THẾ NÀO LÀ TINH THẦN PHÚC ÂM?
Bức tâm thư LXXVIII – LXXIX, ngày 1-1-1969
Trích: Huấn đức của Cha Linh Hướng Giuse Phạm Phúc Huyền
Kính gửi:
Mẹ Bề Trên, các Bà và toàn thể chị em phúc lành của Rất Thánh Trái Tim Chúa và Đức Mẹ!
Chúng con thân yêu trong hai Trái Tim Cực Thánh!
Trong bức tâm thư 77, cha đã dựa theo Thánh Kinh, Giáo Luật và Văn thư Tòa Thánh, để nói với chúng con về điều kiện cốt yếu phải có cho được làm Ban Tổng Quản Trị Dòng là tinh thần Phúc Âm, vì không có tinh thần Phúc Âm tức không có ơn Thiên Triệu ở Bậc Dòng hoặc đã mất tinh thần Phúc Âm, tức đã mất ơn Thiên Triệu ở bậc Dòng.
Nay vì việc phải đến là Đại Hội Đồng đang đến, nên để giúp chúng con hiểu rõ vấn đề hơn, cha xin nói: Thế nào là tinh thần Phúc Âm?
Công Đồng Vaticano II đã trả lời rất gọn ghẽ, khúc chiết và đầy đủ là: “Sống theo Chúa Kytô như Chúa đã dạy trong Phúc Âm”( PC 2a). Thế là rõ ràng cụ thể cho những ai biết Phúc Âm.
Nếu muốn nói dài hơn ra chút nữa, để hiểu rõ phải áp dụng Phúc Âm vào đời sống con người hằng ngày,thời có thể nói: “Sống theo Chúa trong ba nhân đức: Vâng lời, Sạch sẽ, Khó khăn là ba nhân đức Dòng, nghĩa là ba nhân đức đặc biệt của người Dòng, vì “bậc Dòng thành sự ở ba nhân đức ấy, để giữ ba lời khuyên Phúc Âm” nên cũng gọi là ba nhân đức trọn lành Phúc Âm, nghĩa là ai giữ trọn được ba nhân đức ấy, thì kể là đạt được sự trọn lành Phúc Âm. Người thành tâm mến Chúa cách trọn hảo không những bằng lòng đặt mình sống theo sát ba nhân đức ấy, mà còn lấy lời thề hứa, thường được gọi là lời khấn Dòng, để buộc mình cách khăng khít bền chặt nữa. Cũng vì thế mà theo Giáo luật C 487 (bản Roneo số 258) những tổ chức tu trì nào có khấn ba nhân đức: Vâng lời, Sạch sẽ, Khó khăn mới gọi là Hội Dòng (Religio), còn nếu không khấn như thế thì chỉ gọi là Tu hội (Societas ) thôi (C 673) – Bản Roneo số 197).
Nói cách khác, tinh thần Phúc Âm là tinh thần thực thi đức Vâng lời, Sạch sẽ và Khó khăn theo gương Chúa Kytô.
1. VỀ VÂNG LỜI: VÂNG LỜI AI?
Thứ nhất là vâng lời Chúa như Chúa dạy trong Phúc Âm: “Ta bảo thật cho các ngươi hay: trước khi trời đất qua đi, dầu một chấm, một phết trong lề luật cũng không bỏ qua được, vì mọi sự phải được hoàn thành đã, cho nên hễ ai hủy bỏ một điều rất nhỏ mọn nào trong những giới răn này và dạy người ta làm như thế thì sẽ là kẻ rốt hết trên nước Trời; còn ai làm và dạy người ta làm như thế,thì sẽ là kẻ lớn nhất trên nước Trời” (Mt 5,18-19)
Chúa còn răn đe: “Ta bảo thật cho các ngươi hay: Nếu các ngươi không ăn ở chính trực hơn bọn thông giáo và Pharisiêu, các ngươi sẽ chẳng được vào nước Trời” (Mt 5,20).
Ôi! Chúa là Đấng cực Thánh cho đến nỗi: “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh” (Kinh Vinh Danh), nên Lời Chúa cũng là Lời Cực Thánh và có quyền lực thánh hóa ta. Hẳn chị em còn nhớ lời Mẹ Maria, Mẹ Từ Bi Thương Xót phán với chị Josepha: “Chính mẹ đã đề phòng, không để cho con đốt nó đấy! (đó là cuốn sổ tay chị ghi các điều Chúa dạy). “Vì khi Chúa Giêsu nói những lời ấy, thì cả Thiên Đàng đã phải kính cẩn nghe… Khi con vất nó (xuống bếp), Mẹ đã phải nhặt lấy…vì là những lời của Con Mẹ. Mẹ có ý để ở dưới thế này cho các linh hồn khác được nhờ; chứ nếu không, Mẹ đã đưa về Thiên Đàng rồi” (Đại học Thánh Tâm tháng 9).
Những lời Chúa phán riêng với chị Josefa còn phải tôn trọng đến thế, huống nữa là những lời trong Phúc Âm Chúa phán dạy công khai cho cả nhân loại, chị em nghĩ sao?
Thứ hai là vâng lời Giáo hội, tức là các Đấng Bề Trên trong Giáo hội mà Chúa đã trao quyền coi sóc dậy dỗ chị em thay mặt Chúa, gồm hàng Giáo Phẩm, kể từ Đức Cha trở xuống, các Bề Trên trong Dòng và các vị Đại diện của các Ngài. Về điểm này chị em phải lấy Đức Tin mà vâng lời Chúa ở trong các Bề Trên mà Chúa đã đóng ấn bằng lời Chúa phán với Phêrô: “Thầy trao chìa khóa nước Trời cho con, bất cứ điều gì con con buộc dưới đất, trên Trời cũng buộc. Điều gì con tha dưới đất, trên trời cũng tha” (Mt 16,19). Và lời: “Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khinh các con là khinh Thầy, và ai khinh Thầy là khinh chính Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16) .
Hơn nữa, để bảo đảm Nước Trời, chị em còn vì tình yêu mến thiết tha mà gắn bó khăng khít với Chúa bằng Lời Khấn nữa. Đây tuy là gánh nặng quá sức đối với người đời, hay với người không có tinh thần Phúc Âm, nhưng tình yêu đã đến làm nhẹ hẳn đi cho chị em, bởi vì: “Không ai yêu bằng kẻ chết vì người mình yêu” (Jo 15,13) – Chính Chúa Giêsu vì yêu ta “đã vâng lời cho đến chết trên khổ giá” vì ta (Phil 2,8).
Muốn giải thích rõ về đức Vâng lời, Chúa đã phán với chị Benigna: “Cha ban các ơn trọng đó cho con, chẳng phải lẽ gì khác, một chỉ tại con hằng giữ trọn Đức Vâng lời”. “Một việc cỏn con làm bởi giữ phép nhà có thể thành nguồn muôn ơn cả thể”. “Ai giữ đúng luật nhà luôn thì như rước lễ luôn, vì hễ giữ điều gì như luật dạy thì lại được thêm ơn nghĩa Chúa”.
“Cha yêu đức vâng lời lắm lắm, hễ gặp đức ấy ở đâu, thì cha lấy đấy làm nơi khoái lạc. Các điều Bề Trên dạy, con chớ bỏ qua điều nào… Con phải tin rằng: Cha đã để quyền Cha trong tay Bề Trên, cho dù Bề Trên không giỏi. Hễ đã được chọn làm Bề Trên, ấy là người đại diện Cha rồi…”.
“Cha phát ơn thánh cha qua tay Bề Trên … linh hồn nào hợp nhất với Người thì được lãnh”. “Cách Cha Vâng lời Đức Mẹ xưa là gương cho chị em vâng lời Bề Trên đấy”.
Sợ chị hiểu lầm, Chúa lại nói thêm: “Chính Cha bảo con xin phép ăn chay, nhưng nếu Bề Trên không cho thì con phải cứ lời Bề Trên bảo, chứ đừng làm như Cha muốn” (Tình Cha nhắn nhủ, trang 61- 63).
Thật là rõ ràng, nếu chị em muốn thành tâm mến Chúa và được Chúa yêu, hẳn không còn thể thắc mắc gì được nữa, nhưng để chị em khỏi bị lường gạt vì nhân tình, vì thế thái, vì thời cuộc, vì thiên kiến, Cha xin nhắn riêng về việc đọc và thi hành các Văn Thư Tòa Thánh nói về Dòng mà Hiến Pháp số 168 và 384 đã ấn định theo Giáo luật C 509 (số 175)
Kém vâng lời là kém thinh thần Phúc Âm, kém thinh thần Dòng. Hết vâng lời là hết tinh thần Phúc Âm, hết là người Dòng; bởi vì Đức Vâng lời đã không còn, thì đức Sạch sẽ và Khó khăn cũng biến luôn.
TINH THẦN VÂNG LỜI PHÚC ÂM LÀ:
- “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng sai Ta,để hoàn thành công việc Người” (Jo 4,34)
- “Ta từ Trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jo 6,38).
- “Ta không cầu theo ý Ta, nhưng cầu theo ý Đấng sai Ta” (Jo 5,30)
- Lời cầu nguyện trong vườn Giệtsimani trước khi vào tử nạn, là một bài học thực hành nhất cho ta trên đường trọn lành, nhất là khi gặp oan trái đau khổ: “Lạy Cha! Nếu đẹp lòng Cha, xin cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con” (Mt 26,39).
Chúa mới ra mẫu cho ta cầu nguyện: “Xin vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy”.
Ôi! đức Vâng lời làm ta nên cao trọng chừng nào vì đây là lời bởi miệng Đấng chân thật phán: “Hễ ai làm theo ý Cha Ta ở trên trời,thì người ấy là anh em, chị em Ta và là mẹ Ta nữa” (Mt 12,50)
Mẹ Thánh Catharina đệ Sienna thấu hiểu giá trị đức Vâng lời như thế, nên đã kêu lên: “Ôi vinh hiển thay đức Vâng lời! Một nhân đức gồm tóm mọi nhân đức … bao quát cả trên trời dưới đất, nhờ đấy mà Thiên đàng được rộng mở”.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã vâng lời cho đến chết, để cứu nhân loại cho chị em hiểu để vâng lời mà thánh hóa bản thân và thánh hóa tha nhân như sứ mệnh làm nhân chứng Phúc Âm đòi buộc.
II. VỀ ĐỨC SẠCH SẼ
Chúa đã thấu tỏ hơn ai hết về cảm tình cùa con người xác thịt và giác quan, khi Chúa dựng cho con người một trái tim, luôn luôn hoạt động để sống và để yêu. Thực ra, Chúa có ý dựng nên loài người để loài người thờ phượng làm sáng danh Chúa ở đời này và để hưởng Chúa ngày sau. Nhưng loài người đã sớm lạm dụng tình cảm để phản bội Chúa. Ngay từ đầu, Adong đã nể Evà mà ăn quả Chúa cấm (Gen 3,6). Mặc dầu Chúa đã răn đe: “Nếu ăn sẽ phải chết” (Gen 2,17). Lụt đại hồng thủy đời Noê là một tang chứng lịch sử nữa về tội cảm tình xác thịt mà Kinh Thánh đã ghi rõ phẫn nộ của Thiên Chúa: “Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc vật,côn trùng, chim trời; Ta tự trách đã dựng nên chúng” (Gen 6, 7).
Chưa hết, vì như rửa thế gian bằng nước không đủ sạch vết nhơ của tội nhục dục, Thiên Chúa còn thiêu hủy cả thành Sodoma, Gomorrha và các miền phụ cận nữa. Vụ hỏa táng này cũng được Thánh kinh ghi lại tỉ mỉ: “Chúa làm mưa lửa diêm sinh từ trời xuống thiêu hủy tân tiệt; cả đồng bằng,cùng dân sự lẫn cây cối” (Gen 19,24- 25).
Thế cho ta hiểu, (xin phép Chúa nói theo kiểu loài người) Thiên Chúa rút kinh nghiệm, khi sai con một Người xuống thế gian, đã ra luật nghiêm khắc về tội cảm tình xác thịt thế nào:
- Nhìn xem mà có lòng tà,đã là phạm tội tà dâm rồi (Mt 5,28).
- Nên mắt, nếu là dịp tội, cũng phải khoét. Tay,nếu là dịp tội, cũng phải chặt mà vứt đi (Mt 5,29- 30).
Cho nên khi sai môn đệ đi giảng đạo Chúa dặn: “Đừng đem vàng bạc, tiền nong trong lưng. Đừng mang túi, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy, đừng cầm gậy” (Mt 10,9- 10).
Đừng bảo các môn đệ là những người nghèo xác nghèo xơ, còn có gì mà mang, thì sao Chúa chả phải nói thế? Không đâu, người thanh niên giàu có đến xin Chúa chỉ đường trọn lành, Chúa cũng nói thế: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài đi, đem thí cho kẻ khó, rồi hãy đến theo Ta” (Mt 19, 21). Hơn nữa Chúa con nói như rủa người mê của: “Ta nói thật với các ngươi: kẻ giàu có khó vào nước Trời lắm. Ta nhắc lại lần nữa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Trời” (Mt 19,23-24). Và nữa, những lời Chúa phán sau đây lại không đáng sợ hay sao: “Khốn cho các ngươi là người giàu có,vì đã được yên ủi rồi. Khốn cho các ngươi, vì đã được no nê… Khốn cho các ngươi vì rày đã được hả hê tươi cười…” (Lc 24-25).
Thấy khó, quá môn đệ cũng thở dài chán nản: “Ngặt quá vậy thì ai mà rỗi linh hồn được? Chúa trả lời: Loài người không làm nổi đâu, chỉ có Thiên Chúa mới được mọi sự” (Mt 19,25-26).
Thế cho biết rằng: “Chỉ ai có ơn Thiên Triệu đặc biệt mới có thể ở bậc Dòng để sống theo đức Khó nghèo trọn lành Phúc Âm được, chứ không phải cứ kéo nhau ồ ạt vào, rồi tìm cách bóp méo Phúc Âm đi để được sống thoải mái. Vì thế mà Chúa mới phán một câu quyết liệt: “Cho nên hết thảy các ngươi, nếu không từ bỏ hết mọi sự mình có, không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,32).
Thì ra bỏ mọi sự để theo Chúa sống khó nghèo như thế, mới được ngồi trên tòa với Chúa mà phán xét nhân loại bê tha của cải (Mt 19,28) mới được phần thưởng gấp trăm và được vào nước hằng sống (Mt 19,29).
Điều mỉa mai cay đắng nhất là người Dòng đã tự khấn khó nghèo theo sự trọn lành Phúc Âm mà lại còn ngó gần ngó xa, đồng ra đồng vào, tay trao tay chuốc, cho nên, ngay sau lời trên đây Chúa nói luôn: “Nhiều người nhất sẽ xuống bét và nhiều người bét sẽ lên nhất” (Lc 19,30). Thế nghĩa là người khấn khó nghèo vì tham của sẽ mất phần thưởng Phúc Âm, còn người đời không khấn khó nghèo nhưng vui lòng an phận khó nghèo,thì lại được phần thưởng Chúa hứa: “Phúc cho kẻ có lòng khó nghèo vì nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
Gương khó nghèo phúc Âm Chúa Giêsu treo ở “máng cỏ bò lừa”, ở gia đình Nazareth, trong ba năm đi giảng đạo và nhất là trên Thánh Giá là đường các người khấn khó nghèo Phúc Âm phải đi để được nên trọn lành. Nếu chúng ta vì quá bị lôi cuốn bởi vật chất của cải như một số môn đệ xưa, dám cho Lời Chúa là chói tai, không nghe được (Jo 6,61), thì chắc cũng như phần đông các môn đệ xưa có ngày chúng ta phải “rút lui không theo Chúa nữa” (Jo 6,67). Lạy Chúa! Xin đừng để xảy ra như vậy, kẻo chúng con phải tội phản bội Chúa vì tiền của như Juda Tông đồ Chúa xưa, hay phải lờ bỏ Chúa đi như người thanh niên xưa mà Phúc Âm ghi rõ lý do là: “Chỉ vì y có nhiều của quá” Mt 19,22).
IV- Sau cùng, còn một điểm nữa đặc biệt về Phúc Âm, đó là: ĐỨC YÊU THƯƠNG
Tuy trong bậc Dòng không thấy nói có lời khấn đức thương yêu như ba lời khấn: đức Vâng lời, Sạch sẽ, Khó khăn nhưng vì “Đức mến Trọn Lành” mà người ta mới tân hiến cuộc đời để khấn Dòng. Chính đó là lý do tại sao Công Đồng Vaticano II lại đặt tên cho sắc lệnh đặc biệt để Canh Tân thích nghi đời sống Tu trì, là sắc lệnh “Perfectae Caritatis = Đức mến trọn lành”.
Như muốn giải thích cho chúng ta,và đã từng gần hai ngàn năm trước đây rồi,Thánh Paulo Tông đồ đã nói: “dầu tôi nói được hết các thứ tiếng của loài người, dầu biết được cả tiếng các Thiên Thần … Dầu tôi có tài nói tiên tri, thông suốt hết các mầu nhiệm, các khoa học; dầu tôi có Đức tin mạnh đến nỗi đổi núi rời non được; dầu tôi phân phát hết gia tài sản nghiệp cho kẻ khó, hay thí mạng chịu thiêu sinh, nếu tôi không có đức Thương Yêu, mọi sự cũng sẽ trở thành vô ích hết (1Co 13,1-13).
Cho nên không phải vì không khấn đức Thương Yêu, mà được coi là đức Thương Yêu không cần bằng ba nhân đức kia, nhưng trái lại, vì lửa đức Mến Chúa Yêu người nung nấu, thúc bách mà người hết lòng yêu mến mới khấn ba nhân đức Dòng.
Người luật sĩ xưa đã hỏi Chúa: Trong pháp luật, điều nào trọng đại nhất? Sau khi đã trả lời là: “Phải mến Thiên Chúa hết lòng…”, Chúa nói tiếp ngay: Còn điều thứ hai nữa cũng trọng như thế: “Là phải Thương Yêu anh em như chính mình”. Muốn nói rõ hơn, Chúa tuyên bố cách quả quyết: “Tất cả các luật pháp và lời các tiên tri đều bởi hai khoản luật đó mà ra cả” (Mt 22, 35-40). Ngay một em bé cũng đã vẫn thuộc lòng câu: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy. Amen”.
Chính vì thế mà Thánh Paulo nói: “Đức Thương Yêu giữ trọn lề luật” (Rom 13,10). Luật Phúc Âm được gọi là luật Thương Yêu, nên người tự tình sống trong bậc trọn lành Phúc Âm, phải là người tìm sống trong đường “Đức mến trọn lành= Perfectae Caritatis” hơn ai hết, bởi Đức Chúa Giêsu đã công bố công khai như thế: “Thầy truyền cho các con một điều luật mới là hãy Thương Yêu nhau” (Jo 13,34). Hơn nữa Chúa còn ra một biệt hiệu cho người làm môn đệ Chúa: “Thiên hạ sẽ cứ dấu các con Thương Yêu nhau mà nhận ra các con là môn đệ Thầy” (Jo 13,35).
Nhưng luật Thương Yêu Phúc Âm phải được áp dụng vào thực tế như thế nào?
“Phúc cho kẻ hay thương xót,vì sẽ được thương xót” (Mt, 5,7). “Phúc cho kẻ hòa thuận,vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).
“Ai giận anh em mình sẽ bị tòa luận xử, ai mắng anh em mình là đồ mạt kiếp sẽ bị tòa công luận xử. Ai mắng anh em mình là đồ ngu xuẩn sẽ bị gia hình trong hỏa ngục” (Mt 5,22).
“Dầu ngươi đã đến dâng của lễ trên bàn thờ, mới nhớ ra có điều bất bình với anh em, thì cũng hãy để của lễ ở trước bàn thờ mà đi làm hòa với anh em đã, rồi hãy đến dâng của lễ” (Mt 5,23-24).
Thương yêu cho đến nỗi không báo ác: “Hễ ai vả má bên phải, hãy giơ má bên trái nữa. Ai kiện tụng để đoạt áo trong,hãy nhường cả áo ngoài nữa. Ai bắt đi một dặm, hãy đi hai dặm. Ai xin, cứ cho; ai vay, đừng từ chối” (Mt 5,39-42).
“Ta dạy các ngươi: hãy thương yêu kẻ thù nghịch, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ vu vạ cho mình để các ngươi trở nên con cái Cha Cả trên Trời là Đấng khiến mặt trời mọc lên soi cho cả kẻ lành và người dữ cùng làm mưa xuống trên các kẻ chính trực và người gian tà. Nếu chỉ yêu kẻ yêu mình thì còn có công chi? Người ngoại vẫn không làm như thế hay sao? Nếu chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì dân ngoại cũng vẫn làm như thế rồi” (Mt 43-47).
Khi Chúa dạy chúng ta cầu nguyện, Chúa đã không bỏ qua một cơ hội tốt để giúp chúng ta cách dễ dàng, vừa có lợi cho ta,vừa có lợi cho tha nhân: “Xin Cha tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi”. Rồi Chúa giải thích ngay: “Nếu các ngươi tha cho người ta, Cha Cả trên trời mới tha cho các ngươi, bằng nếu các ngươi không tha cho người ta, thì Cha trên trời cũng không tha cho các ngươi đâu” (Mt 6,12-15). Bởi vì “bay lấy đấu nào đong cho người ta, Thiên Chúa cũng sẽ lấy đấu ấy mà đong lại cho bay” (Mt 7,2).
Chính vì thế mà thánh Tông đồ được dựa vào lòng Chúa trong bữa tiệc ly đã lên án nặng nề cho người lỗi đức Thương Yêu: “Ai ghét anh em mình là kẻ giết người và không ai giết người mà lại có sự sống đời đời trong mình được” (1Jo 3,15).
Chúng con thân yêu!
Nếu chúng con thành tín thực tâm, muốn nên trọn lành thánh thiện và khao khát được phần thưởng trọng hậu Chúa hứa trên trời thì chúng con đừng gai mình, nổi ốc, sờn lòng khi thấy Chúa đến đặt ách Vâng lời, Sạch sẽ, Khó khăn, Yêu mến trên chúng con. Bởi vì Chúa phán với chúng con: “Ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng” (Mt 11,30) như muốn giải thích Lời Chúa. Đức Thánh Cha Pio XII khi nói với các giáo sư Dòng Carmes đã gọi ách ấy là “gánh nặng của người khỏe” (VTTT tập IV trang 44, số 4) nghĩa là nặng thật, nhưng vì mến Chúa hết lòng nên được Chúa ban ơn đặc biệt cho để gánh nổi và càng khiêm nhường để cảm tạ và hiên ngang trong Chúa rằng: Gánh tuy nặng mà Chúa cho khỏe nên gánh được và chạy nhanh. Thánh Paulo tông đồ đã được nên mạnh vì ơn Chúa như thế nên Ngài nói: “Tôi làm được hết mọi sự nhờ ở Đấng làm cho tôi nên mạnh” (Phil 4, 13).Và chính Chúa cũng đã giải quyết với Người như thế: “Ơn Ta ban đủ sức cho ngươi” (2 Cor 12,9)
Đọc truyện chị Josefa, hẳn chị em cũng nhớ lời ân tình âu yếm của Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu với người con thơ mọn của Chúa “Josefa ơi! con đừng tự làm khổ mình làm gì, nếu con không rời bỏ cha, thì sức mạnh của cha sẽ tăng cường cho con nên mạnh và quyền lực của Cha là quyền lực của con” (ĐHTT trang 154).
Ước gì Phúc Âm không bị khinh rẻ và xúc phạm!
Ước gì gương Chúa Giêsu không bị coi là thừa!
Ước gì ơn Thiên Triệu làm nhân chứng Phúc Âm không bị phản bội!
Ước gì Lời thề nguyền khi Khấn Dòng không bị bội ước!
Để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động tự do và những sự lạ lùng ở nơi chị em như ở nơi các thánh xưa.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống Hội Dòng nói chung và mỗi chị em nói riêng, một tàn lửa Yêu Mến để nung nấu tình Mến Chúa Yêu Người và hủy giệt mọi cảm tình xác thịt, mọi khuynh hướng xấu,cũng như mọi tội lỗi khuyết điểm mất lòng Chúa để nhân dịp Đại Hội Đồng Canh Tân, một lễ Hiện Xuống mới được thực hiện trên toàn thể Hội Dòng và ở mọi tâm hồn!
Chào: Sống Phúc Âm để làm nhân chứng Phúc Âm trong giai đoạn mới.
Cha Tuyên Úy: Jos Phạm Phúc Huyền
Tích cực: Hy sinh cầu nguyện cho Đại Hội Đồng Canh Tân khai mạc ngày 2-2-1969