Ts. Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ
1. “Giêsu Nazareth, Vua Do Thái”. Đây là danh hiệu được đóng trên thập giá. Liền trước khi Đức Kitô tắt thở, một trong hai người bị hành hình thập giá cùng Ngài đã thưa với Ngài: “Lạy Ông Giêsu, xin nhớ đến tôi khi về nước của ngài”. Nước gì? Điều mà người này xin rõ ràng không phải là một quốc gia trần thế, nhưng là một cái gì khác.
Điều người trộm lành nói xem như anh ta đã nghe được những lời trao đổi trước đó giữa Philatô và Đức Kitô. Đúng ra, trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã bị tố cáo muốn tự mình làm vua. Philatô đã hỏi Ngài về điều này: “Ông có phải là Vua người Do Thái không” (Jn 18:33). Đức Kitô không phủ nhận điều này; Ngài đã giải thích: “Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, nhân dân tôi sẽ chiến đấu, để tôi không bị rơi vào tay người Do Thái; nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này” (Jn 18:36). Trước câu hỏi được lặp lại của Philatô là liệu Ngài có phải là vua không, Chúa Giêsu đã trả lời một cách trực tiếp: “Ngài nói tôi là vua. Vì lý do này tôi đã được sinh ra, và vì thế tôi đã đến trong thế gian này, tôi đến để làm chứng cho sự thật. Ai là người của sự thật thì nghe tiếng tôi” (Jn 18:37).
2. Phụng Vụ hôm nay nói về quốc gia trần thế của Israel bằng cách nhắc lại việc xức dầu phong vương của Đavít. Đúng vậy, Thiên Chúa đã chọn Israel, Ngài đã sai đến nó không những các tiên tri mà còn cả các vua, khi Dân Được Chọn đã đòi hỏi một người trần để cai trị họ. Trong tất cả các vị vua ngồi trên ngai của Israel, người vỹ đại nhất là Đavít. Khi bài đọc thứ nhất trong lễ này nói về vương quốc đó, nó cũng gợi lại rằng Chúa Giêsu Nazareth thuộc dòng tộc Vua Đavít, nhưng trên tất cả, nhấn mạnh rằng vương quốc của Đức Kitô là một vương quốc khác.
Những lời mà Đức Maria nghe trong ngày Truyền Tin có ý nghĩa rất đặc biệt: “Thiên Chúa sẽ cho Ngài ngai của thân phụ Đavít, và Ngài sẽ cai trị đời đời trên nhà Giacóp; và triều đại Ngài sẽ vô cùng tận” (Lk 1:32-33). Vì thế, nước này không phải là nước trên mặt đất của Đavít, mà nó đã chấm dứt. Nước của Đức Kitô, là nước sẽ không cùng tận, Nước muôn thuở, Nước của sự thật, của tình yêu và sự sống đời đời.
Người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu đã đến được trung tâm của sự thật này. Thật vậy, bằng một cảm giác rõ ràng, anh đã trở thành một vị tiên tri nói về nước muôn thuở này khi đang bị treo trên thập giá: “Lạy Ngài Giêsu, khi về nước Ngài xin nhớ đến tôi” (Lk 23:42). Chúa Giêsu đã đáp lại: “Hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với ta” (Lk 23:43).
3. Đối với Nước này, nước không thuộc về thế gian, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy nhìn vào đó khi Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Nước Cha trị đến”. Vâng lệnh của Ngài, các Tông Đồ, các môn đệ và những nhà truyền giáo qua mọi thời đại đã làm tất cả những gì họ có thể để mở rộng, bằng việc phúc-âm-hóa, biên cương của Nước này. Vì nó vừa là hồng ân của Chúa Cha (cf.LK12:32) và cũng là kết quả của sự đáp trả của con người. Trong “tạo dựng mới”, chúng ta sẽ có thể bước vào Nước của Chúa Cha bằng cách theo Chúa trong hành trình dương thế của chúng ta. (cf. Mt 19:28).
Vì vậy, đây là chương trình của mọi Kitô hữu: bước theo Chúa, trên Đường, và sự Thật, và sự Sống, để chiếm hữu Nước mà đã được hứa và ban cho. Hôm nay, trong khi cử hành trọng thể Thánh Lễ này, chúng ta khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt Châu Đại Dương, với châm ngôn là: “Chúa Giêsu Kitô và Các Dân Tộc Đại Dương Châu: Bước trên Con Đường của Ngài, Rao giảng sự Thật của Ngài, và Sống đời Sống của Ngài”.
Xin chào mừng, các Chư Huynh đáng kính trong hàng Giám Mục, những vị được trao nhiệm vụ săn sóc các Giáo Đoàn của Châu Đại Dương. Cùng với các ngài, tôi đón chào tất cả những ai phục vụ trong Thượng Hội Đồng, và những ai đóng góp phần sửa soạn nó. Tôi cũng muốn gửi lời chào thân thương đến tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu và dân tộc của Đại Dương Châu, những người đã hiệp thông một cách tinh thần với chúng tôi trong giờ phút này.
“Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, được Cha sai xuống để mang lại ơn cứu độ cho thế giới, đã công bố và sáng lập Vương Quốc Thiên Chúa… Chúa Cha trong việc nâng Người dậy từ cõi chết, đã làm cho Người trở nên con Đường, Sự Thật, và Sự Sống viên mãn và muôn thuở cho tất cả những ai tin vào Người” (Instrumentum Laboris, 5). Một phần xa xôi của Giáo Hội này, đã vươn tới những chân trời xa thẳm của Châu Đại Dương, để cho biết Con Đường và nó hiểu rằng ở đó sẽ tìm được Sự Thật và Sự Sống: con đường của Phúc Âm, con đường được chỉ dẫn bởi các Thánh, và các Vị Tử Đạo, những người đã dâng hiến mạng sống mình vì Tin Mừng (cf. Instrumentum Laboris, 4).
4. Trong khi Giáo Hội hoàn vũ chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của đệ tam thiên niên kỷ, các vị Chủ Chăn của Đại Dương Châu đã họp lại trong sự hiệp nhất, kết hợp với đấng kế vị của Phêrô, để mang lại nguồn sinh lực mới đối với quan tâm mục vụ mà nó mang lại sự khích lệ cho các ngài, để công bố vương quốc của Chúa Kitô trong những nền văn hóa và nhân văn dị biệt, những truyền thống xã hội và tôn giáo, và trong sự khác nhau một cách rõ ràng nơi các dân tộc của các ngài.
Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô giải thích bản chất của vương quốc mà Chúa Giêsu nói. Ngài viết cho những tín hữu Colossian: Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa, Đấng “đã kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm, và chuyển anh em vào nước của Con chí ái Người, trong Ngài ta có ơn cứu chuộc, ơn tha tội” (1:13-14). Một cách chính xác, chính sự tha thứ tội lỗi này mà người trộm thống hối được lãnh nhận trên đồi Calvary. Anh ta là người đầu tiên cảm nghiệm được sự thật rằng Chúa Kitô Vua, vì Ngài là Đấng Cứu Độ.
Thánh Tông Đồ tiếp tục giải thích vương quốc Chúa Kitô: “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Col 1:15-17). Vì vậy, Chúa Kitô là Vua trên tất cả như trưởng tử đầu tiên của muôn loài tạo vật.
Bản văn của Thánh Phaolô tiếp tục: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (ibid., 1:18-20). Với những lời này, Thánh Tông Đồ một lần nữa khẳng định và xác nhận những gì ngài đã trình bày về bản chất của vương quốc Đức Kitô: Đức Kitô là Vua như trưởng tử của kẻ chết. Nói một cách khác, như Đấng Cứu Thế của thế giới, Đức Kitô đã sống lại và bị đóng đinh là Vua một nhân loại mới.
5. “Lạy Ngài Giêsu, khi Ngài về nước Ngài xin nhớ đến tôi” (Lk 23:42).
Trên đồi Calvary, Chúa Giêsu có một người đồng hành khác thường đối với lòng thương xót của Ngài, một tên trộm. Đối với con người bất hạnh này, bị đóng đinh thập giá trở thành không thể lầm lẫn, con đường đi tới thiên đàng (cf. Lk 23:43), con đường tới sự thật và sự sống, con đường tới vương quốc. Hôm nay chúng ta nhớ đến ông như một “người trộm lành”. Trong giây phút trọng đại này, chúng ta họp nhau chung quanh bàn thờ của Đức Kitô, bắt đầu một Thượng Hội Đồng liên quan đến cả một châu lục với những vấn nạn và hy vọng của nó. Chúng ta cũng có thể dùng lời cầu của người “trộm lành” để làm lời cầu của chúng ta:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con, xin nhớ đến chúng con, xin nhớ đến những dân tộc mà các vị Mục Tử đã tự họp nơi đây, hằng ngày ban phát bánh hằng sống và bánh thật của Phúc Âm Chúa, băng qua những miền đất và biển xa xôi. Khi chúng con cầu xin nước Chúa trị đến, chúng con thấy rằng lời hứa của Chúa đang trở thành một hiện thực: sau khi theo Chúa, chúng con đến với Chúa trong nước của Chúa, được Chúa kéo lên khi Chúa bị nâng lên trên Thánh Giá (cf. Jn 12:32); để Chúa được nâng cao trên lịch sử và trung tâm của nó, Nguyên Thủy và Cùng Đích, bắt đầu và kết thúc (cf. Rv 22:13), Chúa của thời gian và muôn thế hệ!
Chúng con chúc tụng Chúa bằng những lời của thánh thi cổ xưa:
Vì cái chết đau thương của Chúa, Vua muôn đời vinh hiển,
Mà Chúa mang lại sự sống đời đời cho muôn dân nước;
Vì thế toàn thể thế giới gọi Chúa là Vua muôn loài.
Xin Ngài ngự trị trên chúng tôi, lạy Chúa Kitô”. Amen.
__________
Nguồn: https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/1998/documents/hf_jp-ii_hom_22111998.html