Năm Đức tin với thánh Tôma – Bài 49

0

Năm Đức tin với thánh Tôma – Bài 49

Tuyên xưng đức tin đại kết (5) 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Bài hôm nay kết thúc loạt bài trình bày Bản giải thích đại kết kinh Tin kính công đồng Constantinopolis, gồm những tiết còn lại của phần thứ ba: 2/ Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. 3/ Một phép rửa để tha tội. 4/ Người chết sống lại và sự sống đời sau.

———–

PHẦN III. CHÚNG TÔI TIN KÍNH THÁNH THẦN

Tiết 2: Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

A. Thách đố

Việc tuyên xưng ơn cứu rỗi của đức Kitô được ban trong Hội thánh gặp nhiều thách đố trong thời buổi hôm nay:

+ có những người muốn đi tìm đức Kitô ở ngoài Giáo hội;

+ có người tuy muốn thuộc về Hội thánh nhưng họ không thể chấp nhận những luật lệ mà giáo quyền đặt ra;

+ có những phong trào đặc sủng không chấp nhận bất cứ hình thức quyền bính nào trong Hội thánh. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu cũng làm giảm uy tín của Giáo hội rất nhiều.

B. Ý nghĩa

Đức tin về Hội thánh được gắn liền với lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần, nhằm nêu bật sự lệ thuộc của Hội thánh vào tác động của Thánh Thần. Bản kinh Tin kính của công đồng Constantinopolis chứa đựng lời tuyên xưng phong phú về Hội thánh nhất so với các tín biểu khác. Hội thánh được tuyên xưng là “một” đứng trước bao nhiêu chia rẽ vào hồi thế kỷ IV; sự thánh thiện của Hội thánh dựa trên sự kiện nền tảng là Hội thánh thuộc về Thiên Chúa chí thánh; Hội thánh gọi là công giáo là ơn của Chúa ban cho hết mọi người bất kỳ thuộc sắc dân, chủng tộc ngôn ngữ nào; còn tính cách tông truyền đòi hỏi Hội thánh phải trung thành với mẫu mực Phúc âm mà các thánh tông đồ đã rao giảng.

Tân ước đã nói rất nhiều về Hội thánh, cách riêng trong mối liên hệ với Thiên Chúa: Hội thánh là chi thể của đức Kitô, nghĩa là thông dự vào sức sống mới của Đấng Phục sinh; Hội thánh là Dân mới được Chúa chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh (1 Pr 2,9) để loan báo và làm chứng cho Nước trời giữa nhân loại. Hội thánh là một sự thông hiệp họa theo sự thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, hợp nhất trong sự đa dạng của các ngôi vị.

 C. Trong thời đại hôm nay

Hội thánh. Hội thánh là cộng đoàn những người thông hiệp với đức Kitô và trong Ngài, thông hiệp với nhau. Mỗi người gia nhập cộng đoàn ấy nhờ lòng tin vào đức Kitô và lĩnh bí tích rửa tội. Cộng đồng ấy được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của đức Kitô, được gọi làm chứng và phục vụ Tin mừng. Xét vì là một cộng đồng hiện diện trong lịch sử loài người đã không thiếu lần sai sót ơn gọi của mình, Hội thánh được Chúa liên lỉ nhắc nhở, và tăng sức để canh tân đời sống. Thực ra, có những lối hiểu khác nhau về tính cách thánh thiện và yếu đuối của Hội thánh: truyền thống bên Đông phương nhìn Hội thánh trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên không muốn nghe nói đến những khiếm khuyết của Hội thánh; còn Tây phương thì quen duy trì sự đối chọi giữa đức tin về mầu nhiệm Hội thánh với thực tại lịch sử của cộng đồng con người.

Hội thánh là một, bởi vì thuộc về một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Phúc âm. Sự duy nhất của Hội thánh không có nghĩa là đồng nhất nhưng là sự kết tụ hữu cơ của các Giáo hội địa phương với những phong phú đa dạng của chúng. Giáo hội là thánh vì có Thánh Thần ngự trong đó cũng như vì lòng trung tín của Chúa đối với Dân của Ngài sẽ không để cho sa ngã dưới quyền lực ác thần; tuy gồm nên bởi những con người tội lỗi, nhưng mỗi lần lắng nghe lời Chúa, cử hành bí tích, Giáo hội được Chúa chiếm ngự và thanh tẩy cho nên sạch. Giáo hội là công giáo (catholica) bởi vì Đức Kitô, đầy tràn ân sủng và chân lý, hiện diện trong mỗi Giáo hội địa phương, và thúc đẩy nó thông hiệp với hết mọi Giáo hội trên hoàn cầu. Tính cách vũ hoàn đó vượt lên trên mọi biên cương của chủng tộc và quốc gia, tuy bao trùm hết những nét phong phú của các truyền thống văn hóa. Giáo hội là tông truyền vì liên tục với các tông đồ trong sứ mạng rao giảng, phụng tự, chứng tá.

Về tính cách tông truyền, trong lãnh vực đại kết, có những Giáo hội nhấn mạnh tới sự liên tục về giáo huấn của các tông đồ; có những Giáo hội (thí dụ Công giáo và Chính thống) còn đòi hỏi thêm sự kế truyền về chức thánh nữa.

Tiết 3: Một phép rửa để tha tội

 A. Thách đố

Mặc dù tuyên xưng chỉ có một phép rửa, nhưng các Giáo hội Kitô chưa có thể cử hành chung bí tích thánh tẩy, hoặc không nhìn nhận việc cử hành trong các Giáo hội khác, hoặc không nhất thống với nhau về việc rửa tội cho các em bé. Một thách đố khác là phải chăng Thánh Thần Chúa chỉ ban ơn tha tội qua Bí tích Rửa tội mà thôi.

B. Ý nghĩa

Kinh Tin kính dùng động từ “tuyên xưng” (confitemur, homologoumen) khi nói về phép rửa, khác với động từ “tin kính” (credimus in .. dành cho Ba ngôi Thiên Chúa). Kinh tin kính chỉ nhắc tới một bí tích, vì vào thời nguyên thủy, nó được coi là quan trọng nhất trong việc con người bước từ tình trạng tội lỗi sang cuộc sống mới. Dĩ nhiên vào thời Giáo  hội nguyên thủy cũng đã có bí tích thống hối để tha tội, nhưng bí tích này được coi như lặp lại sự cải hoán đã bắt đầu nơi phép rửa tội.

Tân ước nói tới bí tích rửa tội không phải chỉ dưới khía cạnh tha tội mà thôi. Bí tích này còn đưa con người tham dự vào cái chết và phục sinh của đức Kitô (Rm 6,1-11; Cl 2,11-12), mặc lấy đức Kitô (Gl 3,27), được canh tân trong Thánh Thần (Tt 3,5).

 C. Trong thời đại hôm nay

1) Một phép rửa. Ngoài những tương quan với Ba ngôi Thiên Chúa, phép rửa còn đưa con người vào Giáo hội. Do đó mà có sự liên hệ mật thiết giữa một phép rửa với một Giáo hội. Sự khó khăn mà nhiều người Kitô hữu cảm thấy hiện nay là tuy họ được rửa tội nhưng họ không cảm thấy tha thiết mấy với Giáo hội.

2) Để tha tội. Phép rửa chỉ là bước đầu tiên đưa con người từ tội lỗi và tăm tối bước sang sự sống mới, một sự sống cần được phát triển mãi. Trong cuộc đối thoại đại kết có những vấn đề sau đây được nêu lên:

     a) truyền thống lâu đời của các Giáo hội Đông phương và Tây phương gắn liền ba Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể như toàn bộ của tiến trình khai tâm vào đức tin; tuy nhiên, nhiều Giáo hội Tây phương cử hành thánh tẩy tách rời khỏi hai Bí tích kia.

     b) vấn đề rửa tội cho nhi đồng: có những Giáo hội không chấp nhận rửa tội cho trẻ em vì chúng chưa có thể bày tỏ lòng tin đón nhận ơn cứu rỗi; tuy nhiên những Giáo hội thực hành việc rửa tội cho các em thì lập luận rằng ơn thánh cứu rỗi của Chúa đi trước và vượt lên trên cả sự đón nhận về phía con người.

    c) việc tha tội được hiểu như thế nào? đây là cuộc tranh luận về sự công-chính-hóa bên Tây phương từ Lutero. – Cho dù hiểu thế nào đi nữa, ta không thể phủ nhận những giáo huấn của Tân ước về hậu quả của Bí tích Rửa tội, nhờ đó con người được tái sinh trong Thánh Thần, do đó cần sống cuộc đời mới theo Thánh thần hướng dẫn.

Tiết 4: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau

 A. Thách đố

Lời tuyên xưng cuối cùng của kinh Tin kính nói về niềm hy vọng của người Kitô hữu vào một tương lai vượt lên trên những biến thiên của lịch sử. Niềm hy vọng này gặp những thách đố của những người không tin vào sự sống lại, cũng như của bao người hãi hùng trước cái chết hoặc trước viễn ảnh của thế giới bị đe dọa bởi nạn nhân mãn, ô nhiễm môi sinh, đói kém.

B. Ý nghĩa

Trong kinh Tin kính, những lời tuyên xưng về thế giới mai hậu cần được móc nối với phần bàn về Đức Kitô, Đấng sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta tin rằng người chết sẽ sống lại nghĩa là tin rằng ơn cứu rỗi không phải chỉ có ảnh hưởng tới linh hồn mà còn tới cả thế giới hữu hình vật chất nữa. Niềm tin vào việc người chết sẽ sống lại còn lờ mờ trong Cựu ước, nhưng đã trở thành rõ rệt trong Tân ước. Thánh Phaolo đã gắn liền sự phục sinh của Đức Kitô với sự phục sinh của chúng ta (1 Cr 15,12 tt), và coi đó như căn bản của Tin mừng.

 C. Trong thời đại hôm nay

Đức tin Kitô giáo gắn liền với hy vọng: niềm hy vọng ấy dựa trên Đức Kitô, nơi Người Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu rỗi dành cho nhân loại và thế giới.

    1) Người chết sống lại. Niềm tin này có nghĩa là tin người chết sẽ nhận lãnh lại sự sống toàn vẹn (hồn xác), và như vậy tin rằng Thiên Chúa hứa cho con người một tương lai sau khi chết. Thiên Chúa muốn sự sống cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, ta cũng không thể không để ý tới những đoạn văn của Tân ước cảnh cáo nguy cơ của những người bị luận phạt đời đời.

    2) Sự sống trong thế giới sẽ đến. Kinh thánh còn nói tới việc tái tạo vũ trụ: toàn thể vũ trụ sẽ được canh tân trong nước chung kết của Thiên Chúa, khi mà các lực lượng của sự dữ, tội lỗi và sự chết bị diệt trừ; Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.

Các Kitô hữu chia sẻ trong một niềm hy vọng chung ấy, và cố gắng làm chứng cho niềm hy vọng giữa thế giới hôm nay. Giáo hội phải trở nên dấu chỉ của sự hiện diện của những thực tại mai hậu nhờ quyền năng của Thánh Thần: hòa bình, công chính, sự hòa giải yêu thương. Niềm hy vọng đó thúc bách chúng ta dấn thân vào trần thế qua việc xây dựng một thế giới nhân đạo hơn, tuy không bao giờ được đồng hóa một thực tại nhân loại nào với Vương quốc cánh chung của Thiên Chúa.

Comments are closed.

phone-icon