Bài 5: Công việc và ngày lễ trong gia đình

0

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO LÝ CHUẨN BỊ CHO NGÀY ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI TẠI MILANO

Bài 5: CÔNG VIỆC VÀ NGÀY LỄ TRONG GIA ĐÌNH

A. Bài hát và lời chào mở đầu
B. Kinh Chúa Thánh Thần
C. Bài đọc Lời Chúa (St 1,26 – 2,4)
26 Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” 29 Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. 30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.” 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. 2,1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất.
2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.
4 Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo. (St 1,26 – 2, 4).

D. Giáo lý Kinh Thánh

1. Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người.Trình thuật Kinh Thánh về nguồn gốc trình bày việc tạo dựng con người, nam và nữ, như là công trình của Thiên Chúa, kết quả của công việc Ngài làm. Thiên Chúa tạo dựng con người khi Ngài làm việc như người thợ gốm nặn ra chiếc bình sành (St 2,7). Và cả khi Ngài ban sự sống cho Dân Ngài là Israel, khi giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Ai Cập và dẫn đưa họ về Đất Hứa, công việc của Thiên Chúa cũng giống như của người mục tử, ra công làm việc bằng cách dẫn đoàn chiên ra đồng cỏ (x. Tv 77, 21).
Công trình tạo dựng của Thiên Chúa được kèm theo lời của Ngài, đúng hơn, nó được thực hiện nhờ lời của Ngài: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” … Và Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh mình…” Những gì Thiên Chúa làm ra, trước tiên không “được dùng” nhưng là để được chiêm ngưỡng. Thiên Chúa nhìn ngắm những gì Ngài đã làm ra đến mức chúng tỏa ánh huy hoàng, Ngài thưởng lãm vẻ đẹp của điều thiện hảo mà Ngài đã tạo dựng nên. Dưới con mắt của Ngài, công việc làm ấy như một kiệt tác.
Người nào còn biết ngạc nhiên vì những kỳ công của thế giới, một cách nào đó họ làm sống lại niềm vui của Thiên Chúa. Cũng thế, ngày nay với đức tin và lòng đơn sơ người nào biết nhìn vẻ đẹp của vũ trụ, họ cũng đồng thời mời gọi người khác nhận biết bàn tay của Thiên Chúa và hiểu rằng vũ trụ này không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên, nhưng đó là công trình đáng yêu của Đấng Tạo Thành dành cho con người, loài thọ tạo không chỉ “tốt lành” như các thọ tạo khác, nhưng còn là “rất tốt lành”.
Lời đi kèm công trình tạo dựng của Thiên Chúa cũng không thể thiếu nơi con người làm việc. Không bao giờ được để cho công việc siết chặt làm nghẹt thở con người đến nỗi phải rơi vào thinh lặng! Mất đi quyền được lên tiếng, người lao động rơi nhào vào phận người nô lệ, vốn là kẻ không được vui hưởng về kết quả công việc mình làm, bởi vì bị ông chủ tước đoạt mất.
Con người phải làm việc, để có thể sống, nhưng những điều kiện làm việc phải cứu vãn và nhất là phải cổ võ phẩm giá của con người họ. Thị trường việc làm ngày nay buộc không ít người, nhất là những người trẻ và phụ nữ, rơi vào những tình trạng luôn bấp bênh, việc làm không cố định và thiếu bảo đảm về mặt kinh tế và xã hội, chỉ những bảo đảm ấy mới giúp các thế hệ trẻ tạo lập gia đình và cho các gia đình sinh sản và dưỡng dục con cái.
Tình trạng gọi là “toàn cầu hóa” đòi hỏi thị trường việc làm phải “uyển chuyển” sao cho thích hợp, thế nhưng hoàn cảnh ấy không biện minh cho tình cảnh thường xuyên “bấp bênh” của những anh chị em chỉ dựa vào “sức lao động” của mình như nguồn lực duy nhất bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống của chính mình và gia đình mình. Phải có những trù liệu xã hội và tổ chức an sinh bảo đảm thích hợp, giúp nền kinh tế lao động phát triển trọn vẹn hơn, hầu giúp cho các gia đình nhất là khi phải sống những giai đoạn thật tế nhị, như khi sinh con, hay khó khăn hơn nữa, như khi lâm bệnh và thất nghiệp, họ có thể trông cậy vào bảo đảm an sinh hợp lý.

2. Thiên Chúa phán với họ… hãy sinh sôi cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.Tạo thành “rất tốt đẹp” không thể chỉ để chiêm ngắm, nhưng cũng còn là một lời mời gọi con người hợp tác. Thực thế, đối với mọi người làm việc là một ơn gọi tham dự vào công trình của Thiên Chúa và, vì thế, đó chính là nơi để được thánh hóa. Khi làm biến đổi thực tại, con người nhận ra rằng thế giới này đến từ Thiên Chúa, là Đấng muốn họ hoàn tất công trình tốt đẹp mà Ngài đã khởi sự. Điều đó có nghĩa là, tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng như là hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay chẳng hạn, không chỉ làm các gia đình mất đi những phương tiện mưu sinh, nhưng còn cản trở con người phát triển chính mình cách trọn vẹn vì kinh nghiệm lao động bị tước mất hay bị lược giản.
Công việc không được đè bẹp con người, nhưng là chính con người được mời gọi qua lao động “thống trị” mặt đất (St 1,28). Toàn thể trái đất được xếp đặt cho con người hưởng dùng để con người, nhờ trí tuệ và nỗ lực của mình, khám phá ra các nguồn tài nguyên thiết yếu để sống và xử dụng chúng thật thích đáng. Để đạt mục đích này, ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta không được quên rằng trái đất được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta như một mảnh vườn để biết quí trọng và vun trồng (St 2,7).
Việc sử dụng có trách nhiệm các tài nguyên thiên nhiên của trái đất, nhằm mục đích phát triển một cách có thể chấp nhận được, ngày nay trở nên một vấn đề ở hàng đầu, “vấn đề môi sinh”. Môi trường thoái hóa tại nhiều vùng trên địa cầu này, việc tăng thêm những mức độ ô nhiễm và các yếu tố tiêu cực khác như việc trái đất này bị hâm nóng quá độ như là những tiếng chuông báo động vang lên gây ý thức về một kiểu phát triển khoa học kỹ thuật nhưng lại coi thường những hệ quả đi kèm nơi các xí nghiệp. Nghiên cứu những chính sách công nghiệp, nông nghiệp và đô thị đặt trọng tâm ở con người và việc bảo tồn tạo thành thiên nhiên là điều kiện không thể bỏ qua để bảo đảm cho các gia đình, ngay từ hôm nay và đặc biệt trong tương lai, có một thế giới có thể ở được và có khả năng tiếp đón.
Sau khi đã làm việc sáu ngày tạo dựng thế giới và con người, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ. Việc Thiên Chúa nghỉ ngơi nhắc nhở con người cần thiết phải tạm ngưng làm việc, để đời sống tôn giáo cá nhân, gia đình, cộng đoàn không bị hy sinh cho các ngẫu tượng thu góp của cải, thăng tiến địa vị, gia tăng quyền lực. Người ta không chỉ sống bằng những mối quan hệ nghề nghiệp, hoạt động kinh tế. Người ta cần có thời giờ để vun trồng những mối quan hệ vô cầu thuộc tình cảm gia đình và những mối liên hệ bạn bè và bà con.
Tại Tây Phương nền văn hóa có xu hướng chủ yếu thực dụng coi cá nhân chỉ trong tương quan với xã hội sản xuất và tiêu thụ: con người thường được nhìn trên phương diện hiệu quả sản xuất nhiều hơn vì, một khi sẵn sàng di động và uyển chuyển về giờ giấc hơn, xét theo tỉ lệ phần trăm, họ tiêu thụ nhiều hơn những người sống trong gia đình.

3. Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (St 1,26), con người, cũng như Thiên Chúa, làm việc và nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi thanh bình và thời gian vui tươi của ngày nghỉ lễ cũng là không gian để tạ ơn Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và Cứu Độ. Dừng công việc lại, con người nhớ tới và cảm nghiệm rằng ở ngay nguồn gốc của hoạt động lao công của họ là hành động sáng tạo của Thiên Chúa. Sự sáng tạo của con người bắt nguồn từ trong gốc rễ Thiên Chúa tạo dựng: chỉ có mình Ngài tạo dựng từ hư không.
Nghỉ ngơi trong Chúa, con người còn tìm lại được tầm mức đúng đắn của việc làm của mình đối với tương quan với người bên cạnh. Lao động là để phục vụ cho các mối liên hệ sâu xa hơn mà Thiên Chúa muốn cho con người thụ tạo. Tấm bánh kiếm được do làm việc không chỉ cho chính mình, nhưng còn để nâng đỡ người khác đang cùng sống với ta. Qua làm việc, vợ chồng nuôi dưỡng mối quan hệ của họ và cuộc sống của con cái. Ngoài ra, làm việc cũng là hành vi công bằng nhờ đó con người tham dự vào thiện ích của xã hội và đóng góp vào thiện ích chung.
Thời gian rảnh rỗi dành cho các mối quan hệ liên vị và xã hội, nghỉ ngơi sau khi làm việc là một cơ hội thích hợp để nuôi dưỡng các tình cảm gia đình, và hơn nữa còn thắt chặt các mối liên hệ bằng hữu với các gia đình khác. Thực thế, nhịp điệu làm việc ngày nay được xác lập bởi một nền kinh tế tiêu thụ đã hạn chế tới mức độ hầu như phá hủy đi, nhất là trong một số nghề nghiệp, không gian của đời sống chung, nhất là trong gia đình. Hoàn cảnh sống hiện thời xem ra như chối bỏ những gì mà cho tới gần đây người ta vẫn tưởng nghĩ. Chúng ta vẫn hằng mong đợi tiến bộ kỹ thuật sẽ làm tăng thêm thời gian rảnh rỗi. Các nhịp độ cuồng nhiệt của công việc, các cuộc đi lại để đến sở làm và trở về nhà, làm giảm thiểu ghê gớm khoảng thời gian để vợ chồng gặp mặt và chia sẻ với nhau cũng như thời gian sống với con cái. Giữa các thách đố gay go nhất của các nước phát triển về kinh tế, có thách đố này: làm sao để quân bình được thời giờ trong gia đình với thời gian làm việc. Trái lại, nhiệm vụ khó khăn của các nước đang trên đà phát triển là làm sao gia tăng sản xuất mà không đánh mất sự phong phú của các mối quan hệ nhân bản, gia đình và cộng đoàn, giải quyết và hòa hợp được mối tương quan giữa gia đình – công việctrong bối cảnh các cuộc di dân ra bên ngoài cũng như bên trong của cùng một xứ sở.

4. Thiên Chúa chúc lành cho họ…Từ trình thuật về tạo thành xuất hiện một nối kết mật thiết giữa tình yêu vợ chồng và hoạt động lao công: quả thật, lời chúc lành của Thiên Chúa hướng đến sự phong nhiêu của đôi vợ chồng và việc làm bá chủ trái đất. Hai lời chúc lành mời gọi chúng ta nhận biết sự tốt lành của đời sống gia đình và đời sống lao động. Bởi thế, Ngài khuyến khích tìm một cách sống sao cho có một sự quân bình và hài hòa giữa gia đình và việc làm. Ngày nay vẫn có những cố gắng đi theo hướng này, thí dụ, ở đâu có thể được và thích hợp, thì người ta có thể sắp xếp lịch làm việc bán thời gian hoặc xin ngày nghỉ phép sao cho phù hợp với bổn phận công việc, và cũng tương ứng với nhu cầu của gia đình. Ta cũng có thể xếp lịch uyển chuyển để tạo được sự quân bình đúng đắn giữa những đòi hỏi của gia đình (nhất là trách nhiệm chăm sóc con cái) và các yêu sách của công việc.
Các đôi vợ chồng được chúc lành để họ nên phong nhiêu và kết trái từ sự phong nhiêu của trái đất. Gia đình, một khi được Thiên Chúa chúc phúc, được mời gọi nhận ra các ơn huệ họ nhận được từ Thiên Chúa. Một cách cụ thể để nhớ đến các ơn lành của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi ơn huệ, đó là khi gia đình cầu nguyện xin Chúa chúc lành vào các bữa ăn. Việc tụ họp lại để ca tụng Thiên Chúa và cám ơn Ngài đã ban cho bữa ăn là một cử chỉ thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc. Đó chính là bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha trên trời là Đấng hằng chăm lo cho con cái mình trên mặt đất này, khi tuôn đổ trên họ ơn sủng biết yêu thương nhau và ban cho họ bánh để nuôi sống.

E. Lắng nghe Giáo Huấn [của Giáo Hội]

Không chỉ làm việc, mà còn chính sự nghỉ lễ là một quyền căn bản và đồng thời là một điều phúc lợi cần thiết cho các cá nhân và cho gia đình của họ. Đó là điều được xác quyết trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám MụcSacramentum Caritatis. Con người, dù là đàn ông hay đàn bà, có giá trị hơn việc làm: họ được dựng nên để hiệp thông và để gặp gỡ. Do đó, ngày Chúa Nhật được lập nên trước hết không như một thời gian tạm nghỉ để xóa đi sự mệt mỏi, cần phải được lấp đầy bằng những hoạt động điên cuồng hay bằng những kinh nghiệm lập dị. Đúng hơn, đó phải như là một ngày của sự nghỉ ngơi và mở ra gặp gỡ, giúp ta tái khám phá tha nhân, cho phép dành thời gian cho liên hệ trong gia đình và bạn bè và cho việc cầu nguyện.

Ý nghĩa của sự nghỉ ngơi và làm việc
Thời đại ngày nay người ta phải hết sức khẩn thiết nhớ rằng Ngày của Chúa cũng là ngày nghỉ ngơi không làm việc. Chúng tôi rất mong ước ngày này được công nhận như thế cả trong xã hội dân sự, như thế để người ta có thể được nghỉ ngơi không dính bén đến các công việc mà không sợ bị trừng phạt. Thật thế, các Kitô hữu không phải là không có liên hệ gì với ý nghĩa của ngày sabat trong truyền thống Do Thái, họ nhìn ngày của Chúa cũng là một ngày nghỉ ngơi, thong dong đối với mọi công việc lao nhọc hằng ngày. Điều này có một ý nghĩa rõ rệt bởi vì nó là một cách tương đối hóa công việc, bởi nó nhắm tới con người như là mục đích: công việc là cho con người chứ không phải con người vì công việc. Dễ thấy ngay từ đó chính con người được bảo vệ và hệ quả là con người được giải phóng khỏi một hình thức nô lệ. Như tôi đã xác quyết rằng “việc làm có tầm quan trọng đầu tiên là để thể hiện con người và để phát triển xã hội, bởi thế nó cần phải luôn được tổ chức và triển khai trong sự kính trọng đầy đủ phẩm giá con người và phục vụ công ích. Đồng thời con người cần phải không để mình nô lệ cho công việc, và không biến công việc thành một thứ ngẫu thần, và cho rằng mình có thể tìm trong công việc ý nghĩa cuối cùng và quyết định cho cuộc sống”. Ngày Chúa Nhật là một ngày dành cho Thiên Chúa, chính trong ngày đó con người hiểu ý nghĩa của cuộc sống mình và của cả việc làm của mình” (Sacramentum Caritatis, 74).

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:
1. Chúng ta có cảm thấy mình được thể hiện trong hoạt động lao công của chúng ta không?
2. Chúng ta có trao đổi với nhau về kinh nghiệm làm việc của mình không?
3. Thi hành nghề nghiệp có đối kháng với các mối liên hệ vợ chồng và gia đình không?
4. Chúng ta có thói quen cầu nguyện vào bữa ăn không? Việc làm phép của ăn có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đồng:
1. Cộng đoàn Kitô giáo chúng ta có quan tâm tới các vấn đề việc làm và kinh tế không?
2. Trong thông điệp Caritas in Veritate, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói về các điều kiện để có một “việc làm xứng đáng” (số 63): chúng ta phải làm thế nào để bảo đảm cho tất cả mọi người một công việc xứng đáng?
3. Uyển chuyển trong vấn đề việc làm là một cơ hội hay một tai họa?
4. Đâu là những hình thức ngẫu tượng trong công việc có ở trong xã hội chúng ta đang sống?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội
H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.
I. Bài hát kết thúc.

Phanxico B. Trần Văn Khả (Dịch từ bản tiếng Ý)

Comments are closed.

phone-icon