“Tha thứ không thay đổi được quá khứ, nhưng nó mở lối cho tương lai”. (Paul Boese)
Ngày con gái chào đời, người cha vui mừng như có được báu vật trong đời. Lần đầu tiên ẵm bồng con trên tay, ông thầm hứa : “Ba sẽ yêu thương và chăm sóc con suốt đời”. Ông sung sướng hạnh phúc khi cho con ăn, dỗ con khóc, nhìn con ngủ, dẫn con đi chơi, đưa con tới trường, và nhìn thấy con lớn lên mỗi ngày.
Mười 17 tuổi, cô bé đã thành một thiếu nữ xinh đẹp và lãng mạn với mối tình đầu của mình.
Một ngày mưa gió đến, mẹ cô bé sụt sùi báo tin cho chồng : “Anh ơi ! Puifai nhà mình nó có thai … nhưng xin anh hãy độ lượng với con bé’…. Câm lặng, hụt hẫng, đau khổ …có cái gì đó đổ vỡ trong ông.
‘Ba …con xin lỗi’ Puifai run rẩy, chắp tay xin cha tha thứ ,,, ‘Bốp’ cô bé lãnh trọn cái tát giận dữ của người cha. ‘Ba…con xin lỗi’. Cô bé khóc nức nở và chờ đợi cơn thịnh nộ khác … Nhưng không, lần này người cha lại mở rộng vòng tay ôm Puifai vào lòng như ngày nào cô còn bé bỏng.’Cha yêu con… và cha cũng yêu con của con nữa…cha không bao giờ quên lời hứa của mình…’ ông nói với cô trong nước mắt nghẹn ngào …
Đoạn phim ngắn ‘Lời hứa yêu thương’ trên trang www.kosanathai.com chỉ vỏn vẹn có 1 phút, 55giây, nhưng đã đọng lại trong ta những cảm xúc, những nghĩ suy …
Nơi ta được kéo lên…
Ta đã đọc được ở đâu đó rằng : “Gia đình là một nơi không chắc sẽ cho bạn cuộc sống xa hoa, không hứa sẽ cho bạn mọi thứ bạn muốn. Nhưng đó là nơi tình yêu thương và lòng khoan dung là vô hạn, sự che chở, bảo ban luôn hiện diện mỗi khi bạn gục ngã. Đó là ‘chiếc tổ’ xinh xắn vững chắc nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi người …”
Nghiệm ra thấy đúng thật vì gia đình là mối quan hệ ‘máu chảy ruột mềm’ . Trong gia đình người ta sẽ được kéo lên, lỡ như sa chân xuống hố sâu thất bại, sai lầm và tội lỗi. Trong gia đình, người nào mạnh mẽ giỏi giang và thành đạt hơn sẽ có bổn phận bù đắp lại cho ai kém cạnh, thất thế lận đận hơn. Trong gia đình người ta sẽ được chấp nhận dẫu cho có khiếm khuyết, có là ‘cục nợ’ hay ‘thánh giá’ theo cái nhìn đời thường.
Tha thứ mở lối quay về. …
Cuộc đời của Puifai sẽ ra sao nếu em không được gia đình tha thứ ? Em có đủ sức một mình nuôi con khi chẳng có kinh nghiệm lẫn kinh tế ? Em sẽ phải vào bệnh viện để giải quyết sai lầm với lương tâm bị dằn vặt suốt đời ? Em có còn cơ hội để tiếp tục học hành và xây dựng cuộc đời ? Em sẽ trượt dài và lún sâu trong oán hận, bất chấp, buông thả, sai lầm ? Cha mẹ em có thanh thản hơn khi thấy con mình ra xa ?…
‘Tha thứ không thay đổi được quá khứ nhưng nó sẽ mở lối cho tương lai’. (Paulo Boese). Tha thứ là con đường hòa giải. Tha thứ đem lại sự tự do cho tâm hồn. Tha thứ tái tạo lại mối quan hệ có nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ …
Ta tin Puifai sẽ vượt qua được sai lầm của mình, tương lai của em sẽ không mất đi, và theo thời gian, gia đình em sẽ tìm lại được bầu khí bình an, vui tươi hạnh phúc như ngày xưa và có khi còn hơn thế nữa vì khi điều gì chực mất mà có lại thì tự nhiên quí giá hơn. Ta mong dòng tin nhắn thường nghe trên truyền hình : “Con đang ở đâu hãy liên lạc với gia đình. Ba mẹ đã tha thứ và mong con trở về.” Sẽ được lắng nghe và đáp lại.
Vết cắt đã lành, vết sẹo còn đau. …
Hạt cơm ăn còn vãi, bát đũa trong mâm làm sao tránh khỏi va chạm. Chương trình nào mà không có ‘hạt sạn’, kế hoạch nào mà chẳng có chút trục trặc. Trong 100 chữ 0 ta viết lẽ nào cả trăm đều tròn vành vạnh. Vậy nên va vấp là một phần của cuộc sống và đã làm người thì phải có những lầm lỡ cần được thứ tha. Chỉ một thoáng vụng về là có rớt rơi, đổ vỡ. lỡ lời một chút là có mất lòng, trách móc … Khiêm tốn nhận mình không hoàn hảo để bớt săm soi, dòm ngó, chì chiết và thông cảm hơn với nông nổi của người trẻ, lẩn thẩn của người già, gàn dở của đàn ông và chấp nhất của đàn bà …
Nói như thế không nhằm bào chữa cho sai lầm, vẽ đường cho hươu chạy và xuề xòa với tật xấu. Vẫn biết lỗi lầm cần được thứ tha nhưng giả như người ta đừng xúc phạm nhau quá mức, đừng làm khổ nhau dai dẳng, đừng khoét rộng ra những mâu thuẫn… vì như thế người ta sẽ khó quên và khó tha thứ hơn. Vết thương lớn, vết thương sâu, vết thương để lâu ngày … sẽ khó lành, nếu có lành cũng để lại sẹo, và sẹo thì xấu xí và làm người ta khó chịu …
Tin ở tình yêu …
Hình ảnh cuối cùng của đoạn phim ngắn ‘Lời hứa yêu thương’ là hình ảnh gây xúc động nhất. Puifai khóc nức nở trong vòng tay cha mình. Đó không phải là những giọt nước mắt cay đắng và sợ hãi. Nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc. Lỗi lầm của cô để lại trong tâm hồn ông như những dấu chân trên cát và tình yêu của ông thì như biển cả sẽ phủ sóng và làm bằng phẳng lại tất cả. Hình ảnh ấy đẹp quá nên trong ta cứ vang mãi một bài ca :
“…Người đã ra đi có thể trở lại
Vết thương ngày nào có thể liền da,
Nước mắt sẽ thôi rơi, đôi môi lại chín đỏ
Bồi hồi ngày gặp nhau, xua tan đi bao nỗi mong nhớ
Vòng tay yêu thương có thể rộng mở
Bóng mây muộn sầu có thể dần tan …” (Phó Đức Phương)
Tình yêu có phép màu. Tình yêu biến tha thứ thành niềm vui, thành hạnh phúc. Tình yêu đổi mới và sửa chữa những điều dường như không thể. Tình yêu kéo gần lại những khoảng cách, khác biệt để người ta chấp nhận nhau như mỗi người là. Tình yêu cho người ta động lực và lòng can đảm để nói với nhau lời xin lỗi. Tình yêu khiến người ta nhạy cảm hơn với tổn thương của người khác … Bởi lẽ, yêu thương thì ‘nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Yêu thương tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…’ (1Cr 12,31)….
Ta vui vì tâm đắc cho mình được một điều để sống và hy vọng : Tình yêu thì có thể …
Trung Nghị
Trích từ Chuyên đề Don Bosco số 11