Chương V: VÀI BIẾN CỐ TRONG NĂM 1908
Vào đầu năm học 1908, mỗi trẻ em đều thích thú sưu tầm các tấm thiệp. Chúng đua nhau thu góp để xem ai là người có chiếc hộp đẹp nhất và có nhiều thiệp nhất. Chúng lấy làm hãnh diện vì có nhiều thiệp. Vì thế, mỗi khi chúng được các sơ tặng cho một tấm thiệp là chúng sung sướng vô cùng. Thỉnh thoảng, các bạn gái đem hộp thiệp của mình tới trường khoe với các bạn, và có khi chúng cũng đổi thiệp cho nhau nữa.
Một ngày nọ, cô bé ngồi cạnh tôi đem tới trường cái hộp đẹp đựng đầy thiệp, Lucy mở hộp cho chúng tôi xem. Trong giờ chơi, cô giải thích tại sao cô đã có nhiều như thế. Rồi chúng tôi trở lại lớp học. Tiết cuối, Lucy phải ra ngoài để lấy bài học đàn dương cầm. Khi Lucy vừa đi khỏi, tôi thấy đứa bạn ngồi cạnh Lucy lấy chiếc hộp của Lucy bỏ vào túi mình. Tôi thấy rõ việc đó, nhưng vì bận rộn với bài vở, nên tôi quên béng đi mất. Sau khi tan học chúng tôi trở về nhà.
Chiều đến chúng tôi lại tới trường. Trong giờ chơi, tôi nghe các bạn bàn tán với nhau rằng : Lucy đã mất hộp thiệp và cô kết án tôi là đứa ăn cắp. Tôi nhớ rõ việc đã xảy ra vào sáng hôm đó, và tôi biết rõ đứa bạn ngồi bên cạnh Lucy đã lấy chiếc hộp ấy. Thế rồi, ở một góc sân trường, các bạn gái vây quanh Lucy, cảm thông với Lucy. Trong khi đó tôi bị bỏ rơi ở một góc đối diện. Tôi cảm thấy nhục nhã, cay đắng vì bị kết án sai, và bị các bạn nhìn với thái độ chê bai khinh bỉ. Bấy giờ tôi cảm thấy phẫn uất muốn bảo vệ thanh danh của mình, khi thấy thủ phạm đang đứng giữa đám bạn để nhìn tôi với cái nhìn đó. Đến lúc này các sơ vẫn chưa tìm ra ai là thủ phạm. Quá tức giận, tôi quyết định sẽ đưa thưa với mẹ Raphael về kẻ đã lấy hộp thiệp của Lucy. Tôi sẽ thêm rằng tôi đã thấy cô ta lấy nhưng cô ta đã kết án tôi.
Nhưng tôi không thể cất bước thực hiện ý định này vì ngay lúc ấy, “Người Bạn Mới” chống lại dự định của tôi. Tôi nhìn lên người, tôi thấy người có vẻ không hài lòng. Tôi không hiểu tại sao người không chấp nhận ý muốn bảo vệ thanh danh của tôi. Đến bây giờ tôi mới hiểu rằng : Người không muốn tôi tự bào chữa cho tôi bằng cách tố cáo người khác, cho dù đó là sự thật. Lần nữa, “Người Bạn Mới” đã thắng tính tự ái của tôi. Cuối giờ chơi, chúng tôi lại vào lớp học. Tôi vẫn cảm thấy rất xấu hổ, vì các bạn đều nghĩ tôi đã phạm cái tội xấu xa đó. Nhưng “Người Bạn Mới” của tôi lại rất vui. Chính người là sự yên ủi duy nhất của tôi lúc tôi cảm thấy nhục nhã và xấu hổ.
Khi trở về nhà, tôi đã không nói với ai về chuyện này. Đó là thói quen của tôi, mặc dù tôi không có lý do đặc biệt gì để im lặng. Chẳng ai biết chuyện tôi đã bị kết án cả. Một ngày kia, bỗng nhiên Lucy thấy chiếc hộp với các cánh thiệp trên bàn. Lúc ấy, tôi nghĩ : “Chắc Thiên Thần của cô bạn ăn cắp kia đã ra lệnh cho cô trả lại chiếc hộ đó cho Lucy, và cô đã xưng tội này để có thể trở thành bạn của Chúa Giêsu.
Vòng quay ngựa gỗ
Một buổi chiều nọ, các học sinh trong lớp của sơ Eugene đem theo vài xu để đóng góp cho cuộc “họp mặt thân hữu” như nhà trường yêu cầu. Nhưng hôm đó lại không có cuộc họp mặt này. Vì thế, một cô bạn trong lớp phát biểu : “Tại sao chúng ta không đi xuống quảng trường đi một vòng ngựa gỗ, sau đó chúng ta sẽ mua trái cây tại các tiệm gần đó.”
Ý tưởng này được nhiều người hưởng ứng. Tất cả các bạn gái đều nói : “Chúng ta hãy đi tới đó.” Quảng trường rất xa trường học, và xa hơn nhà tôi nữa. Khi đi với các bạn, tôi chợt nhớ ra nên nói với các bạn : “Tôi sẽ về nhà trễ và chắc chắn mẹ tôi sẽ không hài lòng về điều đó. Hơn nữa, tôi không biết đường về nhà.” (Hôm đó chị tôi được nghỉ học). Laila, một người bạn của tôi phản đối ý kiến này, cô nói : “Hết mọi người đều về trễ, như vậy chúng ta sẽ nói rằng hôm nay đi học về trễ.” Mọi người, kể cả tôi đều nhất trí như thế và vui vẻ đi xuống quảng trường, cưỡi ngựa gỗ và mua trái cây ăn.
Quảng trường hôm đó rất đông, nên chúng tôi phải đợi để đến lượt mình đi ngựa gỗ. Sau đó, chúng tôi đi mua trái cây ở quầy hàng gần đó. Chúng tôi rời quảng trường lúc 3 giờ rưỡi cũng là quá muộn rồi nên chúng tôi vội vã ra về. Laila và một cô bạn khác đã dẫn tôi tới góc đường chỗ nhà ông Delelis. Từ chỗ này thì tôi biết đường về nhà.
Mọi sự diễn ra êm xuôi, tôi sung sướng về nhà với cặp sách trên tay. Bất chợt, một ý tưởng thoáng qua làm tôi phân vân : “Tôi sẽ nói với mẹ rằng tôi đã ở trường cả buổi chiều để mẹ không phạt tôi. Chỉ nói dối mẹ thôi mà.” Ý tưởng này đến khi tôi chưa ý thức là tôi có ý nói dối. Nhưng rồi trong đầu tôi lại có những lý do chống lại. Kẻ cám dỗ nhắc tôi : “Các bạn đều làm thế để được tha thứ. Tại sao bạn lại không làm như họ ?” Bị giằng co giữa hai tư tưởng, lương tâm tôi bắt buộc tôi phải giải quyết vấn đề. Tôi nhớ lại câu chuyện sơ Irene đã kể cho tôi hai năm trước đây khi tôi dọn mình chịu lễ lần đầu, về một cậu bé đã bị xuống luyện tội vì đã nói dối. Lúc này, “Người Bạn Mới” không chống đối, nhưng người rất buồn vì tôi sắp cắm gai nhọn vào đầu Chúa. Lập tức, ý tưởng nói dối mẹ tôi biến mất, tôi quyết tâm nói sự thật với mẹ. Tôi vội chạy về và khi tới nhà, tim tôi đập rất mạnh. Lúc ấy, Acacia đi tìm tôi. Tôi đã nói với mẹ tất cả sự thật. Vì không thích thế nên mẹ đã la rầy tôi. Nhưng “Người Bạn Mới” tỏ vẻ hài lòng, nên tôi cũng an bình. Thực ra đã có nhiều lần tôi định nói dối, nhưng nhờ câu chuyện cậu bé bị giam trong luyện tội đã giúp tôi không làm như thế, và “Người Bạn Mới” đã luôn cảnh cáo tôi rằng nói dối là cắm gai nhọn vào đầu Chúa.
Coi xiếc
Năm 1908, một đoàn xiếc đến Jaguarao. Họ đựng lều ở nơi chỉ cách nhà tôi hai dãy phố. Hằng ngày tới trường, tôi đều đi qua chỗ biểu diễn. Ngày nọ, cha cho tôi đi xem xiếc. Sau đó, cha tôi bảo rằng gánh xiếc trình diễn không hay, mà tiền vé lại đắt (dù chỉ vài xu). Ý kiến của tôi lại khác hẳn cha tôi. Tôi nghĩ đây là đoàn xiếc diễn hay nhất thế giới, và tối nào tôi cũng háo hức đi xem.
Tôi thích xem nhiều màn biểu diễn, ví dụ như : những con chó con trèo trên đỉnh của một cái thang dây, rồi nhảy xuống những ô giấy trắng trải rộng do các người tham dự chăng ra. Tôi cũng thích thú khi thấy một cô bé đi trên một trái banh lớn, và một cô lớn hơn treo mình ngược bằng cách móc chân vào một sợi dây, nhưng hay hơn cả là chú hề với bộ mặt dính đầy bột, chú nhào lộn nhanh đến nỗi trông chú giống như trái banh lớn đang quay.
Tôi coi những người biểu diễn là những nhân vật khác thường. Họ rất cao siêu nên mới làm được những trò tuyệt vời như thế, ngay cả mấy đứa nhỏ làm xiếc cũng vậy. Mỗi khi đi học về, tôi đều muốn vào xem đoàn xiếc. Tôi dừng lại ở cổng, nhưng các chị tôi đã kéo tay tôi ra khỏi đó.
Tôi thầm nghĩ : “Thật là thú vị nếu mẹ cho tôi được chơi với các trẻ em làm xiếc. Chúng sẽ trình diễn cho tôi xem và tôi sẽ được ngó mặt các chú hề.” Nhưng tôi biết mẹ không muốn tôi đi xem và Acacia cũng chẳng đưa tôi đi. Vì thế tôi nhất quyết khi nào các chị tôi không học buổi chiều, tôi về nhà một mình thì tôi sẽ đi vào xem đoàn xiếc. Mọi chuyện đã xảy ra như dự tính của tôi.
Hôm ấy khoảng 3 giờ chiều, tôi đi vào cổng của rạp xiếc. Có rất đông người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con. Tôi chắc họ không phải là diễn viên, vì diễn viên phải mặc những trang phục đẹp hơn thế. Lại gần một ông đứng hút thuốc lá ở gần cổng, tôi hỏi : “Thưa ông, có phải ông là chủ đám xiếc không ?” Ông ta đáp : “Phải”. Tôi tiếp : “Cháu thích chú hề và các bạn nhỏ ở đây lắm, cháu làm bạn với họ được không ?” Người đàn ông cười : “Được lắm ! Đến đây, chú sẽ dẫn cháu đến làm quen với họ.” Khi tôi chưa đi qua lối dẫn vào cổng chính thì “Người Bạn Mới” đã ngăn lại. Người kéo tôi theo hướng khác. Thế là tôi bị kéo giữa hai hướng đối nghịch. Người chủ đoàn xiếc kéo tay phải tôi trong khi “Người Bạn Mới” kéo tay trái. Tôi không biết “Người Bạn Mới” đã làm gì với ông chủ đoàn xiếc, tôi chỉ biết rằng bất thình lình, ông ta thả tôi ra và quát to : “Ra khỏi đây !”
Tôi sợ hãi chạy ra khỏi nơi ấy. Khi tới góc phố dẫn về nhà, tôi nhìn lên “Người Bạn Mới”, người có vẻ buồn. Nhưng tôi mau chóng quên biến cố này. Kể từ đó, tôi rất sợ đoàn xiếc. Tôi nhận ra rằng “Người Bạn Mới” đã cứu tôi khỏi nhiều sự dữ lớn lao.
Người Bạn trung thành của con ơi ! Một lần nữa con cám ơn người. Con xin ca tụng tình thương của Thiên Chúa và lòng từ bi của người.
Chiếc trâm bị mất
Câu chuyện tôi sắp kể ra đây liên quan tới ngày sinh nhật của thống tướng Reveileau. Chiều hôm ấy, thống tướng mở tiệc với các màn vũ, có tiết mục được trình diễn tại nhà đại uý Barcelos nên mọi người sẽ tới đó. Cha cho tôi đi theo, lúc đó tôi lên 8 tuổi. Khi tới nhà đại uý Barcelos, cha để tôi ở với nhóm các bà, còn cha nhập bọn với các ông.
Khi mọi người rời nhà đại uý Barcelos để tới nhà thống tướng, tôi cũng lặng lẽ theo họ. Tôi nhớ mình đã mặc quần áo rất đẹp và được trang điểm với cái trâm cài đầu có khắc tên tôi, một kiểu thời trang lúc đó. Khi nhận ra rằng cái trâm của mình bị rơi mất, tôi đi dọc theo mép đường để tìm nó. Lúc đó, đám đông vẫn đi qua nhưng không ai để ý đến việc tôi cúi xuống tìm cái trâm. Sau cùng, họ đã đi khuất mà không nghĩ rằng tôi còn đang tìm cái trâm.
Biết không thể kiếm ra, tôi đành chịu. Khi đó tôi mới nhận ra chỉ còn một mình tôi trên con phố vắng tối thui. Nhưng từ xa, tôi nghe có tiếng thở khe khẽ mỗi lúc một nhỏ dần. Sợ hãi vì bị lạc, tôi vội chạy đi nhưng không hề biết là phải chạy về hướng nào. Tôi đã chạy qua hai dãy phố. Mệt quá, tôi liền ngồi nghỉ và thấy đau ở bên sườn. Tôi dừng bên bức tường của một góc phố để thở. Tôi không gặp một người nào hết. Nhưng rồi chỉ vài phút sau, một bóng người từ cuối đường đang hướng về phía tôi. Nghĩ là cha tôi đang đi kiếm tôi, tôi chạy tới để gặp cha, nhưng “Người Bạn Mới” đã ngăn tôi lại. Vì thế tôi đứng yên tại chỗ. Tôi cảm thấy không chút sợ hãi, trái lại rất bình tĩnh. Tôi yên lặng đợi xem ai đang đi tới. Tôi nhận ra người đó không phải là cha tôi vì ông không có dáng đi như thế. Nhưng là một người đàn ông miệng phì phò thuốc lá, đi lảo đảo trên phố. Lúc đó, tôi không sợ vì “Người Bạn Mới” đang ở với tôi. Người đang đứng trước tôi, tôi nhận ra người. Dù thế tôi vẫn giữ yên lặng vì người muốn tôi thế. Người đàn ông tiến tới chỗ tôi, lẩm bẩm những gì tôi không hiểu, rồi đi ngang qua tôi. Khói thuốc toả ra và ông ta đã không thấy tôi.