúng ta phán đoán ai là làm giảm đi niềm tin vào họ, và từ lúc ấy, chúng ta chỉ nhận diện họ qua những gì chúng ta thấy, rồi coi thường không yêu người ấy, và làm cho người ấy không có cơ hội trở nên tốt hơn. Chúng ta phải hy vọng mọi sự nơi mọi người.”
Tóm lại yêu thương kẻ thù là hành động phát xuất từ Thiên Chúa tình thương. Để yêu thương kẻ thù địch mình, chúng ta phải yêu Chúa, và có Chúa ở trong mình. Tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta vượt qua cái nhìn, suy nghĩ tự nhiên để khám phá ra hình ảnh của Ngài nơi kẻ thù của mình để yêu thương kẻ thù vì Ngài và với Ngài.
Lạy Chúa, xin hãy lấp đầy đời sống kẻ thù của con bằng muôn phúc lành và tình yêu của Chúa, để họ hiểu rằng họ cần sự hiện diện của Chúa như thế nào, nhờ đó, họ có thể được hạnh phúc thật.
Xin ban cho con một trái tim *
Thánh Têrêsa Calcutta
Xin ban cho chúng con một trái tim đẹp, thanh khiết và không tì vết của Chúa.
Một trái tim như trái tim Chúa, đầy tràn tình yêu và khiêm nhường.
Ước gì chúng con có thể rước Chúa Giêsu như Bánh Sự Sống,
Để yêu Chúa như Chúa đã yêu Chính Mình,
Để phụng sự Chúa dưới những khuôn mặt bị khinh bỉ của người nghèo.
Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen
_____________
*https://www.daily-prayers.org/angels-and-saints/prayers-of-blessed-mother-teresa-of-calcutta/