Thinh Lặng

0

SỐNG THINH LẶNG

 Bài thuyết trình của Tập sinh Xuân Bích

Chúng ta đang sống trong một thời đại ồn ào náo động: nơi này có tiếng la hét cãi vã chốn chợ đông, nơi kia lại có thêm dàn Karaoke Hifi khuyếch đại âm thanh, nhà bên này có dàn kèn đám cưới, nhà bên kia cũng phải có dàn trống đám ma. Trong nhà, chồng nói một thì vợ nói mười, cha la khe khẽ thì con hét toáng lên cho bàn dân thiên hạ cùng thưởng thức, rồi tiếng con nít khóc, tiếng chó sủa … Bước ra đường thì nào là xe hú còi hét, nào là tiếng gào thét của ban nhạc trẻ tân thời … Ngày đã vậy, đêm đến tưởng đã yên hàn để ngủ một giấc cho thảnh thơi, ai dè ngoài phố lại vọng vào tiếng xe đua inh ỏi, mùa mưa lại thêm tiếng ếch ương rên rỉ sau hè, bên bờ tường lũ ếch nhái lại thi nhau í a tang tình suốt đêm, cộng thêm với tiếng ngáy êm dịu như tiếng máy cưa xẻ gỗ… đã tạo nên bản hoà tấu khủng khiếp đến muốn thủng màng nhĩ và dựng tóc gáy lên.

Trước hình ảnh chung của thời đại chúng ta như thế, con người cảm thấy luôn căng thẳng, dễ cáu giận, bực bội, đến độ triết gia Pascal đã phải thốt lên: “Một trong những nguyên nhân gây phiền phức xáo trộn của con người là vì con người không còn khả năng sống trong thinh lặng nữa.” Đôi khi chúng ta trách thiên nhiên ồn ào, ghét lũ ếch, nhái, dế, ve… nhưng chúng chỉ hoạt động theo bản năng trời định chứ nào có cố tình. Điều đáng nói là con người, bởi chỉ có con người mới biết suy tưởng, biết hướng thượng, biết tự giác, biết nhận thức giá trị cao cả trong thăm thẳm cõi lòng mình và cũng chính con người là loài biết tạo ra nhiều tiếng động nhất, nói nhiều nhất, nói lớn nhất và nói dai nhất.

Trong bối cảnh xã hội như thế, môi trường thanh vắng hay bầu khí trầm lắng của các chùa chiền, tu viện… trở nên điểm son của xã hội để con người tìm đến thư giãn tâm linh. Cách riêng, trong các tu viện Công Giáo, sự thánh thiện được phát sáng ra trong chính cái vẻ trầm mịch của người tu sĩ, một nét thánh thiện “hữu xạ tự nhiên hương.”: nơi các đan viện, sự thinh lặng buộc phải giữ triệt để; nơi các dòng hoạt động, ngoài những giờ khắc buộc thinh lặng ngặt, các tu sĩ cũng cần giữ thinh lặng trong chính những công tác xem ra có vẻ hoạt náo của mình. Vì vậy, trong các dòng hoạt động, tập viện là nơi thật sự cần thinh lặng để tập sinh bắt đầu xây dựng nền móng cho toà nhà nội tâm và luyện tập nhân đức cho suốt đời tu sĩ của mình. Là tập sinh, con mang trong tâm mình thao thức gặp Chúa, con muốn đi sâu vào đời sống nội tâm để đạt đến sự hoàn thiện… Nhưng làm sao con có thể gặp được Chúa, làm sao đời nội tâm của con có thể lớn lên, phát triển và đảm bảo vững chắc nếu con không biết sống trong thinh lặng? Vì chính Thiên Chúa đã thổ lộ: trong sách tiên tri Hosê 2,16 “Này đây Ta sẽ dụ dỗ chúng vào nơi hoang vắng để thỏ thẻ bên tai, nhắc lại mối tình đầu khi chúng theo Ta vào sa mạc ”, và thánh Vicent de Paul cũng đã nói: “Chỉ trong thinh lặng mới nghe được những gì Chúa nói trong tâm hồn mình. Với niềm khát khao lắng nghe được tiếng Chúa thầm thĩ để biết Chúa muốn gì trong hành trình theo Ngài, con xin chia sẻ với Dì Tổng cùng toàn thể gia đình một vài suy tư vụn vặt của con dựa trên tư tưởng của linh mục J.B Đinh Tiến Hướng về Sự Thinh Lặng :

·   Theo nghĩa thông thường, Thinh Lặng là không có tiếng nói, không có âm thanh.

·   Còn theo các nhà tu đức, chính trong cái không tìm kiếm, không định nghĩa chúng ta có khái nệm khác về thinh lặng, đó chính là sự bình an sâu lắng của tâm hồn – nơi đó con người nhận diện được bao điều huyền diệu của con người và vũ trụ.

Từ hai định nghĩa trên, chúng ta đi tới 4 đặc tính của thinh lặng :

1.  Người biết giữ thinh lặng là người tự chủ :

Người ta có thể chinh phục không gian bao la, chế ngự thiên nhiên hùng vĩ và đại dương mênh mông nhưng không dễ khuất phục được cái lưỡi của mình. Người biết im lúc phải im và không nói lúc sẵn miệng muốn nói là người có bản lãnh cao. Chúng ta thường thấy khi gắng sức làm một điều gì hệ trọng hay khi muốn giải quyết một vấn đề lớn, người ta thường lặng im, suy tư và có khi còn nín thở nữa. Đó là cách thức để dồn tập trung suy nghĩ, để nhìn ra những vấn đề mà chỉ trong thinh lặng mới có thể đọc ra được. Con người biết giữ thinh lặng là con người biết làm chủ mình và bắt buộc mình phải đi theo một giòng suy tư đã định. Khi nhìn vào các nhà lãnh đạo, chúng ta sẽ đọc thấy nét tự chủ đó, bởi một khi đã chế ngự được mình thì cũng dễ dàng điều khiển được thế giới. Nhà nhân bản học Franklin nói rằng “chinh phục được con người của mình qua việc giữ thing lặng đúng mức và đúng lúc là một con người chín chắn, có bản lĩnh và mức độ trưởng thành cao. Vì một khi chinh phục được mình rồi thì chinh phục được cả tính tự ái nóng giận của bản thân và khi thắng được bản thân thì cũng có thể vượt lên trên những nghịch cảnh khó khăn khác. Vì vấn đề này, thánh Giacôbê tông đồ cũng có lời nhắn nhủ: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2).

2.  Người thích nghe hơn nói là người khiêm nhường.

Người khiêm nhường thì biết chân nhận cái hay cái đẹp nơi người khác. Khi không nói thì có giờ để nghe và khi nghe, chúng ta khám phá ra điều hay điều tốt nơi tha nhân để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa nơi họ. Càng nghe chúng ta càng thấy được những giới hạn của bản thân, càng học hỏi thêm được bao điều bổ ích. Nhờ lặng im không nói, chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống đón nhận chân lý, Lời Chúa nói và ta qua người khác để làm cuộc sống mình được thăng tiến hơn và chính nhờ khiêm nhường lắng nghe kinh nghiệm của tha nhân mà chúng ta vượt thắng được bao nhiêu nỗi phức tạp trong đời mình.

3.  Người biết giữ thinh lặng là người tế nhị.

Tế nhị là một nét vàng trong cuộc sống, đặc biệt trong cuộc sống cộng đoàn như chúng ta. Khi chúng ta biết tế nhị với nhau, chúng ta cũng dễ dàng có một cung cách tinh tế nhạy bén với Thiên Chúa. Tế nhị là đặc tính xuất phát từ tâm hồn của người biết tôn trọng kẻ khác, biết nhìn đến quyền lợi của người xung quanh. Cho nên khi chúng ta giữ thinh lặng đúng nơi, đúng lúc và đúng mức là chúng ta đang tôn trọng người chị em quanh ta đang cần thinh lặng, chúng ta đang tạo cho người chị em một môi trường sống lành mạnh, thoải mái và dễ thở. Hơn nữa, chính lúc chúng ta thinh lặng là chúng ta đang tạo điều kiện tốt cho chị em đến gần với Chúa trong những khoảnh khắc suy tư cầu nguyện, thư giãn tâm tư, thảnh thơi xác hồn.

1 2

Comments are closed.

phone-icon