Nguồn: WAU
Theo Word Among Us, Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP
Trong tất cả những cách Chúa Giêsu có thể chào đón các tông đồ vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Người đã chọn bốn từ đơn giản: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19).
Có thể rất dễ dàng để lướt qua việc chào đón này, nhưng việc mở những sứ điệp như thế này có thể nói cho chúng ta nhiều điều. Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu vừa mới sống lại từ cõi chết. Người đã hoàn thành kế hoạch cứu độ kéo dài qua bao thế kỷ của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu vừa đánh bại ma quỷ và mở cửa thiên đàng cho tất cả những ai tin. Giờ đã đến lúc Người mạc khải chính mình cho những người bạn thân tín nhất của mình. Đó chính là lúc mạc khải ơn cứu độ của họ và phép lạ về sự phục sinh. Vậy bạn nghĩ Người sẽ nói điều gì đó quan trọng hơn nữa để đánh dấu giây phút chủ chốt này chứ? Nhưng Người đã không làm thế. Thay vào đó, Người chọn nói một lời chào hỏi hằng ngày. Tuy nhiên, bất kể tất cả sự thân mật của nó, lời chào này chứa đựng trọng tâm, cốt lõi của sứ điệp Phục Sinh.
Bình An với Thiên Chúa. Các tông đồ đã không ở trong tình trạng bình an nhất khi Chúa Nhật Phục Sinh ló rạng. Các ông không chỉ nhìn thấy Chúa bị bắt và đóng đinh, nhưng còn cảm nghiệm sự yếu đuối và thiếu đức tin của chính mình. Thay vì giữ vững lời hứa của Người rằng Người sẽ sống lại, các ông đã sợ hãi và nghi ngờ. Chạy tán loạn khi Chúa Giêsu bị bắt, các ông đã lùi bước trong suốt phiên tòa xử và đóng đinh Người. Sau đó, các ông lẩn trốn, lo lắng rằng các nhà cầm quyền sẽ truy lùng mình. Về mọi phương diện, các ông đã làm Chúa Giêsu thất vọng.
Nhưng khi Chúa Giêsu hiện ra, Người đã không khơi lại những biến cố xấu hổ, đau đớn của vài ngày qua. Người thậm chí đã không đề cập đến chúng! Thay vào đó, Người chỉ chúc họ bình an.
“Bình An cho anh em”. Những lời này nhắc nhớ chúng ta về những lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình. Khi tất cả những người tố cáo chị đã bỏ đi hết, Chúa Giêsu nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Những lời ấy cũng nhắc nhớ chúng ta về cách Chúa Giêsu đáp lại khi Phêrô nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Người đã không tham gia với Phêrô trong việc tự đánh giá tiêu cực về ông. Người đã không kể lại một danh sách các tội lỗi và thiếu sót của ông. Tất cả những gì Người nói là: “Đừng sợ; từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10)
Trong cả hai câu chuyện này, và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa, mục đích chính của Chúa Giêsu là chứng tỏ rằng Người đã không đến thế gian để kết án chúng ta nhưng để cứu độ chúng ta (x. Ga 3,17). Người đã không muốn một mối tương quan được đánh dấu bởi sự trả thù, trừng phạt hay sự giận dữ. Tất cả những gì Người muốn cho chúng ta là được bình an với Người.
Hai Loại Bình An. Những lời “Bình an cho anh em” nói với chúng ta điều gì? Chúng nói rằng bất kể bao nhiêu lần chúng ta phạm tội, bất kể sự xúc phạm của chúng ta nặng nề, trầm trọng thế nào, Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi. Người thực hiện điều này để chúng ta có thể cảm nghiệm sự bình an đến từ việc được hoà giải với Người. Bao lâu chúng ta ở lại với Người, sự bình an của Người sẽ ở lại chúng ta.
Giờ đây, sự bình an đến từ Chúa Giêsu không giống như sự bình an của thế gian này (x. Ga 14,27). Sự bình an của thế gian tuỳ thuộc vào những hoàn cảnh thuận lợi: theo cách của chúng ta, mọi thứ diễn ra như mong đợi, với một vài vấn đề có thể giải quyết được. Điều đó nghe có vẻ hay, nhưng ngay khi mọi thứ không như ý muốn, loại bình an này có xu hướng tan biến, làm chúng ta lo lắng và bực bội.
Trái lại, sự bình an mà Chúa Giêsu mang lại giúp chúng ta đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, phiền muộn mà không bị nuốt chửng bởi sự lo lắng hoặc tức giận hay sợ hãi. Nó mang lại cho chúng ta sự tin tưởng thầm lặng trong tâm hồn hướng dẫn chúng ta khi chúng ta đối diện với những quyết định đầy thách đố. Đó là sự bình an không tuỳ thuộc vào những biến cố trong ngày sống của chúng ta nhưng tuỳ thuộc vào tình yêu vô biên của Chúa: “Tôi thuộc về Chúa Kitô và tôi biết rằng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi!”
Bình An với Chính Mình. Có lẽ câu chuyện Phục Sinh với Thánh Phêrô có thể cho chúng ta thoáng nhìn vào loại bình an mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta (x. Ga 21,15-19). Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, Phêrô, “tảng đá” của Hội Thánh, thậm chí đã chối là biết Chúa. Giờ đây, ông ở đây trên bờ biển hồ Galilê, có lẽ một mình với Chúa Giêsu lần đầu tiên từ khi Người sống lại. Tất cả những kiểu suy nghĩ này có lẽ đang khuấy động trong tâm trí ông – và không có tư tưởng, suy nghĩ nào là tích cực. “Làm sao Chúa Giêsu có thể tin tưởng tôi lần nữa? Hãy nhìn vào cách tôi đã làm Người thất vọng. Không cách nào tôi có thể lãnh đạo Giáo Hội!”
Nhưng Chúa Giêsu đã cắt đứt mặc cảm tội lỗi và sự xấu hổ của Phêrô bằng cách hỏi ông một câu đơn giản: “Anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15). Thực vậy, Người đã hỏi câu hỏi này đến ba lần, làm cho Phêrô phải thú nhận: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (21,17).
Chúa Giêsu không cần nghe Phêrô nói: “Con yêu mến Thầy” ba lần. Thay vì Phêrô cần nói nói đi nói lại điều đó. Ông cần nhận ra rằng cho dẫu hành động nhút nhát và chối bỏ của mình, ông vẫn chân thành yêu mến Chúa Giêsu. Và điều đó là đủ với Chúa. Phêrô không phải thực hiện những hành động chuộc tội gian khổ để sửa sai chính mình, và chúng ta cũng không cần như thế. Ông không cần giam hãm mình trong mặc cảm tội lỗi, và chúng ta cũng thế. Tất cả những gì ông cần là phải tái khám lại tình yêu của ông dành cho Chúa Giêsu, và chúng ta cũng thế. Khi Phêrô nhận ra điều này, cuối cùng ông được bình an với chính mình. Không còn bị trói buộc trong mặc cảm tội lỗi hay tức giận về sự thất bại của mình, Phêrô tự do để lãnh đạo Giáo Hội như Chúa Giêsu đã mời gọi ông.
Không ai trong chúng ta sẽ là những môn đệ hoàn hảo. Có thể có những ngày khi chúng ta làm Chúa Giêsu hoặc ai đó thân thiết với chúng ta phải thất vọng. Nhưng chúng ta còn hơn thế nữa so với tổng số những lỗi lầm và thất bại của mình. Chúng ta còn hơn cả tổng số những thành công và đột phá của chúng ta. Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn và tiền định hưởng thiên đàng. Chúa Giêsu không quan tâm đến việc xem lại tất cả những tội lỗi quá khứ của chúng ta. Người không quan tâm thắc mắc tất cả những động cơ hiện tại của chúng ta. Tất cả những gì Người muốn làm là hướng chúng ta đến tình yêu mà chúng ta đã có đối với Người, và chúng ta sẽ tìm thấy cách sống để có được sự bình an trong tâm hồn mình. Và chúng ta càng bình an, chúng ta càng dễ dàng đi theo Chúa Giêsu và hoàn thành ơn gọi mà Chúa ban cho chúng ta.
Bình An với Nhau. Cuối cùng, quà tặng bình an của Chúa Giêsu có nghĩa là làm lan toả (sự bình an) vào trong các mối tương quan của chúng ta với nhau. Ngay lập tức sau khi nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em”, Chúa Giêsu nói: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Chúa Giêsu đang sai chúng ta ra đi, đang mời gọi chúng ta đối xử với nhau bằng chính lòng thương xót và tình yêu mà Người đã tỏ cho chúng ta. Đó là lòng thương xót phá đổ những bức tường hận thù chia rẽ, không tha thứ và định kiến (x. Ep 2,14). Đó là tình yêu cho chúng khả năng yêu thương nhau cách sâu sắc và được bình an với nhau.
Yêu thương và tha thứ cho nhau có lẽ là vấn đề thách đố nhất trong cuộc sống Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta biết thật khó biết bao để yêu thương vô điều kiện và không có quy định gì. Chúng ta biết thật khó biết bao để tha thứ cho ai đó đã làm tổn thương chúng ta. Phản ứng tự nhiên của chúng ta là nổi giận, đắm chìm trong mặc cảm tội lỗi hoặc thu mình trong sự oán hận.
Cách duy nhất chúng ta có thể vượt qua những thái độ này là phải “để sự bình an của Chúa Kitô” ngự trị và điều khiển tâm hồn chúng ta (Cl 3,15). Nếu chúng ta có thể tưởng tượng những gì Phêrô và các tông đồ khác đã cảm thấy khi Chúa Giêsu đứng trước họ, ban cho họ sự tha thứ vô điều kiện và tình bạn hữu vô hạn, chúng ta sẽ thấy tâm hồn mình dịu đi. Nếu chúng ta có thể tưởng tượng chính chúng ta ở trong tình huống của các ngài, biết rằng Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta cũng không kết án con”, chúng ta sẽ tìm thấy ân sủng để làm điều tương tự cho nhau.
Chính những kinh nghiệm riêng của Phêrô với Chúa Giêsu và các môn đệ đã dạy cho ông rằng “tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8). Nếu chúng ta có thể hiến thân mình để sống trong tình yêu và lòng thương xót, chúng ta sẽ nhận thấy chính mình hợp nhất với các bạn hữu, các thành viên gia đình và những người lân cận của mình.
Bình An cho Bạn. Trong suốt mùa Vọng, chúng ta chờ đợi Chúa Giêsu đến, “Hoàng Tử Bình An” (Is 9,5). Vào đêm Giáng Sinh, chúng ta nghe các thiên thần loan báo “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14). Vào lúc khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Và tại bữa Tiệc Ly, như một món quà chia ly, Người nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).
Suốt cuộc đời mình, Chúa Giêsu đã làm việc không mệt mỏi để tháo bỏ những cản trở ngăn chúng ta nhận biết sự bình an với Thiên Chúa, sự bình an trong tâm hồn chúng ta và sự bình an với nhau. Rồi đến Chúa Nhật Phục Sinh, Người loan báo rằng lời hứa đã được hoàn trọn. Mọi cản trở đối với sự bình an đã bị tháo dỡ! Giờ đây Chúa Giêsu đang đứng trước chúng ta như một Đấng Cứu Độ tha thứ, chứ không phải là thẩm phán báo thù. Người đứng trước chúng ta để ban cho chúng ta sự bình an của Người.
Hãy để cho lời của Người thấm đẫm vào trong tâm hồn bạn. Hãy để cho sự thật đằng sau những lời ấy tìm được chỗ trong bạn. “Bình an cho anh em” không chỉ là một lời chào thăm dễ chịu. Đó là một lời hứa và một quà tặng của Thiên Chúa toàn năng!