Đề tài Tĩnh tâm tháng 12/2012:
ĐỨNG THẲNG – TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Kính thưa Bề trên và chị em,
Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta đã thực sự bước vào Mùa Vọng của Niên Lịch Phụng vụ mới 2013. Mùa Vọng là mùa hồng ân, mùa của niềm vui và hy vọng. Mùa Vọng không những giúp chúng ta sống lại biến cố Con Thiên Chúa đến trần gian cách đây hơn 2000 năm, nhưng còn hướng lòng chúng ta về Ngày Cánh Chung—ngày mà Thiên Chúa sẽ ngự đến trong vinh quang để ân thưởng người lành và xét xử kẻ dữ. Như vậy, để được ra đón Chúa trong ngày Ngài quang lâm chúng ta phải chuẩn bị gì và có thái độ nào? Bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời rõ ràng và chính xác.
I. LỜI CHÚA: CN I Mùa Vọng C (Lc 21, 25-28. 34-36)
(25)“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. (26)Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. (27)Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (28)Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
(34)“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, (35)vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. (36) Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đử sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong Diễn từ Chung Luận (Lc 21, 5-36), trong đó Đức Giêsu tiên báo những biến cố sẽ xảy ra cho vũ trụ trong ngày “Con Người đến.” Vào ngày trọng đại đó, những thế lực mà xưa nay con người tin rằng bền vững trường tồn như mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển khơi… đều rung chuyển và tan biến đi để nhường chỗ cho vinh quang của Đấng Cứu Độ. Trước cảnh hãi hùng đó, những ai không có niềm tin sẽ hoang mang sợ hãi, còn những ai tin và đặt hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa thì vui mừng và tin tưởng vì “giờ cứu độ đã đến.” Sở dĩ những người tin có thể đứng thẳng, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng trong ngày Chúa quang lâm, vì họ đãbiết đề phòng, không để lòng mình bị chi phối bởi những cái tạm thời thế tục, nhưng luôn tỉnh thức đợi chờ và cầu nguyện không ngưng nghỉ (Lc 21,34-36). Như thế, để chuẩn bị cho “ngày Chúa đến,” điều kiện tiên quyết Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ đó là: đứng thẳng, tỉnh thức và cầu nguyện.
1. Tại sao phải “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”?
“Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28) là sứ điệp Đức Giêsu khao khát gửi đến những ai đặt niềm tin và hy vọng nơi Ngài. Vì ngày tái hiện của “Con Người đầy quyền năng và vinh quang” là ngày hạnh ngộ giữa Thiên Chúa Tình Yêu và những ai yêu mến Ngài, ngày mà những người tin vào Đức Giêsu đã mong đợi từ lâu, để được diện kiến Đấng lòng họ yêu mến, Đấng họ chưa được giáp mặt mà chỉ thấy trong lòng tin. Vì thế, khi ra đón “Người Yêu” trong ngày quang lâm, họ phải “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” để chiêm ngắm Ngài trong tư thế của một con người tự do, một người luôn sống “theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,15) của Thiên Chúa.
“Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” là tư thế của người môn đệ can đảm, lạc quan và hy vọng. Để trở thành môn đệ Đức Kitô, điều kiện tiên quyết là phải “đứng thẳng” nghĩa là phải can đảm. Can đảm đối phó với mọi nghịch cảnh, khó khăn và quyết liệt dứt khoát từ bỏ mọi quyến rũ bất chính. Can đảm để đi vào con đường hẹp của Tin Mừng, con đường chẳng mấy ai đi, và chấp nhận thân phận của hạt lúa, chết đi để sinh nhiều bông hạt khác. Can đảm giữ vững đức tin trước bao thử thách, cám dỗ. Người môn đệ Đức Giêsu còn phải “ngẩng đầu lên” trong tư thế của con người lạc quan và hy vọng. Hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng làm cho tất cả đều thành sự, vì “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).
“Đứng thẳng và ngẩng đầu lên” là động thái dứt mình khỏi những đam mê bất chính để vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn.[1] Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta đừng để những bận tâm lo lắng sự đời làm chúng ta quên mất ngày quang lâm của Chúa. Như thế, để có thể “đứng thẳng” trong “ngày Chúa đến,” chúng ta cần cởi bỏ những gì đang trói buộc cũng như ý thức tình trạng tội lỗi của mình, để xin Chúa giúp chúng ta đứng dậy. Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận xét: “Cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội.” Nếu không ý thức việc mình vấp té thì làm sao có chuyện quyết tâm chỗi dậy; không biết mình ngã quỵ, thì làm sao có chuyện cố gắng đứng lên. Vì thế, muốn sống một đời sống viên mãn trong Chúa, chúng ta phải biết từng ngày đứng lên vươn tới một tương lai tốt đẹp, để kiếm tìm điều thiện hảo hơn đó là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (Mt 6,25-34).
Là môn đệ Đức Giêsu, là những người đang thao thức đi đón Chúa, chúng ta đang trong tư thế nào: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” như những con người tự do hay, vì một lý do nào đó đang “còng lưng” như những người nô lệ?
2. Tỉnh thức là gì?
Lời khuyên “Hãy tỉnh thức” là một trong những sứ điệp chính yếu của Đức Giêsu. Trong câu chuyện người đầy tớ trung tín (Lc 12, 35-48), Đức Giêsu cho thấy tỉnh thức là: chăm chú và ý thức vào công việc mình đang làm, như đầy tớ khôn ngoan và trung tín, chăm chú làm việc để khi chủ về bất cứ giờ nào ngay cả lúc đêm khuya, người đầy tớ ấy vẫn biết chuẩn bị trước những điều chủ cần, đáp ứng được những gì chủ muốn, và sẵn sàng ngay với cả những điều chủ ưa thích. Như thế, tỉnh thức là tư thế của người môn đệ trung tín đang làm việc với tình yêu và ý thức rằng mình đang đợi Chúa đến.
Tỉnh thức là luôn sẵn sàng bắt tay vào việc. Chúa như ông chủ đi vắng và giao cho chúng ta được toàn quyền trông coi tài sản và gia nhân của Ngài.[2] Ngài trao trách nhiệm cho chúng ta trông coi Hội Dòng, chị em trong cộng đoàn, anh chị em trong các đoàn thể tại giáo xứ, trường học, bệnh viện …. Theo nghĩa này, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh chị em, và đáp ứng những nhu cầu đó kịp thời, đúng lúc. Tỉnh thức là nhận ra Chúa qua mọi dấu chỉ thời đại, nhận ra tác động của Chúa trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, sắc tộc, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng một xã hội công bằng và yêu thương hơn.
Tỉnh thức là sáng suốt phân định, không mê ngủ. Xã hội hôm nay có nhiều thứ làm cho con người ngủ mê, và quên đi phẩm giá và mục đích cuộc đời mình. Con người ngày nay đang ngủ mê trong trào lưu văn hóa hưởng thụ, vô thần, vật chất, thuyết tương đối và văn hóa sự chết.[3] Những trào lưu văn hóa đó đang kéo con người xa rời Thiên Chúa. Nhiều người hôm nay chỉ lo thu tích của cải, quyền lực, danh vọng như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống. Thiên Chúa thực sự không còn chỗ đứng trong đời họ!
Sống trong một thế giới như thế, Đức Giêsu không ngừng nhắc nhở chúng ta “hãy tỉnh thức.” Tỉnh thức để biết tích cực sống với tinh thần ý thức trách nhiệm, biết chọn lựa cái đúng không theo suy nghĩ trần thế mà theo giá trị Tin Mừng, đồng thời sống tốt mối tương quan với Chúa và mọi người trong tình bác ái, yêu thương, quảng đại, tha thứ,… để ngay trong trường hợp Chúa đến bất ngờ, chúng ta vẫn luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Ngược lại, nếu chúng ta cứ chạy theo danh vọng, chức quyền, của cải, cứ mãi mê lo lắng cho sức khỏe, công việc,… thì khi Chúa đến như “chiếc lưới bất thần chụp xuống” ai sẽ giải cứu chúng ta đây?
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người nhìn lại xem chúng ta đang “thức” hay đang “ngủ” trước sự quang lâm từng ngày, từng giờ của Chúa trong cuộc đời mỗi người? Chúng ta hiện đang “thức” hay “ngủ” trước nhu cầu của chị em trong cộng đoàn, và trước những bức bách, gian khổ của những người chúng ta được sai đến để phục vụ?
3. Tại sao phải “Cầu nguyện luôn”?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra những lý do tại sao phải “cầu nguyện luôn.” Đó là: cầu nguyện để xin ơn sức mạnh hầu chiến đấu và chiến thắng sự dữ, đồng thời có đủ can đảm để “đứng vững trước mặt Con Người” (c. 36). Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Chúa trong tình yêu.[4] Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết, là nhận biết mình yếu đuối và cậy dựa vào Chúa nhiều hơn. Nhờ cầu nguyện, chúng ta có thái độ tỉnh thức trong đời sống hằng ngày, nhạy bén với tiếng Chúa gọi mời qua những biến cố cuộc sống, luôn tìm làm đẹp lòng Chúa bằng những hành động yêu thương, dấn thân phục vụ anh chị em.
Hiện nay, do ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, nhiều người nghĩ rằng cầu nguyện là nói cho Chúa biết nhu cầu của mình, và Chúa phải có trách nhiệm ban cho họ những gì họ xin. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Thánh Cha Benedicto XVI nói về việc cầu nguyện như sau: “Khi Chúa bảo chúng ta ‘phải cầu nguyện luôn,’ hiển nhiên Ngài không đòi chúng ta phải không ngừng kể lể những lời cầu xin, nhưng Ngài thúc giục chúng ta đừng bao giờ đánh mất mối tương giao ngày càng sâu đậm trong tình thân với Chúa. Cầu nguyện có nghĩa là lớn lên trong tình thân mật ấy.”[5] Thật vậy, cầu nguyện là gắn kết với Thiên Chúa trong tình thân mật, để từ đó Thiên Chúa khơi mở cho chúng ta biết Ngài muốn chúng ta làm gì. Cầu nguyện là tiếp nhận sức mạnh, đón lấy tình yêu của Chúa để ra đi dấn thân phục vụ Chúa nơi tha nhân. Như vậy, nhờ kiên trì cầu nguyện, chúng ta vượt qua những cản trở để thánh ý Chúa thành toàn trong đời sống thường ngày của chúng ta.
Hiện diện trên trần gian, Đức Giêsu đã trở thành mẫu gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện liên lỉ để hiểu rõ thánh ý Cha, để sống dưới ánh sáng và sự hướng dẫn của Cha. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc: Trước khi khởi đầu sứ vụ rao giảng, Ngài dành 40 đêm ngày để kết hợp với Cha (Mc 1,12-13); trước khi chọn gọi 12 Tông đồ, Ngài cầu nguyện thâu đêm (Lc 6,12); để bắt đầu một ngày mới, Ngài cũng tìm đến Cha trong cầu nguyện. Ngài đến với Cha để tâm sự về gánh nặng công việc, về nỗi đau khổ của nhân loại, về cuộc chiến chống lại sự dữ, chống lại satan. Chính trong giây phút tăm tối nhất tại vườn Cây Dầu, Đức Giêsu đã cầu nguyện để ý Cha tỏ hiện, để xin Cha thêm sức cho Ngài tiến vào hành trình Thập Giá. Nhờ kết hợp với Cha trong cầu nguyện, Đức Giêsu đã được sức mạnh và quyền năng của Cha nâng đỡ, giúp Ngài hoàn trọn chương trình cứu độ nhân loại.
Là những người bước theo Đức Kitô trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta được mời gọi kết thân với Thiên Chúa ngày càng mật thiết hơn. Bởi vì, như lời Chân Phước Gioan Phaolô II đã xác quyết: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình.”[6] Trên thực tế, chúng ta ai cũng biết, mục đích của đời tu là để gặp Chúa, đáp trả lại tình yêu của Chúa, mà chúng ta chỉ có thể thực hiện được những điều này nhờ cầu nguyện. Nói cách khác, đời tu chỉ thực sự phát triển đến mức thành toàn nếu được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Trở lại với bản thân, chúng ta tự hỏi đời sống cầu nguyện hay kết thân với Chúa của chúng ta hiện nay như thế nào? Đời cầu nguyện ấy có đủ sức giúp chúng ta “đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày của Ngài không?
Lạy Chúa, Chúa muốn tất cả chúng con hiên ngang sống, can đảm ngẩng đầu lên trong niềm tin và niềm tự hào của những người tin cậy, tín thác vào lòng xót thương của Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết sống tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, để nhờ ơn Chúa, chúng con xứng đáng ra nghênh đón Chúa với niềm vui và hy vọng trong ngày Chúa “lại đến” trong vinh quang. Amen
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN CỘNG ĐOÀN
1. Duyệt quyết tâm tháng 11.
2. Mùa Vọng là thời gian ân phúc để mỗi người chúng ta kiểm điểm lại đời sống của chính mình, cũng như của cộng đoàn; trang bị cho mình, cho cộng đoàn những hành trang cần thiết để có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” trong ngày Chúa đến. Vậy tôi và cộng đoàn tôi cần trang bị những gì để đón Chúa đến trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay, và nhất là đón Chúa đến trong từng phút giây của cuộc sống hiện tại của mỗi người.
3. Chọn quyết tâm tháng 12.
[1] Giuse Nguyễn Văn Nghĩa. “Hãy Đứng Thẳng và Ngửng Đầu Lên.” Trích Bài giảng CN I Mùa Vong C, tr. 76
[2] TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Tỉnh thức và Cầu Nguyện. Trích tại HTTP://TAMLINHVAODOI.NET/
[3] Joseph Trần Việt Hùng. Thức Tỉnh Cầu Nguyện. Trích HTTP://WWW.DUNGLAC.ORG/
[4] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2559.
[5] Đức Thánh Cha Beneditô XVI. Thư gửi các Chủng sinh ngày 18 tháng 10 năm 2010.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II. Tông huấn về đời sống Thánh hiến số 103.