VÍ DẦU LẮC LẺO GẬP GHỀNH KHÓ ĐI
Hôm qua, ngày 20.8.2012, các cộng đoàn trong Hội Dòng tôi thay đổi nhân sự. Kẻ đang ở miền núi được sai về thành thị, người đang ở thành thị lại chuyển đến vùng cao … Các em Tập Sinh năm II cũng được sai đi thực tập sứ vụ tại các cộng đoàn. Tiễn các em Tập sinh và chị em lên đường đến nhiệm sở mới để thi hành sứ vụ cho nhiệm khóa 2012 – 2013, ký ức tôi như sống lại cái ngày này 10 năm trước, tôi cũng được các chị lớn tiễn đi sau khi tôi đã hoàn tất việc học tại Học viện. Và sau đó, mỗi năm một lần, tôi lại được nhận một bài sai mới để tiếp tục bước đăng trình thi hành sứ vụ tông đồ của Hội Dòng tại nhiều môi trường khác nhau.
Mỗi khi xe dừng chân ở một Tu xá để “đưa người đến và đón người đi”, từng hình ảnh và thao thức mà tôi đã từng trải nghiệm lại trở về bên tôi, gần thật gần. Tôi nhớ …
Lâu lắm rồi, tôi vô tình đọc được quyển hồi ký: “Bước đầu truyền giáo và khai phá miền cao nguyên KonTum” của linh mục Dourisboure, một thành viên của Hội Thừa Sai Balê. Những trang hồi ký sống động và chân thực đã khiến tôi rất cảm phục các nhà truyền giáo. Những nỗi niềm buồn vui, những gian lao thử thách, những nỗi hiểm nguy … bao quanh đời các ngài đã dệt nên những trang sử tuyệt vời của Hội Thánh Việt Nam. Từng trang hồi ký bi hùng của vị thừa sai là từng lời thúc bách trong tâm tư khiến tôi có cảm giác như mình được Chúa mời gọi lên đường truyền giáo. Từ đó, tôi thích công việc truyền giáo và tôi yêu những bước chân rao giảng Tin Mừng.
Trải qua những năm tháng dài, rồi cũng đến ngày tôi được sai đi đến miền đất truyền giáo qua bài sai đi thực tập lần đầu tiên trong đời tu của tôi. Đặt chân đến đất Thạch Lâm, một giáo điểm của Hội Dòng, lòng tôi cảm thấy một nỗi vui mừng đan xen với bao nỗi âu lo nặng trĩu. Nhìn vùng đất rộng mênh mông với tôi số 7% là người Công Giáo, dân cư đa số nghèo đói, thất học và có rất nhiều vấn đề về tôn giáo … tôi không biết mình sẽ làm gì và sẽ làm được gì bởi tôi biết tôi quá giới hạn, quá bất tài, quá yếu đuối. Nhìn cảnh, nhìn người, tôi chỉ biết cúi đầu xin Chúa ban ơn trợ lực và phó thác tất cả trong tay Ngài.
Một năm trôi qua thật chóng vánh, tôi lại được sai đến một môi trường mới, tham gia vào một mảng sứ vụ mới của Hội Dòng. Ra đi là cơ hội tốt để nhìn lại mọi việc cách rõ ràng hơn bởi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở” nhưng “khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Thơ của Chế Lan Viên). Tôi thường nghĩ về thời gian vắn vỏi tôi được vinh dự hiện diện trên mảnh đất truyền giáo, và mỗi lần như thế, tôi lại thầm tạ ơn Chúa đã ban cho dân tộc Việt niềm tin cao quý đuợc gieo bằng lời nguyện cầu, cùng biết bao hy sinh gian khổ với mồ hôi, nước mắt, máu đào và bằng chính sinh mạng của các nhà truyền giáo. Thực sự, với chỉ 365 ngày, tôi chưa gieo được gì và cũng chưa gặt được chi. Những cố gắng nỗ lực của cộng đoàn và bản thân tôi chỉ như muối bỏ bể, không nhìn thấy kết quả bao nhiêu. Trong khi đó, những khó khăn nguy hiểm của việc truyền giáo cứ như những chiếc lưới giăng mắc trước những bước chân non yếu của người tông đồ. Tôi nhớ những đêm đi làm việc tông đồ ở những họ lẻ cách xa nhà 7 cây rồi 10 cây số, ngoài hai chị em trên một chiếc xe máy đang lướt đi trong mưa gió, trên đường không một bóng người, những ngôi nhà ven đường cửa đóng im ỉm… tôi có cảm tưởng nếu bị tấn công hoặc bị cướp giật thì chẳng có ai biết mà tiếp cứu. Rồi những lần đi thăm viếng, tìm đến những túp lều hiu quạnh ở những nơi thật sự vừa sâu lại vừa xa, đến nơi ở của anh em dân tộc, tôi cảm nhận nỗi vất vả, cực nhọc và cả những bất trắc của người ra đi. Đi “đến với anh em”, để hiểu được trong một cõi nhân sinh của mình và của tha nhân có mấy cõi ba đào và để thấy thương hơn những bước chân truyền giáo và khai phá đầu tiên của các vị thừa sai ngoại quốc cũng như những bước chân âm thầm của những nhà truyền giáo Việt Nam đang từng ngày lặng lẽ gieo một thứ hạt giống quý giá hơn trân châu bảo ngọc.
Nhìn lại một chặng đường đã qua, trong lòng tôi lại dấy lên những thao thức. Tôi tiếc là mình không có đủ sức khỏe và khả năng để chu tòan công việc một cách tốt nhất. Những vấn đề người ta cần đến sự giúp đỡ, tay tôi đã không với tới được để giúp họ. Có những người tìm đến với cộng đoàn tôi vì gia đình rối mù rối mịt, vì quá nghèo đói; người khác thì vì bị chồng hành hạ đánh đập; người nữa thì vì gia đình quá đông tôi không biết phải làm thế nào, khi mà con chị chưa kịp ra thì con em đã khóc mọc tóc, … và cũng có những người tìm đến để tìm kiếm một niềm tin. Mặc dù ai đến với cộng đoàn cũng được đón tiếp và nhận được sự trợ giúp tuỳ theo hoàn cảnh cộng đoàn không phân biệt lương giáo, nhưng tôi thấy công việc truyền giáo vẫn có điều gì đó bế tắc. Tôi thấy những gì đã làm dường như vẫn là những công việc thuộc phần ngọn chứ chưa là công việc thuộc phần gốc. Giúp đỡ được người này về vấn đề này thì lại gặp những vấn nạn khác của người khác. Cứ thế, và cứ thế … Năm này qua đi, năm khác đến, vùng đất truyền giáo vẫn cất tiếng mời gọi và người truyền giáo vẫn tiếp bước nhau đến đó với rất nhiều hy vọng, cố gắng và cũng lắm khi với cả những nỗi âu lo. Để rồi khi ra đi trong lòng lại dấy lên nỗi tiếc nuối vì sau một vụ mùa đầy vất vả, khó nhọc, kết quả thu hoạch chẳng được là bao.
Nhiều khi nản lòng trước những khó khăn của công việc, của hoàn cảnh và trước thất bại của bản thân, tôi lại suy gẫm những lời của Cha Cobes – một thừa sai – gởi cho cha Dourisboure ghi trong tập hồi ký: “Hãy đọc qua lịch sử của các xứ truyền giáo của các Hội Thánh … luôn luôn, cuộc rao truyền phúc âm gặp phải nhiều khó khăn, nhiều bách hại. Nếu nơi nào công cuộc truyền giáo dễ dàng, không gặp khó khăn thử thách thì đó là dấu hiệu Chúa không chúc lành, sẽ không có kết quả bao nhiêu. Nếu quỷ dữ náo động, tru tréo, gầm thét, chính là vì nó sợ, là vì nó cảm thấy công việc đã bị ngưng trệ. Can đảm, khiêm nhường, tin cậy nơi Chúa, chúng ta sẽ đạt được mục đích, bất chấp quỷ dữ, và cái khó hơn nữa, bất chấp tội lỗi của chúng ta”. Kinh nghiệm của các ngài khiến tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Tôi an lòng hơn khi thấy Chúa vẫn dùng những tôi người yếu đuối tội lỗi như tôi để rao giảng Tin Mừng cứu độ của Người. Tôi vui hơn khi Chúa cho tôi được góp phần thực hiện chương trình tình thương của Người nơi tha nhân. Trong năm đi thực tập trên đất truyền giáo, tôi học được bài học phó thác, cậy trông bởi vì đó là đặc tính không thể thiếu được của một người truyền giáo, như cha Dourisboure chia sẻ: “Chúa đã muốn cho tôi không được quên rằng một thừa sai thì phải luôn tin cậy vào sự quan phòng của Chúa, Ngài là Đấng biết rõ số tóc trên đầu ta và không để một sợi nào rụng xuống mà không có phép riêng”.
Năm nay, với quyết tâm năm của toàn Hội Dòng: “Sống cầu nguyện và loan báo Lời Chúa”, tôi lại nghĩ đến những nẻo đường truyền giáo gập ghềnh vì vượt suối băng rừng, vì ra khơi giữa “biển cả sóng dữ”, vì cái khó của đời sống chứng nhân Tin Mừng và cả vì “lòng người còn ngại núi e sông”… Thế nhưng, cho dầu có lắc lẻo gập ghềnh, công cuộc truyền giáo đã, đang và sẽ được tiếp nối bởi những người tâm huyết với việc truyền giáo : lớp này nằm xuống đã có lớp khác đứng lên, người này nản lòng đã có người kia khích lệ dìu dắt đỡ nâng. Các bậc tiền nhân đã chẳng nề khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng đổ máu đào và cả mạng sống quí giá của mình để gieo trồng và bảo vệ gia sản đức tin cho tôi cháu … Được thừa hưởng một truyền thống cao quý như thế, tôi tự thấy mình có trách nhiệm với công việc truyền giáo, tôi lại tiếp tục được mời gọi “lên đường”. “Lên đường”, dẫu biết nẻo đường phía trước thật gập ghềnh mà đôi chân trần non yếu dễ té ngã; dẫu biết sẽ có lúc tôi nản lòng chùn chân bước; dẫu biết sẽ có lúc tôi phải nếm cảm cái vị đắng của người môn đệ “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì”. Chúa đã cất tiếng gọi tôi, cho tôi được cộng tác với Ngài bất chấp những yếu hèn khiếm khuyết của bản thân tôi, bất chấp tội lỗi của tôi. Và lúc này đây, lắng nghe Lời Chúa, tôi lại muốn lên đường với một nhiệt tâm tông đồ mới, chấp nhận trở nên khí cụ trong tay Người với tâm tình khiêm hạ phó thác và cậy tin vào sự trợ lực của Chúa Thánh Linh để tôi có thể: “chạy đi khắp thế gian và la lớn tiếng với mọi người rằng: có Một Người đã chết vì bạn (ĐHV, 95)”.
Sr. Maria Bích Thu, OP