Chầu Thánh Thể – Chúa Nhật 3 Phục Sinh, năm B

0

 Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp

I. KHAI MẠC

– Kinh CTT, Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội
Hát: Ta là bánh hằng sống

II. TÔN VINH THÁNH THỂ

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì thương chúng con quá tội lỗi mà Chúa đã tự nguyện nên tế vật dâng hiến, để qua trăm chiều đau khổ, sự chết, Chúa thanh tẩy lương tâm chúng con. Chúa xin Cha ban ơn tha thứ, giao hòa cho chúng con. Sau ba ngày yên nghỉ trong mồ đá, Chúa đã sống lại hiển trị muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa, đã lưu dấu tình yêu sống động đó qua hy tế bàn thờ. Nhờ hiến lễ tạ ơn mà mỗi ngày Chúa tiếp tục đổ máu cho nhiều người được hoán cải và được thánh hóa. Qua hiến lễ tạ ơn, chúng con được tưởng niệm mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Chúa, được Chúa trao ban Máu Thịt, trao ban chính sự sống của Chúa cho chúng con. Yến tiệc Thánh Thể cho chúng con hồng ân vượt mọi hồng ân, là tháp nhập nên một trong Chúa, tan biến hòa hợp trong Chúa, được Chúa ở cùng, được ở trong Chúa, được sống nhờ Chúa, với Chúa, liên kết mật thiết với Chúa, và hợp nhất yêu thương mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hy sinh trọn vẹn cho chúng con. Qua thánh lễ Misa Chúa còn muốn mỗi ngày tiếp tục đổ máu thanh tẩy chúng con khỏi mọi sự dữ, và ngang qua bánh các thiên thần, Chúa đỡ nâng, trợ sức, giúp chúng con quyết tâm loại trừ bao đam mê tật xấu, những mưu chước cám dỗ làm lòng chúng con lìa xa Chúa.

Giờ đây, cũng chính những tâm tình cảm tạ lại thúc đẩy chúng con về bên Chúa. Xin được dâng lên Chúa những lời ngợi khen, chúc tụng. Xin được tri ân, cảm mến và hiến dâng. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể sưởi ấm tim lòng chúng con còn nhiều hững hờ xa cách Chúa. Xin Chúa Giêsu là lời Thiên Chúa ban chân lý rọi sáng tâm tư, giúp chúng con sống và chu toàn tâm nguyện của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin hiện diện giữa chúng con trong giờ cầu nguyện này. Xin cho chúng con mượn cung lòng tinh tuyền của Mẹ, để cưu mang Chúa Giêsu Thánh Thể hết mọi ngày, trọn hành trình dương thế. Xin cho trái tim chúng con được diễm phúc hòa nhịp cùng trái tim Mẹ, để mãi mãi yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng tình yêu tuyệt đối nồng say, như tình yêu Mẹ vẫn dành cho người con chí ái của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con chân thành đón nhận sứ điệp tình yêu cứu độ của Chúa.

Hát: Lắng nghe Lời Chúa

III. ĐỌC LỜI CHÚA (Lc 24, 35 – 48)

IV. SUY NIỆM 

Khi ngày giờ cử hành hiến tế tình yêu để tôn vinh Cha và cứu rỗi toàn nhân loại gần kề, Chúa Giêsu đã từng bước chuẩn bị tâm lý cho các tông đồ đón nhận cuộc vượt qua của Ngài bằng cách: Ngài ba lần loan báo cuộc Tử nạn Phục sinh của Ngài. Ấy thế mà khi Chúa bị giết trên thập giá và mai táng trong mồ thì niềm tin, niềm hy vọng Ngài là Đấng Mêsia, là nhà giải phóng Israel khỏi ách đô hộ Rôma mà bao năm tháng lòng họ hằng khao khát mong chờ chợt tan vỡ. Chán chường và thất vọng đã phủ kín tâm tư họ. Bà Maria khi đến thăm mộ Chúa, không thấy xác Chúa đã than khóc “vì người ta đã lấy mất Chúa tôi, và tôi không biết họ đã để Người ở đâu”. Ngôi mộ trống làm cho Maria hoảng hốt, vì bà chưa thực sự tin vào lời Chúa tiên báo về sự phục sinh của Ngài… Mãi cho đến khi Chúa gọi “Maria”, thì đôi mắt niềm tin của bà mở ra, bà nhận ra Đức Giêsu là Đức Chúa sống lại từ cõi chết. Và bà trở thành nhân chứng đầu tiên loan tin vui Phục sinh cho đoàn tông đồ.

Bởi khao khát những người đã được chọn gọi đều tin và làm chứng cho sự Phục Sinh của Ngài, nên ngay sau khi chỗi dậy từ cõi chết, Chúa lại hiện đến, chúc bình an, thổi hơi thông ban ân sủng Thánh Thần, sai các Tông đồ đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đòi dấu chứng của Tôma, Chúa còn hiện ra cùng hai môn đệ đang chán nản ê chề, quay gót trở về làng Emmau. Qua việc giải thích Thánh Kinh, Chúa đã hâm nóng niềm tin và tình yêu mà hành trình thập giá cùng cái chết của Chúa đã làm xóa nhòa, mờ nhạt nơi họ. Qua việc bẻ bánh, Chúa giúp họ nhận ra Ngài, để càng xác tín mạnh mẽ: Ngài đã chết và nay đã Phục Sinh. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đã làm cho họ mạnh dạn và can đảm, xóa tan đi những ngại ngùng vì đường xa, đêm tối. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh đã giúp họ vượt khó, vượt khổ. Họ lập tức quay trở lại Giêrusalem để loan báo tin vui “Chúa đã sống lại rồi”.

Bởi biết các tông đồ vẫn còn yếu tin, lời loan báo của hai môn đệ làng Emmau sẽ khó thuyết phục, nên giữa lúc hai môn đệ đang hăm hở kể lại sự việc, thì một lần nữa Chúa Giêsu lại hiện ra giữa các tông đồ và nói: “Bình an cho các con. Này, Thầy đây, đừng sợ”. Vẫn là những lời chào quá thân quen, thế nhưng, vì bối rối, ưu phiền và thất vọng nên họ không nhận ra tiếng Thầy và họ hốt hoảng tưởng Ngài là ma. Chúa Giêsu không trách cứ lòng yếu tin của họ. Ngài phá tan sự ngờ vực trong lòng đoàn tông đồ, bằng sự ôn tồn điềm đạm: “Việc gì mà các con hốt hoảng và bối rối, lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay thầy, chính Thầy đây, hãy sờ mà xem. Ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây?”. Sự hiện diện bằng xương thịt, cùng với các dấu tích của khổ nạn, đã xóa tan những nghi nan sợ hãi nơi lòng các tông đồ, khiến các tông đồ càng xác tín mạnh mẽ Ngài thật là Đức Giêsu Kitô, đã từng ăn uống với họ, nay đã thật sự sống lại. Chúa lên tiếng bảo họ: “Các con có gì ăn không?”. Với khúc cá nướng được trao từ tay các tông đồ, Chúa cầm lấy và ăn trước mặt họ. Sau đó Chúa giải thích Kinh Thánh nói về Đấng Mêsia cho họ hiểu. Rồi Chúa khẳng định sứ vụ của các ông là phải làm chứng, phải loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người: “chính anh em làm chứng về những điều này”.

Đáp lại khát vọng của Chúa, các tông đồ – cụ thể là Phêrô – đã can đảm rao giảng, mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô trước các thính giả: “Đức Giêsu Nazareth chính là Con Thiên Chúa, là Đấng thánh, là Đấng Công Chính nhưng do mê muội họ đã chối bỏ, giết treo Ngài trên thập giá. Nay Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết. Ngài là Đấng Cứu Độ, Đấng ban ơn tha thứ cho mọi người tin, ăn năn sám hối và trở lại”.

“Chính anh em làm chứng về điều này”. Niềm tin Đức Giêsu Kitô Phục Sinh luôn ngời sáng, và soi dẫn bước chân truyền giáo của các tông đồ. Đòn vọt, sỉ nhục không làm các tông đồ nao núng. Đau thương, gian khổ không làm giảm suy lòng nhiệt thành rao giảng về một Đấng cứu độ đã hiến thân chịu chết, để giải thoát muôn người khỏi tội. Và sau 3 ngày Ngài đã Phục Sinh, hằng sống mãi mãi, để ai tin vào Ngài cũng sẽ đạt đến sự sống muôn đời. Cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ luôn hăng say rao giảng, khuyên mời mọi người từ bỏ tội ác, và các ngài sẵn sàng đổ máu đào minh chứng niềm tin vào Đấng Phục Sinh.

“Chính anh em làm chứng về những điều này”. Khi chọn nhóm Mười Hai, là Chúa Giêsu đã chọn cho Ngài những chứng nhân tương lai. Khi sinh chúng con trong ơn gọi làm con Chúa, Chúa giao cho mỗi Kitô hữu chúng con cũng phải tỏa chiếu ánh sáng cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng con phải là nguồn sáng soi rọi những kẻ sống trong tăm tối.

Thế nhưng mỗi Kitô hữu đã thực hiện ơn gọi này ra sao? Đã ở trong ngàn năm thứ ba rồi, mà nhiều người vẫn bước đi trong bóng tối, vẫn sống trong đêm đen, tại sao? Ở thời đại này mà Danh Đức Kitô, và Tin Mừng cứu độ vẫn còn lạ lẫm với rất nhiều tâm hồn. Quanh chúng con vẫn còn biết bao nhiêu người khát khao chân lý, mò mẫm kiếm tìm nhưng vẫn sống ngoài quỹ đạo yêu thương. Tại sao thế?

Lạy Chúa Giêsu, dưới ánh sáng Lời Chúa cùng ít phút hồi tâm kiểm điểm, chúng con thú nhận rằng nhiệm vụ làm chứng Chúa mà Chúa đã tin tưởng giao cho, chúng con chưa chu toàn. Hết thảy chúng con xin cúi đầu tạ tội. Nguyện xin niềm tin Chúa Phục sinh mãi sáng soi đời chúng con. Khởi đi từ đây, nhờ ơn Chúa, chúng con sẽ nỗ lực loan báo danh Ngài bằng cách sống hoàn toàn sự sống Chúa Kitô, trình bày dung nhan Chúa qua đời sống tin, cậy, mến, phản chiếu những giá trị Nước Trời qua cuộc sống chúng con. Ước chi mỗi Kitô hữu đều bắc được nhịp cầu yêu thương, dẫn đưa nhiều người về bến bờ hạnh phúc là chính Chúa.

Hát: Nào cảm tạ Chúa

V. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Chúa Giêsu, Chúa có nỗi khao khát trăn trở là làm sao cho mọi người được hội nhập vào vương quốc của chân lý và tình yêu bất diệt của Chúa. Thế nên, Chúa đã chẳng nề khó khăn nhưng luôn miệt mài loan báo Tin Mừng, giúp những người đương thời nhận ra triều đại Đấng Mêsia đã đến: “Hãy ăn năn sám hối, tin vào Tin Mừng”. Nỗi khao khát cứu độ toàn thể nhân loại, đã thôi thúc Chúa chọn các tông đồ, huấn luyện và sai họ đi tập sự sứ vụ loan báo tình yêu cứu rỗi, để sau này lại kế tục sự nghiệp của Chúa.

“Chính anh em làm chứng về những điều này”. Mỗi Kitô hữu đều được thừa kế sứ vụ cứu rỗi của Chúa. Mỗi Kitô hữu là một  chứng nhân của Đức Kitô. Mỗi Kitô hữu đã cảm nghiệm được ơn cứu rỗi, đều có trách nhiệm Phúc Âm hóa, Kitô hóa trần gian.

“Chính anh em làm chứng về điều này. Làm chứng bằng cách biểu lộ một niềm tin mạnh mẽ, niềm cậy trông vững chắc, và tình mến nồng nàn nơi Chúa. Làm chứng bằng cách chia sẻ cuộc sống của Chúa, lưu lại trong tình yêu Chúa, cầu nguyện liên lỉ, hy sinh chịu đựng gian khổ, chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, quảng đại phục vụ, xây dựng tình huynh đệ giữa mọi người…

Thế nhưng, tại sao đến nay số người tin nhận Chúa vẫn quá ít? Thật ra không phải ai trong chúng con cũng ý thức sâu xa về ơn gọi này, mà cứ nghĩ việc truyền giáo, việc làm chứng là nhiệm vụ của hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, nên chúng con còn nhiều thụ động, lơ là. Hoặc có tham gia góp phần hoạt động tông đồ mà hiệu quả không cao, là bởi lẽ bản thân chúng con chưa là chứng nhân của những điều chúng con rao giảng.

Nếu chúng con chưa đổi mới chính mình, thì làm sao có thể đổi mới người anh em. Thế nên đến nay việc làm chứng, việc loan báo Tin Mừng vẫn được coi như nhiệm vụ mới bắt đầu.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những vô tâm, vô tình, những chểnh mảng của chúng con trong sứ mạng làm chứng.

Nguyện từ đây chúng con mượn tâm tình của thánh Phaolô làm phương châm để sống: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng lời Chúa”. Xin ban ơn giúp sức, xin ban ơn giúp sức. Xin tình yêu Đức Kitô thúc bách, để chúng con dùng toàn bộ đời sống mà rao giảng, lôi cuốn mọi người về cùng hồng ân cứu độ của Chúa. Amen.

Hát: Ngài sai tôi đi vào đời

Comments are closed.

phone-icon