Nọc độc ghen tị

0

Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc

Lời Chúa (St 37, 12-27)

12 Các anh cậu đã đi chăn chiên dê của cha họ ở Si-khem.13 Ông Ít-ra-en bảo Giu-se: “Các anh con đang chăn chiên dê ở Si-khem phải không? Lại đây, cha sai con đến với các anh.” Cậu thưa: “Dạ, con đây! “14 Ông bảo cậu: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không, xem chiên dê có được yên lành không, rồi đem tin về cho cha.” Rồi ông sai cậu đi từ thung lũng Khép-rôn, và cậu đến Si-khem. 15 Có người gặp thấy cậu đi lang thang ngoài đồng; người đó hỏi cậu rằng: “Anh tìm gì đấy? “16 Cậu đáp: “Tôi đang tìm các anh tôi. Xin làm ơn chỉ cho tôi biết họ đang chăn ở đâu.”17 Người đó nói: “Họ đã lên đường đi khỏi đây, vì tôi có nghe họ nói: “Chúng ta đi Đô-than nào! ” Giu-se theo các anh và tìm thấy họ ở Đô-than.

18 Họ thấy cậu từ xa, và trước khi cậu tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu.19 Họ bảo nhau: “Thằng tướng chiêm bao đang đến kia!20 Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới đâu! “

21 Nghe thấy thế, Rưu-vên tìm cách cứu em khỏi tay họ; cậu nói: “Ta đừng đụng tới mạng sống nó.”22 Rưu-vên bảo họ: “Đừng đổ máu! Cứ ném nó xuống cái giếng kia trong sa mạc, nhưng đừng giơ tay hại nó.” Cậu có ý cứu em khỏi tay họ và đưa về cho cha.23 Vậy khi Giu-se đến chỗ các anh, thì họ lột áo chùng của cậu, chiếc áo chùng dài tay cậu đang mặc.24 Họ túm lấy cậu và ném xuống cái giếng; giếng đó cạn, không có nước.25 Rồi họ ngồi xuống dùng bữa. 26 Giu-đa nói với các anh em: “Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì?27 Thôi, ta hãy bán nó cho người Ít-ma-ên, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta.” Các anh em nghe cậu.

(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

********

Chúng ta vẫn ở trong sách Sáng Thế, nên có sự xuyên suốt trong mặc khải về Tội. Trong Vườn Eden, Thiên Chúa nói: “Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”. Đó không chỉ là hình phạt, hay không phải chính yếu là hình phạt, nhưng đó là “nọc độc” của Con Rắn, làm cho con người hiểu lệch lạc về Thiên Chúa và kêu trách Thiên Chúa, khơi dậy nơi con người sự ghen tị và lòng ham muốn; những điều này tất yếu gây ra bầu khí chết chóc trong nội tâm con người và trong mối tương quan giữa người và người, thậm chí gây ra cái chết thực sự, như bi cảnh trong gia đình tổ phụ Gia-cóp và kinh nghiệm sống hằng ngày của chúng ta cho thấy. Bởi lẽ, sự ghen tị và lòng ham muốn luôn đẩy con người đi rất xa trong hành vi bạo lực và hủy diệt.

Ghen tị là gì? Là tôi muốn có điều người khác có; điều người khác có, có thể là: tài năng, thành công, của cải, may mắn, ngoại hình… hay chính bản thân của người đó. Và vì không có được, thì đối với tôi, người khác không được quyền có, nghĩa là tôi tìm cách phá hủy. Điều này cũng hoàn toàn đúng, trong “tình yêu” nam nữ. Chúng ta để từ ngữ “tình yêu” trong ngoặc kép, bởi vì thực chất đó là lòng ham muốn. Là lòng ham muốn, nhưng người ta cứ tưởng là tình yêu; hay đó là tình yêu, nhưng là một tình yêu bị ô nhiễm bởi lòng ham muốn, bởi nọc độc ghen tị. Đây là một trong những vấn đề lớn của con người hôm nay, nhất là của giới trẻ.

Lịch sử cứu độ, ngang qua dân tộc được Đức Chúa tuyển chọn, cho chúng ta thấy “nọc độc ghen tị” lây lan và tác hại như thế nào. Kinh Thánh mặc khải về Tội đang hiện diện và hành động trong nội tâm và trong thế giới loài người chúng ta, nhưng cũng đồng thời mặc khải nguồn gốc của Tội là “Con Rắn” và cách thức Thiên Chúa chiến thắng Sự Dữ và giải thoát con người khỏi Sự Dữ, như lòng mong ước của chúng ta: “Xin cứu chúng con cho khỏi Sự Dữ”.

Thật vậy, số phận của ông Giuse, được kể lại trong Kinh Thánh, mời gọi chúng ta xác tín rằng Sự Dữ và tội lỗi vẫn không làm thất bại kế hoạch yêu thương, nhưng còn làm kế hoạch này đi tới cùng. Đó là những gì xẩy ra cho ông Giuse; và số phận của ông loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

1. Tình thương của cha (c. 12-17)

12 Các anh cậu đã đi chăn chiên dê của cha họ ở Si-khem.13 Ông Ít-ra-en bảo Giu-se: “Các anh con đang chăn chiên dê ở Si-khem phải không? Lại đây, cha sai con đến với các anh.” Cậu thưa: “Dạ, con đây! “14 Ông bảo cậu: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không, xem chiên dê có được yên lành không, rồi đem tin về cho cha.” Rồi ông sai cậu đi từ thung lũng Khép-rôn, và cậu đến Si-khem. 15 Có người gặp thấy cậu đi lang thang ngoài đồng; người đó hỏi cậu rằng: “Anh tìm gì đấy?”16 Cậu đáp: “Tôi đang tìm các anh tôi. Xin làm ơn chỉ cho tôi biết họ đang chăn ở đâu.”17 Người đó nói: “Họ đã lên đường đi khỏi đây, vì tôi có nghe họ nói: “Chúng ta đi Đô-than nào! ” Giu-se theo các anh và tìm thấy họ ở Đô-than.

Để nghiệm được sự kì dị của lòng ghen tị, trước hết chúng ta cần nhận ra tình thương của người cha đối với các anh của Giuse: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không”. Khởi đi từ lời nói yêu thương này, chúng ta có thể nhận ra tất cả những gì người cha đã làm cho các anh của Giuse: tình thương, sự sống, mái ấm, nuôi dưỡng và cả công việc nữa: “Các anh cậu đã đi chăn chiên dê của cha họ ở Si-khem”. Để cho Lời Chúa đụng chạm, chúng ta được mời gọi nhớ lại mọi ơn lành Chúa ban cho chúng ta, ngang qua những người thân yêu trong gia đình và trong hành trình ơn gọi của chúng ta (x. Tv 139).

Chúng ta đừng quên chú ý đến tâm tình của Giuse đối với cha và đối với các anh. Hình dung ra hành trình của Giuse từ nhà của cha đến với các anh:

“Lại đây, cha sai con đến với các anh”. Cậu thưa: “Dạ, con đây!”
Có người gặp thấy cậu đi lang thang ngoài đồng; người đó hỏi cậu rằng: “Anh tìm gì đấy?” Cậu đáp: “Tôi đang tìm các anh tôi. Xin làm ơn chỉ cho tôi biết họ đang chăn ở đâu.”

Cảm nhận được tình thương của cha dành cho mình, Giuse đến với các anh của mình với cùng một tình thương mình đã nhận được. Như Đức Giê-su nói: “Cha Thầy yêu mến như thế nào, Thầy của yêu mến anh em như vậy” (Ga 15, 9)

2. Lập mưu giết em (c. 18-20)

Họ thấy cậu từ xa, và trước khi cậu tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu.19 Họ bảo nhau: “Thằng tướng chiêm bao đang đến kia! Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới đâu!”

Các anh của Giuse ngụp lặn trong tình thương của cha, và của cả em út Giuse nữa, dành cho mình, nhưng lại mù quáng, để cho nọc đọc so bì chiếm hữu lòng của mình. Tình thương của người cha dành cho các con của mình, đúng là có khác biệt, nhưng đó là sự tự do của tình yêu, chứ không phải là quyền lợi, hay lương bổng mà những người con đòi buộc phải được hưởng như nhau. Đó là thái độ của những người làm việc suốt ngày trong dụ ngôn làm vườn nho (x. Mt 20, 1-18), và của người con lớn trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc 15, 11-32. Đây là bài Tin Mừng của thứ bảy, sau Chúa Nhật II Mùa Chay). Điều người cha chờ đợi, là các anh nhận ra tình yêu của Cha đối với mình và cách đặc biệt đối với em, để ca tụng cha và chúc mừng em, thay kêu trách cha và ghen tị với em; đó là thái độ của người con lớn: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15, 29-30)

 

Chúng ta

Cha
(Thiên Chúa và những người thay mặt Thiên Chúa
Em
(người thân yêu trong gia đình hay trong cộng đoàn)
 

Hệ quả

Ơn gọi
làm con Cha và là anh chị em của nhau
Ca tụng Chúc mừng Đâu là những hệ qủa của tâm tình ca tụng và chúc mừng?
“Con Rắn”
gieo nọc độc
Kêu trách Ghen tị Đâu là những hệ quả của nọc độc kêu trách và ghen tị?

Ghen tị dẫn tới âm mưu giết người. Âm mưu hay ý định hại người, chưa cần đi đến hành vi, đã gây chết chóc cho người có âm mưu và cho người bị thù ghét rồi, khi biết hay cảm nhận được. Đó cũng chính là nỗi khổ của Giuse trong đời sống thường ngày, trước khi bị các anh mưu hại. Chính vì thế Đức Giê-su mời gọi chúng ta phải giữ luật chớ giết người khởi đi từ con tim và lời nói (x. Mt 5, 21-28). Bởi vì đó là nguồn, và ở mức độ nguồn, sự thù ghét đã gây ra bầu khí chết chóc, mà chưa cần phải hành động.Và chính Đức Giê-su cũng đã bị ghen ghét và người ta có âm mưu giết Người từ rất sớm (x. Mc 3, 1-6). Chúng ta hãy tự hỏi: tôi đã và đang bị chi phối đến đâu và như thế nào nọc đọc ghen tị? Tôi tự giải thoát khỏi được không? Ai giải thoát tôi và giải thoát thế nào? (Có thể đọc Rm 7, 7-25).

Âm mưu dẫn đến hành vi bạo lực. Bởi vì ghen tị, ham muốn và bạo lực đi với nhau: tôi muốn điều người khác có; và vì mình không có được nên người khác không được quyền có, tôi sẽ phá hủy, sẽ loại trừ, sẽ tiêu diệt. Ở đây bạo lực đi rất xa là giết chết, và năng động của bạo lực là như thế, luôn đi tới tận cùng là hủy diệt là giết chết. Trong cuộc thương khó, khi người Do thái dẫn Đức Giê-su đến với Phi-la-tô để xin án tử, thánh sử Mác-cô mặc khải cho chúng ta biết rằng, Phi-la-tô “thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người” (Mc 15, 10). Vẫn chưa hết hệ quả: ghen tị dẫn đến bạo lực; và bạo lực luôn đi đôi với gian dối, che lấp, vì bạo lực rất kì dị, ngược với căn tính đích thật của con người. Vì thế, sau khi hành động, phải phi tang, che đậy, nói dối, thậm chí giết người diệt khẩu! Bạo lực phát sinh bạo lực: “Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó.” (St 37, 20)

Vô ơn, dẫn đến ghen tị; và cả sự nghi ngờ nữa; nghi ngờ nghĩa là không tin. Ở đây, họ không tin vào giấc chiêm bao, và họ muốn chứng minh ngược lại. Không tin cũng sẽ dẫn đến bạo lực. Thực vậy, tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. Giống như, hành động hái trái cấm phát xuất từ thái độ nội tâm không tin vào lời Thiên Chúa:

Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!(Tv 22, 9)

“Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”
(Kn 2, 17-20)

 3. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (c. 21-27)

21 Nghe thấy thế, Rưu-vên tìm cách cứu em khỏi tay họ; cậu nói: “Ta đừng đụng tới mạng sống nó.”22 Rưu-vên bảo họ: “Đừng đổ máu! Cứ ném nó xuống cái giếng kia trong sa mạc, nhưng đừng giơ tay hại nó.” Cậu có ý cứu em khỏi tay họ và đưa về cho cha.23 Vậy khi Giu-se đến chỗ các anh, thì họ lột áo chùng của cậu, chiếc áo chùng dài tay cậu đang mặc.24 Họ túm lấy cậu và ném xuống cái giếng; giếng đó cạn, không có nước.25 Rồi họ ngồi xuống dùng bữa.

26 Giu-đa nói với các anh em: “Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì?27 Thôi, ta hãy bán nó cho người Ít-ma-ên, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta.” Các anh em nghe cậu.

Các anh hành động theo thú tính, như Đức Chúa nói với Cain: “Nếu ngươi hành động không tốt, thì Tội (là con thú hay như nhân vật) đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” (St 4, 7). Nhưng vẫn còn nhân tính, nhân tính nơi Rưu-vên và Giu-đa. Như thế, nhân tính được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa vẫn có đó và có khả năng cứu thoát Giu-se, và nhất là giải thoát con người khỏi thú tính, nếu được đánh thức và nuôi dưỡng. Đức Giê-su nuôi dưỡng nhân tính của chúng ta hàng ngày bằng Lời và Mình Máu của Ngài. Thú tính còn được biểu hiện dưới dạng, loài người coi nhau như một món hàng để trao đổi và mua bán! Trong khi đó loài người dựng nên là một.

*  *  *

Chúng ta được mời gọi nhận cách hành động của Thiên Chúa qua cuộc đời của ông Giuse: Người dùng chính con đường của tội, và đàng sau tội là Satan, để biến thành con đường của ơn chữa lành, giải thoát và cả sự hòa giải nữa, giữa hai dân tộc Do Thái và Ai cập: “Ông Giu-se nói với họ: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa!20 Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19). Bởi lẽ, lên án và giết chết không phù hợp bản tính tình yêu của Thiên Chúa. Con đường chết, do tội gây ra, trở thành con đường sống, sống cho Giu-se và cả một dân tộc. Sự sống của cả một dân tộc, đáng lẽ đã bị hủy diệt do tội, nhưng Thiên Chúa dùng chính con đường của tội để bày tỏ tội và cứu sống.

Câu chuyện của Giuse nói rất nhiều về loài người và từng người chúng ta; và tất cả loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô: tội đi tới cùng, là giết chết, nhưng lại là con đường Chúa dùng để hoàn tất kết hoạch cứu độ: tình yêu đến cùng bằng lòng thương xót và ơn giải thoát khỏi sự dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo:

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Người rẽ nước mênh mông,
mà chăng ai nhận thất vết chân Người.
(Tv 77, 22)

Khởi đi từ những suy niệm vừa được trình bày, chúng ta có thể so sánh câu chuyện của Giuse với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô:

  Ông Giuse Đức Giê-su
Trước thử thách    
Thử thách    
Sau thử thách    
Ơn tha thứ và chữa lành    

Comments are closed.

phone-icon